Một học giả Đài Loan cho rằng dịch viêm phổi Vũ Hán là sự trừng phạt của thần linh đối ĐCSTQ (Đảng Cộng sản Trung Quốc).
Trang tin The Liberty Web gần đây đã có cuộc phỏng vấn về dịch virus corona với ông Hoàng Văn Hùng (Huang Wenxiong), nhà phê bình xã hội và một học giả về lịch sử kinh tế. Ông Hùng sinh ra tại Đài Loan vào năm 1938, đến Nhật Bản học thạc sĩ kinh tế vào năm 1964, được trao giải dịch thuật PEN Club Prize năm 1994, và là người từng xuất bản 200 cuốn sách tại Nhật Bản.
Ông Hùng cho rằng dịch bệnh COVID-19 là dấu hiệu cho thấy sự suy tàn sắp tới của ĐCSTQ.
Ông nói với the Liberty Web: “Trong suốt lịch sử, nhiều triều đại Trung Quốc đã sụp đổ vì dịch bệnh. Chính quyền Tập Cận Bình cũng có thể sẽ sụp đổ tùy theo cách họ đối phó với sự bùng phát của virus corona”.
Ông Hùng đề cập đến tình trạng vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ, trong đó có vụ thảm sát sinh viên tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 và việc đàn áp phong trào dân chủ ở Hồng Kông thời gian gần đây.
Ông nhận định: “Virus corona dường như là hình phạt của thần linh đối với ĐCSTQ, tôi nghĩ nó thực sự là như vậy”.
Ông Hùng phân tích: “Chính quyền Tập Cận Bình cũng có thể sẽ sụp đổ tùy theo cách họ đối phó với virus corona. Cuộc chiến giành quyền lực trong Đảng cũng có thể sẽ gia tăng căng thẳng. Nếu ngày càng có nhiều người cảm thấy không hài lòng về cách chính phủ xử lý vấn đề này, nó có thể phát triển thành một phong trào chống chính phủ. Nói cách khác, rất có khả năng một cuộc cách mạng sẽ nổ ra ở Trung Quốc”.
Nhà nghiên cứu lịch sử cũng cho biết: “Từ trước đến nay, ĐCSTQ đã có thể làm dịu đi sự bất mãn của người dân và biện minh cho sự cai trị độc tài của họ là bởi vì họ có một nền kinh tế đang phát triển. Nhưng vấn đề virus corona sẽ làm tăng nhu cầu của người dân về cải thiện cơ sở hạ tầng xã hội – như điều trị y tế – và họ sẽ ngừng ủng hộ việc mở rộng quân sự của đất nước. Chính quyền Tập hiện đang ở ngã ba đường của việc sẽ tiếp tục mở rộng quân sự hay bắt đầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng để thể hiện sự tôn trọng đối với cuộc sống của người dân”.
Ông Hùng nói: “Câu hỏi đặt ra là liệu họ có thể đứng từ góc độ của người dân mà nhìn nhận vấn đề hay không. Hình phạt của thần linh có thể sẽ tiếp tục tùy thuộc vào quyết định của ông Tập”.
Cuối bài báo của The Liberty Web có trích lược thông tin về các triều đại suy yếu và thậm chí sụp đổ vì dịch bệnh:
Đại dịch – triều đại nhà Hán
Một bệnh dịch đã bùng phát 5 lần trong khoảng từ năm 171 đến 185. Khi đó, Trương Giác (Zhang Jue) có khả năng chữa lành bệnh tật nên đã thu hút được nhiều người ủng hộ. Vào năm 184, ông lãnh đạo cuộc nổi dậy Khăn Vàng, làm suy yếu đáng kể triều đại nhà Hán, từ đó Trung Hoa bước vào thời kỳ Tam Quốc.
Bệnh dịch hạch – triều đại nhà Tùy
Có 7 trận dịch hạch xảy ra trong khoảng thời gian từ năm 610 trong thời trị vì của Hoàng đế Dương (Yang), nhà Tùy suy tàn. Bệnh dịch tiếp tục kéo dài cho đến năm 648 thuộc triều đại nhà Đường.
Bệnh dịch hạch – nhà Nguyên
Trong khoảng thời gian từ năm 1344 đến năm 1362, các đại dịch trong đó có dịch hạch đen đã xảy ra 11 lần, dân số giảm xuống còn một nửa so với thời kỳ đỉnh cao của triều đại nhà Nguyên. Nhà sư Mao Ziyuan, người sáng lập trường phái Sen Trắng, đã thu hút được sự ủng hộ của công chúng. Những người theo ông đã có ảnh hưởng đến cuộc khởi nghĩa Hồng Cân, làm suy yếu đáng kể triều đại nhà Nguyên.
Bệnh đậu mùa và bệnh tả – nhà Minh sụp đổ
Các bệnh như đậu mùa và dịch tả lây lan từ năm 1573 (cuối thời Minh) cho đến năm 1644 (triều đại nhà Thanh), đã giết chết ít nhất 10 triệu người.
Bệnh dịch hạch – làm suy yếu nhà Thanh
Khi bệnh dịch hạch lan rộng, các cường quốc phương Tây đã dùng nó để biện minh cho sự can thiệp của họ vào Trung Quốc. Ở trong nước, Hồng Tú Toàn (Hong Xiuquan) lãnh đạo cuộc khởi nghĩa nông dân, thành lập Thái Bình Thiên Quốc chống lại triều đình Mãn Thanh.
Virus corona – làm suy yếu Trung Quốc
Dịch virus corona là một cú đánh trời giáng đối với nền kinh tế Trung Quốc. Nhiều quốc gia đang chạy đua để di dời các doanh nghiệp của họ ra khỏi Trung Quốc.
Theo tuyên bố chính thức của Bắc Kinh tính đến ngày 29/3, số người tử vong tại Trung Quốc vì virus Vũ Hán là 3.300. Tuy nhiên, con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều vì chính quyền Trung Quốc bị nghi ngờ là che giấu mức độ nghiêm trọng thật sự của dịch bệnh.