Trong các khu điều trị COVID-19 của Israel, gần 60% trong tổng số 514 bệnh nhân nhập viện với triệu chứng COVID-19 nặng hoặc nguy kịch đều đã được tiêm vaccine, theo một báo cáo ngày 16/8.
Những số liệu trên được báo cáo khi các bác sĩ liên tục nhận thấy những bệnh nhân được tiêm vaccine lại thuộc nhóm dễ mắc bệnh nặng nhất, giữa mối quan ngại ngày một nhiều về việc vaccine COVID-19 kém hiệu quả trước những thể bệnh nặng.
“Có nhiều trường hợp nhiễm đột phá đến mức chúng đã chiếm ưu thế, và hầu hết các bệnh nhân nhập viện thực sự đã được tiêm vaccine”, Theo Uri Shalit, một chuyên gia tin-sinh học thuộc Hiệp hội Công nghệ Israel. Nhiễm đột phá là thuật ngữ dùng để chỉ một người đã tiêm đầy đủ vaccine để ngăn ngừa một bệnh nhưng vẫn mắc bệnh đó.
Trong phần lớn các bệnh nhân nhiễm đột phá, có khoảng 87% là từ 60 tuổi trở lên và được tiêm hai liều vaccine ít nhất 5 tháng trở lại đây. Các phát hiện trên cho thấy ca “nhiễm đột phá” không phải là hiếm như tên gọi.
Noa Eliakim-Raz, giám đốc khu điều trị COVID-19 tại Trung tâm Y khoa Rabin ở Petach Tikva, cho biết phần lớn các bệnh nhân nhập viện đã tiêm vaccine đều không khỏe, yếu liệt và cần điều dưỡng chăm sóc từ trước khi nhiễm bệnh.
Tình hình tiêm chủng ở Israel
Israel nằm trong số các đất nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới với khoảng 5.4 triệu người, chiếm 78% dân số từ 12 tuổi trở lên, được tiêm chủng đầy đủ. Phần lớn người dân nước này được tiêm vaccine Pfizer. Tuy nhiên nước này lại đang là một trong những nơi có tỷ lệ nhiễm bệnh cao nhất trên thế giới. Nhiều khả năng đây là một dấu hiệu cho thấy sự suy yếu của miễn dịch tạo bởi vaccine trong lúc biến chủng Delta đang hoành hành.
Các ca bệnh mới tại Israel tăng đều kể từ giữa tháng 7, quan chức y tế nước này cho biết phần lớn số ca được ghi nhận là trẻ em chưa tiêm vaccine, đồng thời nhấn mạnh những người chưa tiêm vaccine vẫn dễ có kết cục nhập viện hoặc tử vong.
Hiệu quả vaccine tại Hoa Kỳ
Tiến sĩ Rochelle Walensky, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng bệnh Hoa Kỳ, nói vào ngày 18/8 rằng ba nghiên cứu gần đây cho thấy hiệu quả của vaccine COVID-19 trong ngăn ngừa nhiễm bệnh giảm dần theo thời gian. Mặc dù khả năng bảo vệ khỏi tử vong và nhập viện vẫn “duy trì tốt”, nhưng hiệu quả trong ngăn ngừa bệnh nặng hoặc tử vong vẫn “suy giảm”.
Walensky nói: “Mặc dù vaccine của chúng ta hiện đang hoạt động tốt giúp ngăn ngừa các ca nhập viện, nhưng chúng tôi đang thấy bằng chứng đáng lo ngại về sự sụt giảm hiệu quả của vaccine theo thời gian”.
Qua số lượng người Israel được tiêm chủng đầy đủ và sự lây lan của biến thể Delta ở đất nước này, cho thấy các trường hợp nhiễm đột phá là không thể tránh khỏi. Điều này hiện đã trở thành trung tâm của các cuộc tranh luận trên toàn thế giới, về việc liệu các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao có nên tiêm liều tăng cường vaccine COVID-19 hay không và nên tiêm loại vaccine nào, cho đối tượng nào.
Có nên tiêm liều tăng cường?
Israel bắt đầu đề nghị liều tăng cường cho những người từ 60 tuổi trở lên vào tháng Bảy và kể từ đó đã mở rộng điều kiện tiêm. Các quốc gia khác, bao gồm Pháp và Đức, cho đến nay vẫn hạn chế các kế hoạch tăng cường mũi tiêm cho người già và những người có hệ miễn dịch kém.
Còn các quan chức Hoa Kỳ cho biết kế hoạch tiêm liều tăng cường của họ dựa trên lo ngại rằng theo thời gian, vaccine sẽ có hiệu quả kém hơn đối với ngăn ngừa thể bệnh nặng, kể cả ở người trẻ tuổi. Liều tăng cường sẽ sẵn sàng cho mọi người Mỹ kể từ đầu tháng 9.
“Chúng tôi đang theo dõi các quốc gia khác một cách cẩn thận và quan ngại rằng chúng ta cũng sẽ gặp những gì Israel đang gặp phải, đó là tình trạng lây nhiễm tồi tệ hơn theo thời gian ở những người đã tiêm vaccine”, TS. Walensky nói trong cuộc họp ngày 18/8, giải thích lý do tại sao các quan chức liên bang Hoa Kỳ hiện khuyến cáo rằng người Mỹ nên tiêm các mũi tăng cường sau 8 tháng kể từ khi họ được tiêm các mũi Pfizer hoặc Moderna.
Đại Hải (biên dịch)
Đăng theo NTDVN