Nhớ lại hồi tháng 6/2010, thông tin về cậu bé Nguyễn Hào Anh, sinh năm 1996, từng một thời được rất nhiều người quan tâm, sau khi cứu thoát khỏi những đòn tra tấn man rợ của đôi vợ chồng chủ trại tôm. Rất nhiều nhà hảo tâm đã giúp đỡ tiền bạc cho em, nhưng chẳng ai ngờ rằng, lòng tốt và hy vọng của mọi người sau chừng ấy năm, đã đổi lại một Hào Anh hoàn toàn khác lúc trưởng thành.
Ác mộng tuổi thơ: 2 năm bị tra tấn như thời Trung cổ
Mẹ của Hào Anh là bà Phạm Thị Thoa, người ở thị trấn Cái Nước, Cà Mau, mang thai một cặp song sinh là Nguyễn Hào Anh và Nguyễn Hào Em trong hoàn cảnh vô cùng bi đát. Chồng đi theo nhân tình, bỏ lại người vợ bụng mang dạ chửa, lầm lũi về nhà mẹ đẻ để chờ sinh con.
Ngay từ khi lọt lòng, Hào Anh đã không biết cha là ai, gia đình thì nghèo khổ, thiếu thốn đủ thứ, bà Thoa vì không có tiền nuôi con và mưu sinh, nên khi con vừa thôi nôi, đã gửi con cho bà ngoại chăm, một mình đến TP Cà Mau, chèo đò từ phường 1 qua phường 8. Tại đây, bà Thoa gặp gỡ người thợ mộc tên Nguyễn Xuân Hùng, nên đã kết hôn và có với nhau một con gái.
Cũng chính từ công việc này, bà Thoa mới quen biết được ông Huỳnh Thanh Giang (SN: 1980), chủ trại tôm giống. Nghe bà Thoa kể về hoàn cảnh gia đình, ông Giang cũng ngỏ ý cho Hào Anh đến làm việc cho ông, được nuôi ăn ở, vừa có tiền, vừa học được cái nghề, mức lương là 500.000 ngàn đồng/tháng.
Nghe mát tai, lại nghĩ đến tương lai con có thể sáng sủa hơn tí, bà Thoa bèn gật đầu đồng ý.
“Sau khi Giang với vợ là Mã Ngọc Thơm mở trại tôm giống Minh Đức ở xã Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi, người bạn này kêu tôi cho Hào Anh vào làm công. Thấy vợ chồng Giang có ý tốt, tôi cho Hào Anh nghỉ học vào làm vì gia đình khó khăn”, bà Thoa nhớ lại.
Khi này Hào Anh đã 12 tuổi, bà Thoa cứ ngỡ gặp được người tốt giúp đỡ, nhưng chẳng ngờ rằng, chính lời đề nghị này, lại là mở đầu cho một bi kịch đối với cậu bé.
Theo lời kể của Hào Anh, lần đầu bị đánh của em là từ lần chèo xuồng đưa ông chủ Giang đi công việc. “Xuồng vướng vào cầu vì nước chảy xiết, cậu Giang đang bơi bằng chầm (mái chèo) cầm luôn nó phang vào đầu cháu. Từ đó là cháu cứ bị đánh liên miên”.
Từ khi được mẹ gửi xuống làm việc, Hào Anh phải làm rất nhiều công việc, từ giặt giũ, trông con cho bà chủ, nấu ăn, cho tôm ăn… công việc nhiều không đếm xuể nhưng vẫn bị mắng là kẻ lười biếng. Hễ làm sai việc gì, dù là nhỏ nhất là bị đánh, hay nhiều khi không làm gì sai, ông bà chủ thấy chướng mắt cũng lôi ra đánh.
Những ngày tháng ấy như sống trong địa ngục, mở mắt ra là đối mặt với những trận đòn roi. Có lần em vừa lau nhà cho ông bà chủ, vừa bị bà Thơm buộc một sợi dây dù vào cổ như cột một con chó. Lâu lâu bà giật mạnh sợi dây, khiến em ngã ngửa ra phía sau. Dây siết chặt cổ, không thể thở được, nhiều lúc em cứ tưởng mình sẽ chết tại đây.
Rồi nhiều lần, hai vợ chồng bà chủ, nghĩ ra phương thức dùng kìm kẹp vào miệng em, sau đó thi nhau kéo đến sức da chảy máu. Xong chưa thỏa mãn những đòn tra tấn, ông bà chủ còn bày cách bỏ than nóng vào miệng Hào Anh, bắt em ngậm miệng lại khiến em đau đớn như chết đi sống lại. Hoặc còn một cách khác để tra tấn là bỏ thanh sắt vào miệng Hào Anh rồi bắt ngậm chặt lại để bẻ răng, cùng hàng loạt những lần tra tấn kinh khủng khác…
Nhiều lúc đau đớn quá em ngất xỉu tại chỗ, ông bà chủ liền hất nước cho tỉnh lại rồi bắt đầu đánh tiếp.
“Có lần mợ Thơm là quần áo, thấy cháu đứng gần đó mợ đẩy cả cái bàn ủi vào lưng, thịt cháy xèo xèo. Đau quá cháu thét lên, mợ lấy nước gì đó đổ lên chỗ bỏng đau xé gan ruột, cháu ngất lên ngất xuống mà không dám kêu nữa”, Hào Anh kể.
Không chỉ vậy, họ còn coi Hào Anh như súc vật, nhốt em vào chuồng xích cùng 2 con chó, tối đến mắc tiểu quá không biết đi vệ sinh vào đâu. Cậu bé nghỉ cách đi vào bịch ni lông định sáng mai đem vứt. Thế mà không ngờ bà Thơm biết được, bắt em phải uống hết nước tiểu của mình, nếu không sẽ bị bà đánh chết.
Hợp tác cùng ông bà Giang – Thơm còn có hai người làm của ông bà là Lưu Văn Khánh (SN 1993) và Lâm Lý Quỳnh SN 1992), chứng kiến toàn bộ quá trình Hào Anh bị đánh đập, nhưng hai người này không hề tố cáo hay can ngăn, còn hùa cùng ông bà chủ tra tấn Hào Anh dã man để lập công.
Hàng xóm cũng nhiều lần từng chứng kiến em bị đánh đập, một số người thuật lại rằng, họ thường xuyên nghe tiếng chửi rủa của ông bà chủ trại tôm, tiếng đánh đập, và cả tiếng khóc than của cậu bé Hào Anh vang lên. Có lần bà Thơm đánh Hào Anh mỏi tay, nên réo Giang đánh tiếp: “Bộ ông thương nó sao mà không đánh. Lại đây đánh tiếp cho tôi nè!”.
Nhiều lần, hàng xóm cũng có ý định báo chính quyền, nhưng gia đình ông bà Giang – Thơm khá giang hồ, mỗi khi ai dám xích mích với gia đình họ là đều bị ông bà ấy đòi kêu xã hội đến đến thanh toán, nên không ai dám hó hé dù rất bức xúc.
Đỉnh điểm là vào ngày 27/4, Hào Anh giặt đồ vô tình làm bể thau nhựa nên bị vợ chồng Giang – Thơm trói lên cao để đánh đập.
Cảm thấy không thể im lặng mãi, người dân đã tố giác hành vị thú tính của ông bà với chính quyền địa phương. Sau đó, cán bộ ấp Phú Hiệp đã đến làm việc.
Nhưng lúc này, vợ chồng Giang – Thơm cho biết, sẽ không ký vào biên bản vì lý do: “Dạy dỗ con cháu do người thân gởi giùm”. Giang còn tuyên bố: “Biên bản vi phạm muốn xé chừng nào cũng được. Tốn vài chục triệu là xong” .
Mãi đến trưa hôm sau, khi Hào Anh được chuyển đến Công an xã Ngọc Chánh lấy lời khai và được đưa đến Bệnh viện đa khoa Đầm Dơi điều trị, thì hành vi tàn độc của vợ chồng Giang – Thơm đã bị lật tẩy.
Ngày 29/6/2010, TAND tỉnh Cà Mau xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Giang – Thơm mỗi người 23 năm tù giam về tội cố ý gây thương tích. Ngày 25/11/2010, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM tuyên y án sơ thẩm.
Sự giúp đỡ từ cộng đồng và số tiền lên đến tiền Tỷ
Từ sau khi vụ Hào Anh được phanh phui, chủ đề về em đã trở thành đề tài nóng bỏng đối với cánh báo chí, hình ảnh về em xuất hiện tràn ngập trên các mặt báo. Từ đó mà rất đông nhà hảo tâm vì thương cảm, cũng gửi đến em những lời động viên, cùng số tiền hỗ trợ lên đến gần một tỷ đồng. Và sẽ trao cho Hào Anh khi em đủ 18 tuổi dùng để lập nghiệp.
Sau khi cứu thoát khỏi tay vợ chồng Giang – Thơm, Hào Anh cũng được Trung tâm Bảo trợ xã hội Cà Mau nhận về nuôi dưỡng, tạo điều kiện cho đi học trở lại, định hướng cho em một nghề nghiệp ổn định trong tương lai.
Trong năm đầu đi học lại, cô Võ Thu Phương, giáo viên chủ nhiệm lớp 5A Trường Tiểu học Kim Đồng ở xã Định Bình, TP Cà Mau, chia sẻ rằng, lớp 4 Hào Anh đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Những ngày đầu năm lớp 5 cậu bé còn được phát hiện có năng khiếu mỹ thuật, đạt giải ở hội thi xếp lồng đèn cấp thành phố.
Thế nhưng không lâu sau, Hào Anh bỗng dưng trốn khỏi trung tâm cùng với một người bạn và em gái của người bạn là Quốc Lặc và Nguyễn Thị Diền, vào lúc 2h sáng.
Trung tâm bảo trợ có liên lạc với mẹ Hào Anh thì biết em có ghé nhà trọ của mẹ ở phường 8, TP Cà Mau, cất giỏ quần áo, rồi cùng hai bạn đạp xe về quê ngoại ở ấp Ngọc Tuấn, thị trấn Cái Nước nằm cạnh Quốc lộ 1A theo hướng xuôi về Đất Mũi.
Sau đó, nhờ gia đình động viên, Hào Anh chịu trở về trung tâm bảo trợ và được bố trí cho thi lại, vì đã bỏ đi trong lúc kỳ thi diễn ra. Thế nhưng sáng 3/11 khi cán bộ Trung tâm bảo trợ xã hội Cà Mau đến làm việc với Ban Giám hiệu Trường tiểu học Kim Đồng, thì Hào Anh từ trên lầu của lớp học đu tay nhảy xuống tầng trệt, ngã trúng một nữ sinh làm cô bé ngất xỉu.
“Con ở đây hơn một năm rồi, đã lớn rồi nên muốn xin ra ngoài, về ở với ngoại để đi làm”, Hào Anh thổ lộ về việc không muốn ở lại trung tâm nữa.
Theo bà Đặng Thị Đẹp (ngoại Hào Anh), trong những ngày cháu và về nhà, bà cũng nghe Hào Anh nói muốn nghỉ học về Cái Nước học thêm vài năm cho đến 18 tuổi sẽ đi tìm việc làm, vì ở trung tâm bảo trợ quá gò bó.
Mẹ Hào Anh khi đó đành làm đơn gửi lãnh đạo trung tâm xin cho con được ra ngoài về sống cùng gia đình.
Sau khi đi ra khỏi trung tâm, Hào Anh đi theo cha dượng học làm mộc, rồi đến bán cà phê cho người ta, bốc vác, siêng năng kiếm tiền rồi gửi cho mẹ. Hào Anh bây giờ đã không còn là cậu nhỏ yếu ớt năm nào, mà đã trở thành một thiếu niên to cao khỏe mạnh, đủ sức làm những việc nặng nhọc hơn phụ gia đình.
“Em làm bốc vác hai ngày được chủ trả công 320.000 đồng. Tiếp tục làm đến Tết sẽ đủ tiền giúp mẹ mua quần áo mới cho hai đứa em”, Hào Anh chia sẻ.
Mỗi khi nhắc đến vợ chồng chủ nhà từng hành hạ mình, Hào Anh cũng cho biết, bản thân đã không còn oán trách: “Cậu mợ ở trong tù chắc nhớ hai em nhiều lắm. Em không còn giận cậu mợ nữa vì cuộc sống ai mà không mắc sai lầm. Mong cậu mợ cải tạo tốt để sớm về với gia đình”.
Nói về tương lai của mình, Hào Anh cũng có nhiều định hướng, em chia sẻ: “Em biết có tiền mà không sử dụng đúng mục đích thì bao nhiêu cũng xài không đủ. Em sẽ học nghề sửa xe về nhà mở tiệm, tạo thu nhập ổn định cho bản thân nhằm đền đáp tấm lòng cao cả của bà con gần xa đã giúp đỡ”.
Từ cậu bé ngoan hiền, trở thành côn đồ trong mắt người thân và hàng xóm
Nhưng rồi, đến khi đủ tuổi nhận được số tiền trong tay, cũng là lúc cậu bé ngoan hiền năm nào đã thay đổi. Từ một đứa trẻ ngoan ngoãn, trở nên hư hỏng, hỗn hào, nghiện ngập, thoáng chốc đã tiêu sạch số tiền mà các nhà hảo tâm để lại cho em.
Hào Anh ngày càng giao du với nhiều bạn bè xấu, dùng 600 triệu đồng để xây lại nhà tại chính căn trọ của gia đình. Tiền còn lại, em đua đòi mua xe máy, hàng loạt điện thoại đắt tiền, tiêu xài hoang phí cùng cô người yêu, đêm về thì vũ trường, thuốc lắc.
Nhiều người bạn chơi cùng với Hào Anh đều nhận xét, cậu bạn của mình chơi rất hào phóng, xài tiền không tiếc tay, có lần còn mời cả nhóm đi bar chơi, gọi rượu đắt tiền để uống mà không cần nhìn giá.
Có lần, Hào Anh còn hào phóng cho bạn gái mượn 50 triệu, do bạn gái nói thiếu tiền xây nhà.
Sau khoảng thời gian ăn chơi trác tác, tiền bạc tiêu sạch, Hào Anh về nhà đòi tiền mẹ để tiếp tục ăn chơi, nhưng bị mẹ từ chối. Em đã nổi nóng đập phá đồ đạc trong nhà, mắng chửi mẹ, còn đuổi mẹ và cha dượng ra khỏi nhà.
Hàng xóm sau khi phát hiện sự việc trên đã báo với cảnh sát, và lần đó Hào Anh đã bị xử phạt hành chính tổng cộng 200 nghìn đồng.
Đau lòng trước thái độ hỗn xược của con, bà Thoa rơi nước mắt: “Nó còn thường xuyên mua quà quý giá tặng bạn gái rồi cho mượn 50 triệu đồng. Tôi khuyên can, nó đập phá đồ đạc, rồi chửi mắng tôi và cha dượng nó”. Bà cũng cho biết thêm, Hào Anh có lần còn cầm dao rượt cả cha dượng mình.
Người dân xung quanh cũng công nhận, lúc mới về nhà Hào Anh còn ngoan hiền, chịu khó, kể từ khi quen bạn gái và giao du với bạn xấu thì tính tình thay đổi hẳn.
Tuy nhiên, sau này Hào Anh và bạn gái cũng chia tay do gia đình bạn gái ngăn cấm. Số tiền của cha mẹ bạn gái Hào Anh mượn, cũng tìm cách trả lại.
Nhận được tiền trong tay, Hào Anh tiếp tục đem mua xe tay ga, nhưng không may trên đường đi lấy biển số cho xe thì gặp tai nạn, gãy xương chân. Cuối cùng cũng chỉ có mẹ là người bên cạnh chăm sóc cho Hào Anh những ngày nằm viện đó.
Cuối năm 2014, Hào Anh ăn chơi hết tiền, cầm xe máy và giục mẹ bán thửa đất cạnh nhà. Bà Thoa lúc bấy giờ cương quyết không đồng ý và gửi con trai cho một người bạn ở Đơn Dương, nhờ người này tìm việc giúp, mong sao Hào Anh làm lại cuộc đời.
Nhưng làm được vài tháng thì em lại bắt đầu gây ra tai họa khác lớn hơn. Cụ thể là vào đêm 15/5/2015, sau tiệc sinh nhật người bạn, Hào Anh trở về phòng trọ thì một người bạn tên Duy gọi rủ đi ăn trộm. Mục tiêu là văn phòng doanh nghiệp mà cả hai đang làm công. Cả hai đã lấy đi một bộ máy tính bàn có nhiều tài liệu, chứng từ liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cơ sở này.
Đến sáng 16/5, Hào Anh vẫn đi làm bình thường và nghe ngóng tình hình. Tuy nhiên hành động trộm cắp đã ngay lập tức bị phát hiện. Chiều cùng ngày, cả hai bị công an bắt tạm giam.
Nghe tin con bị công an bắt, bà Thoa như muốn ngất xỉu: “Lúc hay tin nó bị bắt, tôi muốn ngất xỉu vì không nghĩ nó đi con đường như thế. Gặp tôi, lần nào nó cũng khóc, bảo con sai rồi”.
“Tôi muốn Hào Anh cách ly với nhóm bạn xấu ở gần nhà. Nhưng không ngờ khi lên đó rồi nó lại càng hư hơn”, bà Thoa chia sẻ thêm.
Cuối tháng 2/2016, vụ án Hào Anh và Thúy Duy được đưa ra xét xử. Lúc này, Hào Anh vừa đủ 20 tuổi, trước tòa, em chỉ xin Hội đồng xét xử đưa bản án nhẹ nhất để sớm về với gia đình. Cậu bé ngày nào còn ngoan ngoãn, từng một thời bị hành hạ tra tấn dã man, nay lại thành một đứa trẻ hư, làm buồn lòng cha mẹ.
Tiền bạc có trong tay quá sớm, trong khi Hào Anh chỉ mới là cậu thanh niên vừa vào đời, đã vậy gia cảnh nghèo khổ, nên từ nhỏ không được cha mẹ dạy dỗ đến nơi đến chốn. Thật khó để em kiềm chế bản thân khỏi xã hội đầy cám dỗ và cạm bẫy này. Một cậu bé khiến người khác cảm thấy đáng trách, nhưng cũng đáng thương.
Chúc Di - Theo Tinh Hoa