Lợi dụng tình trạng ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu ở tỉnh Lạng Sơn nhiều đối tượng đã tiến hành móc nối với các cán bộ, lực lượng thực thi nhiệm vụ ở các cửa khẩu để ép các chủ hàng, tài xế phải chi trả những khoản tiền phí thông quan lên đến hàng trăm triệu đồng để được thông quan trước khiến nhiều người bức xúc.
Đổ mồ hôi, sôi nước mắt là câu nhiều người vẫn thường nhắc khi nói về sự vất vả của người nông dân khi làm ra một vụ mùa. Trồng trọt đến khi thu hoạch đã khổ, nhưng hành trình bán được nông sản, với thương lái Việt cũng chẳng kém phần.
Liên tiếp nhiều tháng qua, tình trạng ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu ở tỉnh Lạng Sơn vẫn chưa thể giải quyết triệt để, khiến các chủ hàng và tài xế như ngồi trên đống lửa, bởi thời gian chờ đợi càng lâu, thiệt hại sẽ càng lớn. Các tài xế phải tìm mọi cách để tằn tiện nhất có thể cho chuỗi ngày bám trụ chờ được thông quan.
Lợi dụng tình hình này, nhiều đối tượng đã tiến hành móc nối với các cán bộ, lực lượng thực thi nhiệm vụ ở các cửa khẩu để ép các chủ hàng, tài xế phải chi trả những khoản tiền phí thông quan, làm luật tới 30 triệu đồng mỗi xe. Cá biệt, một số chủ xe vì muốn đi trước đã bỏ ra từ 100 đến 300 triệu đồng cho các đối tượng này để mua lốt xe đi trước với hi vọng hàng hóa nông sản kịp thông quan trước khi bị hư hỏng.
“Thời điểm cuối năm 2021, hàng ngàn xe container bị tắc biên, không thể thông quan, dẫn đến hậu quả là hàng nông sản của bà con phía nam đưa ra đây để xuất khẩu bị thối, bị hỏng rất nhiều. Tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức các bến bãi cho các doanh nghiệp xếp hàng chờ xuất khẩu. Trong quá trình đó, tâm lý của chủ hàng rất sốt ruột, lo hàng hóa bị thối do chờ đợi xuất khẩu. Từ đó, phát sinh ra các vấn đề tiêu cực trong việc xếp lốt xe, đưa hàng vào khu vực biên giới.
Một số đối tượng đã câu kết với một số cán bộ ở bãi trung chuyển. Có những xe đến sau nhưng lại muốn đi trước, đấy là tâm lý sốt sắng của chủ hàng. Chúng câu kết để thực hiện việc đưa những xe đến sau để xuất khẩu trước. Nó dẫn đến dư luận xã hội khi thông tin được lan truyền thì rất bức xúc, chính quyền lo lắng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính thì họ rất bức xúc trong việc này”, Thượng tá Nguyễn Đình Khải, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lạng Sơn cho báo Thanh Niên biết.
Thượng tá Khải cho hay, đã khởi tố 6 bị can trong vụ án này, trong đó có 2 bị can là cán bộ quản lý đô thị huyện, quản lý bãi trung chuyển.
“Hai cán bộ này cũng rất trẻ, thuộc diện hợp đồng. Do là thấy dễ dàng quá nên họ làm. Phương thức của các đối tượng là thông qua các đối tượng ngoài xã hội, tham gia hoạt động đưa dẫn hàng hóa.
Về bản chất ban đầu là có những chiếc xe hỏng đang chờ trong bãi, chủ xe có nhu cầu quay về. Đối tượng lợi dụng chuyện này, mua lốt xe ấy, chèn xe mới đến vào đó. Thế nhưng nếu tự nhiên thì không thể đi được. Cho nên, đối tượng đã câu móc với cán bộ quản lý của bãi xe và hối lộ để cho xe mới vào của doanh nghiệp mà đối tượng xác nhận được đi trước, đi vào lốt xe ấy. Đúng ra những xe đi theo thứ tự thì xe nào hỏng quay về thì những xe khác phải được đẩy lên. Dẫn đến doanh nghiệp rất bức xúc.
Liên quan đến việc lợi dụng tình trạng ùn ứ hàng hóa tại khu vực cửa khẩu Lạng Sơn để thực hiện việc bán chỗ, ưu tiên cho xe đi trước với giá từ 100 – 300 triệu đồng/xe, trước đó theo báo Người Lao Động, giữa tháng 1/2022, Công an tỉnh Lạng Sơn đã khởi tố, bắt tạm giam 3 bị can, gồm: Đinh Văn Thìn (trú tỉnh Lạng Sơn) về hành vi “Đưa hối lộ”; Lâm Văn Hưởng và Nông Tuấn Anh, đều là cán bộ Đội Trật tự đô thị huyện Cao Lộc (tỉnh Lạng Sơn) cùng về hành vi “Nhận hối lộ”.
Mở rộng điều tra, Cơ quan CSĐT đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Phạm Văn Hoàn (nguyên cán bộ Công an tỉnh Lạng Sơn), Ngô Xuân Trường (cán bộ Hải quan tỉnh Lạng Sơn) và Lê Đức Quỳnh (lao động tự do) về tội “Đưa hối lộ”.
Cơ quan công an tỉnh Lạng Sơn cũng khẳng định đang tiếp tục điều tra các tiêu cực còn tồn tại ở các cửa khẩu của tỉnh này. Nếu phát hiện các vi phạm, làm luật tài xế, cơ quan công an sẽ tiến hành xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Báo Thanh Niên sẽ tiếp tục thông tin đến khán giả trong các bản tin tiếp theo.
Đăng theo ĐKN