Ông Lưu Minh Huy, 61 tuổi, người Đài Loan, là giám đốc nhân sự cấp cao của một công ty đa quốc gia. Trong công việc, ông được đồng nghiệp kính trọng. Trong gia đình, ông là một người cha ấm áp. Từng là người tính tình nóng nảy, ông Lưu có thể thay đổi bản thân là nhờ tu luyện Chân-Thiện-Nhẫn.
Ông Lưu làm việc cho công ty Đại Đồng, một trong những công ty đa quốc gia thành lập sớm nhất ở Đài Loan với lịch sử 100 năm. Công ty sản xuất các thiết bị điện tử và phần cứng máy tính, là một thương hiệu quen thuộc của các gia đình ở Đài Loan.
Tuổi thơ ươm mầm thiện
Ông kể rằng, khi còn nhỏ, ông thường được bà nội đưa đến các ngôi miếu để bái lạy và ông đã nhìn thấy nhiều bức bích hoạ trong miếu vẽ cảnh tượng thiên đường, thần tiên, phi thiên, phong cảnh vô cùng đẹp đẽ, nhưng cũng vẽ nhiều hình đầu trâu mặt ngựa, hình cắt lưỡi…. rất đáng sợ, khiến ông không dám nhìn.
Lúc ấy, bà nội nói với ông rằng: “Làm chuyện xấu thì chính là người xấu, sẽ bị đọa địa ngục, nếu như nói bậy, nói dối, lừa gạt sau sẽ bị cắt lưỡi, người làm việc tốt, sau sẽ được lên thiên đường”.
Những lời dạy của bà nội đã gieo hạt giống lương thiện vào tâm ông. Khi lớn lên, ông thích đi thăm viếng chùa miếu, đọc kinh Phật.
Cơ duyên gặp chính Pháp
Ông Lưu từng bị hen suyễn và ho rất nhiều. Uống thuốc Đông y, Tây y cũng không có tác dụng. Một ngày nọ vào năm 2004, có một người bạn đến thăm ông, trong cuộc nói chuyện, ông Lưu bị ho khan liên tục. Người bạn thấy vậy liền kể rằng, anh biết một người sau khi luyện Pháp Luân Công đã có được tinh thần và thân thể khoẻ mạnh và khuyên hai vợ chồng ông nên thử tập xem sao.
Không ngờ, vợ ông Lưu vừa nghe thấy, liền đi đến giá sách và lấy ra một cuốn sách có chữ Chuyển Pháp Luân, cuốn sách chính của Pháp Luân Công. Vợ của ông là giáo viên dạy thư pháp, đã từng mở một nhóm đọc sách và có một thành viên của nhóm đã tặng cho bà cuốn Chuyển Pháp Luân, nhưng bà lại chưa từng đọc thử.
Sau khi nghe người bạn nói vậy, đêm hôm đó ông bắt đầu đọc sách. Sau khi đọc xong, ông cảm thấy vô cùng chấn động và minh bạch ra như thế nào mới là một người tốt thật sự. Từ lời dạy trong sách, ông hiểu được rằng, bất kể gặp mâu thuẫn gì, trước hết phải nhìn vào trong bản thân, xem lại mình đã hành xử theo Chân-Thiện-Nhẫn hay chưa, cũng không nên tùy tiện đánh mắng người khác.
Trước kia, ông Lưu đã từng trải qua mấy pháp môn, đều phải có một số hình thức bái sư, còn phải đóng góp, đóng tiền, cống hiến càng nhiều thì “công đức” càng lớn, nhưng học Pháp Luân Công hoàn toàn không thu lễ vật hay tiền phí, không có các nghi thức quỳ lạy, dập đầu bái sư, cũng không ghi danh sách, không tồn tiền, tồn vật, càng không đi làm chính trị. Ông cảm nhận được môn tập là miền đất thanh tịnh, mang lại sự an hòa cho nội tâm.
Sau đó, ông đã tìm được một nơi ở gần nhà có nhiều người tập các bài tập của Pháp Luân Công. Ông tham gia nhóm tập và chứng ho khan của ông đã biến mất sau ba tháng. “Thật kỳ lạ, lúc mới bắt đầu tập luyện, tôi ho rất nhiều. Sau đó, lâu lâu mới ho một hai lần, cuối cùng thì đã hết hẳn”.
Nghĩ cho người khác trước
Sau khi tập Pháp Luân Công, ngoài việc thân thể cải biến, tâm tính của ông đã thay đổi rất nhiều. Trong đó, cải thiện lớn nhất chính là tính hấp tấp. Áp lực trong công việc từng khiến ông thiếu kiên nhẫn, dễ dàng xung đột với đồng nghiệp và người nhà. Sau khi tu luyện, trong khi luyện bài công pháp thứ tư, câu “hoãn, mạn, viên” khiến ông phải suy nghĩ: “Đúng rồi, sao mình không hoãn một chút, mạn một chút, viên dung một chút nhỉ?”.
Trước khi tu luyện, ông Lưu thường vượt đèn vàng và có lần suýt gặp tai nạn. Ông cũng có thói quen đua với người khác để trở thành người đầu tiên phóng xe khi đèn chuyển sang màu xanh. Sau khi tu luyện, ông ngộ ra rằng lái xe như thế rất mạo hiểm, đặc biệt nếu một người lái xe khác đi tới cũng đang cố vượt đèn vàng, vì vậy ông đã không làm vậy nữa.
Ông kể rằng, công ty của ông có phương tiện đưa đón nhân viên, và ông thường muốn đến sớm để có được chỗ ngồi tốt. Sau khi đọc sách Chuyển Pháp Luân, ông nhận ra suy nghĩ của mình thật ích kỷ.
Hai cô con gái cũng nhận thấy rằng người cha nghiêm khắc của họ đã thay đổi, trở nên kiên nhẫn và ân cần hơn. Có một hôm, con gái ông về nhà vào lúc nửa đêm do ở lại công ty để làm thêm giờ. Ông đã mắng con và doạ sẽ khóa cửa nếu cô còn về muộn. Nhưng sau khi nhận ra mình đã hành xử không đúng theo Chân-Thiện-Nhẫn, ông xin lỗi con gái, khiến con ông rất bất ngờ. “Con không ngờ cha có thể nói lời xin lỗi”, con gái của ông cười nói.
Là giám đốc nhân sự cấp cao, đôi khi ông Lưu thấy mình rơi vào tình huống khó khăn. Cấp trên muốn cho một số nhân viên lớn tuổi nghỉ hưu, và thậm chí ra lệnh cho ông thực hiện việc đó. Cân nhắc đến lợi ích của cả công ty và nhân viên, ông đã có thể tìm ra giải pháp có lợi cho cả hai bên. Ví dụ, sau khi một số nhân viên nghỉ hưu, họ vẫn còn một số khoản vay phải trả. Ông Lưu sẽ thông báo những khó khăn của họ cho quản lý cấp trên và giúp người về hưu có thể làm cố vấn cho công ty, tạo ra một phương án đôi bên cùng có lợi, vì công ty vẫn có thể hưởng lợi từ chuyên môn của nhân viên kỳ cựu, nhưng không phải trả mức lương cao như trước.
Sau khi chứng kiến những thay đổi mạnh mẽ về sức khỏe và tâm tính của chồng, vợ của ông rất ủng hộ việc ông tập Pháp Luân Công. Hơn một chục đồng nghiệp của ông Lưu cũng đã cùng ông luyện các bài công pháp vào giờ nghỉ trưa. Ông Lưu vô cùng biết ơn Đại Pháp vì đã ban cho ông một trái tim từ bi và trí huệ để giải quyết những vấn đề phức tạp trong cuộc sống.
VIDEO - 6 PHÚT ĐỂ BIẾT PHÁP LUÂN CÔNG LÀ GÌ?
Theo Minh Huệ Net
Băng Thanh biên tập
Ghi chú: Pháp Luân Đại Pháp (còn gọi là Pháp Luân Công) là một môn khí công tu luyện cổ truyền theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn. Thông qua việc tu sửa tâm tính và rèn luyện thân thể trong Pháp Luân Đại Pháp, những người chân chính tu luyện có thể đạt đến trạng thái khỏe mạnh, hết bệnh và thăng hoa về cảnh giới tinh thần. Để biết thêm thông tin, mời các bạn truy cập vi.falundafa.org. Tất cả sách, nhạc luyện công và tài liệu hướng dẫn đều được cung cấp miễn phí.