Nhiều doanh nghiệp trên thế giới đang lao đao do phụ thuộc vào khách hàng Trung Quốc hay chuỗi cung ứng của nước này, khi người dân Trung Quốc bị hạn chế rời khỏi đất nước cũng như các hoạt động kinh doanh bị gián đoạn bởi dịch virus corona.
Những gì hiện đang xảy ra ở Trung Quốc ảnh hưởng lớn hơn đến nền kinh tế thế giới so với đại dịch SARS gây ra gần hai thập niên trước. Theo Quỹ tiền tệ quốc tế, vào năm 2003, Trung Quốc chiếm 4,3% sản lượng kinh tế thế giới, nhưng vào năm 2019, nước này chiếm 16,3%.
Ngành du lịch chịu thiệt hại lớn
Theo AP, khách sạn, hãng hàng không, sòng bạc và du lịch bằng du thuyền là những ngành chịu hậu quả nặng nề nhất trong đợt dịch bệnh, đặc biệt khi sự bùng phát lại xảy ra vào dịp Tết Nguyên đán, một trong những mùa du lịch lớn nhất ở châu Á.
Theo Reuters, đến nay, ít nhất 29 hãng hàng không dừng, hủy hoặc hoãn các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc, trong đó có các hãng của Mỹ, Pháp, Ấn Độ, Canada, Hàn Quốc, Anh, Việt Nam.
Số lượng khách du lịch Trung Quốc vốn đã bị ảnh hưởng trước khi bùng phát dịch virus corona, một phần do các cuộc biểu tình ở Hồng Kông và tranh chấp thương mại giữa Bắc Kinh và Washington. Nhưng theo các số liệu chính thức, khoảng 134 triệu người Trung Quốc đã đi du lịch nước ngoài vào năm 2019, tăng 4,5% so với năm 2018.
Trước khi bùng phát dịch bệnh, Viện Nghiên cứu Du lịch Nước ngoài Trung Quốc (China Outbound Tourism Research Institute) dự đoán sẽ có khoảng 7 triệu công dân nước này ra nước ngoài đón Tết Nguyên đán năm 2020, tăng từ 6,3 triệu người vào năm 2019.
Hồng Kông, Thái Lan, Nhật Bản và Việt Nam là những điểm đến hàng đầu của khách du lịch Trung Quốc. Họ cũng đem doanh thu lớn cho các thành phố như London, Milan, Paris và New York. Các quan chức kinh tế và ngành du lịch cho biết khi dịch bệnh bùng phát thì kinh tế của các nước láng giềng gần Trung Quốc nhất sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ và châu Âu có khả năng phải đối mặt với những thiệt hại kinh tế lớn khi dịch bệnh kéo dài.
Thái Lan, một điểm đến yêu thích cho du lịch trong dịp Tết Nguyên đán, nhưng vào năm nay, số lượng khách du lịch Trung Quốc đến nước này dường như nhỏ hơn nhiều so với Tết các năm trước. Các quan chức ước tính nước này có khả năng mất 50 tỷ baht (1,6 tỷ USD) doanh thu do dịch bệnh.
Khách từ Trung Quốc đại lục đến Ma Cao, nơi có nhiều sòng bạc đã giảm 80% vào ngày 26/1 so với một năm trước. Điều này được cho là mối đe dọa đối với kinh tế khu vực khi Ma Cao có nguồn thu chính đến từ kinh doanh sòng bạc.
Cổ phiếu của khu nghỉ dưỡng Wynn, Las Vegas Sands, khu nghỉ dưỡng quốc tế MGM hoạt động tại Ma Cao đã giảm lần lượt là 18,3%; 14,6% và 12,1% kể từ ngày 17/1.
Khi nhiều người đang kỳ vọng lượng khách Trung Quốc đến Hoa Kỳ sẽ tăng trở lại sau hai năm thương chiến Mỹ – Trung, thì dịch bệnh viêm phổi lại xảy ra. Các doanh nghiệp du lịch ở Trung Quốc được yêu cầu hủy bỏ chuyến đi theo nhóm, và chính quyền địa phương đang hạn chế việc đi lại từ Vũ Hán, cũng như theo dõi chặt chẽ các du khách khác và hỗ trợ việc sơ tán một số người nước ngoài bị mắc kẹt ở khu tâm điểm của dịch bệnh.
Tuy nhiên, các quan chức ngành du lịch cho biết còn quá sớm để kết luận liệu dịch bệnh có ảnh hưởng lớn đến kỳ vọng hay không. Điều này phụ thuộc đáng kể vào việc dịch bệnh kéo dài bao lâu và liệu chính phủ Trung Quốc có áp đặt sự hạn chế đi lại đến các thành phố lớn như Thượng Hải hay không.
“Bất cứ điều gì xảy ra trong một thời gian dài, rõ ràng sẽ có tác động đáng kể”, Chris Heywood, phát ngôn viên của NYC & Company, tổ chức du lịch chính thức của thành phố New York cho biết. “Đối với chúng tôi, Trung Quốc là một thị trường cực kỳ quan trọng”.
Ông Heywood cho biết du khách Trung Quốc là thị trường khách nước ngoài lớn thứ hai đến New York, chỉ sau Anh. Vào năm 2018, gần 3 triệu người Trung Quốc đã đến Hoa Kỳ, chi hơn 36 tỷ USD.
Theo AP, người Trung Quốc du lịch đến các nước khác đã tiếp tục tăng trong những năm gần đây. Ở Anh, lượng người Trung Quốc đến nước này đã tăng gấp 4 lần kể từ năm 2010, và lượng chi tiêu cho mỗi lần du lịch chỉ đứng thứ hai sau du khách đến từ Trung Đông, trung bình khoảng 2.200 USD trong năm 2018.
Các công ty toàn cầu đối mặt với sự gián đoạn hoạt động
Theo Jake Parker, phó chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ – Trung, không chỉ ngành du lịch, các công ty toàn cầu cũng đang đối mặt với sự gián đoạn ở mức độ khác nhau, trong đó có vấn đề về chuỗi cung ứng hay tạm thời đóng cửa một số cửa hàng bán lẻ và nhà máy, cũng như nhiều thách thức khác. Ông nói thêm, nếu kỳ nghỉ kéo dài hoặc các biện pháp hạn chế đi lại của chính phủ Trung Quốc mở rộng, tình hình sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.
Nhiều công ty lớn của Mỹ, từ ngành giải trí cho đến công nghiệp ô tô, bán lẻ đã tạm dừng hoặc thu nhỏ quy mô hoạt động tại Trung Quốc để đối phó với sự bùng phát của virus corona.
Các gã khổng lồ công nghệ cũng tạm dừng kinh doanh ở Trung Quốc. Theo Bloomberg, ngày 1/2, Apple thông báo sẽ đóng cửa toàn bộ cửa hàng, văn phòng và trung tâm liên lạc của hãng tại Trung Quốc cho tới hết ngày 9/2.
Không chỉ các doanh nghiệp Mỹ, nhiều công ty khác trên thế giới cũng có động thái tương tự.
Theo New York Times, Ikea, gã khổng lồ ngành bán lẻ của Thụy Điển với khoảng 14.000 lao động Trung Quốc, hôm 29/1 cũng cho hay họ sẽ tạm thời đóng cửa gần một nửa trong số 30 cửa hàng ở nước này.
Hãng ô tô Nissan của Nhật dự kiến đóng cửa nhà máy đến hết tuần sau, trong khi Toyota cho biết một số nhà máy sẽ nghỉ thêm một tuần.
Nhà sản xuất ôtô Pháp PSA Group hôm 27/1 cho biết họ đã thiết lập đường dây liên lạc khủng hoảng giữa Vũ Hán và trụ sở tại Paris, nhằm xác định tác động tiềm tàng tới việc sản xuất. Công ty này tuyển dụng khoảng 2.000 lao động người Vũ Hán thông qua các liên doanh.
Theo DKN.TV
Clip hay: Thảm họa cho con người có phải là ngẫu nhiên?