Hàng nghìn người phải thực hiện cách ly sau khi phát hiện ổ dịch bạch hầu tại Đắk Nông. Bộ Y tế đã vào cuộc khẩn trương điều tra dịch tễ, điều trị dự phòng.

Theo thông tin trên báo Người lao động, từ đầu tháng 6 tới nay, tại huyện Krông Nô và Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông đã có 12 người mắc bệnh bạch hầu. Trước tình hình này, chiều 28/6, đoàn công tác của Bộ Y tế sẽ đến kiểm tra tại khu vực xảy ra dịch bạch hầu và các cơ sở y tế liên quan. Ngày 29/6, đoàn công tác sẽ làm việc với UBND tỉnh Đắk Nông để tăng cường các hoạt động phòng chống dịch bạch hầu.

Ổ bạch hầu đầu tiên khởi phát tại Trung tâm Trẻ mồ côi Ngôi nhà may mắn (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) khi 3 cháu nhỏ và 1 người thân của 1 cháu mắc bệnh. Đến ngày 19/6, cháu Sùng Thị H. (9 tuổi; ngụ xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’long) bị bệnh và tử vong vào sáng 20/6. Tại xã này phát hiện thêm 4 trường hợp mắc bệnh bạch hầu là hàng xóm, bạn học của cháu H.

Đến ngày 20/6, tại xã Đắk Rmăng, huyện Đắk G’long, bệnh nhân Giàng A Ph. (13 tuổi) dương tính với bệnh bạch hầu. Ngành y tế đã khám sàng lọc và phát hiện ông Giàng A P. (40 tuổi) và cháu Thào A T. (10 tuổi) mắc bệnh.

Ngày 25/6, bác sĩ (BS) Trần Thị Thúy Minh, Trưởng Khoa Nhi tổng hợp Bệnh viện (BV) Đa khoa vùng Tây Nguyên (tỉnh Đắk Lắk), cho biết đã tiếp nhận và điều trị 6 bệnh nhân bị bạch hầu từ tỉnh Đắk Nông.

Tại tỉnh Kon Tum, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh này đã ghi nhận 5 ổ dịch và 6 trường hợp mắc bệnh bạch hầu từ đầu năm đến nay.

Tại TP.HCM, hôm qua 25/6 đã ghi nhận một ca nhiễm dịch bạch hầu đầu tiên là một nam học viên 20 tuổi. Bệnh nhân này là quân nhân, mắc bệnh trong trường. Nam thanh niên đang được điều trị tại Bệnh viện Quân y 175 và Viện Pasteur TP.HCM. Hiện tại, sức khoẻ bệnh nhân đã ổn định, tiếp tục được theo dõi.

Ngay sau khi các địa phương này phát hiện liên tiếp các ca bạch hầu, Bộ Y tế đã yêu các cầu địa phương triển khai điều tra xử lý ổ dịch. Đặc biệt là cách ly những ca bệnh nhằm chống lây nhiễm, giám sát chặt chẽ các trường hợp tiếp xúc gần, người tiếp xúc với người tiếp xúc gần, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp bệnh và nghi ngờ bệnh để cách ly, điều trị, điều trị dự phòng, khoanh vùng, xử lý ổ bệnh kịp thời, hiệu quả, không để dịch lây lan và bùng phát ra cộng đồng.

Bộ Y tế yêu cầu Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên xuống trực tiếp, hướng dẫn việc vệ sinh, xử lý môi trường phòng, chống bệnh bạch hầu theo hướng dẫn Bộ Y tế trên địa bàn tỉnh, nhất là các địa bàn có bệnh và khả năng bùng phát bệnh cao.

Theo DKN