Indonesia và Thái Lan đang cân nhắc tiêm thêm liều vắc-xin COVID-19 thứ ba cho các nhân viên y tế trong bối cảnh đối tượng lực lượng này vẫn bị lây nhiễm – dù đã được tiêm đầy đủ 2 liều vắc-xin Sinovac của Trung Quốc.
Ông Slamet Budiarto, Phó Chánh văn phòng Hiệp hội Y tế Indonesia, nói với Quốc hội hôm thứ Hai (5/7): “Có rất nhiều bác sĩ và nhân viên y tế đã được tiêm hai liều nhưng vẫn phải chịu đựng các triệu chứng vừa và nặng, thậm chí tử vong”.
Indonesia đã tiêm vắc-xin Sinovac cho hàng triệu nhân viên y tế, và hàng nghìn người trong số họ hiện đang có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19.
Ông Melki Laka Lena, Phó chủ tịch ủy ban giám sát sức khỏe của quốc hội cho biết: “Đã đến lúc các nhân viên y tế phải tiêm một mũi tăng cường thứ ba để bảo vệ họ khỏi tác động của các biến thể mới nguy hiểm và đáng lo ngại hơn”.
Bà Siti Nadia Tarmizi, một quan chức của Bộ Y tế Indonesia, cho biết họ đang chờ đợi các khuyến nghị từ một nhóm tư vấn tiêm chủng và Cơ quan Thực phẩm – Dược phẩm Indonesia về việc sử dụng liều vắc-xin thứ ba.
Thái Lan, quốc gia dự kiến sẽ nhận được khoản tài trợ 1,5 triệu liều vắc-xin Pfizer-BioNTech từ Hoa Kỳ vào cuối tháng này, cũng đang có kế hoạch sử dụng số vắc-xin này để tiêm cho 700.000 nhân viên y tế, hầu hết trong số họ đã được tiêm đầy đủ hai mũi Sinovac của Trung Quốc.
Quan chức y tế cấp cao Udom Kachintorn cho biết kế hoạch này nhằm mục đích tăng khả năng miễn dịch, vì biến thể Delta làm tăng số ca nhiễm cho các nhân viên y tế, bất chấp họ đã được tiêm đầy đủ hai liều Sinovac.
Một tài liệu bị rò rỉ của Bộ Y tế Thái Lan trong tuần này cho thấy chính phủ nước này lo ngại, một động thái như vậy – sẽ gửi tín hiệu sai đến công chúng – rằng họ đã thừa nhận vắc-xin Sinovac của Trung Quốc không hiệu quả.
Ông Dicky Budiman, nhà dịch tễ học tại Đại học Griffith của Úc, cho biết: “Chắc chắn nó sẽ có tác động đến sự tin tưởng hay không tin tưởng vào vắc-xin”.
Ông nói: “Vắc-xin Sinovac không hẳn là không hiệu quả, nhưng hiệu quả của nó sẽ giảm sau sáu tháng. Đó là dự đoán của tôi”, ông nói và khuyến nghị các nhà chức trách nên xem xét một mũi tiêm thứ ba như một giải pháp và thông báo các vấn đề với công chúng.
Tháng trước, các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) và Bahrain quyết định tiêm thêm vắc-xin Pfizer/BioNTech làm mũi tăng cường cho những người đã tiêm vắc-xin Sinopharm của Trung Quốc, vì chúng không hiệu quả.
Đầu tháng này, Thổ Nhĩ Kỳ cũng quyết định tiêm thêm một mũi tăng cường thứ ba, sau khi hàng triệu người ở quốc gia này đã tiêm đủ hai liều vắc-xin Sinovac của Trung Quốc.
Theo ĐKN