Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền một video về một sinh vật được bao phủ bởi một lớp 'lông' màu xanh rêu đang bơi lội một cách uyển chuyển trong nước. Nhiều bình luận tỏ ra ngạc nhiên và đặt câu hỏi đây là sinh vật gì?
Mọi người cho rằng đây là con thuồng luồng.
Nhiều bình luận còn cho rằng đây là một con thuồng luồng (một sinh vật không có thật trong huyền thoại Á Đông). Vậy thực chất danh tính sinh vật trong đoạn phim ngắn dưới đây là loài gì?
Sinh vật bí ẩn này thực ra là loài gì?
Đây là video được đăng tải trên trang งูไทยรู้จักไว้ ไม่เสียหาย, một trang cộng đồng với hơn 38 ngàn người theo dõi của Thái Lan nhằm giúp phổ biến kiến thức về các loài rắn ở đất nước này. Theo chính Admin là người đăng tải đoạn phim thì đây là loài rắn không có nọc độc.
Cụ thể, trong bình luận bên dưới video, người Admin này cho biết đây là một con rắn ri cá (tên khoa học là Homalopsis mereljcoxi), một loài rắn nước thường được bắt gặp ở sông, suối, ao, hồ, đầm, ruộng...
Về "lớp lông" bao phủ bên ngoài thì thực chất chúng chỉ là do rong rêu bám vào mà thôi. Sở dĩ loài rắn này được nhận dạng dù toàn bộ cơ thể được che phủ kín mít là do phần mũi của chúng có hoa văn rất đặc trưng ở loài rắn ri cá (Xem ảnh dưới).
Đặc điểm ở mũi giúp nhận dạng loài rắn này.
Rắn ri cá là một loài rắn to, chắc, dài gần 1m, nặng khoảng 6 lạng có nhiều khoanh tròn từ đầu đến đuôi. Dấu hiệu đặc trưng ở loài rắn này là phần mũi có hoa văn chấm màu đen giống hình mũi tên, dưới bụng thì có các nốt màu đen trông giống như nốt ruồi.
Loài rắn này phân bố chủ yếu ở miền sông nước ở miền Nam nước ta và vô hại với con người vì không có nọc độc. Không những thế thịt của loài rắn này còn rất ngon nên thường bị săn lùng. Chúng chỉ ăn ếch, cá, nhái và hoạt động về đêm.
Chúng sống bán thời gian dưới nước nên việc một con rắn bị rêu bao phủ kín cơ thể cũng là điều không quá khó hiểu. Những con rắn cái sẽ đẻ từ 2 - 20 con/lứa. Rắn con khi sinh ra dài khoảng 23cm.
Theo khoahoctv