Từ chiều qua đến rạng sáng nay 24/8, huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) ghi nhận liên tiếp 12 trận động đất, trận động đất mạnh nhất có độ lớn 4,7 độ richter.
Chưa tới nửa ngày, khu vực huyện Kon Plông ghi nhận liên tiếp 12 trận động đất. (Ảnh: Soha)
Sáng 24/8, theo thông tin từ Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), từ đêm 23/8 và rạng sáng nay, khu vực huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) tiếp tục xảy ra các trận động đất.
Trận động đất ghi nhận mới nhất vào lúc 1 giờ 21 phút 57 giây, có độ lớn 2,5 độ richter, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1km. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0. Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.
Như vậy, tính từ chiều qua đến rạng sáng nay 24/8, tại huyện Kon Plông ghi nhận liên tiếp 12 trận động đất.
Sự xuất hiện liên tiếp của các trận động đất gây lo lắng cho người dân trong khu vực. Nhất là trận động đất có cường độ 4,7 độ richter, xảy ra vào lúc 14 giờ 8 phút 4 giây ngày 23/8. Đây là trận động đất mạnh nhất từ trước đến nay tại tỉnh Kon Tum, gây tiếng động và rung lắc lớn, ảnh hưởng tới khu vực huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam). Nhiều người dân ở Quảng Nam, Đà Nẵng cảm nhận dư chấn rất rõ, rung và lắc trong khoảng 3 - 5 giây.
Anh Hoàng Văn Phước (thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông) cho biết chưa hết bàng hoàng bởi trận động đất. Anh kể: "Tôi cùng mẹ đang xem tivi thấy nhà bỗng rung lắc, đồ đạc rung bần bật. Tôi gọi mẹ chạy ra ngoài cổng vì sợ đổ nhà. May mà không sao".
"Tôi ở trên tầng hai ngôi nhà, cảm nhận rõ rệt trận động đất này, mạnh nhất khoảng 5 giây đầu. Đợt trước ở Pleiku cũng xảy ra một lần động đất có tâm chấn ở Kon Plông rồi nên tôi và gia đình cũng không hoang mang lắm", anh Nguyễn Đức Nghĩa, TP.Pleiku chia sẻ.
Trước đó, chiều 23/8, Thủ tướng Chính phủ đã gửi công điện đến các ban, bộ, ngành, tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Nam về việc ứng phó động đất tại khu vực huyện Kon Plông. Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, địa phương liên quan chủ động triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Xem thêm: Thảm họa của con người đều không phải ngẫu nhiên - Tinh Hoa TV