Hòa thượng Trung Quốc đương đại là “cha” của 400 đứa trẻ

Hòa thượng Trung Quốc đương đại là “cha” của 400 đứa trẻ

Hòa thượng Trung Quốc đương đại là “cha” của 400 đứa trẻ

Hòa thượng Trung Quốc đương đại là “cha” của 400 đứa trẻ

Hòa thượng Trung Quốc đương đại là “cha” của 400 đứa trẻ
Hòa thượng Trung Quốc đương đại là “cha” của 400 đứa trẻ
Thứ sáu, 27-12-2024 06:44, (GMT+07:00)
Hòa thượng Trung Quốc đương đại là “cha” của 400 đứa trẻ
15-03-2022 15:23

Ông là hòa thượng, nhưng thường xuyên giao tiếp với phụ nữ. Ông không có gia đình, nhưng có hơn 400 đứa trẻ. Ông đã cố gắng cứu mạng người, nhưng bị chính quyền gây khó khăn.

 

Hòa thượng Trung Quốc đương đại là

Đối với những phụ nữ do dự giữa sinh con và phá thai, hòa thượng Đạo Lộc thường khuyên họ nên sinh con và ông có thể giúp đỡ. Ý tưởng của ông rất đơn giản: "Sống tốt hơn là không sống, phàm là sống thì có cơ hội, có hy vọng". (Ảnh chụp màn hình video)

 

Hòa thượng Đạo Lộc, 47 tuổi, tục danh là Ngô Binh, sinh ra ở một thành phố cấp huyện thuộc thành phố Nam Thông, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Trước khi xuất gia, ông vốn là một doanh nhân thành đạt, có nhà máy riêng, làm kinh doanh thương mại với nước ngoài, thu nhập khá tốt, gia cảnh giàu có. Ông ly hôn năm 2007. Năm 2011, ông cạo đầu xuất gia, pháp hiệu Đạo Lộc.

 

Sau khi xuất gia, Đạo Lộc phát hiện ra rằng, phần lớn các bài vị siêu độ trong chùa là do người mẹ thiết lập cho đứa trẻ bị phá thai, điều này khiến ông bối rối. Bằng kinh nghiệm của mình, ông biết, có được một đứa bé thật không dễ dàng, vì sao những phụ nữ này sau khi mang thai lại nhẫn tâm phá thai?

 

Một buổi tối năm 2012, sau khi các vị khách dâng hương ra về, hòa thượng Đạo Lộc đang chuẩn bị đóng cửa lại thì một thiếu nữ đi tới, khăng khăng muốn vào chùa "siêu độ cho con mình". Thì ra lúc ấy cô ấy đang mang thai, chuẩn bị siêu độ xong thì sẽ đi phá thai.

 

Trong mắt người xuất gia, phá thai là sát sinh tạo nghiệp, cứu mạng người mới là từ bi. Bất kể hòa thượng Đạo Lộc can ngăn như thế nào, cô gái đó vẫn tuyệt vọng nói: "Con có thể làm gì khác được? Gia đình sẽ không đồng ý, con không có nơi nào để đi, không ai có thể giúp con”.

 

Thì ra, cô gái này vẫn là một sinh viên đại học, bị người yêu đùa giỡn tình cảm, sau khi mang thai, anh ta đã biến mất, thật sự không có cách nào mới nghĩ đến phá thai. Hòa thượng Đạo Lộc bừng tỉnh ngộ: Những phụ nữ từ bó đứa con bé nhỏ kia, phần lớn đều có đủ loại khổ tâm, đều là bất đắc dĩ.

 

Hòa thượng Đạo Lộc sinh lòng bi thương, khuyên nhủ cô gái, hứa sẽ giúp đỡ tiền bạc. Khi đứa bé sinh ra, nếu cô gái không có năng lực nuôi dưỡng, hoặc không muốn nuôi dưỡng, cũng có thể giao cho ông thay thế nuôi dưỡng.

 

Những phụ nữ từ bó đứa con bé nhỏ kia, phần lớn đều có đủ loại khổ tâm, đều là bất đắc dĩ. (Ảnh minh họa: pixabay)

 

Ngay sau đó, hòa thượng Đạo Lộc đã đăng tải thông tin trên mạng: "Bất cứ ai mang thai ngoài ý muốn, và không muốn phá thai, có thể đến chỗ tôi, tôi sẵn sàng giúp đỡ".

 

Cùng với thông tin trên, hòa thượng Đạo Lộc công bố thông tin liên lạc của mình. Sự nghiệp cứu trợ của Đạo Lộc bắt đầu từ đó.

 

Cung cấp cho phụ nữ mang thai một sự lựa chọn

 

Sau khi đăng tải thông tin trên mạng, cứ dăm ba hôm, hòa thượng Đạo Lộc lại nhận được một số yêu cầu giúp đỡ. Những phụ nữ tìm đến ông có đủ loại người, có sinh viên chưa lập gia đình, cũng có những người phụ nữ ly dị, từ các tầng lớp xã hội khác nhau, nhưng có một điểm chung đều là các bà mẹ đơn thân. Họ có thể là do hôn nhân thất vọng, hoặc vì tình cảm bị lừa dối, sau khi mang thai phải đối mặt với tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.

 

"Không có người phụ nữ nào là không bị lừa, có người thậm chí ngay cả tiền cũng bị lừa hết sạch" - hòa thượng Đạo Lộc nói: "Người phụ nữ thảm hại nhất là cả nhà cửa cũng đã thế chấp để giúp người yêu trả nợ nặng lãi, mình cô xoay xở với cái bụng hơn 8 tháng, cuối cùng người đàn ông đó đã biến mất”.

 

Hòa thượng Đạo Lộc cũng không chủ động hỏi thăm chuyện riêng tư trong quá khứ của các cô, cố ý duy trì khoảng cách với những phụ nữ đến đây, bởi vì ông biết, trên thân mỗi người đều mang theo câu chuyện khó nói, "càng biết nhiều thì tâm càng mệt mỏi".

 

Đối với thai nhi trong bụng họ, ý tưởng của hòa thượng Đạo Lộc rất đơn giản: "Sống tốt hơn là không sống, hễ còn sống thì còn có cơ hội, còn có hy vọng”. Vì vậy, ông thường khuyên họ nên sinh con, ông có thể trả tiền để nuôi dưỡng và giúp những đứa trẻ lớn lên thành người.

 

Đối với thái độ của hòa thượng Đạo Lộc, nhiều phụ nữ ban đầu không dám tin. Một người đàn ông lạ, chủ động cung cấp tất cả các chi phí đi lại, nằm viện, sinh con và nuôi dạy con, điều kiện tiên quyết duy nhất là: Chỉ cần cô nguyện ý sinh đứa trẻ ra.

 

Những năm này, lừa gạt lừa đảo đầy rẫy khắp nơi, vậy mà có người giúp người khác không đòi hỏi gì thì quả là quá khó tìm.

 

Sau khi tiếp xúc với hòa thượng Đạo Lộc, họ dần dần có niềm tin. Hòa thượng Đạo Lộc nói với họ rằng, phá thai hay không thì cuối cùng là quyết định của họ, nhưng nếu họ gặp khó khăn, thì ông rất sẵn sàng giúp đỡ.

 

Những người mẹ lựa chọn giữ lại đứa trẻ, cần phải ký một bản "Giấy ủy quyền toàn quyền", cam kết rằng họ sẽ chủ động giao con cho hòa thượng Đạo Lộc nuôi dưỡng và chăm sóc đến 18 tuổi, nếu có tai nạn hoặc cái chết hoặc các tình huống bất ngờ khác, thì sẽ không truy cứu trách nhiệm của hòa thượng Đạo Lộc. Các bà mẹ có thể đến thăm, cũng có thể đổi ý bất cứ lúc nào, nếu họ có đủ khả năng kinh tế, họ có thể bất cứ lúc nào đưa đứa nhỏ về nuôi dưỡng.Toàn bộ chi phí sinh hoạt, sinh sống và những chi phí khác cho những đứa trẻ ở lại sẽ do hòa thượng Đạo Lộc chịu.

 

Giấy ủy quyền này tương đương với việc hòa thượng Đạo Lộc cho các bà mẹ đơn thân, vào lúc bất lực nhất, có thêm một quyền lựa chọn.

 

Phương thức quản lý độc đáo

 

Ban đầu, hòa thượng Đạo Lộc giới thiệu người phụ nữ được giúp đỡ đến một ngôi chùa ở tỉnh ngoài, nơi có một nơi dành riêng cho việc cứu trợ trẻ sơ sinh. Nhưng nhân lực và tài nguyên của ngôi chùa đó nhanh chóng không còn đủ, vì thế hòa thượng Đạo Lộc trở về quê nhà Nam Thông và tự mình đứng ra lo liệu.

 

Ông bỏ tiền ra thuê một số ngôi nhà của dân để cho những phụ nữ này lưu trú. Từng làm giám đốc điều hành, ông có phương thức quản lý riêng của mình.

 

Những phụ nữ mang thai được cứu trợ, sau khi đến Nam Thông sẽ được đưa đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe. Thứ nhất là để đảm bảo sức khỏe của thai nhi, thứ hai, để tránh lây nhiễm chéo các bệnh truyền nhiễm. Sau khi nhận phòng, họ cũng phải tuân thủ "nguyên tắc chung sống" và không gây rắc rối.

 

Ngoài ra còn có các yêu cầu về quyền riêng tư: Mua sắm trực tuyến không được gửi trực tiếp đến nơi cư trú, có thể được chuyển qua nhà chùa. Không được cung cấp định vị vị trí cho bên ngoài. Không được tiết lộ hình ảnh của phụ nữ mang thai và trẻ em.

 

Những quy tắc này không phải là không có lý do. Đã từng có phụ nữ mang thai mua sắm trực tuyến đưa đến cửa phòng, nhân viên chuyển phát nhanh thông qua khe cửa nhìn thấy một số phụ nữ mang thai, trong phòng còn truyền ra tiếng khóc của trẻ sơ sinh. Người giao hàng quay lại và báo cảnh sát, nghi ngờ có một băng đảng bán trẻ sơ sinh ở đây. Mặc dù sau đó đã được làm rõ, nhưng cũng phơi bày địa điểm cứu hộ, nên sau đó phải thay đổi một nơi mới.

 

Không phải tất cả phụ nữ thì hòa thượng Đạo Lộc đều giúp đỡ, đôi khi ông cũng loại bỏ một số đối tượng không phù hợp. Có một cô gái tìm cách để yêu cầu một "khoản trợ cấp nuôi dưỡng" cao. Có một người phụ nữ hỏi các tình nguyện viên rằng đứa trẻ có thể được bán khi sinh ra hay không. Những người như vậy sau đó đều bị hòa thượng Đạo Lộc đuổi đi. "Không trợ giúp phong khí tà vạy" - ông nói.

 

nhân viên chuyển phát nhanh thông qua khe cửa nhìn thấy một số phụ nữ mang thai, trong phòng còn truyền ra tiếng khóc của trẻ sơ sinh. (Ảnh minh họa: pixabay)

 

"Cha" của nhiều trẻ em

 

Năm 2014, hòa thượng Đạo Lộc sử dụng ngôi nhà của mình ở quê nhà Nam Thông, chuyên tiếp nhận những phụ nữ mang thai và trẻ em này. Đây là một tòa biệt thự ba tầng, vốn là nhà riêng dành cho con gái của Đạo Lộc, ông đổi tên thành "hộ sinh tiểu cư".

 

Phụ nữ mang thai cần cứu giúp trước tiên nghỉ ngơi trong nhà hộ sinh, đợi đến khi sinh con mới đến bệnh viện. Tất cả các bệnh viện ở Nam Thông, Đạo Lộc đều biết rõ như lòng bàn tay. Bởi vì ông đi lại quá nhiều lần, ngay cả nhân viên dọn dẹp bệnh viện cũng nhớ đến nhà sư này.

 

Khi điền vào mẫu đơn tại bệnh viện, tên của người cha được yêu cầu viết ra. Hầu hết phụ nữ mang thai không muốn viết, đó là nỗi đau của họ. Hòa thượng Đạo Lộc đành phải viết tên mình hết lần này đến lần khác trong cột "cha".

 

Khi đứa trẻ được sinh ra và lớn đến khi biết nói, hòa thượng Đạo Lộc cũng yêu cầu chúng gọi mình là "cha". “Đối với sự phát triển của một đứa trẻ, có một người cha là đầy đủ"  - ông nói: "Chúng là trẻ em, bất kể đó có là con ruột của tôi hay không, miễn là do tay tôi cứu trợ thì chúng đều là con của tôi”.

 

Hòa thượng Đạo Lộc thỉnh thoảng từ chùa về quê thăm, lúc này thường là lúc náo nhiệt nhất. Hòa thượng Đạo Lộc vừa vào cửa, một đám trẻ liền nhào tới "ba, ba", "ba, ba"  không ngừng gọi ông, hòa thượng Đạo Lộc cũng thân mật với từng đứa.

 

Một đám trẻ liền nhào tới "ba, ba", "ba, ba"  không ngừng gọi ông. (Ảnh minh họa: pexels)

 

Theo ước tính của hòa thượng Đạo Lộc, đến cuối năm 2021, ông đã cứu được hơn 400 phụ nữ mang thai và trẻ em. Cũng có nghĩa là, có hơn 400 trẻ em đã gọi ông là "cha".

 

Đương nhiên, một mình hòa thượng Đạo Lộc không có nhiều tinh lực như vậy. Đối với trẻ sơ sinh, ông thường tìm người giữ trẻ, những phụ nữ địa phương để nhờ nuôi giúp, mỗi gia đình nuôi một bé, và ông trả tiền. Sau khi nuôi dưỡng trẻ đến ba tuổi, ông mới đưa về “hộ sinh tiểu cư”. Việc chăm sóc trẻ hàng ngày ở “hộ sinh tiểu cư” cũng là những nữ tình nguyện viên.

 

Người "cha" bất thường này từ lâu đã thu hút sự chú ý của người ngoài. Thường xuyên có người tốt bụng báo cảnh sát, rằng đây có lẽ là bắt cóc buôn bán trẻ em. Cảnh sát cũng thường xuyên đến điều tra, so sánh tất cả trẻ em với kho lưu trữ của trẻ em mất tích, và cuối cùng tìm thấy không có trường hợp nào phù hợp. Sau này, cảnh sát cũng quen, khi điện thoại nhắc tới "hòa thượng kia", cơ bản họ đã biết là chuyện gì rồi.

 

Đại bộ phận mẹ con cuối cùng đã được đoàn tụ

 

Điều làm cho hòa thượng Đạo Lộc vui mừng chính là, rất nhiều đứa trẻ lần lượt trở về trong vòng tay mẹ.

 

Ví như Lưu Lệ (hóa danh), một phụ nữ mà hòa thượng Đạo Lộc cứu giúp, đã sinh ra một cậu bé đáng yêu. Cô sinh lòng thương xót, không đành lòng vứt bỏ đứa bé, liền lấy can đảm thú nhận với cha mẹ chuyện sinh con mà chưa cưới, cha mẹ cô cũng vui vẻ tiếp nhận sinh mệnh nhỏ bé này. vì vậy, Lưu Lệ đã đưa em bé về nhà.

 

Cũng có những bà mẹ sau vài năm để hòa thượng Đạo Lộc nuôi nấng con, khi có năng lực, cô đã đem đứa trẻ về. Theo thống kê của hòa thượng Đạo Lộc, hầu hết trẻ em cuối cùng đã được đoàn tụ với mẹ. Hiện ông chỉ còn lại hơn 60 đứa trẻ ở đây. Những đứa trẻ được mẹ dẫn về, hòa thượng Đạo Lộc cũng không hỏi họ đi đâu, ông cảm thấy mình đã hoàn thành sứ mệnh cứu trợ này rồi.

 

Những phụ nữ được hòa thượng Đạo Lộc trợ giúp, phần lớn đều cảm kích, tại thời điểm họ yếu ớt bất lực nhất, hòa thượng Đạo Lộc đã cung cấp cho họ một nơi trú ẩn an toàn. Một người mẹ nói rằng, việc sinh đẻ và nuôi dưỡng trẻ là một quá trình đặc biệt phức tạp, và hòa thượng Đạo Lộc đã chọn cách làm từ thiện này, cho thấy rằng ông có "tâm đại thiện".

 

Các bà mẹ đơn thân có thể phổ biến ở các nước phương tây, nhưng trong xã hội Trung Quốc xưa nay luôn là một điều cấm kỵ. Hòa thượng Đạo Lộc cho rằng: "Phụ nữ vốn yếu đuối, làm mẹ thì mạnh mẽ. Họ không kết hôn, dám sinh con, cần rất nhiều can đảm. Những người như thế này mà không giúp thì giúp ai?”.

 

Tuyệt đối không đem cho người khác nuôi dưỡng

 

Ở Trung Quốc, có rất nhiều người vô sinh mong muốn có con. Có không ít người nghe nói, ở chỗ hòa thượng Đạo Lộc có những đứa trẻ khỏe mạnh, liền thông qua các loại kênh để hỏi thăm, thăm dò, hy vọng có thể nhận nuôi.

 

Có người muốn đưa tiền tỏ rõ tâm ý, có người thông qua người quen chào hỏi, có người từ nơi xa bay tới, có người kể khổ với hòa thượng Đạo Lộc… Tất cả những điều này đều bị Đạo Lộc chặn lại, bởi vì việc nhận con nuôi trong dân gian Trung Quốc là bất hợp pháp.

 

Có người hỏi, tại sao hòa thượng Đạo Lộc không gửi những đứa trẻ này đến trại nuôi dưỡng trẻ? Bởi vì điều này liên quan đến các quy định có liên quan, ở Trung Quốc, các trại nuôi dưỡng trẻ được quản lý bởi chính phủ, và chỉ cho phép nhận trẻ mồ côi, không thể xác định cha mẹ hoặc người giám hộ, và trẻ vị thành niên không có nơi nương tựa. Trong trường hợp cha mẹ đẻ không thể nuôi dưỡng, cần phải cấp giấy chứng nhận khó khăn đặc biệt.

 

Hòa thượng Đạo Lộc thu nhận những đứa trẻ này, đều là có mẫu thân, nhưng họ coi đứa trẻ là bí mật của cuộc đời mình, không thể tiết lộ thân phận của mình cho người ngoài. Do đó, những đứa trẻ này không thể được bàn giao cho trại nuôi dưỡng trẻ.

 

Nguồn tiền từ đâu?

 

Làm việc tốt không phải là việc dễ dàng, trước tiên cần phải giải quyết vấn đề tài chính. Mặc dù hòa thượng Đạo Lộc đã từng có gia cảnh giàu có, nhưng đối mặt với cứu trợ quy mô lớn như vậy, mấy năm qua, gia sản của ông đã tiêu hao hầu như không còn gì.

 

Năm 2018, hòa thượng Đạo Lộc đã tính: Cứu trợ một phụ nữ mang thai, chi phí trung bình hàng năm khoảng 12.000 nhân dân tệ (1.900 đô la), chi phí nuôi một đứa trẻ một năm khoảng 25.000 đến 30.000 nhân dân tệ (3.960 đến 4.750 đô la), bây giờ đã tăng lên trên 30.000 nhân dân tệ, đó là "cơ bản nhất".

 

Ngôi chùa của hòa thượng Đạo Lộc, mặc dù có một số thu nhập, nhưng không đủ, ông đã phải bắt đầu kinh doanh trên mạng (thương mại điện tử dựa trên wechat). Ông đã từng là ông chủ, do đó làm điều này là rất quen thuộc. Trước khi xuất gia, ông đã kiếm được nhiều tiền hơn rất nhiều, nhưng cũng không thấy có ý nghĩa gì. Hiện nay, cuối cùng ông cũng đã hiểu được tác dụng của đồng tiền.

 

Có rất nhiều người tốt bụng biết được những gì mà hòa thượng Đạo Lộc đang làm, cũng chủ động cung cấp cho ông một số khoản quyên góp. Hòa thượng Đạo Lộc mời một tình nguyện viên chuyên ngành tài chính, chuyên ghi chép tiền quyên góp ra vào tài khoản, hàng tháng công khai dòng tiền, việc sử dụng tiền cũng bị hạn chế nghiêm ngặt.

 

Mấy loại thu nhập cộng lại, cơ bản có thể làm cho sự nghiệp cứu trợ của hòa thượng Đạo Lộc duy trì hoạt động. Trong tài khoản của ông còn quanh năm cất giữ một khoản tiền dự phòng, không tới lúc vạn bất đắc dĩ thì không động đến, đề phòng lúc cấp thiết.

 

Cảnh khó khăn của hộ khẩu

 

Tuy nhiên, điều thực sự khiến hòa thượng Đạo Lộc đau đầu không phải là tiền bạc, mà là làm thế nào để làm hộ khẩu cho các bé. Bởi vì ngày nay đảng cộng sản Trung Quốc vẫn thực hiện một hệ thống hộ tịch nghiêm ngặt, không có hộ khẩu không thể đi học, sẽ có một loạt các rắc rối.

 

Ngôi chùa của hòa thượng Đạo Lộc, mặc dù có một số thu nhập, nhưng không đủ, ông đã phải bắt đầu kinh doanh trên mạng. (Ảnh: Getty)

 

Nếu là đơn xin nhập hộ tịch theo cha, thì hòa thượng Đạo Lộc cũng không thể cung cấp giấy chứng nhận giám định quan hệ cha con, cho nên không thể thực hiện được. Nếu nhập hộ tịch theo mẹ, thì cần cung cấp thông tin về mẹ đẻ của trẻ, nhưng điều này lại đi ngược lại lời hứa của hòa thượng Đạo Lộc - giữ bí mật cho mẹ của trẻ. vì vậy, cả hai con đường sẽ không thực hiện được.

 

Theo luật có liên quan, hòa thượng Đạo Lộc không đủ điều kiện nhận nuôi trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, cho nên theo phương thức nhận nuôi trẻ sơ sinh bị bỏ rơi cũng không được.

 

Để bảo vệ những đứa trẻ này, ông phải tránh vấn đề "nhận con nuôi bất hợp pháp". Vì vậy, hòa thượng Đạo Lộc đã nhiều lần tuyên bố rằng tất cả trẻ em ở đây không phải là trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, là người mẹ không có khả năng nuôi dưỡng, là những đứa trẻ thuộc về "nuôi dưỡng tạm thời". Đây là việc ông đang giúp đỡ các nhóm dễ bị tổn thương.

 

Nhưng không có hộ khẩu thì chính là "hộ chui", hòa thượng Đạo Lộc vì thế không biết đã gọi bao nhiêu điện thoại, chạy vạy khắp nơi, nhưng cuối cùng không có giải pháp. Không có cơ quan chính phủ nào có thể giải quyết vấn đề của ông. Trong cuộc cứu trợ dân sự không có tiền lệ này, hòa thượng Đạo Lộc mặc dù đã nhận được sự ủng hộ về đạo đức, nhưng phải đối mặt với sự bối rối không có hỗ trợ của chính sách.

 

10 năm trôi qua, vấn đề hộ khẩu vẫn chưa được xử lý, hòa thượng Đạo Lộc bây giờ cũng bất lực. Tuy nhiên, cũng may ở Trung Quốc còn có không ít thiện nam tín nữ, trong đó cũng có người mở trường học. Sau khi tìm hiểu tình hình, họ đã chấp nhận nhập học cho những đứa trẻ không có hộ khẩu. Vấn đề đi học tạm thời giải quyết trước, còn về sau này gặp phải vấn đề gì, cũng chỉ có thể đến lúc đó rồi mới tính.

 

Sinh tồn trong khe hở hẹp

 

Cùng với việc danh tiếng của hòa thượng Đạo Lộc càng ngày càng lớn, thì người mang thai tìm đến ông cũng càng ngày càng nhiều, và những lời đồn đại đàm tiếu của người ngoài cũng bắt đầu nhiều lên. Một số người nghi ngờ rằng, ông đang tìm kiếm một người phụ nữ bên ngoài và lén lút có con. Một số người chỉ trích ông không đứng đắn và là "sư hổ mang".

 

Đối diện với những lời chỉ trích và phỉ báng này, hòa thượng Đạo Lộc chỉ cười, không để trong lòng. Nhưng khi số người đàm tiếu nhiều lên, ngôi chùa mà ông tu hành đã chịu không nổi. 

 

Tháng 8/2014, trụ trì chùa Phổ Hiền, nơi hòa thượng Đạo Lộc tu hành, đã khuyên ông không nên tự ý làm từ thiện bên ngoài. Trụ trì nói: "Hành vi này không phù hợp với quy định của pháp luật, vừa trái với quy định của chùa, có thể ảnh hưởng đến toàn bộ ngôi chùa".

 

Bất đắc dĩ, hòa thượng Đạo Lộc buộc phải rời khỏi chùa Phổ Hiền, cũng bị buộc phải trả lại giấy chứng nhận "Tăng già chứng". Giấy chứng nhận này là giấy chứng nhận do chính phủ đảng cộng sản Trung Quốc cấp cho các nhà sư để quản lý các nhân viên tôn giáo. Nếu không có chứng chỉ này có nghĩa là không được chính thức công nhận, hòa thượng Đạo Lộc đã trở thành một "hòa thượng giả".

 

Vì vậy, càng có nhiều người được hòa thượng Đạo Lộc giúp đỡ, thì chính quyền địa phương càng cảm thấy mất mặt. (Ảnh minh họa: Getty)

 

Trên thực tế, áp lực lớn nhất mà hòa thượng Đạo Lộc phải đối mặt chính là đến từ chính quyền. Kể từ khi ông bắt đầu làm việc này, ông đã bị cản trở bởi chính quyền địa phương. "Điều này không có lợi cho chính phủ, trái lại còn cho thấy chính quyền không đủ năng lực. Những người khác sẽ nói, bạn thấy đó, chính quyền không giúp đỡ phụ nữ mang thai và trẻ em, mà ông ấy lại đang giúp đỡ” - hòa thượng Đạo Lộc nói. Vì vậy, càng có nhiều người được hòa thượng Đạo Lộc giúp đỡ, thì chính quyền địa phương càng cảm thấy mất mặt.

 

Sau khi rời khỏi chùa Phổ Hiền, hòa thượng Đạo Lộc tìm một ngôi chùa khác ở địa phương là chùa Vạn Thiện. Tuy nhiên, Ban tôn giáo thành phố Nam Thông nhanh chóng cho biết, chùa Vạn Thiện nơi hòa thượng Đạo Lộc tu hành, xác định là xây dựng trái phép.

 

Năm 2017, ba cơ quan chính quyền sở tại của “Hộ sinh tiểu cư” đã ban hành một thông báo liên ngành rằng: Thân phận của nhân viên tôn giáo Đạo Lộc không được các cơ quan quản lý tôn giáo xác nhận, và việc ông giúp phụ nữ mang thai nuôi dạy trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là không phù hợp với các quy định hiện hành.

 

Đạo Lộc không phục. Ông cho rằng, ông nuôi dưỡng không phải là trẻ mồ côi, mà là những đứa trẻ mà người mẹ tạm thời không có khả năng chăm sóc, không thể tương đương với trẻ em trong trại trẻ mồ côi được. "Giúp đỡ người khác cũng có lỗi ư? Có một số bà mẹ chỉ mới mười mấy tuổi, các anh để cho họ chăm sóc con như thế nào?”

 

Sau đó, các bệnh viện ở Nam Thông đã nhận được thông báo từ cơ quan y tế của chính quyền rằng, cấm tiếp nhận các phụ nữ mang thai được ông cứu trợ. Đạo Lộc cho biết, mấy năm trước ông giúp đỡ một phụ nữ mang thai, cửa tử cung đã mở bốn ngón tay, thì bị bệnh viện đuổi ra ngoài, tạm thời phải chuyển đến một bệnh viện tư nhân sinh con.

 

Để không gây trở ngại cho việc cứu hộ, Đạo Lộc đã phải chuyển sang hoạt động "ngầm". Ông đã tuyển dụng một số tình nguyện viên nam, đưa những phụ nữ mang thai đến bệnh viện, và trở thành "người cha tạm thời". Ông đã truyền đạt kinh nghiệm và phương pháp của mình cho họ, và nhắc nhở họ về sự khéo léo và cảnh giác, và học cách đối phó với tất cả các loại tình huống phức tạp.

 

Đạo Lộc vẫn không dừng tay, ông cũng sẽ không dừng tay. Ông nói rằng miễn là phá thai vẫn còn tồn tại, ông sẽ tiếp tục làm điều đó. Mặc dù ông chỉ có thể tìm kiếm một chỗ đứng trong khe hở hẹp.

 

Đạo Lộc là một người bận rộn với hơn 12.000 người bạn trong danh sách bẹn bè wechat của mình. Ông cứu trợ phụ nữ mang thai, giao tiếp và phối hợp, chăm sóc trẻ em, kinh doanh, tất cả các loại vấn đề chiếm phần lớn cuộc sống của Đạo Lộc. Vậy tu hành thì làm sao bây giờ? Đạo Lộc nói: "Bản thân những việc này chính là tu hành, tu hành ngay trong quá trình làm việc”.

 

Thanh Hà
Theo Epochtimes

Đăng theo NTDVN

Các bài khác
Bài Xem Nhiều Nhất
BÍ ẨN
SỰ THẬT
CỬU TỰ CHÂN NGÔN
VIDEO
ẢNH ĐẸP