Thuật ngữ “Hội chứng Munchausen by Proxy” còn có một tên gọi hiện đại là “Bệnh tật do người chăm sóc bịa ra” - đó cũng là một bi kịch đối với cô Julie. Hóa ra, những căn bệnh kỳ lạ trong suốt thời thơ ấu của Julie - mà ngay cả bác sĩ cũng không thể chẩn đoán được - đều do chính người mẹ của cô gây nên...
Các bác sĩ coi hội chứng Munchausen là một chứng rối loạn tâm thần, trong đó một người tìm kiếm sự chú ý thông qua một người khác - đối tượng thường là đứa trẻ và hung thủ là người chăm sóc chính của cháu bé, hầu như luôn là người mẹ.
Theo thời gian, thủ phạm liên tục ngụy tạo các triệu chứng bệnh tật ở con trai hoặc con gái mình - về tinh thần, thể chất hoặc cả hai - rồi đưa đứa trẻ đến bác sĩ này đến bác sĩ khác để được chẩn đoán các tình trạng - mà thủ phạm đã “phát minh” ra.
Đây thật sự là cơn ác mộng đối với bất kỳ đứa trẻ nào, khi “kẻ ác” lại chính là người mẹ thân thương của mình. Và đó chính là căn bệnh tâm thần mà mẹ Julie mắc phải.
Julie Gregory (sinh năm 1969), lớn lên tại vùng nông thôn Ohio. Mãi đến năm 14 tuổi, cô mới biết những bệnh tật suốt thời thơ ấu của mình là do chính mẹ ruột gây ra.
Những cách đầu độc
Gia đình Julie gồm bố mẹ và em trai Danny nhỏ hơn cô khoảng 7 tuổi. Họ sống trong một căn nhà di động cỡ lớn. Xung quanh gia đình không có hàng xóm, do đó Julie không có bất kỳ người bạn thơ ấu nào. Cô sống giữa đồng không mông quạnh, đi bộ bằng chân trần để vui chơi với những con vật nuôi.
Mẹ cô vốn thích ăn diện, nhưng họ lại sống ở nơi hoang vắng, đến nỗi bà hiếm khi có cơ hội trang điểm hay làm tóc.
Còn Julie dường như không thể sống độc lập khỏi mẹ. Ngay từ khi còn nhỏ, bà thường xuyên đưa cô đến gặp bác sĩ và nói với họ rằng có điều gì đó không ổn với sức khỏe của cô. Những chuyến đến phòng khám gần như là thời gian duy nhất mẹ cô được chưng diện.
“Mẹ không chỉ lấy thuốc từ một mà nhiều bác sĩ khác nhau. Dù biết những thuốc nào không nên dùng chung, mẹ vẫn cho tôi uống kết hợp chúng. Đó là cách bà ấy ‘đầu độc’ tôi”, Julie tâm sự.
Mẹ Julie muốn cô ốm liên miên để có cơ hội đưa cô đến phòng khám - nơi bà thường nhận được sự khen ngợi từ các bác sĩ. Họ khiến bà ấy cảm thấy bản thân là một người mẹ tốt, biết chăm sóc con.
Một cách khác để người mẹ làm Julie suy kiệt sức khỏe đó là giảm khẩu phần ăn của cô. “Tôi đã quen với cảnh đi học mà không được ăn sáng. Mẹ cũng chẳng điền đơn xin cho tôi ăn trưa tại trường, do đó tôi phải nhịn đói cả ngày”, Julie kể lại.
Về đến nhà, nhiều lúc cô vẫn không được dùng bữa. Mẹ Julie thường nói cô không được ăn món này, món kia vì “bị dị ứng với chúng”. Những ngày tháng ấy khiến Julie rất gầy gò, ốm yếu và lại càng thêm phụ thuộc vào mẹ mình.
Không nhận được sự trợ giúp nào
Các bạn ở trường hay hỏi Julie rằng có phải cô biếng ăn không. Nhưng tất nhiên là không phải như thế, cô chỉ đơn giản là “không có gì để ăn”. Mẹ cô đơn giản là bỏ đói cô để Julie có thể thực hiện "tốt hơn" trong các bài kiểm tra y tế.
Câu nói mà mẹ cô sử dụng nhiều lần đến mức khiến Julie trở nên ám ảnh: "Hãy tìm hiểu sâu về vấn đề xảy ra với con tôi".
Và khi bà ấy “phát chán” với bác sĩ hiện tại của Julie, bà ấy sẽ nói: "Nhìn này, chết tiệt. Đứa con tôi bị bệnh, được chứ? Cứ nhìn nó mà xem. Và hãy giúp tôi, Chúa ơi, nếu nó chết vì ông (bác sĩ) không thể tìm thấy bệnh, tôi sẽ kiện và khiến ông sát nghiệp".
Julie mô tả tâm lý méo mó đặc trưng của “kẻ bạo hành”: Mẹ cô trước tiên nhận được sự chăm sóc và chú ý của bác sĩ, sau đó bà sẽ đe dọa và cố gắng kiểm soát mối quan hệ bằng cách đổ lỗi cho sự kém chuyên môn hay kết quả xét nghiệm.
Tiếp theo, bà ấy sẽ quay sang Julie và nói: "Nghe này, mẹ đang cố gắng giúp con việc này, hy sinh cả mạng sống của mẹ để tìm ra cái quái gì xảy ra với con. Vì vậy, hãy dừng việc hành động như thể tất cả đều bình thường khi chúng ta vào đây. Hãy cho họ thấy con bị ốm như thế nào và chúng ta hãy tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, được chứ?"
Lớn hơn vài tuổi, Julie đã cố gắng trao đổi chuyện này với một số cố vấn nhà trường, nhưng họ không thực sự tin tưởng cô.
Năm cô lên 10, mẹ cô bắt đầu làm những trò “đầu độc” tương tự đối với cậu em trai Danny của cô. Bà bắt đầu nói rằng Danny bị hen suyễn và khó thở, do đó bà muốn đem cậu bé đi điều trị.
Bố Julie vốn là một người đàn ông chỉ thích ở một mình, bất ngờ đè nghiến cổ tay mẹ cô lên bàn bếp và quát tháo: “Không, cô sẽ không làm điều tương tự với con trai tôi. Thằng bé vẫn rất ổn”.
Julie cũng viết về việc mẹ cô nhiều lần dọa tự tử và cách bà lừa dối mọi người, bao gồm cả bố cô, khiến ông ấy không thể hiểu rõ vấn đề.
Nhưng Julie cho rằng bố cô có thái độ trọng nam khinh nữ, vì vậy, ông chẳng buồn đấu tranh vì cô như cách ông làm cho Danny. Julie sớm trở thành con chuột thí nghiệm của mẹ cô, bị bà ấy đưa tới đưa lui các phòng khám.
Cuộc phẫu thuật tim bất thành
Julie mô tả cách mẹ cô thức khuya, đọc các tạp chí y khoa và sách giáo khoa, thu thập kiến thức mà bà ấy sẽ “giải trình” với các bác sĩ. Julie cũng cho biết cô bị tổn thương về mặt cảm xúc và thể chất do phẫu thuật mũi không cần thiết, cũng như việc cô phải làm các xét nghiệm phẫu thuật tim mạch và niệu khoa.
Năm 12 tuổi, mẹ Julie đưa cô đến gặp một bác sĩ mới. Cô được yêu cầu đứng lên. “Do chưa được ăn uống gì, khi đứng lên, tim tôi đập nhanh và muốn ngất đi”, Julie nhớ lại.
Bác sĩ nói rằng có lẽ cô gặp vấn đề về tim mạch và khuyên nên đi kiểm tra. Mẹ cô nhanh chóng chuyển sự chú ý vào “căn bệnh mới” này của cô . Kể từ hôm đó, đi đâu bà ấy cũng kể rằng cô bị bệnh tim.
Suốt những ngày tháng tiếp theo, Julie phải thực hiện nhiều ECG (kiểm tra chức năng tim). Đến một ngày, mẹ cô quyết định rằng cô cần được phẫu thuật tim.
Năm 14 tuổi, cô nhập viện. Khoảng thời gian nằm trên giường bệnh lại là những kỷ niệm tuyệt vời nhất cuộc đời Julie - được ăn đủ 3 bữa/ngày, chưa kể hoa quả tráng miệng và rất nhiều thạch. Các y tá rất tốt bụng. Còn mẹ cô không thường xuyên ở đó để đánh đập hay kéo tóc cô.
Tuy nhiên, niềm vui chẳng kéo dài bao lâu. Một ngày nọ, một nữ y tá bước vào và nói rằng cô ấy cần cạo lông của Julie để chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật.
Sự bối rối và hoảng sợ khiến Julie cuống quýt kéo chiếc chăn che ngang mặt, hét lên: “Không đâu. Mẹ cháu bịa đặt ra bệnh tật này đấy, chứ cháu không ốm!”
Cả Julie và người y tá đều sững người trong vài giây. Nữ y tá rời khỏi căn phòng. Một lúc sau, cô ấy trở lại với một nhóm y bác sĩ khác. Julie cho biết họ đã đánh thuốc mê cô và gọi gia đình đưa cô trở về nhà.
Vài ngày sau, Julie bị đưa trở lại bệnh viện cùng mẹ và gặp bác sĩ tim mạch.
“Tôi có tin tốt đây. Con gái cô hoàn toàn bình thường. Cô bé không cần phải thực hiện cuộc phẫu thuật”, bác sĩ nói.
“Bác sĩ John, tôi tưởng chúng ta đồng lòng với nhau rằng ông sẽ thực hiện phẫu thuật tim cho nó”, mẹ Julie trở nên tức giận.
Vị bác sĩ nghiêm nghị tuyên bố: “Con gái cô chẳng cần gì thêm nữa. Cô bé không cần phẫu thuật tim”. Sau đó, ông quay lưng rời đi.
Mùa hè năm ấy, Julie được chuyển đến sống tại một nhà tập thể dành cho những người cần được chăm sóc y tế. “Lâu rồi tôi mới có cảm giác tự do như vậy”, cô nói.
Nỗ lực để phục hồi
Mãi đến nhiều năm sau, Julie mới biết đến một thuật ngữ chỉ hành vi của mẹ cô, gọi là “Hội chứng Munchausen”.
Tại lớp Tâm lý học của Julie, vị giáo sư cho cô biết thủ phạm mắc chứng này thường là người mẹ, có xu hướng bịa đặt hoặc gây ra bệnh tật, thương tích cho con cái để họ có thể đặt lịch khám và phẫu thuật. Có những trường hợp trẻ con chết do sự việc đi quá xa.
“Hôm ấy, tôi vỡ ra rằng mọi nỗi đau tôi phải chịu đựng chẳng có nghĩa lý gì. Các bác sĩ ngày ấy cũng bị mẹ tôi ‘dắt mũi’ và không ai trong số họ giúp đỡ tôi thoát khỏi cảnh bị ngược đãi”, cô nói.
Cô kể lại cuộc sống của mình đã sụp đổ như thế nào, cô đã phải học cách tin tưởng những gì cô nhìn thấy, hơn là hình ảnh tinh thần méo mó mà mẹ cô đã để lại. Cô đã viết cuốn sách kể về những tháng ngày tuổi thơ bị “tra tấn” về thể chất và tinh thần. Bố cô lúc này đã nói rằng Julie có quyền kể ra những gì đã xảy ra với cô trong thời thơ ấu.
“Bố tin con. Bố chỉ xin lỗi vì đã không giúp con sớm hơn", bố cô nói với cô.
"Chỉ khi các triệu chứng giống nhau xuất hiện ở đứa con thứ hai, thứ ba, thứ tư hoặc thứ năm trong một gia đình, thì các chuyên gia và cơ quan pháp luật mới buộc phải nhận ra rằng tình mẫu tử có thể biến thành một kiểu lạm dụng kỳ quái, liên quan đến bệnh tật”, Tiến sĩ Marc Feldman viết trong phần Lời tựa cho cuốn Sickened của Julie Gregory - kể về trải nghiệm của chính cô về hội chứng này.
Video phỏng vấn nạn nhân Julie Gregory
Theo NTDVN