Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo đã nhận định rằng: Hồng Kông không còn đủ tự chủ, tách biệt với Trung Quốc “để đủ điều kiện hưởng đặc quyền pháp luật từ Mỹ được áp dụng trước giai đoạn tháng 7/1997 nữa”.
Quyết định này được đưa ra sau khi chính quyền Bắc Kinh thông báo sẽ ban hành dự luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông, “lách qua” hệ thống lập pháp của đặc khu để tiến hành ngăn chặn tình trạng ly khai, đảo chính và khủng bố.
Dưới đây sẽ là một vài ý chính cho thấy, động thái từ Trung Quốc và Mỹ gây ảnh hưởng như thế nào tới đặc khu đã từng là thuộc địa của Anh.
Đặc quyền của Hồng Kông
5 năm trước khi Anh trao trả lại Hồng Kông cho Trung Quốc vào ngày 1/7/1997, các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã quyết định, sẽ tiếp tục đối xử với Hồng Kông như một một vùng lãnh thổ độc lập khỏi Trung Quốc về sau này.
Theo Đạo luật Chính sách Hoa Kỳ – Hồng Kông năm 1992, Hoa Kỳ ban cho Hồng Kông đặc quyền là một phần lãnh thổ độc lập của Trung Quốc, và các thỏa thuận điều chỉnh một loạt các tương tác, liên quan đến xuất khẩu thương mại giữa Hoa Kỳ và Hồng Kông trước khi bàn giao vẫn sẽ có hiệu lực.
Từ góc nhìn của Mỹ mà xét, có lẽ phương diện lớn nhất mà Hồng Kông được đối xử như một vùng lãnh thổ tách biệt với Trung Quốc, là lĩnh vực thương mại và kinh tế.
Mỹ công nhận Hồng Kông là một lãnh thổ hải quan độc nhất, nghĩa là đặc khu này phần lớn đã tránh được biến động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Hồng Kông cũng là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Hoa Kỳ và có mức thuế suất bằng 0 đối với hàng nhập khẩu của Mỹ.
Hồng Kông còn là một trung tâm tài chính chủ chốt toàn cầu, vị thế này của đặc khu được công nhận nhờ nhiều thập kỷ mở cửa kinh tế, cũng như hệ thống luật pháp của khu vực. Điều này đã trở thành một đường dẫn chủ chốt cho dòng tiền đầu tư lưu động tại Trung Quốc.
Sẽ có những biến đổi nào?
Chính quyền Mỹ hiện vẫn chưa rút lại đặc quyền dành cho Hồng Kông.
Theo điều khoản sửa đổi năm 2019 của Đạo luật Chính sách Hoa Kỳ – Hồng Kông, Bộ trưởng Ngoại giao được yêu cầu báo cáo cho Quốc hội, ít nhất mỗi năm một lần tình hình của Hồng Kông. Do đó, việc ông Pompeo nhận định Hồng Kông không còn đủ tự chủ khỏi Trung Quốc sẽ khiến chính quyền phải thay đổi, có những phương án hành động cụ thể, bao gồm cả các biện pháp trừng phạt khả thi.
Theo điều luật từ Mỹ, đặc quyền dành cho Hồng Kông kể từ tháng 7/1997 có tồn tại được hay không, phụ thuộc phần lớn vào việc liệu chính quyền Trung Quốc có giữ đúng cam kết để cho đặc khu được toàn quyền tự trị hay không. Cam kết đó đã được quy định trong Luật Cơ bản Hồng Kông, cho phép Hồng Kông tự quyền quản lý các vấn đề của mình trong tất cả các lĩnh vực, ngoại trừ chính sách quốc phòng và đối ngoại dưới mô hình “một quốc gia, hai chế độ”.
Luật Cơ bản yêu cầu chính phủ Hồng Kông “tự” thi hành các điều luật, nhằm ngăn chặn các hành động phản quốc, ly khai, nổi loạn, đảo chính, trộm cắp bí mật quốc gia, đồng thời cấm vận các tổ chức chính trị nước ngoài thi hành động thái chính trị tại khu vực này.
Chính phủ Hồng Kông đã cố gắng thực hiện những điều trên vào năm 2003, nhưng không thu được thành công do vấp phải sự phản đối rộng rãi từ công chúng. Các nhà phê bình quan ngại, các điều luật như vậy có thể được áp dụng để “bịt miệng” những tiếng nói bất đồng chính kiến, hoặc hạn chế quyền tự do dân sự. Vì vậy, Đảng Cộng Sản của Trung Quốc (ĐCSTQ) đã quyết định sẽ tự giải quyết vấn đề này. Với việc soạn thảo luật an ninh quốc gia, chính quyền Bắc Kinh sẽ đơn phương áp đặt các điều luật kể trên đối với Hồng Kông mà vẫn “lách” được các điều khoản lập pháp của đặc khu.
Ông Pompeo coi động thái này như một phần của “sự leo thang tấn công đặc khu”, đánh dấu sự xói mòn quyền tự do vì chịu sự chi phối dưới bàn tay của chính quyền Bắc Kinh. Năm 2019, vị Bộ trưởng Ngoại giao nhận định Hồng Kông vẫn là “lãnh thổ đủ quyền tự chủ, dù mức độ tự trị đã giảm đi”. Ông cho rằng các động thái từ Trung Quốc kể từ thời gian đưa ông đưa ra nhận định, bao gồm cả động thái mới gần đây, đã đẩy đặc khu vượt quá giới hạn cho phép.
Những lời hàm ý
Ngày 27/5, trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao các vấn đề Đông Á – Thái Bình Dương là David Stillwell cho biết: Hoa Kỳ sẽ cố gắng “ứng biến linh động” trước mọi khó khăn xung đột. Ông chia sẻ: “Chúng tôi sẽ tiến hành một cách khôn khéo để bảo vệ mọi thứ và người dân, mà vẫn đồng thời cho chính quyền Bắc Kinh nhận thức được điều họ đang làm là trái với những gì đã cam kết năm 1997”. Khả năng đây sẽ là một thách thức.
Hồng Kông từ lâu được xem là một khu vực trung tâm cho kinh tế Mỹ bởi thị trường tự do, hệ thống luật pháp và nền tự do dân sự. Theo Lãnh sự quán Hoa Kỳ, có gần 1,400 doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại đặc khu. Đại diện Thương mại Mỹ nhận định: thương mại song phương giữa hai khu vực đạt gần 67 tỷ đô la năm 2018, và cổ phiếu đầu tư trực tiếp nước ngoài của Mỹ đạt hơn 82 tỷ đô la năm 2017.
Theo báo cáo chính sách Hồng Kông năm 2019 của Bộ Ngoại giao: “Gần như mọi doanh nghiệp tài chính lớn của Mỹ đều duy trì hoạt động tại Hồng Kông, với hàng trăm tỷ đô la tài sản được quản lý tại đây”.
Không chỉ riêng Mỹ mà Úc, Canada và Anh cũng đồng thời tuyên bố công khai về tình hình Hồng Kông hôm 28/5, các quốc gia bày tỏ quan ngại sâu sắc về quyết định của chính quyền Trung Quốc khi thi hành luật an ninh quốc gia, và cho rằng động thái của chính quyền Bắc Kinh sẽ gây nguy hiểm đến sự ổn định, và thịnh vượng của Hồng Kông.
Sự can thiệp ngày càng rõ rệt của chính quyền Bắc Kinh trong các vấn đề Hồng Kông đã khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng, nhất là các mối nguy xoay quanh quyền tự do và độc lập tư pháp.
Nếu chính quyền Mỹ quyết định thu hồi toàn bộ đặc quyền thương mại của Hồng Kông, điều này sẽ gây thêm căng thẳng cho tình hình kinh tế tại đặc khu, và chắc chắn sẽ khiến chính quyền Trung Quốc đưa ra động thái trả đũa.
Với dân số 7 triệu người, đây là một vấn đề nan giải phức tạp của Hồng Kông. Một số nhà hoạt động đã tán dương nhận định của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Pompeo, đồng thời cho rằng hỗ trợ quốc tế là con đường duy nhất để chống lại chính quyền Bắc Kinh.
Một số khác cùng quan điểm với chính phủ Trung Quốc, lại cảm thấy Mỹ không nên can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc đại lục. Dù thế nào đi chăng nữa, Hồng Kông chắc chắn sẽ có một số thay đổi lớn trong tương lai.
Việt Anh - Theo Tinh Hoa