Thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đạt mức kỷ lục trong tháng 8/2020 do các công ty chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc để tránh thuế quan trong cuộc thương chiến. Dữ liệu được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Washington công bố một cuộc điều tra về cáo buộc thao túng tiền tệ của Việt Nam.
Dữ liệu được công bố trong tuần này cho thấy thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Việt Nam tăng lên mức cao nhất mọi thời đại trong tuần này, chỉ vài ngày sau khi chính quyền Trump công bố một cuộc điều tra có thể dẫn đến việc áp thuế đối với Hà Nội.
Thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với Việt Nam đã tăng 11% từ tháng 7 đến tháng 8/2020 lên 7,6 tỷ USD; và tăng 38,9% so với một năm trước đó, dữ liệu của chính phủ Mỹ cho thấy.
Hoa Kỳ đã bắt đầu hai cuộc thăm dò thương mại riêng biệt đối với Việt Nam về việc sử dụng gỗ - vốn bị cho là khai thác hoặc buôn bán bất hợp pháp; và thao túng tiền tệ.
Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đang sử dụng cơ chế tương tự (áp dụng với Việt Nam) - theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại 1974 - mà họ đã sử dụng để khởi động “thương chiến” hàng tỷ USD thuế quan vào hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ trong năm 2018.
Cơ chế tương tự “đòn thuế quan” dành cho Trung Quốc có thể được áp dụng với Việt Nam
USTR không đưa ra mốc thời gian cho cuộc điều tra, nhưng cuộc điều tra của họ đối với Trung Quốc kéo dài 7 tháng. Vào thứ Năm (ngày 8/10), cơ quan này đã công bố một lưu ý yêu cầu trả lời bằng văn bản cho cuộc điều tra với thời hạn là ngày 12/11, có nghĩa là cuộc bầu cử Hoa Kỳ vào tháng 11 sẽ không ảnh hưởng gì tới vấn đề này.
Tuy nhiên, nếu xác định được rằng Việt Nam định giá thấp đồng tiền của mình và quá trình này làm tổn hại đến hoạt động kinh doanh của Mỹ, thuế quan có thể được áp dụng.
Bà Ernie Koh, giám đốc công ty sản xuất đồ nội thất Koda của Singapore, có cơ sở sản xuất tại Việt Nam, cho biết: “Mọi người đều lo ngại, đặc biệt là các nhà đầu tư đã chuyển nhà máy của họ khỏi Trung Quốc đến Việt Nam. Bạn di chuyển để thoát khỏi một vấn đề và sau đó lại gặp vấn đề tương tự ở một nơi khác. Nhưng tôi nghĩ chính phủ Việt Nam sẽ phản ứng theo một cách nào đó để điều chỉnh đồng tiền”.
Thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ đã tăng lên khi nước này trở thành một trong những điểm đến phổ biến nhất cho các công ty chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc sang Việt Nam nhằm tránh thuế quan trong “thương chiến”.
Trong tháng 8/2020, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ cao hơn 125% so với tháng 8/2017, trước khi cuộc chiến thương mại bắt đầu.
Trong khoảng thời gian đó, đồng tiền của Việt Nam đã không đạt được giá trị vật chất, ngay cả khi đồng đô-la Mỹ ngày càng tăng so với Việt Nam đồng (VND) mỗi tháng.
Một công cụ theo dõi thao túng tiền tệ từ Hội đồng Quan hệ Đối ngoại cho thấy Việt Nam là nước vi phạm nhiều nhất, dựa trên ba tiêu chí được Bộ Tài chính Hoa Kỳ xác định, bao gồm:
- Thặng dư thương mại hàng năm hơn 20 tỷ USD;
- Thặng dư tài khoản vãng lai trên 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP);
- Và sự can thiệp của chính phủ vào thị trường ngoại hối để mua đô-la Mỹ trong 6 tháng (trong 12 tháng qua), lên tới hơn 2% GDP.
“Họ đang thao túng tiền tệ, thặng dư thương mại gia tăng này đáng lẽ phải gây thêm áp lực làm đồng tiền tăng giá, bởi vì Mỹ là một trong những đối tác thương mại lớn của họ - điều đó sẽ có một số ảnh hưởng rõ ràng đến đồng tiền, nhưng điều đó đã không xảy ra”, theo John Marrett, một nhà phân tích về nền kinh tế Việt Nam của The Economist Intelligence Unit.
Trong một tuyên bố thông báo về cuộc điều tra gỗ, USTR tuyên bố "phần lớn gỗ nhập khẩu của Việt Nam được khai thác trái với luật pháp của nước xuất xứ", cáo buộc Việt Nam tham gia vào việc chặt phá rừng bất hợp pháp trên các khu đất được bảo vệ như khu bảo tồn động vật hoang dã ở Campuchia, Cameroon và Cộng hòa Dân chủ Congo.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Việt Nam thu được khoảng 9 tỷ USD từ xuất khẩu gỗ trong 9 tháng đầu năm nay, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này bao gồm các sản phẩm gỗ trị giá 4,19 tỷ USD được vận chuyển sang Mỹ, tăng 27,4% so với một năm trước đó.
Các nhà sản xuất chuyển đến Việt Nam rơi vào ‘thế kẹt’
Hiệp hội cho biết thêm, khoảng 60 nhà sản xuất tủ bếp Trung Quốc đã chuyển một phần dây chuyền sản xuất sang Đông Nam Á kể từ khi thương chiến Mỹ-Trung bắt đầu, trong đó 25 hãng chuyển sang Việt Nam.
Niu Qiang từ Phòng Thương mại Trung Quốc cho biết: “Điều này chắc chắn sẽ có tác động đến hoạt động kinh doanh của chúng tôi, đặc biệt là đối với những nhà sản xuất tủ bếp xuất khẩu sang Mỹ, nhưng không có gì phải lo lắng đối với các nhà xuất khẩu ngoài Mỹ trong giai đoạn này”.
Mối đe dọa về thuế quan đã đeo bám Việt Nam kể từ tháng 6 năm 2019, khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói rằng đây là “nước lạm dụng tồi tệ nhất".
“Rất nhiều công ty đang chuyển đến Việt Nam, nhưng Việt Nam đã tận dụng lợi thế của chúng tôi, thậm chí còn tệ hơn Trung Quốc. Vì vậy, có một tình huống rất thú vị đang diễn ra ở đó”, Trump nói với Fox Business.
Theo đó, thông báo chính thức của USTR vào cuối tuần qua đã không khiến nhiều người Việt Nam ngạc nhiên, khi các doanh nghiệp tập trung hơn vào việc giải quyết các vấn đề chuỗi cung ứng do đại dịch viêm phổi Vũ Hán gây ra.
Julien Brun, đối tác quản lý tại CEL Consulting- một nhóm tư vấn cho các công ty về các vấn đề chuỗi cung ứng, cho biết: “Mọi người ở đây đều tập trung vào ngắn hạn, ít nhất là vào tuần tới, tháng tới, quý tới. Ngân sách cho năm 2021 đang được dự thảo, nhưng vẫn còn rất nhiều dấu hỏi. Ngoài câu chuyện thuế quan này, tôi nghĩ mọi người đang chờ đợi kết quả bầu cử”.
Ông Brun nói thêm rằng nếu thuế quan được áp đặt, nhiều công ty sẽ bắt đầu xuất khẩu sang châu Âu. Hiệp định thương mại tự do của Việt Nam với Liên minh châu Âu đã có hiệu lực vào cuối tháng 7/2020.
Nhà sản xuất nệm có trụ sở tại Quảng Đông Steven Jiang đã chuyển dây chuyền sản xuất các mặt hàng xuất khẩu đi Mỹ sang Việt Nam vào năm 2019. Nhưng trong khi các dây chuyền này đang được xây dựng, Washington đã áp thuế chống bán phá giá lên tới 1.000% đối với nệm sản xuất tại Việt Nam.
Jiang cho biết: “Khi thuế chống bán phá giá được áp dụng vào năm ngoái, tôi đã đánh mất niềm tin của mình chỉ qua một đêm. Ở giai đoạn này, tôi không biết phải làm thế nào. Tôi sẽ mất khoảng 10 năm để thu hồi chi phí của mình”.
Hai lý do khiến Hoa Kỳ nên nhẹ tay với Việt Nam
Hàng hóa do Việt Nam sản xuất chỉ chiếm 3% tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ vào năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mức 17,5% của Trung Quốc. GDP bình quân đầu người ở Việt Nam chỉ bằng 2/5 của Trung Quốc.
Hơn nữa, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã tăng nhanh trong những năm gần đây do chiến tranh thương mại, điều này đã thúc đẩy các nhà máy và chuỗi cung ứng chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam vì các đặc quyền thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ tốt hơn.
Như vậy, sự “tách rời” chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc là một trong những ý định tiềm ẩn của cuộc chiến thương mại. Do đó, Washington lẽ ra phải hài lòng khi các công ty đa quốc gia lớn như Apple, Nintendo và Google đã chuyển một phần hoạt động của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam vào năm 2019.
Trong 11 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu hàng điện tử của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã tăng 76% do kết quả trực tiếp của áp lực thuế quan đối với hàng hóa do Trung Quốc sản xuất.
Đến nay, Việt Nam được coi là một trong số ít những nước giành được nhiều cơ hội trong cuộc thương chiến Mỹ-Trung. Trước khi xảy ra đại dịch vào tháng 1/2020, các dự báo cho rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ cao hơn vào năm 2020 so với năm 2019, do sự gia tăng ổn định của việc di dời sản xuất từ Trung Quốc sang đây.
Do đó, Hoa Kỳ có lẽ nên coi thâm hụt thương mại ngày càng tăng với Việt Nam là một thành công trong chiến tranh thương mại, một hiện thực hóa tham vọng dài hạn của Washington là “tách rời” thị trường Trung Quốc.
Giới phân tích cho rằng, việc trừng phạt Việt Nam vì sự gia tăng thâm hụt thương mại này - về một khía cạnh nào đó - sẽ phản ứng “ngược” với tình huống mà Hoa Kỳ tạo ra.
Một lý do khác khiến Hoa Kỳ được cho là nên nhẹ tay với Việt Nam là vì Việt Nam đã nổi lên như một đồng minh địa chính trị lớn của Mỹ. Washington đã ủng hộ Việt Nam chống lại các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông. Đồng thời, Hải quân Hoa Kỳ đã tham gia nhiều cuộc tập trận về tự do hàng hải ở những vùng biển này.
Vào tháng 3/2020, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đã cập cảng Đà Nẵng, đánh dấu lần thứ 2 tàu Hải quân Mỹ cập cảng Việt Nam kể từ năm 1975.
Trước những lợi ích chiến lược đó, có vẻ như Washington sẽ không áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất có thể đối với Việt Nam vì cáo buộc thao túng tiền tệ. Tuy nhiên, nhiều khả năng, một số loại hàng hóa chọn lọc sẽ phải chịu trừng phạt thuế quan.
Vào tháng 7/2020, Ngân hàng Thế giới dự báo rằng, GDP của Việt Nam có khả năng tăng trưởng chỉ 1,5% trong năm nay, so với mức 7% trong những năm trước. Các dự báo gần đây đưa ra mức tăng trưởng có khả năng cao hơn, ở mức 3%, là một trong số ít các dự báo tăng trưởng tích cực trong khu vực.
Thiện Nhân - Theo NTDVN