Hôm thứ Tư (21/9), chính quyền Iran và một nhóm người Kurd cho biết, 8 người đã tử vong xung quanh cái chết của một cô gái trẻ bị cáo buộc "trang phục không phù hợp". Các cuộc biểu tình không có dấu hiệu lắng dịu trong bối cảnh giới chức địa phương đã hạn chế người dân truy cập Internet.
Hàng chục người biểu tình phản đối cái chết của một phụ nữ 22 tuổi bị giam giữ ở Tehran, Iran hôm 21/9/2022. (Ảnh:Stringer/Anadolu/Getty Images)
Truyền thông Iran và một công tố viên địa phương cho biết 4 người đã thiệt mạng trong hai ngày qua, nâng tổng số người chết theo các nguồn tin chính thức lên 8 người, bao gồm một cảnh sát và một dân quân ủng hộ chính phủ.
Các cuộc biểu tình đã nổ ra sau cái chết của cô gái Mahsa Amini 22 tuổi đến từ Iran. Cô đã bị bắt tại Tehran vì "trang phục không phù hợp". Vài giờ sau khi bị bắt, cô hôn mê và phải nhập viện. Cô qua đời vào ngày 16/9.
Tuy nhiên, cha của cô Amini cho biết cô không có vấn đề gì về sức khỏe, thi thể của cô có các vết bầm tím ở chân khi bị giam giữ. Ông yêu cầu cảnh sát phải chịu trách nhiệm về cái chết của con gái mình. Cảnh sát đã phủ nhận cáo buộc này.
Các cuộc biểu tình, tập trung ở các khu vực phía tây bắc đông người Kurd của Iran nhưng đã lan ra ít nhất 50 thành phố và thị trấn trên toàn quốc. Đây là cuộc biểu tình lớn nhất kể từ khi làn sóng biểu tình tăng giá xăng vào năm 2019.
Báo cáo từ Tổ chức Nhân quyền Hengaw có trụ sở tại Na Uy cho biết, 10 người biểu tình đã bị sát hại. 3 người thiệt mạng hôm thứ Tư, thêm vào 7 người mà nhóm cho biết đã bị lực lượng an ninh sát hại.
Reuters không thể xác minh các con số thương vong này.
Các quan chức đã bác bỏ thông tin rằng lực lượng an ninh đã giết người biểu tình, và nói rằng họ có thể đã bị bắn bởi những người bất đồng chính kiến có vũ trang.
Các cuộc biểu tình không có dấu hiệu lắng dịu trong bối cảnh giới chức địa phương đã hạn chế người dân truy cập vào Internet, theo báo cáo của Tổ chức Nhân quyền Hengaw, người dân và Dịch vụ giám sát Internet NetBlocks.
Ngắt quyền truy cập Internet
Các nhà hoạt động bày tỏ lo ngại rằng, việc ngắt quyền truy cập internet đã lặp lại động thái của chính phủ trước chiến dịch trấn áp các cuộc biểu tình về giá nhiên liệu năm 2019, khi Reuters báo cáo rằng 1.500 người đã thiệt mạng trong sự kiện này.
Dịch vụ giám sát Internet NetBlocks và các cư dân cho biết, quyền truy cập đã bị hạn chế đối với Instagram - nền tảng truyền thông xã hội duy nhất mà Iran cho phép người dân nước này sử dụng, lên đến hàng triệu người dùng. Bên cạnh đó, một số mạng điện thoại di động đã bị ngắt.
NetBlocks cho biết: “Iran hiện phải chịu những hạn chế nghiêm ngặt nhất về internet kể từ vụ thảm sát vào tháng 11/2019".
Người dùng ứng dụng WhatsApp cho biết họ chỉ có thể gửi văn bản chứ không thể gửi hình ảnh, trong khi tổ chức Hengaw cho biết quyền truy cập Internet đã bị cắt ở tỉnh Kurdistan. Động thái này được cho là sẽ cản trở việc chia sẻ video từ một khu vực mà trước đây chính quyền từng trấn áp tình trạng bất ổn của người Kurd.
Meta Platforms - chủ sở hữu của Instagram và WhatsApp, đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.
Cái chết của cô gái Amini làm dấy lên sự tức giận về các vấn đề bao gồm quyền tự do ở nhà nước Hồi giáo và một nền kinh tế đang quay cuồng với các lệnh trừng phạt. Phụ nữ đóng một vai trò nổi bật trong các cuộc biểu tình, vẫy tay và đốt mạng che mặt, một số còn cắt tóc ở nơi công cộng.
Những người thực thi các quy tắc nghiêm ngặt ở Iran yêu cầu phụ nữ phải che tóc và mặc quần áo rộng ở nơi công cộng.
Một phụ tá hàng đầu của Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei đã gửi lời chia buồn tới gia đình cô Amini trong tuần này, hứa sẽ theo dõi vụ việc và nói rằng ông Khamenei rất đau đớn trước cái chết của cô.
Các nhà hoạt động cho biết họ lo sợ một cuộc đàn áp leo thang. Một nhà hoạt động nói với tờ Reuters: “Chúng tôi lo lắng rằng thế giới sẽ quên đi Iran ngay sau khi chế độ này ngắt internet - điều đã từng có tiền lệ”.
Hãng thông tấn Fars, thân cận với Lực lượng tinh nhuệ Vệ binh Cách mạng Iran, đã đăng tải các video cáo buộc những người biểu tình đốt nhà thờ và đền thờ Hồi giáo, đốt xe bus, tấn công một ngân hàng và kéo mạng che mặt của một phụ nữ.
Các cáo buộc chống lại những người bất đồng chính kiến như vậy đã nổ kể từ năm 2009.
"Chúng tôi đang nhận được cảnh báo từ các tổ chức an ninh, hoặc chấm dứt các cuộc biểu tình hoặc đối mặt với án tù", một nhà hoạt động ở tỉnh Kurdistan tây bắc cho biết.
Tờ Fars hôm thứ Tư (21/9) cho biết một thành viên của Basij, một lực lượng dân quân dưới sự bảo trợ của Lực lượng tinh nhuệ Vệ binh Cách mạng Iran, đã bị sát hại ở thành phố Tabriz phía tây bắc nước này, trong khi hãng thông tấn IRNA chính thức cho biết một "trợ lý cảnh sát" đã tử vong hôm thứ Ba tại thành phố phía nam của Shiraz.
Một công tố viên ở Kermanshah cho biết hai người đã bị thiệt mạng hôm thứ Ba trong các cuộc bạo động, đổ lỗi cho những người bất đồng chính kiến có vũ trang vì các nạn nhân bị giết bởi vũ khí không phải do cảnh sát sử dụng. Trong khi đó, cảnh sát trưởng Kurdistan xác nhận có 4 trường hợp tử vong hồi đầu tuần tại tỉnh, đổ lỗi cho các "băng nhóm" về cái chết của họ.
Tổ chức Hengaw cho biết 450 người đã bị thương, chưa kể 10 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình chủ yếu ở phía tây bắc nước này.
Reuters không thể xác nhận độc lập các báo cáo thương vong.
Các video được chia sẻ trên mạng xã hội đã cho thấy những người biểu tình làm tổn hại đến các biểu tượng của nhà nước Hồi giáo và đối đầu với lực lượng an ninh.
Một bức ảnh trên mạng xã hội cho thấy, một người đàn ông tại tòa thị chính ở phía bắc thành phố Sari đã xé bỏ hình ảnh của ông Ayatollah Ruhollah Khomeini, người đã thành lập nhà nước Hồi giáo sau cuộc cách mạng năm 1979.
Một video cho thấy, hàng trăm người đã hét lên "cái chết cho kẻ độc tài" tại Đại học Tehran hôm 21/9. Reuters không thể xác minh tính xác thực của video.
Huyền Anh
Theo NTDVN