Giá heo hơi cả nước đã bật tăng trở lại, chạm mốc 70.000 đồng/kg và đà tăng dự báo sẽ còn tiếp tục tăng.
Báo Thanh Niên đưa tin, ngày 15/7, tại khu vực miền Bắc, thị trường heo hơi tăng từ 1.000 – 2.000 đồng/kg. Tại Yên Bái, Lào Cai, Thái Bình, Vĩnh Phúc và Ninh Bình hiện giao dịch heo hơi giá từ 67.000 – 71.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg. Sau khi tăng 2.000 đồng/kg, các tỉnh Bắc Giang, Nam Định, Thái Nguyên và Phú Thọ điều chỉnh giá thu mua lên khoảng 69.000 – 70.000 đồng/kg.
Thị trường khu vực miền Trung, Tây nguyên cũng tăng 1.000 – 2.000 đồng/kg so với hôm qua (14/7), dao động trong khoảng 61.000 – 66.000 đồng/kg. Các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Bình và Quảng Trị giao dịch 65.000 đồng/kg và 66.000 đồng/kg. Tại Nghệ An giá thu mua heo hơi tại mức 65.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg.
Tại miền Nam, các tỉnh gồm Cà Mau, Bến Tre và Đồng Nai giao dịch heo hơi trong khoảng 59.000 – 66.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg. Sau khi tăng 2.000 đồng/kg, tỉnh Cần Thơ điều chỉnh giao dịch lên mốc 62.000 đồng/kg, ngang bằng với các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng. Giá heo hơi khu vực miền Nam hôm nay dao động trong khoảng 54.000 – 66.000 đồng/kg. Dự báo giá heo hơi sẽ còn tăng vào tuần tới.
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Kim Đoán – Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho rằng giá heo hơi thời gian gần đây tăng do tăng theo các nước trong khu vực như Trung Quốc hiện giá heo tăng tới 80.000 đồng/kg, Thái Lan hơn 70.000 đồng/kg.
“Bên cạnh đó, giá thức ăn chăn nuôi, đặc biệt là giá cám tăng 15 lần so với năm 2020 cũng là nguyên nhân khiến giá heo hơi tăng nóng. So với năm 2020 đến nay chi phí chăn nuôi heo đã tăng khoảng 2 triệu đồng/con. Do đó giá heo tăng lên để phù hợp yêu cầu sản xuất”, ông Đoán đánh giá.
Tuy nhiên, Phó chủ tịch hiệp hội này cho rằng mức tăng này, người nông dân vẫn chỉ huề vốn chứ chưa thể có lãi. Ngoài ra, nhiều nơi đang có tình trạng ngại tái đàn vì lo ngại dịch tả lợn châu Phi, điều này cũng khiến nguồn cung giảm.
“Dự báo từ nay đến hết năm, giá thức ăn chăn nuôi vẫn tiếp tục tăng do chiến sự tại Ukraine”, ông nói thêm.
Thực tế, hiện nay không chỉ nguyên liệu đầu vào các ngành sản xuất mặt hàng tiêu dùng tăng mà ngành chăn nuôi, trồng trọt cũng đối mặt với làn sóng tăng giá. Từ thức ăn chăn nuôi, phân bón, bao bì, túi nylon, nguyên liệu sản xuất đều tăng lên mức kỷ lục, gây áp lực không nhỏ cho người nông dân.
Theo ĐKN