Đức Phật giải nghĩa 7 giấc mộng cho Tôn giả A Nan, tất cả đã ứng nghiệm

Đức Phật giải nghĩa 7 giấc mộng cho Tôn giả A Nan, tất cả đã ứng nghiệm

Đức Phật giải nghĩa 7 giấc mộng cho Tôn giả A Nan, tất cả đã ứng nghiệm

Đức Phật giải nghĩa 7 giấc mộng cho Tôn giả A Nan, tất cả đã ứng nghiệm

Đức Phật giải nghĩa 7 giấc mộng cho Tôn giả A Nan, tất cả đã ứng nghiệm
Đức Phật giải nghĩa 7 giấc mộng cho Tôn giả A Nan, tất cả đã ứng nghiệm
Thứ bảy, 14-12-2024 02:11, (GMT+07:00)
Đức Phật giải nghĩa 7 giấc mộng cho Tôn giả A Nan, tất cả đã ứng nghiệm
04-08-2022 14:49

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từng giải thích 7 giấc mơ cho Tôn giả A Nan, và những giấc mơ này báo trước về tương lai, cũng chính là thời điểm hiện nay.

 

Đức Phật giải nghĩa 7 giấc mộng cho Tôn giả A Nan, tất cả đã ứng nghiệm

Đức Phật Thích Ca thuyết Pháp. (Tổng hợp từ Wikipedia)

 

Trong kinh điển Phật giáo thường bắt đầu bằng câu “Như thị ngã văn”, nghĩa mặt chữ là “Như những điều ta được nghe”. Chữ “ngã” này phần lớn được dùng để chỉ “Đa Văn đệ nhất” A Nan Đà (Ananda), cũng gọi là Tôn giả A Nan.

 

Rất nhiều người đều biết rằng ông đã truyền lại chính xác những lời giảng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi Ngài còn tại thế, và đóng góp rất lớn vào việc truyền bá Phật giáo cho hậu thế. Nhưng nhiều người lại không biết rằng, khi còn sống, ông phát hiện ra kinh Phật bị sửa đổi một cách dễ dàng và mất đi ý nguyên gốc, vì thế mà ông cũng nhập niết bàn.

 

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từng giải thích 7 giấc mơ cho Tôn giả A Nan, và những giấc mơ này báo trước về tương lai, cũng chính là thời điểm hiện nay.

 

Nàng Matanga 

 

Vào một buổi chiều nóng nực cách đây khoảng 2.500 năm, tại một cái giếng ở thành Xá Vệ của Ấn Độ, có một cô gái trẻ đẹp vừa mới múc đầy một bình nước giếng trong veo, thì bên tai vang lên một giọng nói nhẹ nhàng dễ chịu: “Thí chủ, cho thể cho ta một bát nước không?”. 

 

Cô ngẩng lên nhìn và thấy một vị tăng nhân trẻ đang đi đến trước mặt mình.

 

Vị ấy có dáng người cao thẳng, khuôn mặt tuấn tú và khí chất cao quý, như một chùm tia sáng chiếu thẳng vào trái tim người thiếu nữ. Cô gái giật mình đến nỗi suýt làm đổ toàn bộ nước xuống đất, rồi vội vàng cúi đầu xuống. Cô rất muốn đưa cho vị hòa thượng anh tuấn này một bát nước nhưng lại không dám. Bởi vì đây là người phụ nữ thuộc dòng giống Sudra – tầng lớp tiện dân trong hệ thống đẳng cấp ở Ấn Độ. Cô chính là Matanga (Ma Đăng Già).

 

Theo luật lệ thời đó, người Sudra không được tiếp xúc với những người thuộc đẳng cấp khác. Vị tăng nhân thấy được sự lo lắng trong lòng cô, liền nói: “Đức Phật dạy rằng bốn dòng giống đều bình đẳng, người Sudra cũng có thể cúng dường cho các tỳ kheo”. 

 

Nghe xong, Matanga vô cùng vui mừng, cô vội đổ nước vào bát của vị tăng nhân, và nhìn người trước mặt không chớp mắt. Cho đến khi nhà sư nói lời cảm ơn rồi rời đi, Matanga vẫn hướng mắt nhìn theo, không nỡ để tăng nhân rời khỏi tầm mắt của mình.

 

Cô biết rằng, vị sư này chính là A Nan – người tình trong mộng của vô số cô gái. Hỏi cô gái nào trong thành mà không biết A Nan. Đáng tiếc, anh lại là một nhà sư, và các cô gái chẳng thể làm gì khác ngoài thở dài. Nhưng từ đó Matanga lại mắc bệnh tương tư, không ăn không uống, ngày một hao gầy. Khi mẹ cô biết rằng con gái mình đã say mê nhà sư A Nan tới mức hết thuốc chữa, bà quyết định giúp con gái một tay. Đó là ép A Nan cưới con gái mình làm vợ, bằng thủ đoạn gạo nấu thành cơm. 

 

Cơ hội rất nhanh đã đến. Hôm ấy, đúng lúc A Nan đi khất thực qua cửa nhà Matanga, bà mẹ liền dùng tà thuật khiến A Nan không thể làm chủ bản thân, anh mơ mơ hồ hồ bước vào nhà của Matanga. Matanga thấy vậy thì vui mừng quá đỗi, dùng trăm phương kế để mê hoặc A Nan. Trong lòng A Nan biết rõ có điều không tốt, nhưng lực bất tòng tâm, chỉ biết giữ vững tinh thần và niệm Phật. Lúc này, Đức Phật cũng cảm ứng được lời kêu cứu của A Nan, biết rõ A Nan đang gặp nguy hiểm. Ngài liền vội phái Văn Thù Bồ Tát tới gần nhà của Matanga kiếm tìm và yêu cầu tất cả các tỳ kheo hết lòng trì tụng Chú Lăng Nghiêm. Ngay khi A Nan sắp không kìm được lòng mà phá giới, thì dưới sự gia trì của Phật Đà và chúng tăng, A Nan đã kịp thời thanh tỉnh, lao ra khỏi cửa rồi chạy về tịnh xá.

 

Trông thấy hỷ sự sắp thành lại tuột khỏi tay, Matanga không cam tâm, từ đó ngày nào cô cũng đi theo A Nan. Không còn cách nào khác, A Nan chỉ có thể cầu cứu Phật Đà. Đức Phật nhìn thấy rằng, giữa Matanga và A Nan có tiền duyên từ nhiều đời trước. Ngài nói với cô gái: “Nếu như con nguyện ý xuống tóc tu hành, đợi đến khi tu tới cảnh giới ngang bằng A Nan, thì có thể hoàn thành tâm nguyện của mình”.

 

Matanga không cam tâm, từ đó ngày nào cô cũng đi theo A Nan. (Shutterstock)

Matanga không cam tâm, từ đó ngày nào cô cũng đi theo A Nan. (Ảnh minh họa từ Shutterstock)
 

Khi nghe được lời hứa của Đức Phật, Matanga lập tức quyết định cạo đầu và tu hành cùng các tỳ kheo ni.

 

Nhưng, nếu thật sự cô tu luyện đến độ tương đương với A Nan, thì làm sao còn có ý niệm muốn kết hôn với A Nan chứ? Trên thực tế, không lâu sau đó, Matanga đã chứng ngộ được quả vị A-la-hán (còn gọi là La Hán), thậm chí còn sớm hơn A Nan rất nhiều năm.

 

A Nan là người em họ nhỏ tuổi nhất của Phật Thích Ca Mâu Ni, cũng là chàng trai đẹp nhất trong vương tộc Thích Ca. Với tấm lòng nhân hậu và tính tình ôn hòa, anh nghiễm nhiên trở thành người có duyên với nữ giới nhất trong số rất nhiều đệ tử của Đức Phật. Nhưng đây không phải là điều gì tốt đẹp đối với người xuất gia, mà là ma nạn (tức khó khăn trở ngại). Việc này khiến Đức Phật phải bận tâm lo lắng, bởi Đức Phật đặt rất nhiều hy vọng vào A Nan.

 

Không lâu sau, vị sư trẻ A Nan trở thành thị giả thường ở bên hầu hạ Đức Phật.

 

Thị giả thân cận

 

Trước đó, không có người cố định cho vị trí thị giả thân cận bên Đức Phật. Thời đầu do hai đệ tử là Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên đảm nhiệm. Về sau, các đại đệ tử của Ngài cũng lần lượt phụng sự Đức Phật.

 

Lần này, Đức Phật muốn tìm kiếm một thị giả lâu dài. Hầu hết các đại đệ tử đều đến xin nhưng không được chấp thuận. Lúc này, “Trí Huệ đệ nhất” Xá Lợi Phất hiểu ra rằng, Đức Phật có ý muốn chọn A Nan, một người thông huệ, thiện lương, biết tiến biết lùi. Hơn nữa, bằng cách giữ A Nan bên mình, cũng có thể giúp ngài ấy tránh được những quấy rầy từ phụ nữ.

 

Khi đó, A Nan mới ngoài hai mươi tuổi, tự nhận mình không đủ tư cách và kinh nghiệm. Ông đưa ra ba yêu cầu rồi mới đồng ý. Một là, y phục của Đức Phật, dù cũ hay mới, ông đều không mặc. Hai là, nếu có tín đồ thỉnh cầu Đức Phật tới nhận cúng dường, ông sẽ không đi theo đến đó. Ba là, khi cần thiết ông có quyền kiểm soát thời gian của bản thân, ngoài đó ra đều sẵn sàng phụng sự Đức Phật.

 

Hai vị Mục Kiền Liên và Xá Lợi Phất đã thưa những điều kiện mà A Nan đưa ra lên Đức Phật. Đức Phật khen A Nan là một tăng nhân có phẩm cách. A Nan đưa ra những yêu cầu này là để tránh bị hiểu lầm. Ngài ấy sợ bị người khác chế giễu là vì cái ăn cái mặc nên mới nhận làm thị giả.

 

Sau đó, A Nan tận tụy phụng sự Đức Phật hơn 20 năm. Các ma nạn liên quan đến nữ giới của A Nan đã giảm bớt. Ông được nghe Phật Pháp nhiều nhất, hễ nghe là không quên, và được Đức Phật khen là “Đa Văn đệ nhất”.

 

Văn Thù Bồ Tát đã từng miêu tả A Nan như thế này: Tướng mạo như trăng tròn mùa thu, mắt như hoa sen thanh khiết, Phật Pháp như biển lớn rót vào tâm A Nan.

 

A Nan sắp xếp và chăm sóc chu đáo cho cuộc sống hàng ngày của Đức Phật. Khi các đệ tử đến đảnh lễ, dù Đức Phật bận rộn đến mấy, A Nan cũng có thể sắp xếp thời gian hợp lý cho họ, khiến mọi người đều rất hài lòng. Trong khi chờ đợi tiếp kiến Đức Phật, họ thích nói chuyện với A Nan trước, vì cảm thấy những lời động viên và giáo giới của ngài dịu dàng như làn gió xuân.

 

Bảy giấc mộng

 

Thời gian thấm thoát thoi đưa, chớp mắt đã hơn 20 năm trôi qua, thị giả A Nan cũng đã ngoài ngũ tuần.

 

Theo ghi chép trong “A Nan Thất Mộng Kinh”, một ngày nọ, khi Đức Phật đang giảng Pháp cho Vua Pasenadi (Ba-tư-nặc) ở thành Xá Vệ, Ngài phát hiện A Nan ưu sầu đến mức không nói được lời nào. Khi được hỏi, A Nan nói rằng ông đã gặp bảy cơn ác mộng, cảm thấy vô cùng mơ hồ, trong lòng bất an.

 

Đức Phật hỏi A Nan đã mơ thấy gì? A Nan thưa:

 

Giấc mơ thứ nhất, đệ tử mơ thấy ao đầm bị cháy, ngọn lửa cuồn cuộn ngất trời.

 

Đức Phật giải thích: Ngọn lửa trong ao báo trước rằng, trong tương lai các tỳ kheo sẽ có ít thiện tâm, tâm tà ác phạm giới sẽ cháy rực, sẽ giết hại lẫn nhau, số lượng không kể xiết, giống như dòng nước tinh khiết trong ao biến thành hỏa diệm.

 

Giấc mơ thứ hai, con mơ thấy Mặt trời, Mặt trăng và các vì sao đều biến mất.

 

Lúc này, Đức Phật đã gần tám mươi tuổi. Ngài nói: “A Nan à, không lâu nữa ta sẽ nhập niết bàn. Tất cả các đệ tử được trực tiếp nghe ta giảng Pháp sẽ theo Đức Phật rời khỏi thế gian. Và chúng sinh sẽ bị che mắt”. 

 

Giấc mơ thứ ba, con mơ thấy các tăng nhân xuất gia rơi xuống một cái hố lớn ô uế, người tại thế gian dẫm lên đầu họ và nhảy ra ngoài.

 

Đức Phật thở dài nói: "A Nan, điều này cho thấy, trong tương lai, trong tâm các tỳ kheo sẽ chứa đầy sự độc ác, đố kỵ, thậm chí giết hại lẫn nhau, chặt đầu người tu đạo. Con người thế gian thấy vậy sẽ quở trách hoặc khuyên bảo, nhưng các tăng nhân lại không nghe theo. Những tăng nhân này sẽ nhập địa ngục sau khi chết, và sau này sẽ có những người không cần xuất gia mà vẫn có thể tinh tấn tu luyện, sau khi qua đời sẽ được lên Thiên đàng”. 

 

Giấc mơ thứ tư, con mơ thấy một khu rừng rậm, đàn lợn rừng đang xông vào đào xới gốc cây đàn hương.

 

Phật Đà giải nghĩa: "Giấc mơ này báo trước rằng trong tương lai sẽ có người phàm đến chùa chiền phỉ báng nhà sư, phá chùa và làm tổn hại tăng nhân".

 

Giấc mơ thứ năm, đệ tử mơ thấy đầu đội núi Tu Di nhưng lại không thấy nặng. 

 

Đức Phật nói với A Nan: “Điều này có nghĩa là sau khi Phật Đà nhập niết bàn, con sẽ đắc quả vị A-la-hán. Con sẽ ghi nhớ toàn bộ những lời dạy của Đức Phật và kết tập chúng thành kinh sách. Sẽ có rất nhiều người lĩnh thụ lời dạy của con và tỉnh ngộ. Con có thể đảm nhận nhiệm vụ quan trọng này”.

 

Giấc mơ thứ sáu, con mơ thấy voi lớn chán ghét và vứt bỏ voi con.

 

Đức Phật lắc đầu một cách bất lực và nói: “Điều này nghĩa là trong tương lai, tà kiến ​​sẽ cường thịnh và phá hủy Phật Pháp của ta. Những người chính trực sẽ ẩn mình và không xuất hiện”.

 

Giấc mơ thứ bảy, đệ tử mơ thấy trên đầu Sư tử vương có bảy sợi lông. Nó nằm chết trên mặt đất, các loại danh hoa từ trên không rải xuống đầu. Các loài thú khác vẫn khiếp sợ khi nhìn thấy nó. Sau đó, thân thể sư tử phân hủy, bị sâu bọ côn trùng ăn sạch.

 

Đức Phật giải thích: “Điều này có nghĩa là trong 1.470 năm sau khi Phật Đà nhập niết bàn, hết thảy ma quỷ không thể quấy rầy các đệ tử của ta tu luyện. Còn bảy sợi lông báo trước rằng, sau đó 700 năm nữa, các đệ tử của ta sẽ không còn tu hành theo Phật Pháp, sẽ phá bỏ giới luật, tham cầu danh lợi, dần dần phá hoại Phật Pháp từ bên trong. Phật giáo chỉ còn lại cái vỏ bên ngoài, thực chất bên trong đã bị những kẻ phá hoại Phật Pháp đục ruỗng”. (Chú thích: Sư tử là vua của các loài thú. Phật là bậc chí tôn trong ba cõi. Trong kinh điển thường ví Đức Phật như “sư tử chúa” (sư tử vương); cho nên chỗ ngồi của Ngài được gọi là “sư tử tòa”). 

 

Bảy giấc mộng mà Đức Phật giải thích cho thị giả A Nan, ngoại trừ giấc mơ thứ năm, còn lại đều báo trước rằng trong tổng cộng 2.170 năm sau khi Đức Phật nhập niết bàn, Phật giáo sẽ bước vào thời mạt pháp “ngũ độc ác thế” (tham, sân, si, ái, ố). 

 

Bốn giải đáp cuối cùng 

 

Chẳng bao lâu sau, vào năm thứ bốn mươi chín sau khi Đức Phật khai ngộ, Ngài tuyên bố trước rằng sẽ nhập niết bàn ở giữa hai cây sala nằm ở thành Câu-thi-na (Kushinagar), cách thành Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavastu) ba mươi dặm. Mặc dù các đệ tử mong rằng ngày đó sẽ không bao giờ đến, nhưng cuối cùng nó cũng đến.

 

Khi ánh tịch dương xuất hiện ở chân trời phía Tây, Đức Phật khoan thai nằm nghiêng mình trên chiếc giường do thị giả A Nan trải. Ngài lặng lẽ chăm chú nhìn các đệ tử trước mặt. Các đại đệ tử đều đã khai ngộ, còn A Nan chưa khai ngộ thì khóc bi thương không thành tiếng. Đức Phật nhìn A Nan với ánh mắt thương xót: “A Nan à, con đừng đau buồn, duyên đến rồi lại đi, có sinh thì có diệt, có gặp gỡ thì có ly biệt, có phồn vinh thì có suy bại. Con hầu hạ ta bao năm qua, đều cam tâm chịu đựng biết bao nỗi khổ vốn chịu không thấu. Ta sẽ dùng lực gia trì để hồi báo công đức của con. Con phải dụng tâm tu hành cho tốt, sẽ có thể sớm khai ngộ chứng quả”.

 

Rồi Đức Phật lại nói với các đệ tử khác: “A Nan đã vô cùng vất vả hầu hạ ta 25 năm qua, luôn đối xử ôn hòa, khoan dung độ lượng với người khác, nghe Pháp không quên. Tương lai ắt có thể tỏa sáng ở thế gian”.

 

Khi màn đêm buông xuống, vầng trăng rằm treo giữa không trung rải ánh bạc lên khắp khu rừng, các đại đệ tử đều vô cùng thương tâm, không khí ngập tràn cảm giác ly biệt. Mọi người đề nghị A Nan thỉnh cầu Đức Phật khai thị cho bốn điều. Đó là: Sau khi Phật Đà nhập niết bàn, lấy ai làm thầy? Làm sao để sống an trú? Làm thế nào thu phục những tỳ kheo không giữ giới luật, khuấy động thị phi? Và kết tập kinh điển kinh sách thế nào để khơi dậy tín tâm của thế nhân?

 

Đức Phật với nét mặt điềm tĩnh, từ tốn và hòa nhã trả lời: “A Nan à, con và mọi người hãy nhớ kỹ là phải lấy giới luật làm thầy, và sống an trú trong tứ niệm xứ. Nếu gặp phải những tỳ kheo xấu, hãy phớt lờ họ, họ sẽ cảm thấy cô độc và nhàm chán, rồi sẽ tự động rời đi, hoặc tự ngộ ra là phải vứt bỏ những hành vi xấu. Lời mở đầu của các kinh sách kinh văn phải ghi câu ‘Như thị ngã văn’ (Như những điều ta được nghe) thì sẽ khiến người ta khởi được tín tâm. Các con chỉ cần làm theo Pháp thì Pháp thân của ta sẽ thường ở bên”.

 

Sau đó không lâu thì Đức Phật nhập niết bàn. Đó là ngày 15/2 âm lịch năm 486 trước Công nguyên. 

 

Đức Phật nhập niết bàn (Ảnh wikipedia/ CC BY SA 2.0)

Đức Phật nhập niết bàn. (Ảnh Wikipedia/ CC BY SA 2.0)
 

Như thị ngã văn 

 

Ba ngày sau khi Phật Thích Ca Mâu Ni nhập niết bàn, A Nan rời đi dự đại hội kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ nhất. Trong ba ngày đó, thị giả ốm liệt giường, mỗi ngày chỉ có thể uống chút canh. Ông ngày đêm tưởng nhớ Đức Phật, đau buồn không nguôi, khiến thân thể và tinh thần tàn tạ. Hơn hai tháng sau ông mới đi tới thành Vương Xá (Rājagaha).

 

Ngày hôm sau, buổi lễ bắt đầu. Vì A Nan đến muộn nên bị Tôn giả Đại Ca Diếp – người đã được thăng lên làm trưởng Đoàn tăng – răn dạy và quở mắng. A Nan trầm mặc im lặng, không một lời biện giải. Khi đó, Tôn giả Đại Ca Diếp đã chọn ra 499 vị Đại La Hán để tham gia buổi lễ. Vị trí cuối cùng, mọi người đều đề cử thị giả A Nan – người luôn thân cận bên Đức Phật, người được nghe thuyết Pháp nhiều và nhớ lâu. Nhưng vì chưa đắc quả vị A-la-hán nên A Nan do dự mãi không thể quyết. Điều này đã mang lại cho A Nan sự kích thích lớn, ông nỗ lực ngộ Đạo suốt đêm. Khi ánh bình minh xuyên qua màn đêm, cuối cùng A Nan đã chứng đắc quả vị A-la-hán.

 

Ngày hôm sau, khi cổng hội trường vẫn chưa mở, ông đã dùng thần thông để đi vào trước. Khi mọi người biết A Nan đã chứng đắc quả vị A-la-hán, họ rất vui mừng và lần lượt chúc mừng ông.

 

A Nan được các đại đệ tử đưa lên vị trí “sư tử tòa”. Ông bắt đầu tụng “như thị ngã văn”, đọc lại toàn bộ Phật Pháp theo trí nhớ của mình. Tất cả các tăng nhân có mặt đều như một lần nữa được nghe lời giáo huấn của Đức Phật, họ cảm động vạn phần.

 

Những kinh điển Phật giáo đầu tiên như Kinh A-hàm (Āgama), Kinh A-ba-đà-na (Avadāna), Kinh Pháp cú (Dhammapada), v.v., đã được kết tập và lưu truyền tại thế gian như vậy. Những cống hiến của “Đa Văn” A Nan đối với sự hồng truyền của Phật Pháp do Phật Thích Ca Mâu Ni truyền tại thế gian là không gì có thể thay thế. 

 

A Nan nhập niết bàn

 

Hai mươi năm sau, khi duyên đã kết, Tôn giả Đại Ca Diếp đi lên bồn địa trên núi Kê Túc và đả tọa nhập định theo lời chỉ dẫn của Đức Phật, đợi Đức Phật Di Lặc xuất thế trong tương lai.

 

A Nan sau đó kế tục làm người đứng đầu Tăng đoàn, được gọi là Nhị Tổ. Sau mấy chục năm rèn giũa và hoằng dương Phật Pháp, A Nan đã 120 tuổi. Một hôm trên đường đi, Ngài nghe một tỳ kheo trì tụng: “Nhân sinh hoạt bách tuế, bất kiến thủy lạo hạc, bất như sinh nhất nhật, nhi năng đắc kiến chi” (Cả đời sống trăm tuổi, không gặp thủy lạo hạc, chẳng bằng sống một ngày, mà gặp được loài kia).

 

Thủy lạo hạc là một loại thủy điểu màu trắng, giống như con cò. Khi Tôn giả A Nan nghe thấy, Ngài đã vô cùng kinh ngạc. Tại sao vậy? Trăm năm đời người gặp một con thủy điểu thì có ý nghĩa gì? Kỳ thực điều này không có chút quan hệ gì với Phật Pháp. 

 

Sau đó, Tôn giả từ bi nói với vị tỳ kheo rằng Ngài chính là A Nan, và sửa lại lời tụng niệm sai lầm kia. Tôn giả dạy, nên là: “Nhược nhân thọ bách niên, bất kiến sinh diệt Pháp, bất như thọ nhất tuế, nhi đắc kiến văn chi” (Nếu người thọ trăm tuổi, không gặp Pháp sinh - diệt, chẳng bằng thọ một tuổi, mà được gặp được nghe).

 

Đây là câu kinh trong “Kinh Pháp cú”. Nghĩa mặt chữ là, nếu con người sống tới trăm tuổi mà không được nghe Phật Pháp thì quả là điều đáng tiếc, vậy còn chẳng bằng chỉ sống một năm nhưng được nghe Pháp. Tương tự như lời của Đức Khổng Tử rằng “Triêu văn Đạo, tịch khả tử”, chính là nói buổi sáng được nghe Đại Đạo, buổi chiều có chết cũng đáng.

 

Vị tỳ kheo đó hoan hỷ trì tụng những lời Tôn giả vừa truyền dạy. Anh trở về tự viện và nói với sư phụ của mình rằng vừa gặp được Tôn giả A Nan, Tôn giả cũng giúp sửa lại sai sót trong kinh văn. Nhưng không ngờ, sư phụ của anh lại nói rằng A Nan là kẻ hồ đồ, và rằng những gì ông dạy mới đúng là kinh văn, câu chuyện được kể trong kinh sách liên quan đến một con thủy điểu. Vị tỳ kheo đáng thương kia lại niệm theo bài cũ.

 

Ngày hôm sau, vị tỳ kheo đó lại gặp lại Ngài A Nan. Tôn giả hỏi anh sao lại sửa thành “thủy lạo hạc” rồi? 

 

Vị sư trẻ thành thực trả lời: “Sư phụ con nói là Ngài già hồ đồ rồi, nhớ sai rồi”. 

 

Điều này khiến Tôn giả A Nan cảm thấy thất vọng sâu sắc. Ông nghĩ: “Đức Phật nhập niết bàn chưa lâu, số người giải sai Phật Pháp đã nhiều như vậy. Ta vì chúng sinh mà tụng xuất Phật điển, ta vẫn còn tại thế mà đã nghe nhầm đồn bậy. Có thể thấy, con người thế gian ‘chấp ngã’ rất sâu nặng, không tuân theo Phật Pháp. Ta ở lại thế gian này còn có ý nghĩa gì?”.

 

A Nan nhớ sư phụ của mình, thậm chí nghĩ đến tất cả các huynh đệ đã lần lượt nhập diệt từ lâu, chỉ còn lại một mình ông. Như thể cả khu rừng bị đốn hạ, chỉ còn lại một cây cổ thụ, cành tàn lá rụng, không chịu nổi mưa gió. Nghĩ đến đây, A Nan đã quyết đi đến niết bàn.

 

Khi nghe tin Tôn giả A Nan sắp niết bàn, vì tranh giành xá lợi của Ngài, quan hệ hai nước Ma Yết Đà (Magadha) và Tỳ Xá Ly (Vaishali) ở bên bờ sông Hằng thuộc Ấn Độ bỗng nhiên trở nên căng thẳng. 

 

Để dập tắt cuộc chiến sắp nổ ra này, Tôn giả A Nan dùng thần thông bay lên không trung ở giữa sông Hằng rồi nhập diệt, để xá lợi chia đều làm hai phần và phân cho hai quốc gia cúng phụng. Tấm lòng từ bi này đã khiến quốc vương hai nước cảm thấy xấu hổ, sau đó khôi phục lại mối quan hệ như xưa.

 

Tôn giả A Nan nhập niết bàn, công lao thuật lại kinh điển Phật giáo của ông trong lịch sử có thể nói là phúc trạch để lại cho hậu thế, khiến những đệ tử Phật giáo đời đời sau đều hoài cảm. Mặc dù thế gian đã bước vào thời kỳ mạt pháp mà Phật Thích Ca Mâu Ni tiên tri từ lâu, nhưng may mắn thay, chúng ta vẫn còn vị Phật của tương lai – Phật Di Lặc – Người sẽ mang lại sự cứu rỗi và hy vọng cho thế gian.

 

Xem thêm: Đi tìm Cứu Thế Chủ - Người cứu độ chúng sinh khỏi đại nạn thời mạt kiếp | TCT Khám Phá

 

 

Nam Phương

Nguồn China History Culture

Đăng theo NTDVN

 

Các bài khác
Bài Xem Nhiều Nhất
BÍ ẨN
SỰ THẬT
CỬU TỰ CHÂN NGÔN
VIDEO
ẢNH ĐẸP