Tôn Ngộ Không và Đường Tăng, Trư Bát Giới, Sa Tăng trong "Tây Du Ký". (Cung cấp bởi Đoàn nghệ thuật Shen Yun)
Trên sân khấu Shen Yun trong nhiều năm qua, các trích đoạn thuộc ‘Tây Du Ký’ rất được khán giả yêu thích. Bốn nhân vật Đường Tăng, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Tăng trong danh tác này đã được tạo hình hết sức chân thực và sống động, gây ấn tượng sâu sắc trong ký ức người xem…
Kết hợp với màn hình sân khấu công nghệ cao, trên sàn diễn Shen Yun, hình ảnh Tôn Ngộ Không lên trời xuống đất, thi triển thần thông hiện ra rất chân thật ngay trước mắt khán giả. Những câu chuyện hài hước mang tính giáo dục khiến mọi người tỉnh ngộ.
Lại nói, xuất xứ của những tích truyện này được lấy ra từ danh tác ‘Tây Du Ký’ của Ngô Thừa Ân. Vậy thì, bộ sách này là bộ sách như thế nào? Tại sao nó lại chiếm vị trí quan trọng trong kho tàng văn hóa truyền thống rực rỡ của Trung Hoa? Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu.
‘Tây Du Ký’ được viết vào giữa thời nhà Minh thế kỷ 16. Tác giả Ngô Thừa Ân kể về câu chuyện của 4 thầy trò Đường Tam Tạng, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Tăng, (nếu tính cả Bạch Long Mã, thì thầy trò Đường Tăng có 5 người), họ cùng nhau đi về phía Tây cầu Phật pháp.
Trong lịch sử, việc Đường Tăng đi về phía Tây để lấy kinh là sự việc có thực. Đường Tăng, hiệu là Huyền Trang, tục gia mang họ Trần, tên Y, người Câu Thị Lạc Châu, nay là Yển Sư Hà Nam. Ông sinh ra vào năm thứ 2 Tùy Văn Đế (năm 602), xuất gia năm 11 tuổi, trở thành một nhà sư nổi tiếng đất Thục và tại kinh thành, bởi tuổi còn trẻ mà đã tinh thông phật học.
Huyền Trang cảm thấy Kinh Phật lưu truyền ở Trung Quốc lúc bấy giờ hỗn loạn và khó hiểu, nên vào năm Trinh Quán thứ 3 (năm 629) thời nhà Đường, ông xuất phát từ Trường An, kinh đô của nhà Đường, đến Ấn Độ lấy Kinh. Mất 17 năm vượt qua hơn 50 ngàn dặm đường, đi qua Tân Cương và khu Trung Á, vào năm Trinh Quán thứ 19 (năm 645), ông trở lại Trường An và mang về được 657 bộ kinh Phật bằng tiếng Phạn. Sau đó, ông đã tổ chức dịch kinh, và đã dịch tổng cộng 75 bộ kinh và bộ luận, gồm 1.335 quyển. Nhờ vậy, Huyền Trang đã trở thành một học giả Phật giáo, một nhà dịch thuật và một nhà du hành hàng đầu trong lịch sử Trung Quốc, và có những đóng góp mang tính vượt thời đại trong việc truyền bá Phật giáo tại vùng đất Đông Thổ.
Sau thời nhà Đường, câu chuyện về Huyền Trang đi về phía Tây thỉnh kinh đã được lưu truyền rộng khắp trong dân gian. Nó đã trở thành câu chuyện hư hư thực thực, phong phú lý kỳ. Cuốn sách ‘Tây Du Ký’ được viết vào giữa thời nhà Minh dựa trên câu chuyện Huyền Trang đi tìm Phật pháp được thêm vào nhiều nhân vật giả tưởng cùng những tình tiết thú vị. Khi ‘Tây Du Ký’ ra mắt độc giả, các nhân vật như Đường Tăng, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Tăng đã trở nên nổi tiếng. Tích truyện “Đại náo Thiên cung”, “Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh”, “Ba lần mượn quạt Ba Tiêu” trở nên phổ biến, độc đáo và lôi cuốn trong văn hóa Trung Quốc.
Cơ duyên Đường Tăng sang Tây Trúc thỉnh kinh
Nguồn gốc của việc Đường Tam Tạng phải kinh qua gian khổ từ Đông thổ Đại Đường sang Tây Trúc lấy kinh là bởi Phật Như Lai đã xuất ra một niệm muốn phổ độ chúng sinh tại nơi này. Như Lai xem Tứ Đại Bộ Châu phát hiện thấy: “Duy có người Nam Thiệm Bộ Châu tham dâm gây họa, hay giết hay tranh, chính là nơi đánh nhau cãi cọ, ác độc thị phi”, vì vậy Ngài đã động một niệm cần tìm một người có thiện tâm, có thể chịu được muôn vàn khổ cực, vượt trăm núi ngàn sông, đến Tây Thiên “cầu lấy chân Kinh, vĩnh viễn lưu truyền Đông Thổ, khuyến hóa chúng sinh”. Quan Âm Bồ Tát nhận lệnh tìm người đi thỉnh kinh, quả nhiên đã tìm được 5 thầy trò Đường Tăng (tính cả Bạch Long Mã), trải qua chín chín tám mươi mốt nạn, cuối cùng cũng lấy được chân kinh, tu thành chính quả.
Có thể nói, năm thầy trò Đường Tăng đều có lai lịch. Kiếp trước Đường Tăng là đồ đệ thứ 2 của Phật Tổ Như Lai, tên gọi là Kim Thiền Tử. Bởi vì ngủ gật trong lúc nghe Pháp mà phạm vào tội khinh thường Phật Pháp, bị giáng hạ xuống cõi phàm trần và chuyển sinh thành Đường Huyền Trang.
Tôn Ngộ Không là con khỉ đá ở Đông Thắng Thần Châu, sống tại Thủy Liêm Động trên núi Hoa Quả Sơn. Vì cảm thán trước cuộc sống vô thường, nó lập chí tiến về Tây Ngưu Hạ Châu bái Đạo gia Sư tổ tu thuật trường sinh bất lão, đã học được 72 phép biến hóa cùng thuật cân đẩu vân. Bởi vì tâm tranh đấu chưa diệt, nó đã đại náo thiên cung, bị Phật Tổ Như Lai giam dưới Ngũ Hành Sơn 500 năm.
Trư Bát Giới vốn là Thiên Bồng nguyên soái canh giữ Thiên Hà, vì say rượu đã đến trêu đùa bỡn cợt Hằng Nga, Ngọc Đế đã hạ lệnh đánh 2 ngàn chùy, giáng chức đẩy xuống phàm trần. Không ngờ bị nhầm đường, rơi vào bụng heo mẹ mang thai và biến hình thành người miệng rộng tai to, bộ dạng xấu xí.
Sa hòa thượng vốn là Quyển Liêm đại tướng ở điện Linh Tiêu. Chỉ vì trong hội Bàn Đào, ông lỡ tay đánh rơi chiếc chén ngọc lưu ly, Ngọc đế đã giáng chức đày xuống hạ giới, chịu trừng phạt bằng phi kiếm xuyên ngực trên sông Lưu Sa, chịu đói chịu rét, phải ăn thịt người sống qua ngày.
Còn Bạch Long mã vốn là con trai của Ngao Nhuận Tây Hải Long Vương, vì châm lửa đốt hạt Minh Châu trên điện nên đã bị phụ vương tấu lên Thiên Đình, tố cáo tội ngỗ nghịch. Ngọc Đế lệnh đem treo lên không trung, đánh 300 cái, chờ xử tử.
Quan Âm Bồ Tát đến Đông Thổ tìm người thỉnh kinh, lúc đó là năm Trinh Quán thứ 13. Hoàng đế Đường Thái Tông Lý Thế Dân đã tổ chức Đại hội thủy bộ, mời cao tăng tới thuyết pháp. Vị cao tăng được mời chính là Đường Huyền Trang, người được tín chúng ngưỡng vọng. Quan Thế Âm Bồ tát biến thành một nhà sư bị bệnh hủi, giác ngộ Huyền Trang đi đến chùa Đại Lôi Âm ở Thiên Trúc diện kiến đức Phật Tổ Như Lai cầu lấy Đại Thừa Phật Pháp. Vì vậy, Thái Tông cùng Huyền Trang đã kết nghĩa huynh đệ, cử Huyền Trang đi Tây Thiên thỉnh kinh.
Trên đường đi, Huyền Trang đã thu nhận Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới và Sa hòa thượng làm đồ đệ, hơn nữa tội phạm đợi xử tử là Tiểu Bạch Long cũng được hóa thành con bạch mã cho Đường Tăng cưỡi đi đường. Năm thầy trò Đường Tăng cùng nhau vượt qua trùng trùng điệp điệp khó khăn nguy hiểm, trải qua chín chín tám mươi mốt nạn, cuối cùng công đức cũng được viên mãn.
Những điều kỳ lạ của ‘Tây Du Ký’
Điều kỳ lạ của ‘Tây du ký’ nằm ở cảnh giới. Những khung cảnh này không giống như câu chuyện thực về Huyền Trang đi lấy kinh. Cảnh giới trong truyện ‘Tây du ký’ xuyên qua Tứ đại bộ châu, Thập phương thế giới, cho dù đó là bảo điện Lăng Tiêu của Ngọc Hoàng hay chùa Đại Lôi Âm của Phật Như Lai, dù là Tứ Hải long cung hay nơi u minh địa phủ, dù là sông Thông Thiên sóng cả cuồn cuộn, lửa cháy ngút trời ở Hỏa Diệm Sơn, dù là nước Nữ Nhi, hay nước Chu Tử, đã trở thành khung cảnh được biểu diễn trên sân khấu. Nó đặc biệt hùng vĩ, uyển chuyển hàm xúc, âm u vắng vẻ, ly kì huyền bí… đủ loại cảnh tượng, càng làm khắc sâu ấn tượng.
Điều kỳ lạ của ‘Tây du ký’ nằm ở tình tiết. Khỉ đá vốn là một tảng đá đã hấp thụ tinh khí của trời đất từ khi thiên địa mới hình thành mà sinh ra nó. Điều này cho thấy sự xuất thân của Tôn Ngộ Không rất kỳ lạ. Điều kỳ lạ hơn nữa chính là con khỉ đá này không bằng lòng với vinh hoa phú quý tại Hoa Quả Sơn, không chịu bó buộc với cuộc sống tại Thủy Liêm Động, đã phát tâm tu đạo. Ngộ Không học được 72 phép biến hóa và phép cân đẩu vân, chỉ một cú dậm chân đã đi xa vạn dặm. Không chỉ vậy, Ngộ Không còn xuống Đông Hải Long cung lấy được bảo vật Định Hải Thần Châm, chính là gậy Như Ý. Trong lò luyện đan của Thái Thượng Lão Quân, Ngộ Không đã luyện được hỏa nhãn kim tinh, tóm lại các phép thuật của Ngộ Không vô cùng ảo diệu lên Trời xuống đất, hô mưa gọi gió, quả là thần kỳ. Điều ngạc nhiên hơn nữa chính là, mặc dù Tôn Ngộ Không thần thông quảng đại như vậy nhưng vẫn không thoát được khỏi lòng bàn tay của Phật Như Lai. Tôn Ngộ Không có thật giả, Đường Tăng có thật giả, chùa Lôi Âm cũng có thật giả, điều này đúng là kỳ lạ. Kỳ lạ hơn nữa chính là Kinh Phật tại Tây Thiên Cực Lạc cũng có thật giả. Tại nước Xa Trì đấu Pháp, ở Ngũ Trang Quan ăn trộm nhân sâm, uống nước sông Tử Mẫu mang thai, tại Mộc Tiên am đàm thơ, đủ loại kỳ lạ kích thích trí tưởng tượng của con người về thiên ngoại đào viên, không kể hết được.
Cái lạ của “Tây Du Ký” nằm ở các nhân vật. Thế giới trong “Tây Du Ký” không chỉ có phàm trần mà có quá nhiều Thần, Phật, Tiên, yêu quái. Trong số đó không chỉ có Phật Như Lai, Bồ Tát, La Hán, Kim Cang, còn có Ngọc Đế Đạo gia, Vương Mẫu, Lão Quân, Thiên Vương. Không chỉ có chính thần mà còn có yêu ma quỷ quái, si mị võng lượng. Trong số 5 thầy trò Đường Tăng thì rồng trắng biến thành ngựa, càng kỳ lạ hơn chính là Sa Tăng quanh năm ở vùng sông nước, ăn thịt người để sống lại có thể chịu đựng được khổ cực, tâm tu đạo vô cùng kiên định. Trư Bát Giới hết ăn lại nằm, tâm sắc bỏ không nổi, ở rể Cao Lão trang, dĩ nhiên là kỳ lạ rồi. Càng lạ nữa là, Tôn Ngộ Không có ngộ tính rất cao, diệt trừ yêu ma, dùng thần thông lên trời xuống biển lại một lòng bảo vệ một người phàm trần là Đường Tăng đi Tây Thiên thỉnh kinh. Lạ lùng nhất là thánh sư Huyền Trang, một khi thề đi Tây Thiên sẽ không tiếc 9 lần chết, tuy nhiên trên đường đi lấy kinh, khắp nơi đều có yêu quái muốn ăn thịt Đường Tăng, nhờ sự bảo vệ của 4 vị đồ đệ cùng với sự trợ giúp của Thần Phật Bồ Tát khắp nơi, mỗi lần đều gặp dữ hóa lành, gặp hung hóa cát, cuối cùng cũng đến được chùa Lôi Âm, công đức viên mãn.
Huyền cơ diệu lý trong ‘Tây Du Ký’
Như câu nói: “Người thường xem náo nhiệt, người tu xem cửa đạo”. Độc giả bình thường đánh giá cao cốt truyện sinh động, kỳ quái của ‘Tây du ký’ cùng sự hài hước dí dỏm trong ngôn ngữ của các nhân vật. Tuy nhiên, người hiểu rõ văn hóa tu luyện thì sẽ không khó để phát hiện ra, đây là dùng chủ đề tu luyện để viết truyện, do vậy mà trong ‘Tây Du Ký’ chứa đựng đầy những huyền cơ diệu lý.
Sau khi Đường Tăng thu nhận Ngộ Không làm đồ đệ, thầy trò họ gặp phải nạn đầu tiên chính là 6 tên cường đạo. Chúng chính là Nhãn Khán Hỷ (Mắt thấy mừng), Nhĩ Thính Nộ (Tai nghe giận), Tỵ Khứu Ái (Mũi ngửi thích), Thiệt Thường Tư (Lưỡi nếm nghĩ), Thân Bổn Ưu (Thân vốn lo), Ý Kiến Dục (Ý thấy muốn). 6 tên cường đạo chính là lục căn mà Phật gia muốn mô tả về mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Đánh chết 6 tên cường đạo chính là diệt trừ hết giác quan mang đến sự quấy nhiễu cùng phiền não cho người tu luyện.
Chín chín tám mươi mốt kiếp nạn của thầy trò Đường Tăng, mỗi cái đều tương ứng với một chấp trước mà người tu luyện cần phải loại bỏ. Để vượt qua những rào cản và khó nạn này, điều quan trọng không phải là loại bỏ những con quái vật hữu hình, mà là ma chướng trong tâm người tu luyện. Vì vậy, trong tám mươi mốt khó nạn, một số nhằm vào tâm sợ hãi của Đường Tăng, một số nhằm vào tâm tranh đấu của Ngộ Không, và một số nhằm vào tâm tham, lười, sắc của Bát Giới.
Hồi thứ năm mươi, trong lúc Ngộ Không đi ra ngoài khất thực, Đường Tăng, Bát Giới, Sa Tăng đã đi đến một ngôi nhà cũ, thấy trên mặt bàn có một chiếc áo gấm ba lỗ. Lúc này ngoài trời lạnh, Bát Giới và Sa Tăng không nhịn nổi sự hấp dẫn của chiếc áo, đã muốn “thử thử một chút, ướm ướm độ dài”. Nhưng không ngờ, khoác chiếc áo vào người, chỉ thoáng sau nó đã biến thành bảo bối trói người. Trải qua khó nạn, Ngộ Không cũng không có cách nào đành phải cầu cứu Thái Thượng Lão Quân, hàng phục “Kim tê giác đại vương” – nguyên là thanh ngưu của Thái Thượng Lão Quân.
Hồi thứ năm mươi sáu, Ngộ Không đánh chết một đám sơn tặc, bị Đường Tăng trách mắng về tội giết hại mạng người và niệm kim cô chú đuổi đi. Lúc này Ngộ Không, dĩ nhiên nổi lên tâm nóng giận. Được Bồ Tát khuyên giải, Ngộ Không đã nhận lời quay về bảo vệ Đường Tăng đi lấy kinh. Tuy nhiên lại có một Ngộ Không giả đã thừa cơ đến bên cạnh Đường Tăng, dùng Kim Cô Bổng “thoáng nhìn trưởng lão rồi đánh một gậy”, khiến Đường Tăng bất tỉnh. Sa Tăng đến núi Hoa Quả Sơn tìm Tôn Ngộ Không lấy đồ đạc, gặp Ngộ Không ngồi trên tảng đá lớn, công bố muốn tự đi Tây Phương bái Phật cầu kinh. Sa Tăng liền đi Nam Hải tìm Quan Âm Bồ Tát, đến đây Sa hòa thượng mới phát hiện Ngộ Không cũng đang ở đó. Sa Tăng vui vẻ cùng Tôn Ngộ Không trở về núi Hoa Quả và gặp một “Hành giả” đang ngồi trên đài cao, uống rượu giải khuây. Hai Ngộ Không giống nhau như đúc, Ngộ Không thật giả bất phân, vừa đi vừa đánh, từ Hoa Quả Sơn đánh tới Nam Hải, từ Nam Hải đánh tới Thiên Đình, kính chiếu yêu của Tháp Tháp Thiên Vương cũng không phát hiện được ai thật ai giả. Cuối cùng vẫn là Phật tổ Như Lai mới có pháp lực khiến Ngộ Không giả hiển lộ, chính là con khỉ 6 tai (Lục Nhĩ Mỹ Hầu) của Tôn Ngộ Không thật cùng dạng cùng âm.
Từ góc độ tu luyện, không khó hiểu Lục Nhĩ Mỹ Hầu này là ai và cũng không khó lý giải. Ngộ Không bị Đường Tăng quở trách, tâm sân hận nổi lên, Lục Nhĩ Mỹ Hầu được nước hiển thân ra tâm ma của Tôn Ngộ Không. Hồi thứ 58, “Nhị tâm làm loạn càn khôn rộng, một thể khó tu tịch diệt chân” và câu “Thần về tâm xả thiên kia định, Biết rõ nguồn dòng đơn luyện thành” đã chỉ ra Ngộ Không giả là do tâm ma của Ngộ Không thật biến hóa mà đến, cho nên khi “Thần về tâm xả”, Ngộ Không giả sẽ tự nhiên tan biến trong hư không.
Ngoại trừ Ngộ Không giả, khi thầy trò Đường Tăng sắp tới được Tây Thiên lại gặp nạn tại chùa ‘Tiểu Lôi Âm’. Hồi thứ sáu mươi lăm, thầy trò Đường Tăng đến một tòa núi cao trong đó có bảo tự, xà nhà đều khắc họa rất chân thật, hào quang mây lành. Ngoại trừ Ngộ Không nhìn thấy bên trong có chút khí hung ác, còn Đường Tăng, Bát Giới, Sa Tăng vội vàng bái lạy, mấy thầy trò bị yêu quái bắt đi hết. Cuối cùng Phật Di Lặc ra tay thu phục Hoàng Mi lão quái, giúp thầy trò Đường Tăng vượt qua khó nạn này. Theo góc độ người tu luyện nhìn nhận thì, nạn xảy ra tại ‘Tiểu Lôi Âm’ cho thấy trong tu luyện, pháp môn có thật có giả, mãi cho đến thời khắc cuối cùng, cũng vẫn khảo nghiệm người tu luyện. Nếu bước nhầm vào đường ngang ngõ tắt thì tất nhiên sẽ không thể tu thành chính quả.
Trong hồi 98 của ‘Tây du ký’, hai người là A Nan và Ca Diếp đòi lễ vật từ Đường Tăng, điều này khiến người hiểu về tu luyện rất khó lý giải. Thầy trò Đường Tăng trải qua bao nhiêu khó khăn gian khổ, cuối cùng cũng đến được chùa Lôi Âm ở Tây Thiên, A Nan và Ca Diếp vâng mệnh Như Lai đưa thầy trò đến Tàng kinh các để lấy chân Kinh về. Tuy nhiên, sau khi đòi lễ vật không thành, hai vị đã đưa cho thầy trò Đường Tăng bộ kinh không có chữ. Hành giả liền đến trước mặt Như Lai tố cáo, không ngờ khẩu khí của Phật tổ cũng giống như hai vị A Nan và Ca Diếp:
“Nhà ngươi cứ bình tĩnh. Việc hai người vòi lễ các ngươi ta đã biết rồi. Có điều kinh cũng không phải trao cho một cách dễ dàng, không thể lấy không được. Trước kia các Tỳ Kheo thánh tăng xuống núi cũng đem kinh này tụng hết một lượt cho nhà trưởng giả họ Triệu ở nước Xá Vệ, giúp cho nhà ấy người sống yên ổn, kẻ chết siêu thoát, thế mà chỉ lấy có ba đấu ba bơ vàng cốm của họ mang về thôi. Ta còn bảo họ bán kinh rẻ quá, con cháu đời sau lấy tiền đâu mà tiêu”.
Hai vị tôn giả lại đưa thầy trò tới dưới lầu ngọc gác tía, nhưng vẫn vòi Đường Tăng phải có chút lễ vật. Tam Tạng chẳng có vật gì dâng, đành bảo Sa Tăng mang ra chiếc bát tộ vàng, hai tay dâng lên. A Nan nhận lấy chiếc bát, tủm tỉm cười.
Cốt truyện này luôn được người đời coi là ngòi bút trào phúng của Ngô Thừa Ân – ngay cả Tây Thiên Cực Lạc cũng tồn tại sự việc tham ô nhận hối lộ. Kỳ thực, đối với người tu luyện cần phải vứt bỏ hết thảy tâm chấp trước mới có thể tu thành viên mãn. Đối với “Tử kim bình bát” Đường Tăng vẫn còn luyến tiếc, điều này cho thấy ông vẫn còn tâm tham đồ vật tốt, hơn nữa còn lưu luyến cái tình với vua Đường, mà những thứ này đều là cái mà người tu luyện buộc phải tu bỏ. Nếu chưa vứt hết tâm này thì sẽ vẫn còn thiếu sót và không thể đạt đến công đức viên mãn được.
Mọi khó khăn gặp phải trên hành trình đi thỉnh kinh của thầy trò Đường Tăng đều do Phật tổ và Quan Âm Bồ tát sắp đặt cẩn thận. Hoàng Phong Quái vốn là một con chồn lông vàng ở Linh Sơn Tây Thiên do Linh Cát Bồ Tát quản giáo. Hoàng Bào Quái vốn là Khuê Mộc Lang – một trong 28 vị tinh tú của Thiên Đình. Sau khi trở lại Thiên Cung, Ngọc Đế gọi ông đến và nói: “Làm việc sai trái có khác nhau, có công được phục chức”. Kim Giác Đại Vương, Ngân Giác Đại Vương là hai đồng tử Kim – Ngân của Thái Thượng Lão Quân. Linh Cảm Đại Vương là con cá vàng được Quan Âm Bồ Tát nuôi ở hồ sen. Độc Giác Tỷ Đại Vương vốn là một con thanh ngưu, thú cưỡi của Thái Thượng Lão Quân. Hoàng Mi Đại Vương vốn là một tiểu đồng lông mày vàng giữ khánh cho Phật Di Lặc. Thanh Mao sư tử quái cũng giống như Hoàng Nha lão tượng quái, là vật cưỡi của Văn Thù Bồ Tát Phổ Hiền. Đại Bàng điêu là cậu của Phật Như Lai. Quan Âm Bồ Tát lợi dụng sự việc này mà dùng mối quan hệ nhân duyên giữa các sinh mệnh để giúp nhau trả nợ nghiệp, đồng thời phụ trợ cho thầy trò Đường Tăng tu tâm trừ nghiệp, tu luyện viên mãn.
‘Tây du ký’ bắt nguồn từ văn hóa tu luyện bác đại tinh thâm trong văn hóa truyền thống Trung Quốc. Từ tình tiết đến nhân vật, đối thoại thơ ca, tất cả đều mang theo ẩn ý thâm sâu, người đọc không hiểu nên đã coi nó như lẽ thường mà bỏ qua… Vừa hay, Đoàn nghệ thuật Shen Yun [Thần Vận] đã lần lượt đưa hết câu chuyện này đến câu chuyện khác của Tây Du Ký lên sân khấu lưu diễn khắp năm châu, vừa mang lại tiếng cười cho khán giả, vừa phổ biến nội hàm của văn hóa tu luyện. Hiện tại, thông qua các tiết mục trình diễn, Đoàn nghệ thuật Shen Yun đã và đang tiếp tục giúp thế nhân quay trở về với nội hàm của văn hóa truyền thống Trung Quốc và ‘Tây Du Ký’ vốn là bộ tiểu thuyết cổ điển quý báu của văn hóa truyền thống Á Đông và nhân loại, chắc chắn sẽ còn được nhiều người đón nhận hơn nữa.
Video: Điều gì làm nên "giấc mơ" Shen Yun?
Theo Epoch Times
San San biên dịch
Đăng theo ĐKN