Dịch viêm phổi Vũ Hán vẫn đang bùng phát mạnh, để đáp ứng với số bệnh nhân ngày càng tăng nhanh, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tuyên bố trưng dụng ký túc xá sinh viên tại hơn một chục trường đại học, cao đẳng tại Vũ Hán làm địa điểm cách ly theo dõi, không những thế còn ném trực tiếp đồ đạc cá nhân của sinh viên xuống dưới lầu, khiến sinh viên vô cùng tức giận.

Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông Trung Quốc, hiện tại tài nguyên y tế ở Vũ Hán đang bị thiếu hụt nghiêm trọng, thành phố đã phải trưng dụng hơn một chục ký túc xá của các trường cao đẳng, đại học ở Vũ Hán để làm địa điểm cách ly theo dõi.

Các chuyên gia của ĐCSTQ cho biết, việc trưng dựng ký túc xá của các trường cao đẳng, đại học ở một mức độ nào đó có thể giải quyết được vấn đề giường bệnh, có lợi cho việc theo dõi và điều trị bệnh nhân. Tuy nhiên, khi số lượng giường bệnh tăng lên, các chuyên gia và thiết bị y tế cũng phải tăng lên.

Vào ngày 8/2, bài đăng trên Weibo chính thức của học viện Kinh doanh Vũ Hán tuyên bố rằng, ký túc xá sinh viên đã được trưng dụng làm điểm cách ly tập trung.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện tại các ký túc xá sinh viên được trưng dụng ở Vũ Hán là của các trường Đại Học Giang Hán, Học viện Kinh doanh Vũ Hán, Cao đẳng Kỹ thuật Đóng tàu Vũ Hán, Cao đẳng nghề Thành phố Vũ Hán, Cao đẳng Kỹ thuật Phần mềm Vũ Hán, Trường Máy móc Điện tử Vũ Hán, Trường Vận tải Vũ Hán, Trường Cơ khí và Điện tử Vũ Hán, Trường Kinh doanh Cung ứng và Tiếp thị Vũ Hán, Trường Công nghiệp nhẹ thứ hai Vũ Hán, Trường Kinh doanh thứ nhất Vũ Hán, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp thứ nhất Vũ Hán, Trường Du lịch Vũ Hán…

Trong số đó, Trường cao đẳng nghề và kỹ thuật đóng tàu Vũ Hán là trường cao đẳng đầu tiên được trưng dụng, với tổng số 1.000 phòng ký túc xá trong 9 tòa nhà ký túc xá. Từ ngày 5/2, sẽ được nhân viên của bộ chỉ huy quận Hán Dương tiến hành dọn dẹp. Vào ngày 8/2, tốp bệnh nhân thuộc diện “tình nghi” và bị sốt đầu tiên được nhận vào.

Dịch bệnh viêm phổi tại Vũ Hán bùng phát khiến tài nguyên y tế ở Vũ Hán đang bị thiếu hụt nghiêm trọng.

Dịch bệnh viêm phổi tại Vũ Hán bùng phát khiến tài nguyên y tế ở Vũ Hán đang bị thiếu hụt nghiêm trọng. (Ảnh: AFP)

Đối với việc này, sinh viên đại học Vũ Hán phàn nàn trên phương tiện truyền thông xã hội rằng đồ đạc của họ bị ném xuống lầu:

“Thật là quá đáng, thông thường tôi không mang tất cả mọi thứ về nhà trong kỳ nghỉ đông và nghỉ hè, các đồ đạc có giá trị của tôi lại bị đối xử như vậy ư? Các mỹ phẩm của con gái, chủ yếu là chai, lọ và các đồ dễ vỡ, vậy mà lại vứt đi thế này? Những tổn thất này ai sẽ chịu trách nhiệm? Đồ đạc quý giá của người khác mà coi như rác rưởi, chất thành từng đống, ‘tiền trảm hậu tấu’, cách xử lý của nhà trường khiến người ta thật thất vọng”.

“Tôi không có ý kiến gì về việc trưng dụng, chẳng nhẽ không thể có trách nhiệm với đồ đạc của sinh viên như các trường khác được sao? Hơn nữa đây đâu phải rác rưởi bỏ đi, sau này vẫn còn phải quay lại trường học cơ mà”.

“Tôi chưa nhận được bất kỳ thông báo chính thức nào nói rằng phòng ngủ của tôi đã được trưng dụng, thậm chí xem video được đăng tải lên nhìn thấy phòng ngủ của mình tôi mới tin… tôi gần như suýt khóc khi nhìn thấy trong video đồ đạc bị vứt lung tung, tôi rất ‘xót thương’ cho đồ đạc của mình. Tôi vẫn còn là một sinh viên, những thứ đó tôi phải nhịn ăn nhịn mặc mới mua được, tôi thực sự cảm thấy đau lòng”.

“Bây giờ chửi mắng cũng vô ích, những bạn học bị trưng dụng ký túc xá bây giờ nên nghĩ xem mình đã bỏ lại trường những đồ vật quý giá gì, nào là máy tính, mỹ phẩm, giày thể thao, luận văn đang làm dở và còn nhiều thứ nữa”.

“Thành thật mà nói, chứng chỉ tiếng Anh cấp 46, chứng chỉ kỳ thi xếp hạng máy tính quốc gia cấp 2, còn chứng chỉ tiếng phổ thông của tôi đây thì sao? Để họ tùy ý vứt như vậy? Tôi thi tốn công vô ích à?”.

“Hầu hết các sinh viên chỉ nhận thông báo chứ không được hỏi trước. Khi thấy video đồ đạc bị ném thành một đống, cũng không cho biết chi tiết về thời gian lưu trú, có thể thấy rằng cơ chế làm việc của các cơ quan có liên quan luôn là ‘thổi phồng’ mọi thứ khi đất nước gặp đại nạn, điều này có thể hiểu được, nhưng vì cái lợi trước mắt mà hành động như ‘cặn bã xã hội’, tự ý động chạm vào đồ đạc người khác, thật là được mở mang tầm mắt, chẳng khác những con người ‘văn hóa’ ăn ‘bánh bao máu’, chứ chưa cần đứng trên nền tảng đạo đức cao sang để đánh giá, đúng là ‘con sâu’ của nền giáo dục Trung Quốc”.

Hơn 10 trường đại học ở Vũ Hán được trưng dụng, đồ đạc của sinh viên bị ném xuống lầu (ảnh 2)

Ký túc xá ở Trường Cao đẳng Kỹ thuật Phần mềm Vũ Hán, đồ đạc của sinh viên bị vứt lung tung phía trước sân. (Ảnh: Weibo)

Do sự che giấu thông tin và kiểm soát dư luận của ĐCSTQ, cuộc khủng hoảng dịch bệnh ở Vũ Hán đã trở nên nghiêm trọng hơn, số ca nhiễm bệnh và tử vong đã tiếp tục gia tăng.

Ngoài việc trưng dụng các trường cao đẳng và đại học làm một điểm cách ly, Vũ Hán cũng đã nhanh chóng xây dựng “Bệnh viện Hỏa Thần Sơn”, “Bệnh viện Lôi Thần Sơn” và 8 “Bệnh viện container”, chuyên dùng để điều trị các bệnh nhân nhẹ. Các địa phương khác ở Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh xây dựng các bệnh viện lớn mới cho bệnh nhân, nhằm tập trung quản lý bệnh nhân.

Rõ ràng dịch viêm phổi Vũ Hán có diễn biến vô cùng phức tạp và khó lường. Một phụ nữ Canada gốc Hoa tiết lộ với NTDTV vào ngày 8/2 rằng, khi bà và một người bạn học làm việc tại tỉnh ủy tỉnh Hồ Bắc nói chuyện, bạn của bà đã tiết lộ tình hình thực sự của nhiều ca nhiễm bệnh viêm phổi Vũ Hán.

Bà nói, hầu hết các khu vực ở Vũ Hán đều có người nhiễm bệnh. Và hơn 90% những người thuộc diện ‘nghi ngờ’ được yêu cầu cách ly tại nhà, không được điều trị, không được chẩn đoán, không có phòng bệnh, chết rồi thì bị lôi đi.

Ngoài ra, nhiều bệnh nhân đã chết trong quá trình chẩn đoán, số người chết quá nhiều, xe chở thi thể đều quá tải. Một chiếc xe chứa hàng chục xác chết, được đóng trong bao, sau khi kéo đi thì ném bỏ, còn việc ném bỏ ở đâu, bạn học của bà cũng không biết.

Vào ngày 6/2, một chuyên gia người Anh khi trả lời phỏng vấn từng ước tính chính xác mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh Vũ Hán, theo đánh giá của ông, hiện tại ở Trung Quốc mỗi ngày có ít nhất 50.000 người bị nhiễm virus và số người nhiễm bệnh sẽ tăng gấp đôi sau khoảng 5 ngày.

Theo Tinh Hoa