Có thể nói, chưa khi nào Trung Quốc lại tỏ ra hung hăng như trong thời buổi đại dịch này. Nhưng càng hung hăng bao nhiêu, Trung Quốc càng để lộ tử huyệt của mình bấy nhiêu. Quốc gia này không chỉ phải đang gánh chịu sự ngạo mạn của chế độ độc tài - điều này có thể giải thích cho hành vi hung hăng của giới chức cấp cao ĐCSTQ - mà còn đang phải đối mặt với nội tình đầy rối ren, và đặc biệt là bất lực trước thiên tai dịch họa.
Dù Trung Quốc đang là nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới, nhưng bạn có tin không, quốc gia này có thể đang phải đối mặt với nạn đói lịch sử!
Hoảng loạn vì thiếu lương thực?
Trung Quốc ôm mộng trở thành một siêu cường bằng cách thể hiện sức mạnh kinh tế và quân sự của mình với thế giới, nhưng gã khổng lồ này lại có thể dễ dàng quỳ gối vì thiếu lương thực trầm trọng.
Những trận “đại hồng thủy” trong hai năm gần đây ở lưu vực sông Dương Tử - vựa lúa của Trung Quốc, cùng việc cắt giảm hàng nhập khẩu - chủ yếu trầm trọng là do quan hệ ngoại giao xấu đi, đã khiến Bắc Kinh từng có lúc rơi vào cơn hoảng loạn.
Bạn có nhớ vào tháng 8 năm ngoái, Tập Cận Bình đã từng phải phát động chiến dịch “Vét sạch bát đĩa”. Bề ngoài có vẻ như cao đẹp “giáo dục” dân chúng tránh để lãng phí thức ăn, và khi lãnh tụ ĐCSTQ còn cho biết ông cảm thấy "sốc và đau lòng" trước vấn nạn này.
Tuy nhiên, ông Tập lại tuyên bố thêm rằng, Trung Quốc cần "giữ tinh thần có khủng hoảng về an ninh thực phẩm". Vậy thực chất của chiến dịch “Vét sạch bát đĩa” này là gì?
Phải chăng là để nhằm đảm bảo nguồn cung cấp lương thực không bị cạn kiệt nhanh chóng, có thể dẫn đến sự lặp lại của Nạn đói lớn năm 1959, khiến hàng triệu người dân Trung Quốc chết đói?
Các cuộc giao tranh dọc biên giới Trung-Ấn, cũng như sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, hăm dọa Đài Loan cũng có thể là chiến lược của Tập Cận Bình nhằm “chuyển lửa” khỏi cuộc khủng hoảng lương thực đang rình rập Trung Quốc, giống hệt như Mao Trạch Đông đã gây hấn với Ấn Độ vào năm 1962 để che đậy cuộc Đại nhảy vọt thảm bại.
Bắt đầu “vơ vét” các vựa lúa trên thế giới
Theo một tài liệu chính sách lớn ban hành vào ngày 21/2/2021, chính quyền ĐCSTQ đang chú trọng đến an ninh lương thực và ra lệnh cho các quan chức các tỉnh phải cải thiện sản lượng ngũ cốc.
Giờ bạn hãy chú ý, nhập khẩu gạo của Trung Quốc đã tăng gấp hơn 3 lần chỉ trong 2 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường cung cấp gạo chính cho Trung Quốc trong trong năm nay gồm Pakistan, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam…
Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu gạo của nước này trong 2 tháng đầu năm 2021 đạt 910 nghìn tấn, tăng 203,3% về lượng và tăng 180,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Hai tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu gạo của Trung Quốc từ thị trường Pakistan đạt mức cao nhất, tăng 339,7% so với cùng kỳ năm 2020 và chiếm 29,4% tổng lượng gạo nhập khẩu của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, kim ngạch nhập khẩu gạo của Trung Quốc từ các thị trường khác cũng tăng mạnh như Myanmar tăng 220,4%, Thái Lan tăng 83%, Việt Nam tăng 206,3%...
Đáng chú ý, kim ngạch nhập khẩu gạo của Trung Quốc từ Ấn Độ đã tăng 65.464% trong hai tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Reuters, Trung Quốc đã tăng cường tập trung vào an ninh lương thực kể từ khi đại dịch tấn công các quốc gia xuất khẩu lương thực lớn, cũng như thời tiết bất thường đã gây lo ngại về sự ổn định của nguồn cung cấp lương thực của nước này.
Tử huyệt Trung Quốc: Lưu vực sông Dương Tử
Trung Quốc đã phải trải qua nhiều hiện tượng thời tiết dị thường trong những năm gần đây, đặc biệt năm 2020 với sự bùng phát đại dịch viêm phổi Vũ Hán, dịch hạch, mưa đá, lũ lụt, lốc xoáy…
Lưu vực sông Dương Tử chiếm tới 70% sản lượng gạo của Trung Quốc, đã liên tiếp phải hứng chịu trận lũ lụt tồi tệ nhất kể từ năm 1939, làm thiệt hại hàng triệu mẫu đất trồng trọt.
Nửa cuối năm 2020, Trung Quốc phải trải qua một mùa mưa bão cực kỳ khác thường với 21 trận lũ quét, diễn ra liên miên không dứt trong suốt hơn 30 ngày kể từ ngày 2/6, khiến 26 tỉnh, thành ở Trung Quốc bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo Cục Khí tượng Trung Quốc, nước này đã trải qua lượng mưa lớn tăng tới 20% kể từ năm 1961. Lũ lụt xảy ra trên 6 lưu vực sông chính, bao gồm sông Dương Tử và sông Hoàng Hà. Tổng cộng 833 con sông ở Trung Quốc đã vượt quá mức cảnh báo.
Trong những ngày tháng 7 vừa qua, Trung Quốc lại tiếp tục hứng chịu lượng mưa lớn bất thường, nghìn năm có một, với trận nước lũ khủng khiếp tại tỉnh Hà Nam, gây ra lũ lụt và sạt lở đất, tập trung chủ yếu ở thành phố Trịnh Châu.
Theo Cục Khí tượng Trung Quốc, lượng mưa trong 1 giờ ở thành phố Trịnh Châu lên tới 201,9 mm, phá kỷ lục lượng mưa trong một giờ của 2.418 trạm thời tiết quốc gia cộng lại. Số liệu lượng mưa trong 3 ngày tại Trịnh Châu (từ ngày 17 đến 20/7) là 617,1 mm, gần tương đương với lượng mưa trung bình của cả năm của Trịnh Châu (640,8 mm).
Như vậy, lượng mưa trung bình trong 1 giờ và lượng mưa trung bình trong 3 ngày tại Trịnh Châu vừa qua đã phá vỡ kỷ lục của trận mưa lũ lịch sử vào năm 1951.
Giờ hãy để mắt đến Đập Tam Hiệp. Thời điểm này, hiện 71 con sông tại Trung Quốc đã vượt mức báo động.
Liệu Đập Tam Hiệp có chống chọi được không?
Những ngày vừa qua, lũ lụt kinh hoàng đã tấn công 27 tỉnh và khu vực của Trung Quốc, và hiện chỉ còn 7 tỉnh của nước này là mưa lũ đang buông tha.
Từ cực bắc của tỉnh Hắc Long Giang đến cực nam tỉnh Phúc Kiến, lũ lụt đã tàn phá nhà cửa và nhấn chìm mùa màng trên diện rộng. Gần 7 triệu người đã bị ảnh hưởng, hơn 6.000 ngôi nhà bị cuốn trôi, gây thiệt hại kinh tế gần 2 tỷ USD trên toàn quốc.
Chỉ riêng tại tỉnh Hắc Long Giang, lũ lụt đã ảnh hưởng đến hơn 42.000 người và buộc gần 20.000 người phải đi lánh nạn.
Trong nháy mắt, khu tự trị Nội Mông đã bị lũ phá hủy hơn 12.000 ha cây lương thực. Ở phía Đông Nam, tỉnh Giang Tây, tỉnh Hồ Nam cũng đã đưa ra cảnh báo cấp độ đỏ về mưa lớn.
Tổng số có 71 con sông lớn tại Trung Quốc đã ở trên mức báo động. Liệu Đập Tam Hiệp có tiếp tục chống chọi nổi sức nước như vỡ bờ?
Các trận mưa kéo dài nhiều ngày qua đã làm dấy lên mối lo ngại trong dân chúng về nguy cơ vỡ đập dự án thủy điện lớn nhất thế giới. Mặc dù truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng, đập Tam Điệp có cấu trúc bền vững. Nhưng nhà thủy văn học nổi tiếng Trung Quốc là Wang Weiluo tuyên bố, điều này là thiếu cơ sở và cấu trúc của con đập khổng lồ này không ổn định như nhiều người nghĩ.
Theo ông Wang, việc thiết kế, xây dựng và đánh giá chất lượng đập Tam Hiệp đều được thực hiện quá chóng vánh và chính điều này gây ra sự lo ngại.
Vị chuyên gia này còn cho biết, ngay cả Thứ trưởng Bộ Thủy lợi Diệp Kiến Xuân cũng từng thừa nhận điều này tại cuộc họp báo vào tháng 6/2020 rằng, mực nước tại nhiều con sông tăng lên trên ngưỡng cảnh báo, là một chỉ dấu chứng tỏ đập Tam Hiệp cũng đã tới giới hạn về khả năng kiểm soát nước lũ.
Một năm trước, cũng vào thời điểm mưa lũ này, từng xuất hiện hình ảnh cho thấy thân đập Tam Điệp bị cong vênh, thậm chí có cả những vết nứt nghiêm trọng do bê tông không đạt tiêu chuẩn được phát hiện trong quá trình xây dựng.
Ông Wang cho rằng, nếu xảy ra sự cố vỡ đập thì sẽ gây ra hậu quả thảm khốc cho mùa màng và người dân cư trú ở vùng hạ lưu sông Dương Tử.
Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Pháp năm 2020, ông Wang cũng chỉ trích ĐCSTQ và truyền thông nhà nước từ chối thừa nhận mối nguy hiểm tiềm tàng tại đập Tam Điệp. Ông cho hay, các quan điểm khoa học bày tỏ sự thật đều bị ĐCSTQ hình sự hóa, dẫn đến một xã hội Trung Quốc không có sự phản biện.
Vậy, bạn có nghĩ rằng đập Tam Hiệp sẽ tiếp tục gồng mình chống được các mùa lũ năm nay, năm sau…, hoặc các trận động đất lớn tiếp theo được nữa không? Khi vào cuối tháng 5 vừa qua, hai tỉnh Vân Nam và Thanh Hải cùng lúc phải hứng chịu hai trận động đất có cường độ lên tới 6,5 độ Richter và 7,4 độ Richter với tâm chấn nằm cách mặt đất chỉ 10km.
Các nhà khoa học cho biết, năng lượng giải phóng ước tính vào khoảng 7,9 x 1015 joules (2206 gigawatt giờ). Con số này tương đương với 1,9 x 106 tấn TNT, hoặc tương đương với sức công phá của 118,7 quả bom nguyên tử!
Động đất, mưa lớn, lũ lụt đã tàn phá những vùng đất công nghiệp và nông nghiệp rộng lớn tại Trung Quốc, dẫn đến giá cả thực phẩm tăng vọt, và các chuyên gia cảnh báo điều tồi tệ nhất vẫn có thể còn đang chờ ở phía trước.
Giá thực phẩm tăng vọt
Giá nông sản tăng vọt đang gây ra những lo lắng về an ninh lương thực ở Trung Quốc. Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, giá thực phẩm đã tăng lên 13%.
Giá thịt lợn tăng khoảng 85%. Tính trên cơ sở hàng năm, giá lương thực đã tăng 10%, giá ngô cao hơn 20% và giá đậu tương 30% vào năm 2020.
Đầu năm 2021, giá rau tăng vọt do thời tiết bất thường, gây thiệt hại mùa màng tại các vùng trồng trọt chính ở phía bắc Trung Quốc. Hoạt động logistics bị đình trệ vì các lệnh phong tỏa để kiểm soát đại dịch của ĐCSTQ, đã khiến việc vận chuyển rau củ quả gặp khó khăn.
Các nhà quan sát cho rằng, năm 2020 Trung Quốc có thể đã bị mất trắng 11,2 triệu tấn ngũ cốc. Mặc dù ông Tập tuyên bố rằng sản lượng ngũ cốc của nước này tăng trong năm 2020, nhưng số liệu nhập khẩu ngũ cốc cho thấy cũng tăng gần 22%, nhập khẩu lúa mì tăng 197% chỉ trong vòng nửa đầu năm 2020.
Điều này đã buộc Bắc Kinh phải “xuất kho” 62,5 tấn gạo, 50 tấn ngô và 760.000 tấn đậu nành khỏi nguồn dự trữ chiến lược. Đây là số lượng cao chưa từng thấy.
Không chỉ đối mặt với thời tiết bất thường, Trung Quốc hiện còn phải chịu nạn dịch bệnh côn trùng tàn phá mùa màng nương rẫy.
Bệnh dịch côn trùng “nuốt chửng” mùa màng
Sự xâm nhập của côn trùng cũng đã gây ra thiệt hại lớn cho ngành lương thực của Trung Quốc. Cuộc “xâm lược” của sâu mọt và châu chấu tấn công đã nuốt chửng hàng triệu mẫu lúa mì và ngô trong năm 2020.
Bệnh dịch tả lợn Châu Phi cũng khiến Trung Quốc phải “xóa sổ” hơn 180 triệu con lợn, tức khoảng 40% đàn lợn của Trung Quốc. Hậu quả đã đẩy giá thịt lợn trong nước của Trung Quốc lên mức cao nhất mọi thời đại.
Hiệu ứng này còn được nhân lên sau khi Trung Quốc áp thuế nhập khẩu đối với mặt hàng thịt lợn và đậu nành của Mỹ trong cuộc thương chiến Mỹ - Trung.
Đại dịch Covid-19 tiếp tục làm trầm trọng thêm sự gián đoạn chuỗi cung ứng thực phẩm càng làm việc nhập khẩu thịt lợn vào Trung Quốc thêm phần khó khăn. Đồng đô la Mỹ tăng giá nhanh cũng giúp đẩy chỉ số giá lương thực thực phẩm ở nhiều nước.
Giá thịt lợn, vốn đang giảm dần nhờ chính sách tái đàn mạnh tay của Trung Quốc, giờ đã quay về gần mức đỉnh tháng 9/2020. Việc này đã ảnh hưởng đến nguồn cung thịt lợn của Trung Quốc.
Tình trạng ô nhiễm khó kiểm soát cũng là một căn bệnh trầm kha của ĐCSTQ
Ngay từ năm 2021, mạng tin "Chính sách thế giới" cho biết tình trạng ô nhiễm khủng khiếp của Trung Quốc đã được thừa nhận trong một báo cáo nghiêm túc của ĐCSTQ, mà trước đây từng được xếp vào hạng "bí mật quốc gia".
Báo cáo này cho rằng an ninh lương thực của Trung Quốc đang bị đe dọa nghiêm trọng do 1/5 đất canh tác ở nước này đang bị hoang hóa do các chất gây ô nhiễm có xuất xứ từ kim loại nặng.
Báo cáo đã cảnh báo quan chức ĐCSTQ về một cuộc khủng hoảng lương thực tiềm tàng trong tương lai.
Trong nỗ lực nhằm đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và do kinh tế toàn cầu khát hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc, Bắc Kinh đã không chú trọng một cách thích đáng tới lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài ra, nạn tham nhũng trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường càng làm trầm trọng thêm tình hình.
Nguyên nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm ở Trung Quốc là ô nhiễm công nghiệp, đặc biệt là ngành công nghiệp hóa chất và ngành sản xuất điện từ than đá.
Để tránh gây gián đoạn nguồn cung lương thực, Trung Quốc sẽ phải tăng cường nhập khẩu lương thực, trong đó Bắc Kinh hẳn sẽ phải tìm kiếm các nguồn cung từ Đông Nam Á.
Tuy nhiên, Trung Quốc lại đang gây hấn với các nước trong khu vực này, liên quan tới các cuộc tranh chấp lãnh thổ kéo dài trên biển Đông, khiến tình hình càng thêm căng thẳng.
Căng thẳng chính trị
Không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc đã phá hỏng các mối quan hệ song phương với những quốc gia mà họ phụ thuộc vào nguồn cung lương thực.
Sự thù địch gia tăng, cùng với sự gián đoạn liên quan trong chuỗi cung ứng và thị trường hàng hóa toàn cầu trong đại dịch, đã tạo ra những rào cản lớn đối với Bắc Kinh trong việc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, và đảm bảo đủ thực phẩm cho “những ngày mưa lũ lụt”.
Mỹ, Canada, Úc, New Zealand và Indonesia là một trong những nhà xuất khẩu hàng đầu các mặt hàng nông nghiệp sang Trung Quốc. Bất chấp tranh chấp về thuế quan với Mỹ, Trung Quốc vẫn phụ thuộc nhiều vào Mỹ để đáp ứng nhu cầu lương thực.
ĐCSTQ đã tự bắn vào chân mình bằng cách trừng phạt các sản phẩm nông nghiệp của Australia, chỉ vì nước này yêu cầu một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc đại dịch, vốn luôn làm các quan chức Trung Quốc có “tật giật mình”.
Tương tự, thương mại nông sản với Canada, New Zealand, Indonesia và Ấn Độ cũng ở trong tình trạng ảm đạm vì nhiều vấn đề khác nhau, bao gồm cả mối đe dọa an ninh từ vụ bắt giữ “công chúa” của tập đoàn viễn thông Huawei và các cuộc giao tranh ở biên giới.
Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cảnh báo tình trạng thiếu lương thực của Trung Quốc sẽ trở nên tồi tệ hơn trong những năm tới, trừ khi nước này tiến hành những cải cách nông nghiệp lớn.
Câu hỏi đặt ra là, liệu Trung Quốc có thể mua đủ lương thực để nuôi 1,4 tỷ dân nếu sản xuất trong nước không tăng, và nhập khẩu là trụ cột sống còn duy nhất của nước này?
Chắc chắn, Trung Quốc bắt buộc phải tăng tỷ lệ tự cung tự cấp lương thực của mình. Nhưng trước tình hình ô nhiễm môi trường không thể cải thiện được, cũng như thiên tai liên tục xảy ra như hiện nay, dường như kế hoạch này có vẻ “bất khả thi”.
Tuyên bố của ông Tập Cận Bình về sự cần thiết của việc “ăn sạch vét sạch bát đĩa” gợi nhớ đến những chỉ thị tương tự do Mao Trạch Đông ban hành vào năm 1959, khi Nạn đói lớn bắt đầu xảy ra từ năm 1958-1962). Khi ấy tờ Nhân dân Nhật báo kêu gọi người dân “chỉ ăn hai bữa một ngày, một trong hai bữa phải mềm và lỏng”.
Sự kết hợp của các yếu tố trên cho thấy Trung Quốc có nguy cơ lặp lại Nạn đói lịch sử. Tình trạng thiếu lương thực xảy ra trên diện rộng có thể trở thành một trong những cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ khi ĐCSTQ ra đời vào năm 1949, và có thể đốn gục chế độ độc tài chuyên chế này
Xuân Trường
Theo NTDVN