"Không ai muốn chiến tranh, nhưng sự thật khó chịu là chúng ta ngày càng tiến gần hơn tới chiến tranh" (Alexander Neill). Ông Alexander Neill là nhà điều hành của một công ty tư vấn chiến lược tại Singapore, với 20 năm kinh nghiệm tập trung vào lĩnh vực địa chính trị và an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã nhận định rằng một cuộc chiến trên Biển Đông là không thể tránh khỏi dù không ai muốn.
Số phận của Biển Đông có đến mức phải định hình bởi một cuộc chiến?
Thực tế, Trung Quốc ngày một hung hăng trước một Washington đang suy yếu. Dã tâm thực hiện "Giấc mộng Trung Hoa" của ông Tập không thể không thâu tóm vị trí chiến lược thương mại, quân sự của Biển Đông, đặt nó dưới sự trị vì của Bắc Kinh. Trong khi Washington dù suy yếu, nhưng không thể đánh mất vị trí chiến lược có tầm quan trọng hàng đầu về quân sự, thương mại này của Đông Nam Á. Ngoài ra, chính quyền ông Biden cũng không thể 'mất mặt' hơn nữa nếu đánh mất Đông Nam Á, đánh mất quyền lợi của Mỹ ở đây và không bảo vệ được quyền tự do trên biển của cho chính mình và các nước Đông Nam Á nhỏ bé.
Nên nhớ, ông Biden đã để mất Trung Đông khi quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran, một thỏa thuận khơi thông lại lỗ hổng chiến lược về địa chính trị tại Trung Đông: ủng hộ cho thế lực Trung Quốc. Vừa qua, với cú bắt tay 400 tỷ USD của Trung Quốc dành cho Iran, chính quyền có quan hệ mật thiết với khủng bố ở Trung Đông, kẻ thù số 1 của Mỹ tại khu vực này, Trung Quốc phục hưng sức mạnh tại Trung Đông và Mỹ bắt đầu con đường củng cố vị thế “nói mà chẳng ai nghe” tại Trung Đông.
Số phận của Biển Đông có tương tự như Trung Đông trước quyền và tiền của Bắc Kinh?
Vấn đề là với Biển Đông, Trung Quốc không thể đơn giản dùng tiền, buôn lậu vũ khí, tài trợ khủng bố để thâu tóm. Vì các quốc gia có liên quan không phải là Iran. Bởi thế, với Biển Đông sẽ là vấn đề quân sự và rất có thể một cuộc chiến mới đủ sức định hình lại chủ quyền và quyền lợi của nó trước một Trung Quốc "không thể nói chuyện" hiện nay.
Nguyên nhân thứ nhất: thiếu chuyên nghiệp của quân đội Trung Quốc có thể châm ngòi một cuộc chiến
Ông Neill đã dẫn chứng về các cuộc đụng độ vụng về tạo căng thẳng không cần thiết trên Biển Đông và trên không giữa Mỹ - Trung chỉ bởi vì sự non kém của các chỉ huy quân đội Trung Quốc, những vị chỉ huy quân đội mà đông gọi là "hạng B". Có vẻ như sự hung hăng thiếu chuyên nghiệp của họ đã tạo ra căng thẳng leo thang đến mức buộc phải khai hỏa trên Biển Đông. Nhưng đó là góc nhìn của ông Neill. Rất có thể, "sự thiếu chuyên nghiệp" và càn rỡ của họ không chỉ xuất phát từ 'tinh thần đại Hán' thuần túy, nó có thể được Bắc Kinh bật đèn xanh. Suy cho cùng thì Giấc mộng Trung Hoa rất cần thật nhiều những con thiêu thân hung hăng như thế, hiến sinh mệnh của mình bằng một tinh thần đại Hán.
20 trước, một máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã va chạm với một máy bay do thám của Hải quân Hoa Kỳ đang tuần tra gần đảo Hải Nam của Trung Quốc trên Biển Đông.
Phi công máy bay chiến đấu, Wang Wei, nổi tiếng là người thích các thao tác nguy hiểm, đã thiệt mạng và máy bay phản lực của anh ta lao thẳng xuống biển. Chiếc máy bay Mỹ bị hư hại nặng đã may mắn tránh được số phận tương tự khi chỉ huy máy bay của Mỹ giành lại quyền kiểm soát và thực hiện một cuộc hạ cánh mạo hiểm xuống một căn cứ không quân của Trung Quốc trên Hải Nam. 24 thành viên phi hành đoàn đã bị giam giữ trước họng súng của Trung Quốc và phải đối mặt với 10 ngày thẩm vấn.
Sau sự im lặng đáng ngại từ Bắc Kinh, các quan chức quốc phòng và nhà ngoại giao Hoa Kỳ đã điên cuồng đàm phán về việc thả 24 thành viên phi hành đoàn của Mỹ. Máy bay đã được trả lại cho Mỹ trong ba tháng sau đó, thiết bị thu thập thông tin tình báo và mã của máy bay đã được các chuyên gia Trung Quốc kiểm tra kỹ lưỡng.
Sự kiện này cho thấy Trung Quốc có những lỗ hổng lớn trong hiểu biết về cơ chế quản lý khủng hoảng và thiếu vắng kênh liên lạc, đàm thoại trực tiếp với Bắc Kinh. Sau hai mươi năm, theo ông Neill, lỗ hổng này vẫn được Bắc Kinh khăng khăng giữ nguyên. Bởi thế, một cuộc khủng hoảng nhỏ trên Biển Đông có thể bùng lên thành một đám cháy lớn, dẫn tới chiến tranh là kịch bản hoàn toàn có khả năng.
Thượng tá Hải quân Hoa Kỳ John Aquilino, sắp trở thành Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, gần đây đã thừa nhận trong phiên điều trần xác nhận rằng ông không có liên lạc trực tiếp với người đồng cấp Trung Quốc. Có thể yên tâm một chút, Trung Quốc và Mỹ có một số thỏa thuận về các giao thức cho các cuộc gặp gỡ ngoài kế hoạch trên biển và trên không.
Nhưng các nhà lãnh đạo Hải quân Mỹ không chỉ lo lắng về "hành vi ứng xử hạng B" của các chỉ huy thiếu kinh nghiệm thuộc quân đội Trung Quốc mà còn sự thiếu chuyên nghiệp của các thuyền trưởng Trung Quốc đang lang thang trên Biển Đông, hung hăng khai thác trái phép với niềm tin Biển Đông là sân nhà của Trung Quốc. Nỗi lo này của quân đội Mỹ xuất phát từ một loạt các vụ va chạm chết người giữa tàu vận tải biển dân sự Trung Quốc và tàu khu trục của Mỹ trên Biển Đông trong những năm gần đây. Trong khu vực, không có cơ chế quốc tế nào đủ sức thuyết phục để ngăn chặn sự hung hăng của Trung Quốc.
Nguyên nhân thứ hai: Bị bắt nạt và tình thế 'tiến thoái lưỡng nan' của các nước Đông Nam Á khiến Biến đông không thể có hòa bình
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á gồm 10 thành viên, với phản ứng mờ nhạt đến mức tồi tệ đối với chính quyền ở Myanmar, không muốn đưa ra lập trường quyết đoán trong khu vực. Hơn nữa, một số thành viên của Đông Nam Á còn là các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhưng lại ở thế tiến thoái lưỡng nan của nước "tiểu nhược", họ vừa muốn nhận được sự bảo hộ của Mỹ trên Biển Đông nhưng lại vừa không muốn Trung Quốc khó chịu với họ.
Hai thập kỷ sau sự cố Hải Nam, cục diện an ninh ở Biển Đông đã thay đổi đáng kể. Trung Quốc đã hiện diện ở mức 'lấn át' tại khu vực này. Ngoài việc xây dựng các căn cứ quân sự và hải quân tinh vi trên các đảo san hô được khai hoang trái phép, Trung Quốc đã tạo ra các khu vực tài phán mới của chính phủ trên toàn khu vực tranh chấp và nhấn mạnh đến tiện ích dân sự của quần đảo. Thực chất là khoác chiếc áo "dân sự" để thực hiện mọi bước đi quân sự hóa Biển Đông.
Sự yếu nhược của thời cựu thống thống Obama trước Trung Quốc đã giúp Trung Quốc thành công trong chiến lược quân sự hóa Biển Đông này.
Trung Quốc cũng đã phát triển các chiến thuật vùng xám ở Biển Đông - làm mờ các khả năng dân sự và quân sự - với nhiệm vụ sử dụng vũ lực nếu cần thiết để hỗ trợ các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc.
Nguyên nhân thứ ba: Trung Quốc gia tăng thái độ hung hăng giống với thời cựu thống thống Mỹ Obama điều hành, Mỹ và đồng minh không thể đứng nhìn
Một Biển Đông không còn tự do hàng hải sẽ là tổn thất cực lớn cho tất cả các cường quốc, không chỉ riêng Mỹ hay các nước tiểu nhược Đông Nam Á đang sinh tồn trên biển.
Các đội dân quân hàng hải của Trung Quốc, giả dạng đội tàu đánh cá, đã thường xuyên triển khai tới khu vực. Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương sắp mãn nhiệm, Adm. Philip Davidson đã tuyên bố rằng cán cân quân sự khu vực đã trở nên bất lợi cho Mỹ, và một trong những đồng nghiệp đã nghỉ hưu của ông, Adm. James Stavridis, cựu chỉ huy tối cao NATO, cảnh báo rằng Mỹ đang định vị cho cuộc xung đột Trung Quốc trong bài viết " Quân đội Mỹ đang chuẩn bị cho một cuộc chiến với Trung Quốc như thế nào " đăng trên Nikkei Asia ngày 7 tháng 3 vừa qua.
Trong khi đó, các cường quốc châu Âu đã tăng tần suất hiện diện hải quân tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Năm nay, Anh sẽ cử một tàu sân bay được trang bị một biệt đội máy bay chiến đấu F-35 của Thủy quân lục chiến Mỹ đến khu vực, thực hiện các cuộc tập trận chung với bạn bè và đồng minh, bao gồm cả Nhật Bản.
Tàu sân bay được giao nhiệm vụ quan trọng - củng cố hệ thống luật lệ quốc tế - ở Biển Đông có nghĩa là tự do như mọi vùng biển quốc tế khác. Hải quân Hoa Kỳ đã thực hiện các hoạt động tự do hàng hải của riêng mình để khẳng định bằng hành động trước sự ngang ngược của Trung Quốc, đưa các tàu của họ đến gần các căn cứ quân sự mới của Trung Quốc trên Biển Đông. Thật hợp lý khi cho rằng Hải quân Hoàng gia cũng có thể làm như vậy.
Vào tháng Bảy, Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ kỷ niệm một trăm năm thành lập với sự phô trương lớn. Sự xuất hiện của tàu sân bay Anh tại cửa ngõ hàng hải của Trung Quốc với thế giới, trùng với ngày sinh nhật đặc biệt này, sẽ không được chào đón. Các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc sẽ so sánh với các cuộc Chiến tranh Nha phiến và "thế kỷ sỉ nhục" của Trung Quốc dưới bàn tay của các cường quốc, nhằm khơi dậy chủ nghĩa dân tộc, tư tưởng đại Hán và đào tạo ra nhiều hơn nữa các chỉ huy quân đội thiển cận, thiếu chuyên nghiệp, hiếu chiến hạng B.
Có khả năng thực sự là Trung Quốc sẽ tổ chức một cuộc chào đón khó chịu dành cho Tàu HMS Queen Elizabeth, làm hỏng lễ kỷ niệm của quốc phòng Anh về dự phóng sức mạnh mới ở phía đông Suez và làm mất cân bằng chiến lược xoay hướng về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Vương quốc Anh. Trung Quốc đã nhận được rất nhiều cảnh báo về sự xuất hiện của nhóm tàu sân bay, có lẽ rủi ro lớn nhất là khả năng xảy ra một sự cố khác trên biển hoặc trên không. Rủi ro đang tăng theo cấp số nhân và với sự thiếu chuyên nghiệp của các chỉ huy quân đội Trung Quốc, các thiết bị quân sự trên Biển Đông có thể phải khai hỏa.
Trong những năm gần đây, nhiều người trong cộng đồng chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương đã bị thu hút bởi cuộc tranh luận về khả năng Trung Quốc và Mỹ rơi vào cái gọi là bẫy Thucydides (đối đầu 2 siêu cường ), một khái niệm được phổ biến bởi giáo sư Graham Allison của Đại học Harvard. Trong lịch sử, rất ít trường hợp chiến tranh được ngăn chặn giữa một cường quốc đang trỗi dậy và một cường quốc đang cầm quyền, Allison nhận xét rằng cả hai bên đều bị chi phối bởi một "trí tưởng tượng chiến lược gia tăng".
Ghi chú: Bài viết sử dụng một số nhận định và lập luận của tác giả Alexander Neill, điều hành công ty tư vấn chiến lược tại Singapore, đăng trên Nikkei Asia
Lê Minh
Đăng theo NTDVN