Được Bộ Y tế Việt Nam phân bổ 570.000 liều vaccine, Bình Dương đã tiêm hết số lượng phân bổ chỉ trong vòng 4 ngày. Tỉnh đề nghị Bộ Y tế phân bổ thêm hơn 1 triệu liều vaccine để phòng dịch cho người dân, công nhân lao động tránh đứt gãy chuỗi sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh đang rất phức tạp tại địa phương này.
UBND tỉnh Bình Dương vừa có công văn hỏa tốc gửi Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị xem xét hỗ trợ phân bổ thêm vaccine phòng COVID-19 để thực hiện tiêm cho khoảng hơn 2 triệu người dân.
Ngày 9/8, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương cho biết, đến nay, địa phương đã tiêm khoảng 450.000 liều trong tổng số 570.000 liều vaccine Bộ Y tế phân bổ. Số vaccine còn lại được Bình Dương phân phối cho các khu công nghiệp để tiêm cho người lao động, nên Bình Dương sẽ vaccine vào 10/8.
Theo thông tin từ Sở Y tế Bình Dương, hiện dịch bệnh ở tỉnh này đang diễn biến phức tạp, nhất là trong doanh nghiệp và các nhà trọ. Vì vậy tỉnh Bình Dương đề nghị Bộ Y tế phân bổ thêm vaccine để tiêm cho công nhân lao động nhằm tránh đứt gãy chuỗi sản xuất.
Theo Sở y tế tỉnh Bình Dương, tỉnh dự kiến sẽ tiêm vắc xin cho 100% người dân Bình Dương. Tuy nhiên, hiện dân số tỉnh Bình Dương trên 2,5 triệu người, trong khi đó lượng vaccine được cấp về không nhiều (570.000 liều). Lượng vaccine được phân bổ chủ yếu tập trung tiêm cho những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao để tăng cường kết quả phòng, chống COVID-19. Do đó, để triển khai tiêm rộng rãi cho người dân, Bình Dương cần lượng lớn vaccine.
Ngoài ra, tỉnh Bình Dương cũng đề xuất với Trung ương, cho phép địa phương chi ngân sách mua lượng vaccine đủ để tiêm cho người dân trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp.
Theo thông tin từ Bộ Y tế Việt Nam sáng 9/8, tỉnh Bình Dương ghi nhận 1.725 ca nhiễm mới. Trong đợt dịch thứ 4 (tính từ ngày 27/4 đến nay), Bình Dương ghi nhận 27.639 ca mắc COVID-19; trong đó, có 5.633 bệnh nhân đã khỏi bệnh và 176 bệnh nhân tử vong. Toàn tỉnh Bình Dương có 21 khu điều trị bệnh nhân COVID-19. Ngoài ra, Bình Dương đã huy động 4 bệnh viện đa khoa tư nhân trong tỉnh tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19.
Trước đó, vào ngày 6/8, UBND tỉnh Bình Dương đã thành lập Trung tâm Thông tin tác chiến phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, đặt dưới sự điều hành của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh. Qua đó, giúp nâng cao năng lực tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân từ Hệ thống Tổng đài đường dây nóng 1022 lên từ 10.000 đến 15.000 cuộc gọi/ngày, nhằm ứng cứu kịp thời, giải quyết hiệu quả các vấn đề khẩn cấp của người dân. Theo UBND tỉnh, đây được xem là một trong những bước đi quan trọng, giúp tỉnh sớm khoanh vùng kiểm soát tốt và tiến tới đẩy lùi dịch bệnh trong thời gian tới.
Xem thêm:
VIDEO - HIỆU QUẢ KỲ DIỆU TỪ "CÂU THẦN CHÚ" THỜI HIỆN ĐẠI: CÂU CHUYỆN CHÂN THẬT CỦA NHỮNG BỆNH NHÂN VƯỢT QUA COVID-19
Theo NTDVN