Các nhà máy ở Trung Quốc là nguồn cung cấp nguyên liệu chính đối với thuốc kháng sinh, thuốc bệnh tiểu đường, thuốc giảm đau và các loại thuốc khác cho chuỗi cung ứng dược phẩm trên toàn thế giới…
Dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán (còn gọi là COVID-19) đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, phần lớn nền công nghiệp ở Trung Quốc vẫn đang rơi vào tình trạng ngưng trệ, gây ảnh hưởng đến ngành sản xuất dược liệu ngày càng rõ rệt, hình thành mối đe dọa đến chuỗi cung ứng dược phẩm trên toàn thế giới.
Công xưởng Trung Quốc ngưng trệ, nguyên vật liệu dược phẩm bị thiếu hụt
Tình hình dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán đang lan rộng, phần lớn các nhà máy ở Trung Quốc phải đóng cửa, bao gồm nhà máy sản xuất nguyên vật liệu y dược. Hơn nữa, vì để phòng chống dịch bệnh, những chuyến bay và tàu thuyền vận chuyển lui tới Trung Quốc cũng bị đình trệ, gây trở ngại cho việc vận chuyển nguyên vật liệu.
Các nhà máy ở Trung Quốc là nguồn cung cấp nguyên liệu chính đối với thuốc kháng sinh, thuốc bệnh tiểu đường, thuốc giảm đau và các loại thuốc khác cho chuỗi cung ứng dược phẩm trên toàn thế giới. Đây cũng là nơi sản xuất các thành phần hoạt chất dược phẩm lớn nhất thế giới, hoạt chất dược phẩm là thành phần chủ yếu nhất của thuốc.
Ấn Độ là quốc gia xuất khẩu thuốc generic (thuốc phỏng chế được sản xuất khi quyền sở hữu công nghiệp của thuốc đã hết hạn, nhờ đó thường được bán với giá rẻ) lớn nhất trên thế giới, nhưng lại có 70% nguyên liệu sản xuất dược phẩm đến từ Trung Quốc.
Hiện nay, các nhà máy sản xuất thuốc của Trung Quốc đang hoạt động trở lại một cách chậm chạp, theo tờ “The Guardian” của Anh đưa tin, mặc dù các nhà máy ở Ấn Độ đã dự trữ một số nguyên liệu thuốc từ trước Tết Nguyên đán, nhưng số lượng không nhiều, đến cuối tháng Ba này phải bắt đầu chuẩn bị bổ sung hàng hóa.
Theo tờ “Financial Times” của Anh đưa tin, vào trung tuần tháng Hai, nhà máy thuốc Cipla của Ấn Độ đã đưa ra cảnh báo, nếu Trung Quốc ngừng cung cấp nguyên liệu, công nghiệp dược phẩm trên toàn thế giới sẽ đối mặt với nguy cơ ngừng sản xuất.
Ấn Độ đang hạn chế xuất khẩu dược phẩm
Vào ngày 03/03, Ấn Độ đã tuyên bố sẽ hạn chế xuất khẩu 26 loại nguyên liệu thuốc (API) và những loại thuốc pha chế sẵn liên quan, bao gồm Paracetamol. Paracetamol là thành phần hoạt tính của rất nhiều thuốc giảm đau và thuốc hạ sốt, tác dụng của nó là ngăn chặn tín hiệu của trung khu thần kinh, từ đó loại bỏ hoặc giảm bớt đi sự đau đớn.
Bởi vì những loại thành phần này đã trở nên thiếu hụt vào cuối tháng Hai, thế nên động thái này được xem là phản ứng đối với tình trạng thiếu thuốc có thể xảy ra ở Ấn Độ trong thời điểm dịch bệnh bùng phát.
Một công ty sản xuất thuốc ở Ấn Độ chia sẻ, trong ngành sản xuất dược phẩm ở Ấn Độ có hơn 50% sản phẩm là được xuất khẩu, có rất nhiều thuốc là không thể tiêu thụ ở thị trường trong nước. Rất nhiều thuốc bị hạn chế xuất khẩu đều là dược phẩm thông dụng hàng ngày, điều này là để phòng ngừa xuất hiện sự thiếu hụt dược phẩm.
Ông Dinesh Dua – Chủ tịch Hiệp hội Thúc tiến xuất khẩu dược phẩm Ấn Độ nói với Reuters rằng, các loại thuốc và API đang bị chính phủ hạn chế xuất khẩu này trước đây đã được xuất khẩu rộng rãi sang Châu Âu và Mỹ. Thuốc generic Ấn Độ chiếm 26% thị trường điều chế thuốc châu Âu, nhưng hiện nay chính phủ lại đang thi hành quản chế xuất khẩu thuốc, điều này sẽ khiến châu Âu rơi vào tình trạng khủng hoảng.
Cả thế giới đối diện với khủng hoảng thiếu hụt dược phẩm
Rơi vào khủng hoảng dược phẩm không chỉ có châu Âu, năm 2018 tỷ lệ nhập khẩu dược phẩm từ Ấn Độ của Mỹ là 24%, cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ – FDA nói rằng, hiện nay họ đang nghiên cứu tác động của việc hạn chế xuất khẩu thuốc của Ấn Độ đối với Mỹ.
Trong vài tuần qua, FDA đã thông báo cho hơn 180 nhà máy dược phẩm rằng, nếu xuất hiện trường hợp thiếu hụt nguyên liệu, phải thông báo đến cơ quan chức năng, bởi vì có 20 loại nguyên liệu dược phẩm là đến từ Trung Quốc.
Nguyên liệu cho thuốc hạ huyết áp của Mỹ chủ yếu là đến từ Trung Quốc. Tetracyclin, Penicillin và các thuốc kháng sinh có uy tín lâu năm khác không còn được sản xuất tại Mỹ mà được nhập khẩu từ Trung Quốc. Đối với Cephalosporin dùng cho việc điều trị bệnh viêm phổi, các chuyên gia tin rằng Trung Quốc là nhà cung cấp nguyên liệu duy nhất.
Tuy nhiên hiện nay, các nhà máy dược phẩm ở Mỹ vẫn chưa xuất hiện vấn đề về cung ứng, nguyên nhân là do các nhà máy dược phẩm đã nhập khẩu rất nhiều nguyên liệu ở Trung Quốc từ trước Tết Nguyên đán, phần lớn các nhà máy dược phẩm đều dự trữ hàng hóa đủ dùng trong 6 tháng. Nhưng nếu như đến cuối quý II, việc phòng chống dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán ở Trung Quốc vẫn không hiệu quả, các nhà máy chưa thể hoạt động lại bình thường, thì công nghiệp dược phẩm ở Mỹ sẽ bị gián đoạn nguồn cung vật liệu, rất có thể Mỹ sẽ phải quay lại sản xuất nguyên vật liệu dược phẩm.