Trong vài năm qua, Hoa Kỳ đã nhận ra rằng Trung Quốc, với tham vọng thống trị thế giới và hoàn toàn coi thường đạo đức và con người, đã trở thành mối đe dọa số một đối với Hoa Kỳ và phần còn lại của thế giới tự do.
Mối đe dọa đến từ gián điệp Trung Quốc từ lâu đã được biết đến, và mỗi ngày thế giới lại biết thêm một chút về phạm vi trộm cắp thông tin của Trung Quốc trên nhiều vùng lãnh thổ. Phát hiện gần đây nhất là Trung Quốc đang sử dụng cả cách thức công khai lẫn kín đáo để thu thập dữ liệu chăm sóc sức khỏe của nước Mỹ, đặc biệt là DNA của người dân Mỹ.
Báo động chính thức đầu tiên được Trung tâm Phản gián và An ninh Quốc gia (NCSC) đưa ra vào tháng 5/2020, với cảnh báo công khai: “Các thế lực nước ngoài có thể thu thập, lưu trữ và khai thác thông tin sinh trắc học từ các xét nghiệm COVID”. Trong bối cảnh đại dịch và bất ổn xã hội, cảnh báo này đã không nhận được sự chú ý của giới truyền thông, cho đến khi một chương trình “60 Minutes” gần đây đưa vấn đề này trở thành tâm điểm công khai.
Trong tập phát sóng ngày 31/1, “60 Minutes” báo cáo rằng gã khổng lồ công nghệ sinh học Trung Quốc BGI đã tiếp cận ít nhất sáu tiểu bang, bao gồm Washington, New York và California, để cung cấp các gói hỗ trợ xét nghiệm COVID hào phóng, bao gồm cả việc xây dựng và vận hành phòng thí nghiệm kiểm tra COVID, cung cấp chuyên môn kỹ thuật và thiết bị, và thậm chí cả các khoản đóng góp - tất cả đều miễn phí.
Cựu giám đốc của NCSC, Bill Evanina, nói với “60 Minutes” rằng ông rất quan ngại về các đề xuất của BGI. Evanina có nhiều lý do chính đáng để cảm thấy lo lắng, và một trong số đó là mối quan hệ chặt chẽ của BGI với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và quân đội Trung Quốc.
BGI
BGI được thành lập vào năm 1999 tại Bắc Kinh bởi Wang Jian, một nhà di truyền học người Trung Quốc, người từng là thành viên nghiên cứu tại một số trường Đại học Hoa Kỳ từ năm 1988 đến 1994.
Tên của công ty vào thời điểm đó là Huada và nó vẫn đang sử dụng Huada làm tên tiếng Trung. Trong những năm đầu thành lập, Huada chỉ dựa vào tài trợ của chính phủ và phải vật lộn để có đủ tiền để tồn tại. Cơ hội của Huada đã đến khi bệnh dịch SARS bùng phát vào năm 2003. Huada là công ty đầu tiên giải mã bộ gen của virus SARS và tạo ra một bộ công cụ phát hiện SARS. Điều này đã nhận được sự quan tâm và ủng hộ từ phía lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ. Cuối năm đó, công ty trở thành Viện Gen Bắc Kinh (Beijing Genomics Institute - BGI) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc.
Kể từ khi thành lập, BGI đã nuôi dưỡng một nền văn hóa doanh nghiệp mang tính dân tộc và lòng trung thành với ĐCSTQ. Wang Jian đã từng nói với Founder Magazine rằng các bức tường của công ty ông được bao phủ bởi những khẩu hiệu như “Trung thành phụng sự Tổ quốc”, nhằm tri ân những đóng góp của chính quyền địa phương.
Trong bản dự thảo đơn xin quỹ chính phủ 800 triệu nhân dân tệ (122,2 triệu USD), Wang không chỉ điền vào các trang bằng những lời lẽ kiểu ĐCSTQ như “Tôi xin đấu tranh cho các kế hoạch thiên niên kỷ vĩ đại của nhân dân Trung Quốc”, mà còn nói rằng mục đích của dự án của ông ta là để “ngăn chặn kẻ thù nước ngoài phát minh ra vũ khí gen chống lại chủng tộc Trung Hoa".
BGI bắt đầu được quốc tế chú ý vào năm 2010, nhưng không phải vì các thành tựu khoa học của nó. Nhờ khoản vay 90 triệu đô la từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước, BGI đã mua 128 hệ thống giải trình tự từ Illumina có trụ sở tại San Diego, nhà sản xuất thiết bị giải trình tự hàng đầu của Mỹ.
Với sự trợ giúp của máy móc và công nghệ của Mỹ, cùng với nhân công giá rẻ và sự hỗ trợ của chính phủ, BGI nhanh chóng trở thành nhà máy giải trình tự DNA của thế giới và chiếm hơn một nửa công suất giải trình tự toàn cầu.
Năm 2012, BGI mua lại Complete Genomics, một công ty giải trình tự DNA và cũng là một nhà sản xuất thiết bị, với giá 117,6 triệu đô la. Số tiền này được huy động từ các khoản đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc. Các quỹ đầu tư mạo hiểm ở Trung Quốc được sở hữu và kiểm soát bởi con cháu thuộc thế hệ thứ hai hoặc thứ ba của các nhà lãnh đạo hàng đầu của ĐCSTQ.
Giám đốc điều hành Illumina, Jay Flatley, nói với New York Times vào năm 2012 rằng việc mua bán này “sẽ cho phép chính phủ Trung Quốc tài trợ để đưa công nghệ về phía trước với tốc độ mà không một công ty Mỹ nào có thể sánh kịp, vì chúng tôi không có quyền tiếp cận với các nguồn tài trợ như vậy”. Illumina đã cố gắng ngăn chặn thỏa thuận này bằng cách đưa ra mức giá cao hơn nhưng đã bị bác bỏ do lo ngại về chống độc quyền. Công ty cũng đã cố gắng vận động Quốc hội nhằm nêu lên những lo ngại của mình nhưng không nhận được nhiều phản hồi.
Trong ngành chăm sóc sức khỏe, Hoa Kỳ đã mất thị trường và việc làm vào tay Trung Quốc từ rất lâu trước khi đại dịch xảy ra. Chuyên gia chăm sóc sức khỏe và tác giả Rosemary Gibson đã cảnh báo về sự độc quyền của Trung Quốc trên thị trường thuốc gốc của Mỹ trong cuốn sách năm 2018 của bà “China RX: Exposing the Risks of America’s Dependence on China for Medicine” (Tạm dịch: “Đơn thuốc của Trung Quốc: Vạch trần nguy cơ Mỹ phụ thuộc vào dược phẩm từ Trung Quốc”).
Gibson viết: “Trong những năm 1990, Hoa Kỳ, Châu Âu và Nhật Bản đã sản xuất 90% nguồn cung toàn cầu của các thành phần chính cho các loại thuốc và vitamin trên thế giới. … Dữ liệu ngành tiết lộ rằng các công ty Trung Quốc đã thành lập một cartel, thông đồng để bán sản phẩm trên thị trường toàn cầu với giá thấp hơn giá thị trường và khiến tất cả các nhà sản xuất Mỹ, Châu Âu và Ấn Độ phải ngừng kinh doanh”.
Kết quả là, các công ty dược phẩm Trung Quốc hiện đã chiếm được 97% thị trường thuốc kháng sinh ở Mỹ và hơn 90% thị trường vitamin C. Mỹ đã đóng cửa nhà máy penicillin cuối cùng vào năm 2004.
Nỗi đau đã được cảm nhận từ rất sớm trong trận đại dịch khi thế giới đang rất cần những chiếc khẩu trang. Lúc này người Mỹ mới bàng hoàng nhận ra rằng 95% nguồn cung khẩu trang của mình được sản xuất ở nước ngoài, chủ yếu là ở Trung Quốc. Và Trung Quốc đang giữ những chiếc khẩu trang cho riêng mình.
Sự thiếu hụt có thể được sử dụng để chống lại Mỹ: Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận của Trung Quốc, vào tháng 3/2020 đã đe dọa sẽ cấm xuất khẩu vật tư y tế sang Mỹ như một sự trả đũa cho việc chính quyền Trump cấm người Trung Quốc nhập cảnh vào Mỹ, đồng thời giúp công dân Mỹ ở Trung Quốc trở lại Hoa Kỳ. Bài báo phát biểu một cách hùng hồn rằng sẽ cho Hoa Kỳ "chết chìm trong biển coronavirus hùng mạnh".
Sự việc tương tự cũng có thể xảy ra trong lĩnh vực DNA. BGI có công nghệ, năng lực, tài chính và kinh nghiệm — nó đang nhanh chóng mở rộng dấu ấn của mình trên toàn cầu. Theo trang web của mình, BGI đang hoạt động kinh doanh tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, và có 11 văn phòng và phòng thí nghiệm tại Hoa Kỳ. BGI “đã hình thành nhiều mối quan hệ đối tác với các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tổ chức nghiên cứu của Hoa Kỳ để cung cấp giải trình tự gen quy mô lớn nhằm hỗ trợ các nỗ lực nghiên cứu y tế”, theo báo cáo năm 2019 từ Ủy ban Đánh giá An ninh Kinh tế Mỹ - Trung (USCC).
Rõ ràng, BGI coi COVID-19 là một cơ hội hoàn hảo để tăng cường tác động của nó tại Hoa Kỳ. Trong một lá thư gửi đến Thống đốc Washington là Jay Inslee, Wang đề cập đến việc BGI đã tặng các sản phẩm của công ty cho Đại học Washington và đề nghị sẽ tặng thêm “ngay sau khi sản phẩm của chúng tôi nhận được sự chấp thuận của cơ quan quản lý”. Điều này cho thấy BGI đang hy vọng những đề nghị hấp dẫn này sẽ giúp họ nhận được sự chấp thuận nhanh hơn và dễ dàng hơn, hoặc mang lại cho họ lợi thế cạnh tranh theo một cách nào đó.
BGI đặt ra một mối đe dọa lớn hơn bởi vì nó không chỉ bán sản phẩm mà còn thu thập thông tin cá nhân và duy nhất của chúng ta: DNA. Nhiều người trong cộng đồng công nghệ sinh học và chính phủ đã bày tỏ lo ngại với việc Trung Quốc tiếp cận dữ liệu DNA của Mỹ, chủ yếu vì ba lý do. Trong cuộc phỏng vấn trên “60 Minutes”, Evanina đã thảo luận về kịch bản rất có thể xảy ra, trong đó các công ty Trung Quốc sẽ có thể nhắm mục tiêu vi mô vào các cá nhân Mỹ và đưa ra các giải pháp chăm sóc sức khỏe tùy chỉnh dựa trên DNA của họ. Evanina đưa ra câu hỏi: “Chúng ta có muốn một quốc gia khác loại bỏ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của chúng ta một cách có hệ thống không? Với tư cách một quốc gia, chúng ta đồng ý với điều đó sao?”.
Mối quan tâm thứ hai là Trung Quốc có thể sử dụng DNA để theo dõi và tấn công các cá nhân Mỹ. Như báo cáo của USCC viết: “Trung Quốc có thể nhắm vào các lỗ hổng của những cá nhân cụ thể được đưa ra ánh sáng bởi dữ liệu bộ gen hoặc hồ sơ sức khỏe. … Các cá nhân bị nhắm mục tiêu trong các cuộc tấn công như vậy có thể là những người được xác định một cách chiến lược, chẳng hạn như các nhà ngoại giao, chính trị gia, quan chức cấp cao của liên bang hoặc lãnh đạo quân đội”. Tiến sĩ Steven Mosher, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Dân số (PRI), tin rằng đây là một kịch bản rất có thể xảy ra.
Mối quan tâm thứ ba là Trung Quốc có thể phát triển vũ khí sinh học để nhắm vào những người không phải là người châu Á. Tiến sĩ Mosher mô tả điều này trong bài báo “Trung Quốc sẽ làm gì với DNA của bạn”. Ông viết: “Chúng tôi biết rằng bộ gen của người châu Á khác biệt về mặt di truyền với người da trắng và người châu Phi theo nhiều cách. … Liệu có thể chế tạo ra một phiên bản rất độc hại của bệnh đậu mùa, dễ lây truyền, có thể gây tử vong cho các chủng tộc khác, nhưng người Trung Quốc được hưởng khả năng miễn dịch tự nhiên? … Với khả năng điều khiển gen hiện tại của chúng ta, nếu một vũ khí sinh học như vậy có thể được nghĩ ra, thì nó có thể trở thành hiện thực, miễn là được cung cấp đủ thời gian và nguồn lực”. Mặc dù về mặt kỹ thuật, điều này sẽ rất thách thức và cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy một loại vũ khí như vậy có thể được tạo ra, nhưng hậu quả là quá thảm khốc để có thể bỏ qua.
Thu hoạch nội tạng
Nhưng có một lý do khác mà hầu hết người Mỹ thậm chí không biết. Theo tôi, đây có thể là động lực mạnh mẽ và thiết thực nhất để Trung Quốc tích lũy DNA trong và ngoài nước. Lý do này tà ác đến mức khó tin, nhưng đã xảy ra hơn hai thập kỷ và vẫn đang tiếp diễn: đó chính là tội ác cưỡng bức mổ cướp nội tạng.
Trung Quốc bắt đầu xây dựng cơ sở dữ liệu DNA của mình vào năm 1999, trùng với thời điểm bắt đầu cuộc bức hại quy mô lớn đối với các học viên Pháp Luân Công, và chính quyền bắt đầu cưỡng bức mổ cướp nội tạng trên toàn quốc từ các học viên bị bỏ tù và các tù nhân lương tâm khác.
Kể từ đó, Trung Quốc đã mở rộng quy mô cơ sở dữ liệu DNA của mình với tốc độ đáng kinh ngạc. Năm 2003, ngành công an có dưới 100.000 hồ sơ. Vào khoảng năm 2017, Trung Quốc đã phát động một chiến dịch lớn nhằm thực thi việc thu thập DNA trên toàn quốc. Vào năm 2018, kích thước của cơ sở dữ liệu đã tăng lên 70 triệu hồ sơ. Để hiểu rõ điều này, cơ sở dữ liệu DNA của FBI, CODIS, được thành lập trước Trung Quốc khoảng một thập kỷ. Tính đến tháng 9/2020, nó mới chỉ có khoảng 19 triệu hồ sơ.
Ngày nay, cơ sở dữ liệu DNA quốc gia không phải là hiếm trên thế giới, và thường được sử dụng cho các mục đích pháp lý và đạo đức. Nhưng giống như internet, viễn thông và các công nghệ khác, cơ sở dữ liệu như vậy có thể bị ĐCSTQ lợi dụng cho các mục đích xấu.
Trong Báo cáo năm 2019 về Tự do Tôn giáo Quốc tế: Trung Quốc, Văn phòng Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ dẫn lời tổ chức phi chính phủ Liên minh Quốc tế về Chấm dứt Lạm dụng Cấy ghép tại Trung Quốc, kết luận rằng “cưỡng bức mổ cướp nội tạng đã được thực hiện trong nhiều năm trên khắp Trung Quốc với quy mô đáng kể, và các học viên Pháp Luân Công là một — và có lẽ là — nguồn cung cấp nội tạng chính”.
Theo nhiều nguồn tin, các ca cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc bắt đầu tăng vọt vào khoảng năm 2000. Ngày nay, Trung Quốc tiến hành hơn 10.000 ca ghép tạng mỗi năm, phần lớn là các cơ quan quan trọng như gan và phổi. Thời gian chờ đợi trung bình cho một cơ quan quan trọng là từ 2 đến 4 tuần, so với khoảng 3 năm ở các nước còn lại trên thế giới. (pdf)
Sự phát triển đồng thời của cơ sở dữ liệu DNA và cấy ghép nội tạng của Trung Quốc không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Kể từ khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu vào năm 1999, hàng triệu học viên đã bị giam giữ trong các nhà tù và trại lao động. Khi bị giam giữ, các học viên Pháp Luân Công luôn bị ép làm xét nghiệm máu và nội tạng, trong khi các tù nhân khác thì không.
Hơn nữa, việc thu thập DNA không chỉ giới hạn ở các nhà tù và trại lao động. Đã có nhiều báo cáo về việc cảnh sát cưỡng bức thu thập DNA tại nhà của các học viên Pháp Luân Công. Theo một báo cáo, vào tháng 10/2013, ba nhân viên an ninh công cộng đã đột nhập vào nhà của bà Yang Guizhu, 64 tuổi, một nhân viên chính phủ đã nghỉ hưu, và yêu cầu lấy mẫu máu của bà để xét nghiệm DNA. Khi bị Yang từ chối, ba người đàn ông đã dùng vũ lực giữ bà lại và lấy được máu của bà.
Các dân tộc thiểu số như người Duy Ngô Nhĩ cũng là nạn nhân của nạn cưỡng bức mổ cướp nội tạng. Trong những năm gần đây, chính quyền Trung Quốc đã phát động một số chiến dịch thu thập DNA của họ cùng với các dữ liệu sinh trắc học khác. Kể từ năm 2016, mọi người dân Tân Cương từ 12 đến 65 tuổi buộc phải giao nộp mẫu DNA và trải qua việc quét võng mạc và lấy dấu vân tay hàng năm, với danh nghĩa “khám sức khỏe miễn phí”, theo Tân Hoa xã.
Kể từ cuối năm 2019, Trung Quốc bắt đầu thu thập DNA từ những cư dân phổ thông. Cảnh sát có mặt tại các trường học, làng mạc và khu dân cư để thu thập mẫu DNA và các thông tin khác, và mọi người không được phép từ chối.
Những việc làm như vậy là không thể tưởng tượng được ở các quốc gia khác. Một số quốc gia thậm chí còn cấm lưu trữ vĩnh viễn hồ sơ DNA để bảo vệ quyền riêng tư và quyền con người của công dân.
Mặc dù thế giới vẫn chưa biết tất cả những gì Trung Quốc đã làm hoặc đang lên kế hoạch đối với cơ sở dữ liệu DNA khổng lồ mà họ xây dựng được trong hai thập kỷ qua, nhưng có một điều chắc chắn là chế độ độc tài với bề dày thành tích tội ác chống lại loài người này không nên được tin tưởng.
Kể từ ngày hôm nay, không có hạn chế chính thức nào đối với việc bán các công ty công nghệ sinh học, công nghệ và thiết bị của Hoa Kỳ cho Trung Quốc, cũng như việc xét nghiệm DNA của Hoa Kỳ ở Trung Quốc, cũng như việc chuyển giao thông tin bộ gen của Hoa Kỳ cho quốc gia đó. Đã đến lúc chính phủ Mỹ và các nhà lập pháp phải nhìn nhận sâu sắc hơn về vấn đề này trước khi quá muộn.
VIDEO: 6 BẰNG CHỨNG CHO THẤY MỔ CƯỚP NỘI TẠNG CỦA CHÍNH QUYỀN TQ LÀ CÓ THẬT
Tác giả: Pingping Yu
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.
Thanh Hương
Theo Epoch Times tiếng Anh
Đăng theo NTDVN