Vào ngày 12/4, Shi Wenqing, cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân tỉnh Giang Tây (SCJPPC), đã bị bắt vì tình nghi nhận hối lộ, theo truyền thông của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đưa tin. Vậy nguyên nhân đằng sau cú ngã ngựa của Shi là gì?
Shi từng phục vụ trong Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, khu vực Nội Mông, và các tỉnh Cát Lâm và Hắc Long Giang. Ông ta được chuyển đến tỉnh Giang Tây vào năm 2007 và đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau, bao gồm Phó tỉnh trưởng tỉnh Giang Tây, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Giang Tây (JPPSC), Bí thư Thành ủy Cám Châu (GMPC), và Phó Chủ tịch SCJPPC. Ông ta nghỉ hưu vào tháng 1/2018, bị điều tra vào ngày 21/9/2020, và bị khai trừ khỏi ĐCSTQ và chuyển đến cơ quan tư pháp để xem xét vào ngày 28/3/2021.
Trong thời gian là thành viên của JPPSC và bí thư của GMPC từ tháng 10/2010 đến tháng 7/2015, Shi đã ở đỉnh cao quyền lực, cũng như đỉnh cao của lòng tham tiền và hám dục.
Tham tiền
Vào cuối năm 2019, ba doanh nhân - Zeng Yiping, Wen Hekui và Wang Yufei - đã dùng tên thật để báo cáo với Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương rằng Shi đã tống tiền họ một khoản tiền khổng lồ, bao gồm 20 triệu nhân dân tệ (3,1 triệu USD) trị giá vàng và 132 triệu nhân dân tệ (20,2 triệu USD) tiền mặt, số tiền này được chuyển vào các tài khoản được chỉ định. Bức thư có kèm theo hóa đơn hoặc biên bản chuyển nhượng. Bức thư được những người tố cáo viết bằng tay và mỗi trang đều có dấu vân tay của chính họ.
Vào tháng 3/2011, cha của Zeng đã bị cảnh sát địa phương bắt giữ khi đang kinh doanh đất hiếm ở Cám Châu. Sau đó, Shi yêu cầu Zeng gặp ông ta ở Bắc Kinh, tại đây Shi nói: “Cha cậu đã gặp rắc rối lớn rồi, phải mất 50 triệu nhân dân tệ (7,7 triệu USD) mới giải quyết ổn thỏa được”. Zeng cho biết anh mới bắt đầu công việc của mình và cần đợi cha anh ra ngoài thì mới có thể gom tiền được, nhưng cũng không thể gom được nhiều tiền như vậy. Shi im lặng một lúc và nói: "Vậy thì cha cậu được phép ra ngoài trước, nhưng cần ít nhất 20 triệu nhân dân tệ".
Bằng cách bán tài sản của gia đình và vay nợ khắp nơi, cuối cùng gia đình Zeng đã gom được 20 triệu nhân dân tệ, số tiền này được trao cho Shi dưới dạng vàng.
Cha của Zeng sau đó được thả nhưng cho hưởng án treo. Shi đã hứa trả lại toàn bộ số tài sản đất hiếm bị tịch thu nhưng cuối cùng chỉ trả lại một nửa, khiến nửa còn lại trị giá 30 triệu nhân dân tệ (3,6 triệu USD) biến mất không tăm tích.
Người tố cáo Wang Yufei thì cho biết Shi đã tống tiền anh ta 13 triệu nhân dân tệ (2 triệu USD).
Một người tố cáo khác, Wen Hekui, nói: “Tôi không lợi dụng quyền lực của ông ta để kiếm một xu, mà thay vào đó đã bị tống tiền hơn 100 triệu nhân dân tệ (15,3 triệu USD). Có ít nhất 100 người trong nhóm lợi ích của ông ta. Đối với ngần ấy đất đai ở Cám Châu trong nhiệm kỳ của ông ta, về cơ bản, vài triệu nhân dân tệ trên một mẫu phải được trả cho các thành viên trong nhóm lợi ích của ông ta, cộng thêm tiền trả cho các dự án lớn nhỏ. Shi đã tích lũy cho mình ít nhất hàng chục tỷ nhân dân tệ”.
Chỉ riêng 3 người nói trên đã bị tống tiền số tiền lên tới hơn 170 triệu nhân dân tệ (26 triệu USD). Trong gần sáu năm Shi nắm quyền ở Cám Châu, bao nhiêu người đã bị tống tiền, tổng cộng là bao nhiêu tiền? Điểm chung của tất cả các quan chức tham nhũng của ĐCSTQ là họ được thăng chức bất kể họ tham nhũng như thế nào. Shi đã tống tiền và nhận hối lộ bao nhiêu trên đường từ Cát Lâm đến Giang Tây?
Dâm dục
Shi cũng có một sự ám ảnh đặc biệt về tình dục. Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông đại lục, Shi đã nhiều lần cưỡng hiếp chính cháu gái của mình, người đã làm việc trong nhà ông ta từ năm 16 tuổi, trong thời gian ông ta ở Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ của tỉnh Hắc Long Giang. Ông ta cũng hãm hiếp một trong những cô con gái của anh trai mình. Shi có quan hệ tình ái với hai cháu gái của vợ mình, Yang Yuhua và Yang Yurong, hai người này sau đó đã trở thành tình nhân “toàn thời gian” của ông ta. Ngoài ra, Shi cũng có rất nhiều tình nhân “bán thời gian”, và là cha của một số đứa con ngoài giá thú.
Một người hiểu rõ cuộc sống của Shi ở Cám Châu, cho biết: “Ở tỉnh Giang Tây, tình nhân của ông ta ở khắp mọi nơi… Ông ta không chỉ quan tâm đến các cán bộ nữ mà còn cả vợ của các cán bộ nam. Ông ta thường nói với các quan chức cấp dưới rằng: hãy đưa vợ của anh đi ăn tối cùng chúng ta. Quả thực có những nam cán bộ rất muốn được thăng chức và đã thực sự để vợ phục vụ Shi. Đã từng có vợ của bí thư quận ủy được nhìn thấy đi cùng với Shi hàng ngày".
Một người khác nhận xét rằng nhìn chung, dù các quan chức có động cơ tình dục đến đâu, họ thường có ít nhất ba điểm mấu chốt: thứ nhất là không xúc phạm người thân của họ; thứ hai là không ra tay với vợ của bạn bè; thứ ba là không đụng tới vợ của đồng nghiệp (vì lý do an toàn chính trị). Tuy nhiên, Shi không có điểm mấu chốt nào.
Những người thân của Zhong Bingming, cựu bí thư quận Định Nam ở Cám Châu, đã nhiều lần nói trong một cuộc phỏng vấn với China Economic Weekly: “Tôi không thể diễn tả bằng lời rằng ông ta độc ác đến mức độ nào; đây là một người còn tồi tệ hơn cả một con vật”.
Độc tài
Theo China Economic Weekly, một người am hiểu tình hình chính trị của Cám Châu cho biết, khi Shi còn là bí thư thành ủy Cám Châu, ông ta giống như hoàng đế của thành phố, yêu cầu mọi người phải tuyệt đối phục tùng ông ta. “Bất cứ ai không tuân theo ông ta sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc. Tất cả các quan chức ở Cám Châu đều cảm thấy như đang bị khủng bố trắng”.
Ngay sau khi Shi nhậm chức ở Cám Châu, ông ta đã yêu cầu các phó giám đốc của năm văn phòng chính trong thành phố viết ra tên của 5 người mà cựu bí thư đảng ủy thích nhất cũng như ghét nhất. Sau đó, ông ta đã loại trừ và trấn áp tất cả những “tay chân” cũ của người tiền nhiệm.
Ngoài ra, Shi đã chỉ thị Ma Yufu, người đứng đầu Ủy ban Chính trị và Pháp luật của Cám Châu, chi hơn 30 triệu nhân dân tệ (3,6 triệu USD) cho các thiết bị nghe nhằm giám sát các quan chức chủ chốt dưới quyền của ông ta, bao gồm cả thị trưởng Cám Châu khi đó là Leng Xinsheng.
Theo các quan chức Cám Châu, sự chuyên chế của Shi đã đạt đến "mức độ thái quá", biến tỉnh Giang Tây trở thành một "vương quốc" của riêng ông ta.
Quỳ gối vì quyền lực
Trong khi Tô Vinh là Bí thư Tỉnh ủy Giang Tây từ năm 2007 đến năm 2013, Shi từng giữ chức Phó tỉnh trưởng tỉnh Giang Tây cùng các chức vụ khác.
Theo tạp chí Trung Quốc “Honesty Outlook”, Shi quyết tâm leo lên bậc thang quyền lực đến mức ông ta luôn cố gắng làm hài lòng ông chủ Tô của mình và trở thành “con gà đẻ trứng vàng” cho gia đình Tô. Dưới sự bảo vệ của Tô, Shi đã sống như một "vị vua của Giang Tây".
Ví dụ, theo jiemian.com, con trai của Tô đã có lúc tiếp cận với thống đốc quận Thượng Ngu thông qua Shi, và yêu cầu một cách rõ ràng rằng dự án hợp nhất đất đai của quận phải được giao cho Công ty hợp nhất và phát triển đất Jiangxi Hengfan. Sau khi thỏa thuận kết thúc, công ty đã “hậu tạ” con trai của Tô 12 triệu nhân dân tệ (1,8 triệu USD).
Trong một ví dụ khác, vào năm 2012, vợ của Tô muốn mua một mỏ molypden từ một chủ mỏ tư nhân ở quận An Nguyên của thành phố Cám Châu với giá thấp. Shi đã chỉ đạo Kuang Guanghua, bí thư quận An Nguyên, giúp hoàn tất thỏa thuận, nhưng cuối cùng đã đổ vỡ vì chênh lệch giá quá lớn không thể kết nối giữa hai bên.
Shi rất không hài lòng với Kuang về việc ông này không thể hoàn tất thỏa thuận. Do đó, ông ta đã buộc tội Kuang tham gia bất hợp pháp vào việc khai thác đất hiếm và nhận những khoản hối lộ khổng lồ, đồng thời bảo Kuang hãy tự đâm đầu vào tường và chết, hoặc phải bỏ trốn, nếu không sẽ bị bỏ tù suốt đời.
Quan chức cấp cao thứ 10 của 'Băng đảng Giang Tây' bị bắt
Giang Tây là tỉnh nhà của Tăng Khánh Hồng, cựu ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ và phó chủ tịch Quốc vụ viện. Tăng được coi là kẻ cầm đầu của “Băng đảng Giang Tây” của ĐCSTQ.
Tô Vinh, sếp của Shi và lúc đó là bí thư tỉnh ủy Giang Tây, được chính Tăng đề bạt. Vào ngày 23/1/2017, Tô bị kết án tù chung thân vì nhận hối lộ hơn 116 triệu nhân dân tệ (17,7 triệu USD) cùng với 80 triệu nhân dân tệ (12,2 triệu USD) tài sản không thể hạch toán. Tất cả 14 thành viên trong gia đình Tô đều liên quan đến vụ án.
Sau sự sụp đổ của Tô, ít nhất 9 quan chức cấp tỉnh thân cận với ông ta đã ngã ngựa, người thứ 10 chính là Shi Wenqing. Với tư cách là thủ lĩnh băng đảng, người mà 10 quan chức cấp cao trong “băng đảng Giang Tây” đều dựa vào, liệu Tăng Khánh Hồng có phải là quan chức tham nhũng chính?
Hãy xem ví dụ dưới đây.
Vào ngày 7/3/2008, Tăng Vĩ, con trai của Tăng Khánh Hồng, đã mua một biệt thự ở Úc với giá 250 triệu nhân dân tệ (38,2 triệu USD). Tại thời điểm giao dịch, không có khoản vay nào và nó đã được thanh toán đầy đủ một lần. Sau đó, Tăng Vĩ đệ đơn xin phép chính quyền thành phố Sydney cho tân trang lại dinh thự, chi phí cho việc đập bỏ và xây lại này lên tới 38 triệu nhân dân tệ (5,8 triệu USD). Chỉ riêng việc mua và cải tạo một dinh thự này đã tiêu tốn tổng cộng 288 triệu nhân dân tệ (44 triệu USD). Liệu Tăng Vĩ có đang lợi dụng chức vụ của cha mình để vơ vét tài sản bất hợp pháp nhằm tài trợ cho những khoản chi tiêu xa hoa của mình không?
Kể từ khi ông Tập Cận Bình bắt đầu chiến dịch chống tham nhũng chống lại các quan chức tham nhũng cấp cao của ĐCSTQ vào tháng 1/2013, hơn 500 quan chức cấp cao từ cấp phó tỉnh trở lên đã bị điều tra và trừng phạt, hầu hết trong số đó được đề bạt bởi Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo ĐCSTQ, và Tăng Khánh Hồng, người thân cận của Giang. Hoàn toàn có thể nói rằng cả hai người này chính là “ông trùm” của các phần tử tham nhũng nghiêm trọng nhất của ĐCSTQ.
Liệu ông Tập có dám trừng phạt cả Giang và Tăng bằng cách đưa họ ra trước công lý?
Tác giả: Wang Youqun đã tốt nghiệp bằng Tiến sĩ luật tại Đại học Nhân dân Trung Quốc. Ông từng là người viết các báo cáo chuyên sâu cho Úy Kiện Hành (1931–2015), thành viên Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ từ năm 1997 đến năm 2002.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.
Xem thêm:
VIDEO: Báo ứng của những kẻ đàn áp nhân quyền đang ngày càng tới gần
Thanh Hương
Theo Epoch Times tiếng An
Đăng theo NTDVN