Ngay trong phần mở đầu, Tào Tuyết Cần đã nói rõ ý nghĩa của Hồng Lâu Mộng: Đời người chẳng qua chỉ là một trường mộng ảo, nhân sinh vô thường mà lại ngắn ngủi trong chốn hồng trần, thế gian chỉ là nơi quán trọ, đừng dính mắc vào đó mà bi luỵ cả một đời.
Trong truyện, số phận của Lâm Đại Ngọc quá đỗi bi kịch, quá đỗi đáng thương, mỗi một nét bút đều khiến người ta đau khổ canh cánh trong lòng. Vậy nên đối với bổn ý của tác giả, người đọc một cách không tự giác nhìn mà như không thấy, xem Hồng Lâu Mộng giống như bi kịch tình yêu nam nữ điển hình.
Tuy vậy, Tào Tuyết Cần ở “phần căn nguyên” ngay trong hồi đầu đã mượn chuyện hòn đá thiêng mà nhắn nhủ một cách hết sức rõ ràng rằng, đối với những câu chuyện tình yêu trăng gió và văn chương về tài tử giai nhân, ông luôn ôm giữ thái độ phủ định triệt để. Nếu đã như vậy, ông làm sao có thể trái với lòng mình để sáng tác những câu chuyện về tình yêu nam nữ đây?
Vậy thì, chúng ta hãy cùng xem lại, rằng “phần căn nguyên” rốt cuộc đã nói những gì? Cái gọi là phần căn nguyên, thật ra chính là tiết lộ với độc giả rằng bộ sách này rốt cuộc đến từ đâu…
Từ chuyện hòn đá ngoan cố khuyên bảo Không Không đạo nhân sao chép “Thạch Đầu Ký”
Trong sách viết rằng, Bảo Ngọc nguyên là viên đá ngũ sắc được Nữ Oa nương nương luyện thành. Trong rất nhiều hòn đá thì chỉ duy nhất viên linh thạch này không được dùng vào việc vá trời, bị bỏ lại dưới chân núi Thanh Ngạnh trên đỉnh Vô Kê, núi Đại Hoang.
Về sau hòn đá tự thông linh tính, có thể biến lớn thu nhỏ, hóa thành một viên bảo ngọc hết sức đáng yêu, được một vị tăng nhân và một vị đạo sĩ mang từ nơi thiên giới xuống nhân gian, đầu thai vào quê làng phú quý ấm êm, hưởng hết vinh hoa chốn nhân gian, lại chứng kiến hết mọi bi hoan ly hợp không thể trốn thoát được trong kiếp người.
Sau khi giấc mộng nhân sinh qua đi, viên linh thạch thấu tỏ mọi điều hư ảo tạm bợ nơi chốn hồng trần, rốt cuộc đã ngộ Đạo trở về dưới chân núi Thanh Ngạnh, hiện nguyên hình hòn đá thiêng, đem tất cả những gì bản thân trải nghiệm trong kiếp sống hạ phàm ghi chép lại, mong có người đi ngang qua nhìn thấy mà sao chép ra, truyền cho thế gian.
Sau biết bao tháng năm đằng đẵng, cuối cùng đá thiêng đã gặp được Không Không đạo nhân đi cầu tiên học Đạo. Vị đạo nhân đi qua nơi đây, trông thấy hòn đá này, biết được ý muốn ấy, nhưng lại do dự khi những trải nghiệm dưới trần của nó không có câu chuyện tài đức trung nghĩa, cũng không có chuyện oanh oanh liệt liệt, lại không biết vào thời đại nào, cũng không phải việc thiện chính của bậc đại hiền đại trung để sửa sang triều đình, chỉnh đốn phong tục.
Chẳng qua chỉ là chuyện một vài người con gái kỳ quặc, hoặc là bậc đa sầu, hoặc là kẻ tình si, hoặc là người tài năng tầm thường, chứ không có cái tài cái đức của ả Thái, nàng Ban, chỉ e dù có sao chép lại, cũng sợ người đời chẳng mấy ai chịu xem. Do đó mới có cuộc hồi đáp của hòn đá với Không Không đạo nhân dưới đây:
“Thưa sư phụ, sao người nghĩ lẩn thẩn thế. Nếu bảo không có thời đại tra cứu, thì sư phụ cứ việc mượn niên hiệu đời Hán, đời Đường mà viết vào, có khó gì đâu. Nhưng tôi thiết tưởng những chuyện trong dã sử xưa nay đều theo một lối như nhau; sao bằng chuyện của tôi không theo khuôn sáo cũ, chỉ ghi chép những sự việc và tình cảm tôi đã trải qua, mới là mới mẻ ít có! Việc gì phải đòi hỏi cho có triều đại mới được kia chứ! Vả chăng những người tục ở nơi kẻ chợ rất ít đọc sách nói về đạo lý sửa sang triều đình, chỉnh đốn phong tục, phần đông chỉ thích xem những chuyện vụn vặt, lại có thi vị.
Ngẫm trong dã sử xưa nay, biết bao chuyện dân chê vua quan, hoặc là nói xấu vợ con người ta, đầy rẫy những gian dâm hung ác, kể sao cho xiết; lại còn những ngòi bút chỉ viết về chuyện gió trăng dâm dục xấu xa, di hại trong văn mặc, làm hư hỏng cả con em người ta. Đến những sách nói về giai nhân tài tử, thì nghìn bộ đều một khuôn sáo, đầy rẫy như Phan An, Tử Kiến, Tây Tử, Văn Quân, đã thế rốt cuộc vẫn không khỏi sa vào phù phiếm.
Người làm sách chẳng qua muốn viết vài bài thơ tình của mình, nên đã cố ý đặt ra một đôi trai gái, rồi xen một thằng tiểu nhân vào quấy rối, ví như vai hề trong tấn tuồng. Lại có những bọn tòi đòi, mở miệng là chi hồ giả dã, hết đạo lý đến văn chương, cho nên nếu xem từ đầu đến cuối thì toàn là những việc mâu thuẫn nhau chẳng có gì là hợp tình hợp lý hết. Sao bằng mấy người con gái này mà nửa quãng đời tôi đã trông thấy, nghe thấy, tuy không dám ví với những người trong các sách thuở xưa, nhưng xem đầu đuôi câu chuyện, cũng có thể đỡ buồn.
Lại có mấy bài thơ nhảm nhí, cũng có thể làm cho người đọc cười bật cơm ra và nhân vui uống thêm mấy ly rượu. Còn như những cảnh hợp tan vui buồn, thịnh suy và những cảnh ngộ thay đổi, từ đầu đến cuối đều theo sát sự thực không thêm bớt tô vẽ chút nào, không vì chiều lòng người đọc mà xuyên tạc sự thực.
Hiện giờ người nghèo thì ngày lo cơm áo; kẻ giàu lại nảy lòng tham khôn cùng, rỗi một chút là họ nghĩ ngay đến dâm dục, sắc đẹp, giàu sang, sầu não, còn hơi nào đọc sách nữa. Vì vậy cuốn truyện của tôi cũng không muốn được đời khen ngợi và mọi người thích đọc. Chỉ mong khi tỉnh rượu, lúc tàn canh, hoặc khi họ muốn trốn đời, tìm đường tiêu khiển, họ đem truyện tôi ra xem, có lẽ tôi sẽ giúp họ đừng đeo đuổi những việc hão huyền cho tốn tuổi thọ, như thế tức là tránh được miệng thế khen chê, khỏi phải chạy vạy đây đó.
Hơn nữa nó cũng khiến người đời đổi tầm con mắt, chứ không như những quyển sách này những lời sáo ngữ cũ rích gán ghép bừa bãi, nói toàn chuyện vụt gặp vụt tan, đầy rẫy nào là những tài nhân, thục nữ, nào là Tử Kiến, Văn Quân, Hồng Nương, Tiểu Ngọc… Ý sư phụ nghĩ thế nào?”.
Có thể thấy, tác giả rất rõ ràng đã mượn lời của hòn đá, tỏ rõ thái độ phủ định đối với những tiểu thuyết viết về tình cảm gió trăng và tài tử giai nhân, nam nữ tư tình. Những quyển sách đó đều không liễu giải cuộc sống chân thật của tầng lớp hoàng thân quý tộc mà biên tạo tùy tiện, không hợp tình hợp lý chút nào.
Dù là tài tử giai nhân, cũng là đơm đặt bịa chuyện xa rời thực tế, gần như đều cùng một khuôn mẫu, một bộ mặt, rời xa sự tình chân thật. Tác giả của những cuốn sách ấy, chẳng qua là muốn thông qua câu chuyện mình sáng tác để phô diễn mấy bài thơ sướt mướt thô thiển, còn cố tình dùng đến một vài tác phẩm văn cổ một cách nghiêm trang đường hoàng, thật là quá nực cười. Mà những câu chuyện phong lưu tình tứ ấy căn bản không ăn khớp với tình cảnh trong danh gia vọng tộc, quả thật đã sai lệch hoàn toàn.
Cho đến luận bàn sâu sắc của Giả Mẫu về ca khúc “Phượng cầu hoàng”
Vậy nên tác giả đã mượn lời nhận xét của Giả Mẫu về “Phượng cầu hoàng” (chim phượng trống tìm chim phượng mái) để thể hiện thái độ rõ ràng hơn. Giả Mẫu nói với người hát kịch rằng:
“Truyện ấy cũng cùng một lối như các truyện khác thôi, chỉ kể những giai nhân tài tử, chẳng có thú gì. Nói con gái nhà người ta rất tệ mạt, lại còn bảo là “giai nhân”! Toàn là đặt chuyện, không căn cứ vào đâu cả. Cứ mở mồm ra là con nhà “hương thân”, bố không phải thượng thư tất là tể tướng. Hễ là tiểu thư thì nhất định được yêu quý như ngọc.
Tiểu thư ấy tất là hạng thông văn chương, biết lễ nghĩa, vào bậc giai nhân hiếm có. Rồi thấy đứa con trai nào xinh đẹp, không kể họ hàng, bạn bè, lại nghĩ ngay đến việc trăm năm của mình, quên cả bố mẹ, bỏ cả sách vở, ma chẳng ra ma, giặc chẳng ra giặc, như thế có giống bậc giai nhân một chút nào không? Dù có học giỏi đến đâu, mà làm những việc như thế, cũng không thể gọi là giai nhân được! Ví như một người con trai học hành rất giỏi mà đi làm giặc, thì phép vua có coi là tài tử mà tha tội cho không?
Thế mới biết bọn làm sách chỉ tự mình bưng miệng mình. Vả chăng, đã nói là nhà thư hương thế hoạn, tiểu thư nhà đại gia ấy lại thông sách vở, biết lễ nghĩa, mà bà mẹ cũng vậy, dù khi đã cáo lão về nhà rồi, tất nhiên cũng còn nhiều bà già bà vú a hoàn theo hầu. Thế mà trong truyện hễ xảy ra các việc như vậy, thì lại chỉ có một a hoàn hầu cận tiểu thư biết thôi! Các người thử nghĩ xem, những người hầu khác thì làm việc gì? Có phải là sách chép đầu Ngô mình Sở không?
Việc ấy cũng có duyên cớ. Trong số người viết truyện, có một hạng thấy người ta phú quý, đem lòng ghen ghét, hoặc mong muốn điều gì không được, nên viết ra sách nói xấu. Lại có một hạng người nữa, đọc lệch truyện đi, tự mình cũng mong sao được gặp giai nhân, nên viết ra truyện để mua vui. Chứ họ có biết rõ được đạo lý con nhà thi thư thế hoạn là thế nào đâu.
Không nói đến những hạng con nhà đại gia trong các truyện, chỉ nói ngay những nhà bậc bình thường như nhà chúng ta đây, cũng không hề có những chuyện như thế. Đừng để cho họ lau láu cái mồm! Vì thế, nhà chúng ta xưa nay có cho ai kể những chuyện ấy đâu. Ngay trong đám a hoàn cũng vậy. Mấy năm nay ta già rồi, con cháu lại ở xa, khi buồn ta bảo người kể mấy câu cho qua, nhưng hễ cháu nó đến, là ta lại bắt họ thôi ngay”.
Quá hiển nhiên, những lời này đã thể hiện quan niệm của tác giả đối với các sách văn chương phong nguyệt và những sách liên quan đến tài tử giai nhân. Tào Tuyết Cần cho rằng mượn hòn đá nói về những điều từng trải của bản thân là chân thật, là hợp tình hợp lý. Sau khi đọc, người ta sẽ hiểu rõ hơn về cuộc sống bi hoan ly hợp muôn màu muôn vẻ của gia đình phú quý một cách chân thật, không còn chạy theo hư vọng một cách mù quáng, đây há chẳng phải tốt hơn sao? Bởi vậy, hòn đá đã khuyên Không Không đạo nhân rằng, quyển ‘Thạch Đầu Ký’ này hoàn toàn có giá trị truyền cấp cho người đời.
Câu đầu tiên của hòn đá: “Thầy tôi sao lại si mê như vậy”, kỳ thật chính là khuyên nhủ thế nhân. Thế gian con người, triều đại nào mà không như nhau, cớ chi phải so sánh, chuyện trên thế gian cớ chi chấp trước quá đến như vậy? Con người chẳng qua là chạy theo hư vọng, đến phút cuối cùng đều là công dã tràng. Hòn đá gần như đã bộc bạch hết tâm tư của Tào Tuyết Cần, từ cách nhìn về nhân sinh, cho đến tâm nguyện khi viết Hồng Lâu Mộng.
Vậy nên, toàn bộ tác phẩm rất xem trọng việc miêu tả một cách chân thật rằng tiểu thư các gia đình quý tộc lớn lên như thế nào, ăn uống sinh hoạt cho đến những tình tiết trong cuộc sống thường ngày ra sao, đều viết khá tường tận. Ngay đến cả phân chia a hoàn như thế nào, có mấy bà già bà vú theo hầu dạy bảo, phép tắc ra sao, nhất cử nhất động đều viết hết sức rõ ràng như khiến độc giả lạc vào khung cảnh đó vậy.
Mục đích không phải là để khoe khoang bản thân, mà là viết ra sắc thái sinh hoạt của những gia đình phú quý một cách chân thật, đem nó bày biện ra một cách hợp tình hợp lý, để cho người đọc thấy được những chỗ lầm lạc và không hiện thực trong những thơ từ trăng gió và các sách viết về tài tử giai nhân, bởi những quyển sách này sẽ khiến con người ta sinh ra ảo tưởng không thực tế, hại người thật không phải nhẹ.
Vậy nên, Hồng Lâu Mộng mới có đoạn tình tiết sau khi Bảo Ngọc vào ở trong vườn Đại Quan, bởi buồn chán đọc “Tây Sương Ký”, vốn là loại sách tạp nham viết về tư tình nam nữ, kéo theo Đại Ngọc cũng bị ảnh hưởng theo. Đại Ngọc sau khi được Bảo Thoa phát hiện khuyên nhủ, đã cảm kích chị Bảo sâu sắc, từ đó thay đổi hiềm khích hiểu lầm với Bảo Thoa trước đây.
Những câu chuyện này lần nữa thể hiện tư tưởng chân thật trong việc tác giả phủ định nam nữ tư tình. Ngược lại, ông muốn khuyên nhủ người đời từ góc độ nhìn thấu sự vô thường và những hư ảo mê hoặc của danh lợi tình – mà ông đã ngộ ra trong kiếp nhân sinh – tuyệt không phải là thể hiện tấn bi kịch của ái tình.
“Bi kịch” của Đại Ngọc, là bởi nhân duyên khi còn ở nơi thiên giới, nàng nguyên là cây Giáng Châu tiên thảo, bởi nợ ân tình tưới nước cam lồ của Thần Anh thị giả (tiền thân của Bảo Ngọc) mà nguyện ý theo chàng hạ thế, trả hết nước mắt cho chàng, từ đó khiến chàng ngộ Đạo mà tu thành.
Cộng thêm việc kể ra chi tiết cuộc sống của những gia đình phú quý, cho đến vinh hoa xa xỉ tột cùng của dòng dõi hoàng thân quý tộc, cũng là nhắn nhủ với mọi người: Dẫu có phú quý hơn nữa cũng chỉ là ngắn ngủi thoáng qua, hiển hách bề mặt mà thôi. Dẫu là bi hoan ly hợp, thịnh suy hưng vong, thì đều không tránh được vận mệnh an bài của ý trời, tất cả chẳng qua chỉ là một trường mộng ảo. Từ đó khiến người đời nhìn thấu giả tướng của hồng trần, nhảy thoát ra khỏi biển khổ luân hồi, ngộ Đạo quay trở về quê nhà nơi thượng giới.
Không Không đạo nhân nhờ viết “Thạch Đầu Ký” mà triệt ngộ chân cơ tu Đạo
Bởi vậy, phần sau của nguồn gốc câu chuyện, trong sách viết rằng:
“Không Không đạo nhân nghe vậy, ngẫm nghĩ một lúc, rồi xem lại truyện ‘Thạch Đầu Ký’ một lần nữa. Nhận thấy ở đây tuy cũng có những lời vạch kẻ gian, chê người nịnh, mắng người ác, diệt kẻ tà, nhưng không có ý mỉa mai thời thế. Đến như những việc vua nhân, tôi trung, cha hiền, con hiếu, tức là tất cả những chỗ quan hệ đến luân thường, thì đều một mực ca ngợi công đức, thực không có sách nào sánh kịp.
Trong đó, chủ ý tuy nói về tình, nhưng chẳng qua là chép việc thực, chứ không một chút bịa đặt như những sách thiên về dâm tình hò hẹn, thề thốt riêng tây. Đạo nhân thấy nó không dính dáng đến thời thế, mới chép từ đầu đến cuối để truyền câu chuyện kỳ lạ này cho mọi người. Vì đạo nhân thấy “sắc” là do “không” mà ra, rồi “tình” lại do “sắc” mà có, “tình” biểu hiện qua “sắc” rồi lại từ “sắc” trở về “không” cho nên đổi tên mình là Tình Tăng, đổi tên ‘Thạch Đầu Ký’ là ‘Tình Tăng lục’.
Khổng Mai Khê ở Đông Lỗ đề là ‘Phong nguyệt bảo giám’. Sau Tào Tuyết Cần mười năm đọc bộ sách này ở trong hiên Điệu Hồng, thêm bớt năm lần, xếp thành mục lục, chia ra từng chương từng hồi, lại đề là ‘Kim lăng thập nhị thoa’, và đề một bài thơ:
Đầy trang những chuyện hoang đường,
Tràn tít nước mắt bao nhường chua cay.
Đừng cho chỉ giả là ngây,
Ai hay ý vị chỉ đầy ở trong?”
Đây chính là khởi nguyên của bộ truyện Thạch Đầu Ký (Hồng Lâu Mộng).
Đoạn văn trên càng nói rõ hơn với độc giả rằng, Không Không đạo nhân trong bụng trống không, với việc tu Đạo vốn không hay biết chút gì, nhìn thấy truyện ký được khắc trên thân của hòn đá, bởi thấy “sắc” là do “không” mà ra, rồi “tình” lại do “sắc” mà có, “tình” biểu hiện qua “sắc” rồi lại từ “sắc” trở về “không”.
Ở đây xuất hiện hai chữ “Không”, ý là nói, việc tu Đạo không hay biết chút gì, rất trống rỗng (hàm nghĩa của chữ “không” đầu tiên). Vậy nên nhìn thấy quyển sách này, thoạt tiên trong mắt chỉ thấy mỹ sắc, sau bởi mỹ sắc mà sinh ra tình cảm ái mộ, sau khi tình sắc hợp chung với nhau mê đắm lầm lạc trong đó, cuối cùng nhìn thấu bản chất thật sự của tình và sắc, nhảy thoát khỏi hư ảo huyễn hoặc.
Lúc này đã đắc Đạo thật sự, buông bỏ được cái tình nguyên vốn là thứ khó buông bỏ nhất nơi thế gian con người (ngộ được rằng buông bỏ hết thảy chấp trước của người thường mới là “Không” thật sự, đây là hàm nghĩa của chữ Không sau cùng).
Hãy thử nghĩ xem, đây phải chăng nói với người đời rằng, ai có thể xem hiểu được bộ sách này, sẽ có thể ngộ được chân cơ tu luyện giống như Không Không đạo nhân vậy. Mà vị Không Không đạo nhân này chẳng phải là chính bản thân tác giả đó sao? Bảo Ngọc chẳng phải cũng chính là hóa thân của tác giả sao? Bảo Ngọc bản tính mê lạc, cứ mãi mê đắm vẻ đẹp của các chị em, nhưng cuối cùng chàng lại không chút động tâm trước sắc đẹp của Bảo Thoa và các chị em bên cạnh nữa.
Tập Nhân nói chàng đã trở nên hờ hững lạnh lùng, đây há không phải là đã bước ra khỏi tình sắc rồi hay sao? Tuy rằng bộ phận sau đó là của Cao Ngạc viết, đây chính là nói rõ Cao Ngạc đã hoàn toàn hiểu thấu được dụng ý thật sự của Tào Tuyết Cần khi dùng những văn tự này viết về Không Không đạo nhân.
Kỳ thật, Tào Tuyết Cần đang nhắc nhở độc giả một cách kín đáo về diệu lý chân không ẩn hàm bên trong quyển sách. Bản thân ông đã ngộ Đạo, vậy nên ông cũng mong rằng người đời có thể xem hiểu được hàm ý ẩn giấu bên trong tác phẩm giống như Không Không đạo nhân vậy, bước ra khỏi chấp trước ảo mộng của danh lợi tình đang trói buộc bản thân.
Thật ra, toàn bộ quyển sách này đều viết về Giả Bảo Ngọc, vốn là hòn đá ngoan cố nơi thiên thượng chuyển sinh thành người, đã mê mất bản tính như thế nào, đắm chìm trong tình cảm trai gái và tình cảm dành cho các chị em trong phủ ra sao, lại trong giấc mộng được điểm ngộ về số phận của những người phụ nữ bên cạnh mình.
Lúc mới đầu chàng không ngộ ra được, cuối cùng tận mắt chứng kiến vận mệnh bất khả kháng của mỗi từng chị em mà chàng lưu luyến, hoặc là gả chồng xa, hoặc là bệnh chết, hoặc là xuất gia, hoặc là bị mất tích, cuối cùng hiểu ra mỗi từng quyển sổ ghi chép vận mệnh mà chàng thấy trong mơ chính là điểm ngộ đối với chàng: Đời người là do Thiên định.
Cuối cùng chàng đã buông bỏ chấp trước với thế gian con người, quay trở về bản tính, đắc Đạo trở về trời. Bởi vậy đoạn đầu tiên trong phần mở đầu tác phẩm đã nhắc nhở độc giả, thông điệp gửi gắm chính yếu của bộ sách là nhân sinh tựa như mộng ảo, tuyệt đối không phải tùy tiện mà viết ra. Đây là manh mối chính của toàn bộ tác phẩm.
Hơn nữa bài thơ “Hảo Liễu Ca” của Chân Sĩ Ẩn không phải đã nói rõ chân cơ ngộ Đạo rồi sao? Chẳng qua người đời xem không hiểu mà thôi. Vậy nên, nếu xem tiểu thuyết là bi kịch của ái tình, thì đã hoàn toàn trái với dụng tâm và chủ ý của tác giả.
Giá như, bộ sách nếu không thất lạc 40 hồi sau cùng, rất có khả năng sẽ đem chân cơ đắc Đạo tiết lộ rõ ràng hơn nữa, vén mở toàn bộ diện mạo dụng ý chính một cách hoàn chỉnh và chân tướng con người đến từ nơi thiên thượng, cho đến chân cơ của việc tu Đạo quay về trời.
Nhưng âu đây cũng là Thiên ý, Thiên cơ không thể tiết lộ, không thể nói rõ ràng cụ thể với con người được, vậy nên mới thất lạc bộ phận đó chăng? Chẳng qua, Cao Ngạc cũng có thể đã xem hiểu được dụng ý của Tào Tuyết Cần, trên cơ bản đã thể hiện xuất sắc dụng ý ban đầu. Nhưng nếu là nguyên tác, hẳn Tào Tuyết Cần có thể sẽ viết rõ ràng cụ thể hơn nữa…
Theo Epochtimes
Vũ Dương biên dịch
Theo dkn.tv