Theo Đài CNBC, lạm phát dai dẳng, sát ngưỡng cao nhất trong 40 năm là nguyên nhân FED liên tục nâng lãi suất và chưa có ý định dừng lại.
Tính từ đầu năm, FED đã tăng lãi tổng cộng sáu lần. Trong đó, bốn lần gần nhất đều nâng với mức 0,75 điểm phần trăm trong các phiên họp tháng 6, tháng 7, tháng 9 và tháng 11.
Tuy nhiên, trong lần họp này, FED nói đến khả năng giảm mức độ nâng lãi suất từ kỳ họp tới, có nghĩa là trong những lần nâng lãi suất tiếp theo, mức tăng sẽ không phải là 0,75 điểm phần trăm mà thấp hơn.
Các chuyên gia kinh tế hy vọng mức tăng lãi suất của FED là 0,5 điểm phần trăm vào tháng 12 tới và ít hơn trong năm 2023.
Tác động của quyết định tăng suất mới của FED là người dân và doanh nghiệp sẽ giảm vay tiền và chi tiêu, làm chậm lại nền kinh tế nhưng cũng sẽ làm chậm lại đà tăng giá.
Với người Mỹ, họ sẽ khó khăn trong các hoạt động liên quan đên ngân hàng vì lãi suất cho vay mua nhà, xe và cả chi tiêu bằng thẻ tín dụng sẽ tăng lên.
Theo tạp chí Forbes, các số liệu mới nhất cho thấy lãi suất cho vay mua nhà tại Mỹ đang ở mức cao nhất gần 20 năm, với mức 7%, khiến thị trường nhà ở ảm đạm.
Doanh số bán nhà xây mới giảm 10,9% trong tháng 9 so với tháng 8. Còn so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm là 17,6%. Forbes bình luận lãi suất đang làm ước mơ sở hữu một căn nhà xa tầm với người mua.
Tuy nhiên, Chủ tịch FED Jerome Powell cho rằng thị trường nhà ở Mỹ đã "quá nóng" sau đại dịch và cung - cầu nhà ở cần trở về mức cân bằng.
Việc nâng lãi suất còn có khả năng gây ra suy thoái. Ông Powell thừa nhận xác suất hạ cánh mềm - hạ nhiệt nền kinh tế mà không tạo ra suy thoái - đang hẹp lại. Dù vậy, ông cho rằng điều này vẫn có khả năng xảy ra.
Ông khẳng định lại cam kết hạ nhiệt lạm phát vì lạm phát cao, dai dẳng sẽ gây hậu quả kinh tế lớn hơn suy thoái.
Ảnh hưởng của việc tăng lãi suất
Theo tuyên bố sửa đổi của FOMC, Fed đã lưu ý rằng các chỉ số gần đây đang chỉ ra mức tăng trưởng khiêm tốn trong chi tiêu và sản xuất, trong khi việc làm đang tăng trưởng mạnh mẽ.
Do rủi ro lạm phát gia tăng, nên ủy ban thiết lập lãi suất “dự đoán rằng mức tăng liên tục trong phạm vi mục tiêu sẽ phù hợp nhằm đạt được một lập trường của chính sách tiền tệ đủ hạn chế để đưa lạm phát trở lại 2% theo thời gian.” Nhưng điều này cũng báo hiệu rằng Fed có thể làm chậm chu kỳ thắt chặt tiền tệ của mình.
Lần đầu tiên, các quan chức Fed nhận ra rằng rốt cuộc tốc độ tăng lãi suất nhanh chóng của ngân hàng trung ương có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế với một “độ trễ.”
“Khi xác định tốc độ gia tăng [lãi suất] trong tương lai trong phạm vi mục tiêu, ủy ban sẽ tính đến việc thắt chặt tiền tệ tích lũy, những độ trễ mà chính sách tiền tệ này ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế và lạm phát, cũng như sự phát triển kinh tế và tài chính,” FOMC cho biết trong tuyên bố nói trên.
Nhưng các quan chức nói thêm rằng các nhà hoạch định chính sách có thể sửa đổi lập trường về chính sách tiền tệ của FOMC khi cần thiết “nếu các rủi ro xuất hiện có thể cản trở việc đạt được các mục tiêu của ủy ban.” Fed nhắc lại rằng họ sẽ theo dõi áp lực và kỳ vọng lạm phát, sức khỏe cộng đồng, các diễn biến tài chính, và điều kiện thị trường lao động.
Thị trường kỳ hạn đang đặt lãi suất thực tế của các quỹ liên bang (effective federal fund rates, EFFR) ở mức đỉnh điểm khoảng 4.97% trong tháng 05/2023.
“Hai từ ‘tích lũy’ và ‘độ trễ,’ sẽ khơi dậy sự phục hồi của cổ phiếu và trái phiếu,” ông Bryce Doty, giám đốc danh mục đầu tư cao cấp kiêm phó chủ tịch của Sit Investment Associates, cho biết trong một ghi chú. “Fed cho các nhà đầu tư hy vọng rằng tốc độ tăng lãi suất đang chậm lại bằng cách đề cập rằng họ sẽ xem xét tác động tích lũy của việc tăng lãi suất cũng như tính đến việc có một khoảng thời gian chậm trễ giữa thời điểm tăng lãi suất và khi việc gia tăng lãi suất khiến nền kinh tế thay đổi đáng kể.”
Ông Powell lưu ý rằng lộ trình dẫn đến hạ cánh mềm đã “bị thu hẹp lại”, khi giải thích rằng bức tranh lạm phát đã trở nên “thách thức hơn”, có nghĩa là sẽ có một mức lãi suất chính sách thắt chặt hơn trong tương lai.
Ảnh hưởng đến các nước
Giá đồng USD tăng do tăng lãi suất đang ảnh hưởng đến giá trị đồng tiền trên thế giới trong tương quan với đồng USD, các nước châu Á không nằm ngoài quy luật này. Giá hàng nhập khẩu, xăng dầu… sẽ cao hơn, theo phân tích của New York Times.
Tỉ giá cao giữa USD và đồng nội tệ sẽ làm tăng lạm phát trong nước ở các quốc gia khác, ảnh hưởng đến khả năng chi tiêu của các hộ gia đình, và cuối cùng là làm chậm lại nền kinh tế toàn cầu.
Giá trị đồng USD tăng sẽ khiến những người đi vay nước ngoài gặp khó khăn hơn trong việc trả nợ bằng đồng USD.
Nhiều ngân hàng trung ương các nước đã đưa ra các biện pháp để bảo vệ đồng nội tệ, chẳng hạn như bán USD để mua lại đồng nội tệ đang yếu đi.
Do đó, dự trữ ngoại hối của các ngân hàng bị giảm xuống. Hàn Quốc, Philippines, Việt Nam, Malaysia và Thái Lan đều đã công bố các biện pháp can thiệp với thị trường tiền tệ.