Ngày 17/6, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nói rằng, đất nước của ông cần chuẩn bị cho “cả đối thoại và đối đầu” với Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Joe Biden, truyền thông nhà nước KCNA đưa tin hôm thứ Sáu ngày 18/6.
Ngày 17/6, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA cho biết, tại cuộc họp toàn thể của ủy ban trung ương Đảng Lao Động, Đảng cầm quyền của Triều Tiên, Kim Jong-un đã vạch ra chiến lược của mình cho mối quan hệ với Washington và “xu hướng chính sách của tân chính quyền Mỹ”.
Ông Kim “nhấn mạnh sự cần thiết phải chuẩn bị cho cả đối thoại và đối đầu, đặc biệt là chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc đối đầu để bảo vệ phẩm giá của nhà nước chúng ta”, cũng như đảm bảo một “môi trường hòa bình” trên bán đảo, KCNA đưa tin.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên “kêu gọi phản ứng nhanh chóng và kịp thời, đối phó với tình hình thay đổi nhanh chóng và tập trung nỗ lực để kiểm soát ổn định tình hình trên bán đảo Triều Tiên”, cơ quan này cho biết.
Bình Nhưỡng đã cáo buộc Biden theo đuổi "chính sách thù địch" và phạm phải "sai lầm lớn" khi nói rằng ông sẽ đối phó với mối đe dọa do chương trình hạt nhân của Triều Tiên "thông qua ngoại giao cũng như biện pháp răn đe cứng rắn".
Giáo sư Yang Moo-jin thuộc Đại học Nghiên cứu Bắc Triều Tiên nhận định, tuyên bố của ông Kim rõ ràng không có bất kỳ từ ngữ nào thể hiện sự thù địch đối với Mỹ hoặc Hàn Quốc, hoặc khoe khoang về kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Mà ngược lại, theo ông Yang, ông Kim tập trung vào việc thúc đẩy ổn định tình hình trên bán đảo Triều Tiên, cũng như mong muốn sớm nối lại đối thoại.
Ông Kim nói rõ lập trường và nguyên tắc chính sách đối ngoại của Triều Tiên “liên quan đến các vấn đề quốc tế và khu vực quan trọng”, đồng thời nhấn mạnh “sự cần thiết phải nâng cao hơn nữa vị trí chiến lược và vai trò tích cực của nhà nước chúng ta và tạo ra môi trường bên ngoài thuận lợi theo các sáng kiến của chúng ta”, KCNA nói.
Ông Yang cho biết, ông Kim dường như đang trăn trở về việc lựa chọn lập trường đúng đắn trong bối cảnh gia tăng cạnh tranh giữa Mỹ và đồng minh truyền thống Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Chính quyền Biden đã hoàn thành việc xem xét chính sách kéo dài nhiều tháng đối với Triều Tiên và cho biết họ sẽ theo đuổi “phương pháp tiếp cận thực tế, có điều chỉnh” nhằm hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.
Kể từ năm 2006, Triều Tiên đã thực hiện sáu vụ thử bom nguyên tử. Nước này đang phải chịu nhiều biện pháp trừng phạt quốc tế vì các chương trình vũ khí bị cấm của mình.
Một báo cáo từ các chuyên gia tình báo Mỹ được công bố vào tháng Tư cho biết, Triều Tiên có thể nối lại các vụ thử hạt nhân trong năm nay như một phương cách buộc chính quyền Biden quay trở lại bàn đàm phán.
im “có thể thực hiện một số hành động gây bất ổn và có khả năng gây mất ổn định để định hình lại môi trường an ninh khu vực và thúc đẩy mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và các đồng minh - bao gồm cả việc nối lại vũ khí hạt nhân và thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM)”, Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ cho biết.
Sung Kim, tân đặc vụ của Mỹ về Triều Tiên, sẽ gặp những người đồng cấp Hàn Quốc và Nhật Bản tại Seoul vào tuần tới để thảo luận về vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
Ông dự kiến sẽ đến Seoul vào thứ Bảy ngày 19/6 trong một chuyến đi kéo dài 5 ngày. Đây sẽ là chuyến công du đầu tiên của ông tới Hàn Quốc kể từ khi nhậm chức Đặc phái viên của Washington về Bình Nhưỡng.
Ông Sung Kim sẽ gặp đặc phái viên hạt nhân hàng đầu của Hàn Quốc, Noh Kyu-duk và người đồng cấp Nhật Bản, Takehiro Funakoshi, riêng biệt vào thứ Hai (21/6) trước cuộc họp ba phía cùng ngày.
Giáo sư Kim Hyun-wook của Học viện Ngoại giao Quốc gia Hàn Quốc cho biết: “Ba phái viên có khả năng sẽ thảo luận về các cách thức để thúc đẩy Triều Tiên trở lại bàn đối thoại vào tháng Tám, chẳng hạn như cắt giảm hoặc ngừng các cuộc tập trận quân sự Mỹ-Hàn Quốc”.
Triều Tiên thường xuyên lên án các cuộc tập trận quân sự hàng năm là chuẩn bị xâm lược miền Bắc.
Em gái Chủ tịch Kim là Kim Yo-jong hồi tháng Ba cho biết “các cuộc tập trận và đối thoại, thù địch và hợp tác không thể tồn tại cùng nhau” khi Hàn Quốc và Mỹ bắt đầu các cuộc tập trận quân sự mùa xuân ở quy mô nhỏ hơn bình thường do đại dịch.
Tổng thống Biden nói rằng, ông sẽ không theo đuổi chính sách người tiền nhiệm là Donald Trump. Ông nói, với một loạt các cuộc gặp trực tiếp với Kim, ông Trump đã tạo được sự chú ý, nhưng ít có tiến triển ngoại giao.
Trong chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tới Washington vào tháng Năm, Tổng thống Biden nói rằng ông sẽ không gặp ông Kim trừ khi có một kế hoạch cụ thể để đàm phán về kho vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Ông Biden đã chỉ trích mối quan hệ thân thiết của Trump với Kim, nói rằng ông ấy “sẽ không lặp lại quá khứ gần đây. Tôi sẽ không cho anh ta tất cả những gì anh ta đang tìm kiếm - đó là sự công nhận của quốc tế”.
Nhà Trắng cho biết họ hiện đang theo đuổi "một phương pháp tiếp cận thực tế, được điều chỉnh" - biệt ngữ ngoại giao, có vẻ như, sáng suốt và cởi mở.
“Chúng tôi hiểu những nỗ lực trước đây gặp khó khăn ở đâu và chúng tôi đã cố gắng học hỏi từ những điều đó”, một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết.
Nguyên Hương
Đăng theo NTDVN