Hôm thứ Ba, ngay sau khi bồi thẩm đoàn kết tội sĩ quan Derek Chauvin về ba tội danh liên quan đến cái chết của George Floyd, Phó Tổng thống Kamala Harris cùng Tổng thống Joe Biden đã có bài phát biểu trước quốc gia.

Daily Wire đưa tin, mới đây, hôm thứ Ba (20/4), cảnh sát Derek Chauvin, người liên quan đến cái chết George Floyd đã bị bồi thẩm đoàn kết án các tội danh: giết người không chủ ý cấp độ hai, ngộ sát cấp độ hai và giết người cấp độ ba.

Trong suốt bài phát biểu đầy cảm xúc của mình về vấn đề này, bà Kamala Harris đã nhắc lại cái gọi là lịch sử “phân biệt chủng tộc có hệ thống” của nước Mỹ và tố cáo đó là sự xúc phạm các giá trị của người Mỹ.

Bà nói “Nước Mỹ có một lịch sử lâu dài về nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống. Đặc biệt, những người Mỹ da đen và đàn ông da đen trên khắp đất nước chúng ta đã không được đối xử như một con người. Những người đàn ông da đen là những người cha, người anh em và người con, người chú, người ông, bạn bè và những người hàng xóm [của chúng ta]. Mạng sống của họ phải được coi trọng trong hệ thống giáo dục của nước Mỹ, trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước Mỹ, trong hệ thống nhà ở của nước Mỹ, trong hệ thống kinh tế của nước Mỹ, trong hệ thống tư pháp hình sự của nước Mỹ, trong quốc gia của chúng ta. Chỉ vậy thôi”.

Ảnh chụp màn hình Tinh hoa.

Bà Harris cho biết thêm rằng sự xuất hiện của điện thoại thông minh cho phép người Mỹ có thể chứng kiến ​​“sự bất công chủng tộc” mà người Mỹ da đen phải chịu đựng qua nhiều thế hệ.

Bà nói: “Nhờ có điện thoại thông minh, rất nhiều người Mỹ đã nhìn thấy sự bất công chủng tộc [đối với] người Mỹ da đen qua nhiều thế hệ. Sự bất công về chủng tộc mà chúng ta đã đấu tranh trong nhiều thế hệ, mà cha mẹ tôi đã phản đối vào những năm 1960, mà hàng triệu người Mỹ thuộc mọi chủng tộc đã phản đối vào mùa hè năm ngoái”.

Bà Harris nói thêm: “Đây là sự thật về bất công chủng tộc: Đây không chỉ là vấn đề với người Mỹ da đen, hay vấn đề với người da màu. Đó là vấn đề của mọi người Mỹ. Nó đang ngăn cản chúng ta thực hiện lời hứa về tự do và công lý cho tất cả mọi người. Và nó đang ngăn cản đất nước chúng ta phát huy hết tiềm năng của mình. Tất cả chúng ta đều là một phần di sản của George Floyd và công việc của chúng ta bây giờ là tôn vinh di sản này và tôn vinh ông ấy.”

Daily Wire đưa tin, cả bà Kamala Harris và ông Joe Biden đã nói chuyện với gia đình George Floyd qua điện thoại ngay sau khi bồi thẩm đoàn đưa ra phán quyết.

Phó tổng thống nói “Đây là một ngày của công lý ở Mỹ”.

Bà Harris tiếp tục ca ngợi George Floyd, vốn là một tội phạm ma túy: “Với tên tuổi và ký ức của George [Floyd], chúng ta sẽ đảm bảo di sản của ông ấy còn nguyên vẹn. Lịch sử sẽ nhìn lại thời điểm này và biết rằng đây là một khoảnh khắc đáng nhớ. Ông ấy đã phải hy sinh rất nhiều và gia đình các bạn cũng vậy. Nhưng chúng tôi tin rằng, với sự lãnh đạo của người dân và vị tổng thống trong Tòa Bạch Ốc của chúng ta, chúng ta sẽ tạo ra điều tốt đẹp [và] thoát khỏi thảm kịch này”.

Kamala Harris hoan nghênh bản phán quyết trong vụ cảnh sát Chauvin, bà tin rằng đó là sự khởi đầu của công lý.

Bà Harris nói với CNN: “Dù là bản án phán tội với tội danh cao nhất cũng không làm nguôi ngoai nỗi đau của gia đình Floyd. Bản án này sẽ không làm vơi đi nỗi đau của cộng đồng. Tất cả các cộng đồng, bất kể màu da hay vị trí địa lý, đều cảm thấy buồn và tức giận trước những gì họ chứng kiến ​​trong video đó.” Bà Harris nhắc về video ghi lại cảnh cảnh sát ghì chết George Floyd.

Cái chết của George Floyd và nỗ lực “anh hùng hóa” tội phạm ma túy

Trên thực tế, những phát biểu của bà Harris rất nhất quán với phản ứng “anh hùng hóa” George Floyd của đảng Dân chủ trước cái chết của anh ta vào năm ngoái.

Vào tháng 5/2020, cái chết George Floyd, một người Mỹ da màu đã làm dấy lên hàng loạt các cuộc biểu tình bạo lực làm hỗn loạn nước Mỹ. Lấy cớ “phản đối phân biệt chủng tộc”, hàng loạt các cuộc đập phá cửa hàng và phong trào “Black Lives Matter” đã nổ ra ở khắp nơi tại xứ Cờ hoa.

Trong sự kiện này, đảng Đảng Dân chủ đã không ngừng nỗ lực “anh hùng hóa” George Floyd, vốn là một tội phạm ma túy chỉ vì anh ta là một người da màu và bị cảnh sát ngộ sát. Hôm 8/6/2020, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cùng nhiều lãnh đạo, nghị sĩ khác thuộc đảng Dân chủ đã quỳ gối trong 8 phút 46 giây để tưởng niệm cái chết của anh ta.

Tuy nhiên cô Candace Owens, một nhà hoạt động người Mỹ gốc Phi, chỉ ra rằng, mặc dù cô không muốn thấy Floyd chết và hy vọng anh ta sẽ lấy lại được công lý, nhưng cô phản đối việc xem Floyd như một người hùng.

Ảnh chụp màn hình Tinh hoa.

Floyd từng nhiều lần bị cầm tù vì lạm dụng ma túy, anh cũng từng phải ngồi tù 5 năm vì cướp bóc bằng vũ khí hạng nặng. Trong vụ cướp đó, anh ta đột nhập vào một gia đình, khi đó anh ta đã chĩa súng vào bụng người phụ nữ mang thai trong nhà để uy hiếp và lục lọi trong nhà tìm ma túy và tiền.

Không chỉ vậy, trưởng bộ phận giám định y khoa Quận Hennepin, Tiến sĩ Andrew Baker cho biết theo hồ sơ tòa án “không có bằng chứng thực tế nào cho thấy Floyd chết vì ngạt thở”. Tài liệu còn cho hay mức độ fentanyl, một loại ma túy tổng hợp, trong cơ thể Floyd khi bị bắt là khá cao, ở mức gây tử vong.

Ngoài ra, cô Owens liệt kê một số dữ liệu. Ví dụ, năm 2019, trong quá trình thực thi pháp luật, cảnh sát đã bắn chết tổng cộng 19 người da trắng và 9 người gốc Phi; người Mỹ gốc Phi chiếm 13% dân số Mỹ, nhưng chiếm 50% tỷ lệ tội phạm trên toàn nước Mỹ; xác suất tử vong do xung đột giữa cảnh sát và tội phạm gốc Phi gấp 18,5 lần so với các tình huống khác.

Cô chỉ ra rằng khi cảnh sát chạm trán các nghi phạm người Mỹ gốc Phi, theo bản năng họ sẽ cảnh giác hơn hoặc thậm chí là sợ hãi.

“Floyd không đáng thiệt mạng như vậy, nhưng nhóm người nào cũng có thể có trường hợp như vậy, không thể từ trường hợp cá biệt suy ra toàn thể”, cô Owens lập luận.

Lý Minh (tổng hợp)

Theo DKN