Dịch virus Vũ Hán bùng phát lần thứ 3 tại Hồng Kông, chính quyền Carrie Lam đã thông báo rằng họ sẽ tiến hành một cuộc xét nghiệm DNA trên toàn quốc dưới sự hỗ trợ của phái đoàn kiểm tra từ Đại lục. Nhiều người nghi ngờ rằng, Trung Quốc sẽ thu thập DNA của người Hồng Kông dưới danh nghĩa phòng chống dịch bệnh.
Trưởng Đặc khu Hồng Kông Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) đã tổ chức một cuộc họp báo vào ngày 7/8, thông báo rằng sớm nhất là sau 2 tuần, sẽ tiến hành một cuộc xét nghiệm DNA tự nguyện và miễn phí đối với toàn dân.
Nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông Hoàng Chi Phong đã bình luận trên Twitter rằng, Carrie Lam dưới tình huống không có thủ tục đấu thầu thích hợp, đã cấp dự án 150 triệu đô la Hồng Kông cho 3 cơ quan kiểm tra do Trung Quốc tài trợ, và nghi ngờ rằng các cơ quan này có thể chuyển giao dữ liệu DNA về cho Bắc Kinh. 3 cơ quan này là Trung tâm Chẩn đoán Hoa Thăng, China Certification & Inspection Co., Ltd (CCIC) và Prenetics.
Hoàng Chi Phong chỉ ra rằng, Viện gen Bắc Kinh (BGI), công ty mẹ của Trung tâm Chẩn đoán Hoa Thăng, đã bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách trừng phạt vì thu thập DNA của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Vào tháng 7 vừa qua, Cục Công nghiệp của Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã liệt kê Công ty Xinjiang Silk Road BGI và Công ty Beijing Liuhe BGI vào danh sách thực thể áp đặt các biện pháp trừng phạt.
Theo “HKSAR Government Press Release”, vào tháng 5/2014, Viện gen Bắc Kinh (BGI) đã mở thêm trung tâm nghiên cứu của mình ở quận Đại Bộ, Hồng Kông. Còn “Hong Kong BGI” được thành lập vào năm 2010 thực ra là trung tâm nghiên cứu của BGI, đang phát triển nhanh chóng và sử dụng Hồng Kông làm bàn đạp để mở rộng thị trường ra nước ngoài.
BGI còn hợp tác chặt chẽ với trung tâm ghép tạng lớn nhất Châu Á – Bệnh viện Trung tâm Số 1 Thiên Tân. Bệnh viện này đã bị WOIPFG (Tổ chức Thế giới về Điều tra Cuộc bức hại Pháp Luân Công) lên án là có dính líu đến việc mổ cướp nội tạng của các học viên Pháp Luân Công.
Tống Văn Lợi, giám đốc Trung tâm cấy ghép của Bệnh viện Trung tâm Số 1 Thiên Tân, trong một lần trò chuyện được ghi âm lại qua điện thoại, đã chính miệng thừa nhận rằng trong số những người “tự nguyện” hiến tạng có học viên Pháp Luân Công.
Vào năm 2018, Trịnh Hồng, Phó trưởng khoa của Bệnh viện Trung tâm Số 1 Thiên Tân và Từ Tấn, Giám đốc điều hành của Tập đoàn BGI, kiêm Giám đốc điều hành của Ngân hàng Gen Quốc gia Thâm Quyến, đã công bố “Ngân hàng Gen Quốc gia – Ngân hàng Tài nguyên Cấy ghép Nội tạng (Thiên Tân)” sẽ làm việc cùng nhau để xây dựng một ngân hàng tài nguyên cấy ghép nội tạng có sức ảnh hưởng.
Theo báo cáo của Viện Chính sách Chiến lược Australia (Australian Strategic Policy Institute), BGI đã xây dựng nên một “Ngân hàng Gen Quốc gia” của Trung Quốc và đang bắt đầu triển khai hoạt động ở Tân Cương.
Tổ chức “Theo dõi Nhân quyền” (Human Rights Watch) của Mỹ năm 2017 đã tiết lộ, ĐCSTQ đang thu thập dữ liệu sinh học như DNA của người dân ở Tân Cương. Cùng năm đó, cựu bác sĩ làm việc ở Tân Cương Enver Tohti Bughda tiết lộ với giới truyền thông rằng, ĐCSTQ đã thực hiện hành động mổ cướp nội tạng ở Tân Cương trong một thời gian dài.
Nhà văn Hồng Kông Thái Vĩnh Mai nói: “Kỳ thực tôi nghĩ nó (ĐCSTQ) đã có hết các tư liệu về chúng tôi (người Hồng Kông) rồi, chỉ là chưa có DNA mà thôi. Nó đang lợi dụng dịch bệnh này để nói rằng, những người không đến Trung Quốc Đại lục, những người không có giấy phép hồi hương, nó cũng đều có thể tập trung tư liệu, tiến hành khống chế. Vậy nên người Hồng Kông hiện đang rất lo lắng.
Nó (ĐCSTQ) chính là đang đối đãi như thế với người Duy Ngô Nhĩ. Người Duy Ngô Nhĩ làm bất cứ chuyện gì, một khi nó lấy DNA của bạn, bạn sẽ không có nơi nào để trốn. Vậy nên tôi thấy người Hồng Kông đang có rất nhiều điểm chung với người Duy Ngô Nhĩ”.
Luật sư cấp cao kiêm Chủ tịch Đảng Dân sự Hồng Kông, ông Lương Gia Kiệt biểu thị, cuộc xét nghiệm DNA đã dẫn đến sự bất an rất lớn cho người dân Hồng Kông. Ông Lương nói: “Người dân Hồng Kông rất lo lắng về đề xuất này, chủ yếu là vì họ cực kỳ mất lòng tin vào chính phủ và ĐCSTQ”.
Mặc dù chính quyền Hồng Kông phủ nhận việc dữ liệu DNA của người dân Hồng Kông sẽ được gửi về Đại lục, nhưng người ta không tin điều đó.
Nhà thiết kế kiêm nhà báo người Hồng Kông Patrick Lui nói: “Một số phương tiện truyền thông biết rằng sau khi họ thu thập DNA, họ sẽ gửi nó đến trụ sở của BGI ở Hồng Kông, chứ không phải đến phòng hóa nghiệm.
Điều đơn giản đó đã chứng minh rằng mục đích mà họ sử dụng chúng là không chính xác. Nó khiến mọi người tự hỏi đâu là lý do thực sự cho những hành động này? Họ lấy dữ liệu DNA của chúng tôi rồi, làm cách nào mà tôi biết một ngày nào đó, họ cảm thấy cơ quan của bạn, hay nội tạng trong cơ thể của bạn, phù hợp với mục đích gì đó?”.
Bà Tằng, một công dân Hồng Kông nói: “Đây là vấn đề liên quan đến (an toàn) thân thể của một con người. Họ nói, ‘nó rất an toàn, tôi (chính phủ) sẽ không thế nào thế nào đó (đối với bạn)’. Nhưng mà, tất cả những gì họ nói chúng tôi đều không tin nữa rồi. Rất nhiều người Hồng Kông đều nói như vậy trên Internet, chúng tôi sẽ không đi xét nghiệm”.
Vào ngày 1/7, ngày đầu tiên mà “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” có hiệu lực, 10 người bị bắt đã bị lấy mẫu DNA. Các luật sư chất vấn rằng hành động này vượt quá nhu cầu của cuộc điều tra, và nghi ngờ rằng cảnh sát đang mở đường cho việc thiết lập cơ sở dữ liệu DNA.
VIDEO - KÝ ỨC MỔ CƯỚP TẠNG KINH HOÀNG CỦA MỘT THỰC TẬP SINH Y KHOA
Gia Hưng (Theo NTDTV)