Một cựu y tá, gần đây đã cáo buộc vụ tự thiêu ở Quảng trường Thiên An Môn năm 2001 là một vụ lừa đảo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times. Cựu y tá này là bà Vương Xuân Anh, y tá chuyên nghiệp ở Trung Quốc đại lục trong 30 năm.
Ảnh. minghui.org
Vào chiều ngày 23/1/2001, thời điểm trước đêm giao thừa ở Trung Quốc, ĐCSTQ tuyên bố rằng 5 học viên Pháp Luân Công đã “tự thiêu” ở Quảng trường Thiên An Môn. Tuy nhiên, vụ việc đã được cộng đồng quốc tế xác nhận là đầy sơ hở và là một vụ lừa đảo thế kỷ của ĐCSTQ nhằm giá họa cho Pháp Luân Công.
Mục đích là đem Pháp Luân Công và tà giáo tự sát giết người móc nối với nhau để kích động lòng thù hận trong nhân dân Trung Quốc; hủy hoại hình tượng lý trí, ôn hòa, phi bạo lực của Pháp Luân Công trên trường quốc tế; và tìm cớ để duy trì cuộc bức hại.
Cộng đồng quốc tế lên án ĐCSTQ dàn dựng "Vụ tự thiêu Thiên An Môn"
Vào ngày 14/8/2001, "Tổ chức Phát triển Giáo dục Quốc tế" đã lên án mạnh mẽ "Vụ tự thiêu Thiên An Môn" tại một cuộc họp của Liên Hợp Quốc. Tổ chức này nói rằng đây là một "hành động khủng bố của nhà nước" nhằm giá họa cho Pháp Luân Công của chính quyền Trung Quốc.
Phóng viên Ian Johnson của The Wall Street Journal, người đã đoạt giải Pulitzer năm 2001 sau khi đưa tin về vấn đề Pháp Luân Công, cho rằng các kênh truyền thông chính thức của ĐCSTQ đã đưa tin về sự việc này nhanh chóng một cách bất thường.
Toàn bộ quá trình “vụ tự thiêu” được phía chính phủ Trung Quốc ghi lại, không chỉ chất lượng rõ nét, mà từ đầu tới cuối không sót chi tiết nào. Điều này không khỏi khiến người ta nghi ngờ đây là một giả án được dày công mưu tính.
Các chuyên gia phân tích, ống kính cự ly xa được đặt trên cao, đầu ống kính lại di động, chứng tỏ nó đã được lên kế hoạch từ trước. Nếu là sự kiện bộc phát thì phóng viên và quay phim không thể tới hiện trường và thiết lập các góc quay nhanh chóng như vậy.
Một bức điện từ Reuters viết: "Bắc Kinh đang lợi dụng hình ảnh khủng khiếp của thi thể bị cháy sém làm vũ khí mới nhất trong cuộc chiến truyền thông chống lại Pháp Luân Công".
Vào ngày 8/11/2003, bộ phim tài liệu "Lửa Giả" (False Fire), do Đài truyền hình Tân Đường Nhân (NTDTV) sản xuất nhằm phơi bày "Sự thật về Vụ tự thiêu ở Thiên An Môn", đã xuất sắc vượt qua hơn 600 bộ phim đến từ các quốc gia khác và giành được giải thưởng danh dự của Liên hoan Phim và Video Quốc tế Columbus (Columbus International Film & Video Festival) lần thứ 51.
VIDEO: Lửa giả - Cận cảnh vụ tự thiêu giả tại Thiên An Môn, "giấy không gói được lửa", một vở kịch lộ quá nhiều sơ hở
Tại sao Lưu Tư Ảnh có thể nói và hát sau 4 ngày làm phẫu thuật mở khí quản?
Lưu Tư Ảnh (Liu Siying), một trong những người tự thiêu trong "Vụ tự thiêu Thiên An Môn", đã được phỏng vấn và phát sóng trên Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV). Y tá Vương Xuân Anh nói rằng, cô bé vừa mới được phẫu thuật cắt khí quản 4 ngày nhưng đã có thể nói và hát, nó “rõ ràng là làm giả”.
Bà Vương đã làm việc tại Bệnh viện Trung tâm thành phố Đại Liên trong 20 năm và tại các bệnh viện cấp huyện trong 10 năm. Tại các bệnh viện tuyến huyện, bà đã chăm sóc cho nhiều bệnh nhân được phẫu thuật mở khí quản. Bà nói, "Tôi đã chăm sóc bao nhiêu bệnh nhân mở khí quản rồi? Không thể đếm xuể".
Bà Vương Xuân Anh. (Li Sha / The Epoch Times)
Bà cho biết, bệnh nhân cần phải trải qua một quá trình hồi phục phức tạp sau khi mở khí quản như sau:
“Mở khí quản thường được thực hiện khi bệnh nhân suy hô hấp, hôn mê nặng. Sau khi mổ phải được chăm sóc khí quản, định kỳ mỗi 6 giờ phải sát trùng ống nội khí quản.
Vết thương phẫu thuật mở khí quản phải được che bằng băng gạc vô trùng. Băng gạc cũng cần khử trùng định kỳ bằng cách dùng ống tiêm nhỏ từng giọt thuốc kháng sinh vào.
Sau khi bệnh nhân mở khí quản, cần có y tá chuyên nghiệp chăm sóc, phải liên tục hút đờm trong khí quản và dịch tiết trong khoang miệng ra ngoài. Một chiếc máy hút đờm sẽ được đặt cạnh giường. Khi bệnh nhân có biểu hiện ho hoặc khoang miệng có dịch tiết thì ngay lập tức phải dùng một ống dẫn luồn vào ống nội khí quản để hút đờm và các chất tiết qua khoang miệng, đầu còn lại của ống thông được nối với dụng cụ hút đờm để hút ra, nếu không thì bệnh nhân sẽ bị ngạt thở do trào ngược nhiều đờm dãi.
Phẫu thuật mở khí quản thuộc diện chăm sóc đặc biệt. Bệnh nhân phải nằm trong khoa hồi sức tích cực (ICU), có y tá túc trực quan sát nhịp thở và các dấu hiệu sinh tồn. Có chuyện gì xảy ra sẽ xử lý kịp thời. Khi tình trạng bệnh thay đổi phải báo ngay cho bác sĩ.
Khi bệnh nhân thở êm và tình trạng cơ bản ổn định thì mới tính đến việc rút nội khí quản.
Rút nội khí quản thì không thể rút ống ngay được mà trước hết cần phải thử nghiệm. Đặt nút chai nhỏ vào ống nội khí quản và quan sát nhịp thở của bệnh nhân. Bệnh nhân có thể thở bình thường trong vòng 24 giờ thì mới rút nội khí quản. Hơn nữa phải khâu vết mổ ngoài da lại.
Còn Lưu Tư Ảnh, từ khi mở khí quản đến khi rút nội khí quản, chỉ cần 4 ngày là có thể nói và hát. Có thể xảy ra không? Ví dụ, nếu tay của bạn bị đứt, nó có thể lành lại trong 4 ngày không?".
Y tá Vương nói rằng, Lưu Tư Ảnh đã nói chuyện bình thường sau 4 ngày làm phẫu thuật mở khí quản, về mặt y học là điều không thể. Bởi bệnh nhân sau khi được phẫu thuật mở khí quản, không chỉ có quá trình hồi phục phức tạp mà khi xuất viện còn bị khàn giọng.
“Đặt nội khí quản có hại cho dây thanh quản của con người. Sau khi rút nội khí quản, giọng nói của bệnh nhân rất khó nghe và bị khàn. Phải mất một thời gian dài mới có thể phát âm bình thường trở lại”. “Các bệnh nhân mở khí quản mà tôi chăm sóc, không có trường hợp nào nói được giọng bình thường sau khi phục hồi và xuất viện”.
"Khi được phóng viên CCTV phỏng vấn, Lưu Tư Ảnh đã nói chuyện bình thường và còn có thể hát. Trong lịch sử y học, đây chính là một trò đùa lớn".
Tại sao các phóng viên CCTV vào khu vô trùng để phỏng vấn mà không mặc quần áo bảo hộ?
Lưu Tư Ảnh là một bé gái 12 tuổi đang nằm trong phòng bệnh vô trùng, diện tích bỏng lên tới 40% và toàn thân được quấn băng trắng. Tuy nhiên, khi các phóng viên CCTV phỏng vấn Lưu, họ không mặc áo bảo hộ, không đeo khẩu trang và găng tay.
Phóng viên CCTV phỏng vấn Lưu Tư Ảnh. (Ảnh từ Minghui Net)
Bà Vương Xuân Anh cho biết, do bệnh nhân bỏng rất dễ bị nhiễm trùng nên phòng bệnh của họ cần được khử trùng nghiêm ngặt và quản lý vô trùng.
Bà nói: "Tôi là y tá từng chăm sóc cho bệnh nhân bỏng. Trong phòng bệnh bỏng, yêu cầu phải mặc áo vô trùng, đeo găng tay, khẩu trang và mũ vô trùng".
“Phòng được khử trùng định kỳ”. “Cần phải chiếu tia cực tím để khử trùng. Chúng tôi khử trùng hai lần một ngày, mỗi lần trong nửa giờ”.
“Đèn tia cực tím được đẩy đến gần giường. Mắt của bệnh nhân được che bằng băng gạc, vì ánh sáng xanh của tia cực tím sẽ làm tổn thương giác mạc.
Bệnh nhân bỏng nếu bị nhiễm vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa (hay còn gọi là Trực khuẩn mủ xanh) thì tỷ lệ tử vong khá cao.
Bệnh viện nào lại có thể để những người không mặc áo cách ly, đeo khẩu trang, đội mũ nón tiếp xúc với bệnh nhân bỏng chứ? Có phòng bệnh bỏng nào lại cho người vào phỏng vấn chứ?
Việc các phóng viên CCTV mặc quần áo của họ và cầm micro để phỏng vấn là hoàn toàn trái với kiến thức y học thường thức".
Lưu Tư Ảnh nghi bị diệt khẩu
Tổ chức Quốc tế Điều tra về Bức hại Pháp Luân Công (WOIPFG) có được thông tin đáng tin cậy từ các nhân viên y tế của Bệnh viện Tích Thủy Đàm, những người đã tham gia điều trị cho các trường hợp "tự thiêu". Nguồn tin cho biết, vào ngày 17/3/2001, bé gái 12 tuổi Lưu Tư Ảnh đã hồi phục và sẽ được xuất viện vào sáng hôm đó. Trưởng Phòng Quản lý Hành chính Y tế thành phố Bắc Kinh và người phụ trách của bệnh viện đã đến thăm phòng bệnh của Lưu Tư Ảnh và nói rất nhiều điều với Lưu, "lúc đó Lưu Tư Ảnh còn rất vui vẻ".
Sau đó, từ 11 đến 12 giờ trưa hôm đó, bác sĩ bất ngờ phát hiện Lưu Tư Ảnh rơi vào trạng thái nguy kịch và tử vong ngay sau đó.
Một ngày trước khi tử vong, xét nghiệm các chỉ số CK, AST, LDH, CK-MB của cơ tim và các xét nghiệm khác của Lưu Tư Ảnh vẫn bình thường.
Cuộc điều tra cũng phát hiện rằng, khám nghiệm tử thi của Lưu Tư Ảnh được thực hiện tại bệnh viện Tích Thủy Đàm, nhưng báo cáo khám nghiệm tử thi lại do trung tâm cấp cứu công bố. Hơn nữa, báo cáo này không được đưa ra trong cuộc thảo luận về bệnh án, mà chỉ nói đại khái là vấn đề về cơ tim.
WOIPFG nghi ngờ Lưu Tư Ảnh đã bị sát hại.
Xem thêm
Phim điện ảnh - 50 phút vĩnh hằng (Sống lại sự thật về sự kiện tự thiêu chấn động ở Thiên An Môn)
Đông Phương
Nguồn Epoch Times tiếng Trung
Đăng theo NTDVN