Trong một căn nhà cho thuê nhỏ hẹp và ngột ngạt nằm ở Giang Bắc, Trùng Khánh, có hai cụ già khoảng 90 tuổi sống cùng nhau không người thân, không con cái. Bà đang nằm trên chiếc giường nhỏ, sức khỏe dường như đã rất yếu. Còn ông cũng không biết cầm cự được bao lâu, nhưng vẫn cố gắng còng lưng chăm sóc cho bà…
Quân Đại Minh người ở Vinh Xương, Trùng Khánh, Trung Quốc, là một sĩ quan của trung đoàn số 20, thuộc quân đội Quốc dân Đảng năm 1936. Thời bấy giờ, ông còn là một thanh niên trai tráng, có dáng người cao to, tuấn tú và lịch sự.
Khi đó, có một sĩ quan hậu cần thường đến nông thôn để mua rau. Tại đây ông gặp bà Lý Dư, nghe đâu bà có cô con gái duy nhất đang đến tuổi cập kê tên là Lý Đức Phương. Người sĩ quan nghe vậy bèn nghĩ ngay đến Đại Minh, nên đứng giữa tìm cách mai mối cho hai người
Phần bà Lý Dư khi nhìn thấy Quân Đại Minh cũng khá ưng ý ngay, sau đó bà có dắt Đại Minh về nhà mình, chỉ tay vào một cô gái xinh đẹp, bà giới thiệu rằng: “Đây là Lý Đức Phương con gái tôi”.
Lý Đức Phương khi đó chỉ mới 19 tuổi, nhìn thấy Đại Minh lần đầu tiên bà bẽn lẽn quay mặt đi vì ngại ngùng. Dù chỉ mới nhìn thoáng qua nhau như vậy, thế nhưng cả hai đều ngầm hiểu rằng, họ hẳn sinh ra là để dành cho nhau.
Và rồi mùa thu năm đó, cả hai đã kết hôn, cứ ngỡ sẽ bên nhau được dài lâu, ai ngờ chỉ sau 4 tháng chung sống, vào một đêm hôm khuya khoắt, Đại Minh bất ngờ nhận được lệnh khẩn cấp phải chuẩn bị tham gia chiến trận. Trong lúc vội vã, Đại Minh còn chưa kịp nói lời tạm biệt với người vợ mới cưới của mình.
Sau đó, Quân Đại Minh có tham gia vào nhiều mặt trận trên khắp Trung Quốc, thậm chí nhiều khi ông còn không biết nơi mình đang đóng quân có địa danh là gì, do đó dần dần cả hai vợ chồng hoàn toàn mất liên lạc với nhau.
Phần Lý Đức Phương từ ngày xa chồng, bà ngày đêm mong ngóng ăn không ngon ngủ không yên. Ngày tháng trôi qua, bà đã khóc đến cạn khô nước mắt, nhiều người khuyên bà nên tái hôn vì lo rằng ông đã chết nơi chiến trường, tuy nhiên, Lý Đức Phương khi đó vẫn một mực từ chối.
Vài năm sau, cha mẹ của bà cũng qua đời, Lý Đức Phương một mình ở làng Lục Tử. Lúc này, Đại Minh cũng đã chinh chiến được vài năm, đến nửa cuối năm 1942, ông giải ngũ, trúng tuyển vào cảnh sát ở Thành Đô, được bổ nhiệm làm làm giám đốc đồn cảnh sát nơi ông đóng quân.
Khi làm giám đốc sở cảnh sát, ông có từng nghĩ đến việc tìm vợ, nhưng do cuộc sống nơi thành phố kìm hãm, thêm nữa lại không biết tung tích của vợ ở đâu, nên cuối cùng cũng kết hôn với một người con gái khác.
Vào ngày cưới, Đại Minh từng cảm thấy trong lòng có chút bất an khi nghĩ đến vợ cũ. Nhưng sau cùng, ông cho rằng đã trôi qua nhiều năm như vậy, không biết bà còn sống hay không, mà nếu còn sống, có lẽ cũng đã tái hôn từ lâu rồi.
Hai năm sau, người vợ mới sinh cho ông một cậu con trai, và sau đó là một cô con gái. Lúc này, cuộc sống gia đình khá yên ổn, khiến ông cũng không còn nhớ đến người vợ trước kia đang mòn mỏi chờ đợi tin tức của mình nữa.
Song cuộc hôn nhân lần này cũng chẳng kéo dài được bao lâu thì Đại Minh bị ngồi tù 21 năm sau nội chiến. Tiếp đó ông còn bị đày đến vùng Tân Cương.
Vào lúc này, bà Lý Đức Phương cũng đã di chuyển đến Trùng Khánh với hy vọng có thể tìm được chồng tại đây. Khi đó bà đã 37 tuổi, vẫn lẻ bóng một mình. Sau hơn 10 năm xa cách với chồng, bà vẫn nuôi hy vọng sẽ có ngày được đoàn tụ.
Khi mới đến Trùng Khánh, Lý Đức Phương không có người thân đi cùng, hằng ngày sống bằng nghề giặt quần áo và bảo mẫu. Đồng thời, bà vẫn đi khắp nơi để dò la tung tích của Đại Minh nhưng vẫn bặt vô âm tín.
Sau này do cuộc sống ở Trùng Khánh quá khó khăn, bà vội vàng kết hôn với một đầu bếp nghèo xuất thân từ một gia đình nông dân, đổi tên thành Lưu Trạch Hoa. Hai người sau đó sinh sống bằng nghề bán cháo ở ngã tư, tuy nhiên chung sống lâu mà không có con, do đó bà có nhận nuôi một bé trai và một gái.
Cuộc đoàn tụ sau 60 năm
Thấm thoắt sau 21 năm cải tạo lao động ở Tân Cương, Đại Minh cuối cùng cũng được ra tù, lúc này ông đã 60 tuổi. Nhưng khi trở về Trùng Khánh để tìm lại vợ con thì hay tin người vợ hai của ông đã tái hôn. Con gái của ông thì đã chết vì bệnh tật, còn đứa con trai duy nhất cũng giống như ông bị hàng chục năm tù tội.
Đại Minh lúc này sống cùng con trai, làm nghề kéo xe bán mì và giúp người dân đưa đón trẻ nhỏ. Nhưng do cuộc sống với con trai không được hòa thuận, mâu thuẫn ngày càng gay gắt, nên ông chọn cách dọn ra ngoài ở một mình.
Thật trùng hợp là nơi ông sống chỉ cách nhà bà Đức Phương có 3km. Khi này bà Lý Đức Phương cũng chỉ sống một mình, chồng bà đã chết, mâu thuẫn với con cái liên miên, do không thể chịu nổi cảnh tranh chấp gia đình nữa, bà đã lặng lẽ bỏ nhà ra đi. Và nơi bà đang sống hiện tại cũng là do những người dân tốt bụng quanh làng giúp đỡ.
Vào một ngày vào năm 1997, bà Lý Đức Phương cảm thấy tuổi mình đã già, lại neo đơn nên cần người bầu bạn. Sau đó, bà được một người hàng xóm mai mối cho mình một người đàn ông cũng hoàn cảnh như bà, sống neo đơn một mình. Và đó chính là ông Đại Minh.
Lần đầu tiên khi cả hai gặp mặt, do hai người đều đã lớn tuổi, ngoại hình khác, trí nhớ cũng kém, bà Phương cũng đổi tên thành Hoa nên họ không nhận ra nhau.
Ông Đại Minh lúc này tính tình ít nói, mãi mới thốt lên một câu rằng: “Tôi không có tiền, không thể lo được cho bà được sung túc”.
Bà Phương lúc này bảo: “Tôi không cần ông nuôi, tôi còn chút tiền dành dụm, miễn có chỗ ở là được”.
Bên kia ông nghe vậy cũng im lặng không trả lời. Nhìn thấy như vậy, bà Phương cũng cảm thấy có lẽ không hòa hợp và rời đi. Cuộc gặp gỡ lần đầu tiên ấy đã kết thúc trong vô vọng.
Nhưng một tháng trôi qua, bà Phương vẫn còn suy nghĩ về ông cụ kỳ lạ này, nên bà đã đến tìm ông. Vừa bước vào, bà liền thấy một chiếc giường đơn sơ và một chiếc bàn gỗ, tất cả mọi thứ trong nhà ông đều gọn gàng sạch sẽ.
Lúc này bà mới bắt đầu có thiện cảm với ông hơn. Nhưng ông vẫn như vậy, vẫn im lặng, để bà hỏi thì ông mới trả lời. Sau đó bà có mời ông về nhà bà dùng cơm. Vậy là cả hai đã cùng nhau ăn bữa cơm đầu tiên.
Bữa đó chỉ có hai món, một đĩa trứng kho trộn ớt xanh và nửa bát thịt lợn nấu của ngày hôm trước. Thế nhưng bữa ăn này dường như đã giúp thu hẹp lại khoảng cách giữa hai người. Cuối cùng bà Phương đã đề nghị ông hãy để bà dọn đến ở cùng, còn ông cũng im lặng gật đầu.
Họ đã có với nhau một đám cưới đơn giản, chỉ vài món ăn và đôi đũa, ít bánh kẹo, để mời hàng xóm. Năm đó, ông đã 82 tuổi còn bà Phương đã 80 tuổi.
Mãi đến ngày hai người nhận giấy kết hôn, cả hai mới bắt đầu thật sự cởi mở trò chuyện về những quá khứ của nhau.
Quân Đại Minh cảm thấy bất ngờ khi nhìn thấy vết bớt mờ mờ nơi khóe miệng của bà, nó khiến ông nghĩ đến người vợ cũ.
Ông bèn hỏi: “Bà là người ở đâu”
“Tuyên Hán”.
“Tôi từng đến Tuyên Hán, Đạt Châu. Bà đến từ làng nào?”
“Làng Lục Tử”.
“Tại sao bà họ Lý , người trong thôn đó toàn họ Lưu”.
“Tôi sau đó đổi tên”.
“Vậy tên trước đây của bà là?”
“Lý Đức Phương”
“Lý Đức Phương?”, ông Đại Minh bắt đầu ngờ ngợ.
Sau đó ông lại hỏi: “Bà có nhớ Quân Đại Minh không?”.
Bà nói: “Khi tôi còn trẻ, tôi kết hôn với một người lính tên Quân Đại Minh, rồi sau đó anh ấy tham gia chiến tranh và không bao giờ quay trở lại nữa”.
Ông lại hỏi tiếp: “Có phải mẹ bà họ Vũ không?”.
“Đúng vậy, sao ông biết được”, bà Lý Đức Phương bắt đầu hồi hộp.
“Tôi chính là Quân Đại Minh..”
Kết thúc cuộc đối thoại với vô vàn cảm xúc. Cả hai chưa bao giờ mơ rằng được gặp lại nhau giữa muôn vàn con người trong thế giới rộng lớn này, vả lại còn theo một cách lạ thường như vậy. Họ cũng không biết rằng bữa cơm họ ăn cách đây hơn một tháng cũng chính là bữa cơm đoàn tụ đầu tiên sau 60 năm xa cách.
Những người hàng xóm xung quanh ai nấy cũng rất vui mừng, họ cho biết, hai cụ từ ngày đoàn tụ rất trân trọng nhau. Ông Đại Minh luôn làm việc nhà một mình và không bao giờ để vợ làm.
Hai người thường nắm tay nhau cùng xem TV, ông luôn chăm sóc cho vợ. Có lần ông từng chia sẻ rằng: “Đời này tôi có lỗi với bà ấy, tôi đã làm lãng phí hết tuổi thanh xuân của bà, nên bây giờ tôi sẽ bù đắp tất cả. Sau này, dẫu bà ấy có nằm gục trên giường, tôi cũng sẽ hầu hạ, chăm sóc cho bà ấy”.
Quả thật đến đầu năm 2005, bà Phương bị liệt một bên người và gãy tay, lúc đó ông Đại Minh chỉ có thu nhập tối thiểu 210 nhân dân tệ một tháng. Số tiền tiết kiệm mà bà Phương tích lũy được từ việc kinh doanh nhỏ nhiều năm trước cơ bản cũng đã tiêu hết. Cuộc sống của cả hai khá chật vật.
Tệ nhất là khi đó cơ thể ông cũng bắt đầu có vấn đề. Cả hai người đều hay tranh cãi xem ai là người nên đến bệnh viện.
Thời gian sau đó, bà Lý Đức Phương còn bị gãy chân và hoàn toàn ngã gục xuống giường. Đại Minh vẫn không bao giờ bỏ mặc vợ, bằng tấm thân ốm yếu, ông vẫn hằng ngày chăm lo cho việc ăn uống sinh hoạt của vợ. Nhiều lần, bà Phương tỉnh dậy khóc giữa đêm và nói rằng, bà ấy mơ thấy ông chết trước mình. Tuy nhiên Đại Minh luôn an ủi động viên bà rằng, ông ấy phải sống, bởi ông hiểu rằng, người chết sau cùng mới là người đáng thương nhất.
Ông Đại Minh cũng từng chia sẻ: “Tôi là một binh sĩ, tôi không sợ chết. Nếu như tôi có chết, thì cứ trực tiếp đem tôi đi thiêu, còn tro cốt cứ tùy tiện tìm một chỗ để đổ là được. Nhưng cái tôi không nỡ, là bà ấy, người phụ nữ duy nhất mà tôi nợ quá nhiều trong đời này. Dù tôi có làm thế nào đi chăng nữa, cũng không cách nào bồi thường được cho bà ấy”.
Cuối cùng, vào ngày 28/10/2009, bà Lý Đức Phương thật sự đã qua đời như ý nguyện của ông, người ra đi sau cũng luôn là người đau khổ nhất.
“Trước khi bà ấy ra đi, bà ấy đã nắm lấy tay tôi mà không nói được gì, chỉ đặt tay tôi lên trán và mặt bà ấy. Không lâu sau, bà ấy đã nhắm mắt và rời đi”, ông Đại Minh nghẹn ngào.
Sau cái chết của vợ, ngày hôm sau, một vài người tình nguyện viên đến thăm ông, họ thấy ông đang nằm trên giường, hai mắt nhắm lại, mùi khói thuốc bốc lên nồng nặc, trong khi xưa nay ông không bao giờ hút thuốc.
Một lúc lâu, ông mấp máy nói được vài câu:
“Vợ tôi đã qua đời, trong lòng rất cô đơn”.
Hai mươi ngày sau khi vợ chết, ông Đại Minh cũng qua đời.
Cả hai đã cùng nhau trải qua 12 năm cuối đời, tay trong tay trong vô vàn khó khăn. Và tới khi chết họ vẫn được nằm cạnh nhau, chung một ngôi mộ.
Chúc Di - Theo Tinh Hoa