Theo SCMP, đại dịch Viêm phổi Vũ Hán cũng như cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đã giúp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng may mặc sang Mỹ trong khi thị phần của Trung Quốc lại giảm xuống đáng kể.
Hình ảnh một công xưởng dệt may tại tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. (Ảnh: Shutterstock)
Bảy tháng trước, Trung Quốc vẫn còn là nhà cung cấp lớn nhất cho các công ty thời trang ở Mỹ, nhưng lợi thế đáng kể của nước này so với Việt Nam đã suy giảm do đại dịch virus corona và căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, nhập khẩu hàng may mặc của Mỹ từ Trung Quốc tính theo giá trị đã giảm từ mức gần 30% trong năm 2019 xuống mức 20% trong nửa năm 2020, ngang bằng với Việt Nam sau khi quốc gia này nâng thị phần của họ từ mức 16% lên 20% trong cùng kỳ.
Sự suy giảm vị thế của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng thời trang của Mỹ phần nào phản ánh căng thẳng ngày càng tăng giữa hai cường quốc khi các công ty thời trang Mỹ buộc phải giảm lượng hàng nhập từ các nhà cung cấp Trung Quốc để đối phó với cuộc chiến thương mại, đại dịch virus corona cũng như mối quan hệ song phương ngày càng xấu đi.
Một cuộc khảo sát của Hiệp hội công nghiệp thời trang Hoa Kỳ thăm dò ý kiến của 25 Giám đốc điều hành các công ty thời trang hàng đầu trong Quý II cho thấy mặc dù phần lớn việc nhập khẩu đến từ nhiều quốc gia, bao gồm Trung Quốc và Việt Nam, nhưng 29% số người được hỏi nói rằng năm nay họ tìm nguồn cung từ Việt Nam nhiều hơn từ Trung Quốc, so với mức 25% số người được hỏi vào năm ngoái.
Dữ liệu công bố tuần này của văn phòng dệt may thuộc Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho thấy xét về số lượng, Trung Quốc vẫn chiếm ít nhất 30% tổng số nhập khẩu hàng may mặc của Hoa Kỳ trong nửa đầu năm nay.
Tuy nhiên, đây là do giá của Trung Quốc thấp hơn nhiều so với mức giá trung bình bởi vì hầu hết các nhà sản xuất và thương nhân Trung Quốc đã giảm giá mạnh để duy trì các đơn hàng nước ngoài trong bối cảnh nhu cầu sụt giảm.
Đơn giá hàng may mặc nhập khẩu từ Trung Quốc đã giảm từ mức 2,25 USD/m2 trong năm ngoái xuống mức khoảng 1,88 USD/m2 trong nửa đầu năm nay. Mức giảm giá 16% này của Trung Quốc lớn hơn nhiều so với mức giảm giá trung bình 3% từ các nước khác. Năm nay giá chào của các nhà cung cấp Trung Quốc cũng thấp hơn khoảng 30% so với các nước châu Á khác.
Tính đến tháng 7, khoảng 30 tỷ USD hàng dệt, may mặc và sản phẩm dệt gia dụng mà Mỹ nhập từ Trung Quốc phải chịu mức thuế 7,5% ngoài mức thuế thông thường bởi vì cuộc chiến thương mại.
Ngoài ra, những quan ngại về lao động cưỡng bức trong ngành sản xuất quần áo đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương cũng là trở ngại mới nhất đang cản trở việc các công ty Mỹ nhập khẩu hàng may mặc và các sản phẩm dệt khác từ Trung Quốc.
Một giám đốc điều hành được Hiệp hội công nghiệp thời trang khảo sát cho biết họ “đã hủy các đơn hàng và các chuyến hàng; chuyển toàn bộ việc sản xuất ra khỏi khu vực này”, trong khi một người khác cho biết họ “đã làm việc với các kiểm toán viên của bên thứ ba để đẩy mạnh các nỗ lực kiểm toán” nhằm đảm bảo rằng hàng nhập khẩu của họ không phải do các lao động bị cưỡng bức sản xuất.
Mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng đã thúc đẩy các nhà sản xuất và xuất khẩu Trung Quốc chuyển một số cơ sở sản xuất ra khỏi Đại lục và sang các nước lân cận để tận dụng chi phí nhân công thấp hơn và tránh thuế quan nhập khẩu của Mỹ. Tuy nhiên, việc dịch chuyển này đã bị chậm lại trong năm nay bởi vì các hạn chế đi lại do đại dịch gây ra.
Khoảng 70% số người được hỏi trong cuộc khảo sát của Hiệp hội công nghiệp thời trang dự kiến sẽ giảm nguồn cung từ Trung Quốc đến năm 2022, giảm so với mức 83% trong năm ngoái.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, mặc dù có sự sụt giảm về giá trị xuất khẩu hàng dệt may thành phẩm, nhưng Trung Quốc vẫn là nguồn cung chủ yếu về nguyên liệu dệt cho nhiều quốc gia xuất khẩu hàng may mặc ở châu Á.
Theo Tổng cục hải quan Trung Quốc, trong những năm gần đây, Trung Quốc xuất ít hơn các quần áo thành phẩm nhưng xuất nhiều hơn nguyên liệu dệt sang các nước khác. Xuất khẩu hàng dệt của Trung Quốc đã tăng 31%, trong khi xuất khẩu hàng may mặc và phụ liệu giảm 16%.
Tính theo giá trị, năm ngoái các quốc gia châu Á khác đã nhập khẩu hơn phân nửa hàng dệt từ Trung Quốc, so với mức 37,2% một thập kỷ trước đó.
Một giám đốc điều hành trong cuộc khảo sát của Hiệp hội công nghiệp thời trang Mỹ cho biết để có thể giảm được sự phụ thuộc vào Trung Quốc, các khu vực khác cần phát triển mạnh hơn nữa năng lực sản xuất, bởi xét về nguồn cung (loại vải, giá cả, số lượng) thì Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất.
Gia Huy (theo Tri Thức VN)