Hoa Kỳ trong tuần qua đã thực hiện một loạt hành động với mật độ dày đặc nhằm đẩy lùi tham vọng của Bắc Kinh, đầu tiên là việc thẳng thừng bác bỏ yêu sách phi lý của chính quyền Trung Quốc đối với Biển Đông, tiếp theo là các hành động làm suy yếu lực lượng đang nắm quyền ở Trung Quốc.
Các ‘cú ra đòn’ liên tiếp của Washington về phía Bắc Kinh diễn ra trong bối cảnh chính quyền Trung Quốc không cho thấy sự hướng thiện, họ nhất quyết cho thông qua bằng được luật an ninh Hồng Kông bất chấp các nước tự do khuyên can, cũng như tiếp tục thúc đẩy các hoạt động bắt nạt ở Biển Đông, eo biển Đài Loan và gây hấn với nước láng giềng Ấn Độ. Không để Bắc Kinh hoành hành ngang ngược, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã quyết định ra tay.
‘Liên hoàn cước’ về phía Bắc Kinh
Vào thứ Hai (13/7, giờ Mỹ), Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã ra thông cáo phủ nhận hầu hết yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông, trong đó chỉ rõ: đường ‘lưỡi bò’ mà Trung Quốc tự ý vẽ ra để đòi quyền sở hữu tời gần 90% diện tích Biển Đông là phi pháp và ngang ngược.
Thông cáo cho thấy chính phủ Mỹ sẽ luôn đứng bên lẽ phải, bảo vệ luật pháp quốc tế, và ủng hộ những nước đang bị Trung Quốc bắt nạt. “Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là đế chế hàng hải của mình. Hoa Kỳ ủng hộ các đồng minh và đối tác Đông Nam Á bảo vệ quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên ở ngoài khơi, phù hợp với các quyền và nghĩa vụ của họ theo luật pháp quốc tế”, thông cáo viết.
Cũng trong thứ Ba, ông David Stilwell, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, nói rằng Hoa Kỳ có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc có hành vi thúc đẩy Bắc Kinh đòi chủ quyền ở Biển Đông.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Mike Pompeo, hôm thứ Tư, ông Pompeo cho biết chính quyền Trump sẽ hỗ trợ các quốc gia bị Trung Quốc xâm phạm chủ quyền. Bên cạnh đó, ông nói với tờ The Hill rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ phải “trả giá” vì làm bùng phát đại dịch Covid.
Cùng ngày, Mỹ đã điều tàu khu trục USS Ralph Johnson di chuyển gần quần đảo Trường Sa để khẳng định quyền tự do hàng hải. Hành động này chứng tỏ những tuyên bố của họ một ngày trước không chỉ là những lời nói suông. Không dừng lại ở đó, CPF, hôm thứ Năm đưa tin, bộ đôi tàu sân bay USS Ronald Nimitz và USS Reagan, với 12.000 binh sĩ, của Hoa Kỳ vẫn tiếp tục chương trình diễn tập quân sự ở Biển Đông cho tới thứ Sáu.
Ngoài Biển Đông, Mỹ còn bắt Trung Quốc phải trả giá đối với những hành vi sai trái khác mà lực lượng này gây ra. Hôm thứ Ba, Tổng thống Trump thông báo, ông đã ký ban hành đạo luật trừng phạt Trung Quốc vì Bắc Kinh phá vỡ cam kết để can thiệp vào Hồng Kông.
Hôm thứ Tư, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, John Ullyot, cho biết, ông Trump không loại trừ khả năng áp thêm các lệnh trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc liên quan tới việc hạn chế quyền tự do của người dân Hồng Kông.
Cũng vào thứ Tư, New York Times đưa tin, chính quyền Trump đang xem xét cấm các đảng viên ĐCSTQ và người thân của họ nhập cảnh Hoa Kỳ. Nếu điều này được thực hiện thì có khoảng 270 người Trung Quốc, gồm 93 triệu đảng viên phải từ bỏ ý định tới Mỹ. Trước đó một ngày, Mỹ đã ra quyết định hạn chế thị thực những người làm việc cho Huawei vi phạm nhân quyền.
Hôm thứ Hai, một máy bay do thám Mỹ đã tiến gần địa phận tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Theo SCMP, tính tới thứ Sáu, chiếc máy bay do thám này đã xuất hiện 3 lần ở gần bờ biển phía nam Trung Quốc. Hoạt động của máy bay Mỹ trùng thời điểm Đài Loan tổ chức cuộc tập trận Hán Quang.
Hoa Kỳ cũng đã thực hiện việc đánh giá rủi ro an ninh mà hai ứng dụng mạng xã hội Trung Quốc là TikTok và WeChat có thể gây ra, đồng thời không loại trừ việc cấm hai ứng dụng này xuất hiện tại thị trường Mỹ.
Đồng minh hiệp sức
Ngày càng nhận rõ hơn bản chất của chính quyền Trung Quốc, các đồng minh của Mỹ trong tuần qua đã có nhiều bước đi cho thấy họ đang ủng hộ chính quyền Trump trong sứ mệnh đẩy lùi tham vọng và các hành vi sai trái của Bắc Kinh.
Bộ Quốc phòng Philippines hôm thứ Ba đã bày tỏ sự nhất trí với Mỹ sau khi Washington ra tuyên bố bác bỏ yêu sách của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Chính phủ Nhật Bản hôm thứ Ba đã công bố sách trắng quốc phòng trong đó lên án Bắc Kinh lợi dụng dịch viêm phổi Vũ Hán để gia tăng các yêu sách lãnh thổ. Trước đó, hôm 7/7, bộ trưởng quốc phòng Nhật và Úc cùng với người đồng cấp Hoa Kỳ đã ra tuyên bố chung phản đối các hành vi “nguy hiểm và cường quyền” của Trung Quốc tại Biển Đông.
Cũng trong ngày thứ Ba, chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson quyết định loại Huawei, công ty công nghệ Trung Quốc bị cáo buộc làm tay sai cho Bắc Kinh, khỏi dự án xây dựng mạng 5G của Vương quốc Anh.
Epoch Times đưa tin hôm thứ Ba, 62 nghị sĩ Canada đã cùng ký tên vào một lá thư đề nghị chính phủ của nước này áp dụng luật Magnitsky để trừng phạt các quan chức Trung Quốc và Hồng Kông vi phạm nhân quyền. Trước đó, vào ngày 23/6, hơn một chục thượng nghị sĩ cũng đã gửi một bức thư tương tự tới Thủ tướng Trudeau yêu cầu chính phủ Canada trừng phạt các quan chức Trung Quốc có “các hành vi vi phạm nhân quyền thô bạo và các quyền tự do cơ bản” của con người.
Phản ứng kiểu ‘sói chiến’
Ngay sau khi Hoa Kỳ ra thông cáo bác bỏ yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông, ông Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập của Hoàn cầu Thời báo, một trong những cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, đã có cách phản ứng rất đặc trưng, thường thấy ở các quan chức Trung Quốc.
Ông Hồ đưa lên Twitter một thông điệp có câu hỏi rằng liệu Mỹ có bị “tâm thần” hay không mà lại đi bác tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc sau khi tòa án La Hay đã đưa ra phán quyết Biển Đông từ 4 năm trước.
Ông Hồ đưa ra câu hỏi này để làm bệ đỡ cho phần tấn công Hoa Kỳ ở nội dung phía sau. Nhưng với câu hỏi người khác có bị “tâm thần” không đã cho thấy phong cách “sói chiến” của ông.
Phong cách “sói chiến” cũng dễ nhận ra ở các phát biểu của bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Hôm thứ Sáu, bà Hoa đã không hề “ngượng mồm” khi nói rằng quan chức Hoa Kỳ vì tham “lợi ích chính trị và cá nhân” tới mức “mất lý trí và phát điên” nên đã đưa ra những quyết định bất lợi cho Trung Quốc. Bà Hoa cũng hạ thấp Hoa Kỳ khi ví chính phủ Mỹ là chim sẻ, còn chính quyền Trung Quốc là thiên nga, và chim sẻ sẽ “không bao giờ hiểu được tham vọng của thiên nga”.
Ngoài việc sử dụng các từ khiếm nhã để “sỉ vả” đối phương, quan chức Trung Quốc còn thường đặt ra những câu hỏi có ý kích bác hoặc dùng những lời đe dọa để hòng lấn át đối thủ. Phản ứng trước việc chính phủ Anh cấm Huawei, vẫn là bà Hoa, hôm thứ Tư đặt ra câu hỏi rằng “Vương quốc Anh muốn duy trì vị thế độc lập của mình hay muốn trở thành chư hầu của Hoa Kỳ, là tay sai của Hoa Kỳ?”, và hăm dọa rằng “Sự an toàn của các dự án đầu từ Trung Quốc vào Vương quốc Anh đang bị đe dọa rất lớn”.
Đã đến miệng hố?
Văn hóa truyền thống của Trung Hoa luôn dạy con người trọng đức, ngôn hành lịch thiệp và thận trọng. Rõ ràng, cách nói của quan chức Trung Quốc như ông Hồ hay bà Hoa không phản ánh việc họ được tiếp thụ nền văn hóa Thần truyền đó. Đây là điều khẳng định, vì họ là những đảng viên ĐCSTQ, lực lượng đã phát động cuộc “Cách mạng văn hóa” phá hủy gần như hoàn toàn di sản văn hóa mà lịch sử Trung Quốc tích lũy suốt 5 nghìn năm.
Mặc khác, phong cách “sói chiến” của quan chức Trung Quốc dường như còn phản ảnh một điều rằng họ đang sợ hãi và yếu thế trước Hoa Kỳ, và việc “phùng mang, trợn mắt” là một hình thức để che giấu sự thật đó.
Nhận định này có vẻ có lý khi Trung Quốc đang rơi vào tình huống khó khăn hơn bao giờ hết. Thật vậy, khi còn chưa gượng dậy sau các đòn thuế nặng nề của chính quyền Trump trong cuộc thương chiến Mỹ-Trung kéo dài hơn một năm, thì Bắc Kinh lại phải đương đầu với đại dịch Covid khiến nhiều nước xa lánh vì cho rằng lực lượng này là tác nhân chính làm lây lan virus Vũ Hán ra khắp thế giới. Khó khăn càng thêm chồng chất khi Trung Quốc hiện đang phải đương đầu với suy thoái kinh tế trầm trọng và thiên tai nặng nề.
Có nhiều báo cáo cho rằng Bắc Kinh thực hiện các động thái gây hấn ở Biển Đông, biên giới Ấn Độ hay eo biển Đài Loan, không chỉ vì bản năng của một thế lực cường bạo, mà còn vì để phân tán sự bất mãn của người dân trong nước. Điều đó chứng tỏ họ đã biết sợ dân và đồng nghĩa với sức mạnh nội tại của Bắc Kinh đã suy giảm đáng kể.
Trong tuần qua Tổng thống Trump tuyên bố rằng ông không còn quan tâm tới đàm phán thỏa thuận thương mại giai đoạn 2 với Trung Quốc. Các đòn tấn công liên tiếp vào Bắc Kinh của chính quyền Trump dễ khiến người ta có cảm giác rằng Hoa Kỳ sẽ còn chưa dừng lại chỉ ở đích ngăn chặn sự hung hăng của chính quyền Trung Quốc.
Vào tháng Sáu, mạng xã hội Trung Quốc chia sẻ hình ảnh ông Tập Cận Bình đứng trước một cái hố lớn trong chuyến công tác ở tỉnh Ninh Hạ. Một cư dân mạng Trung Quốc đặt câu hỏi dưới tấm hình: “là nơi chôn cất ĐCSTQ chăng?”.
Trước áp lực mạnh mẽ, liên tục, trên nhiều mặt trận của chính quyền Trump, lại ở vào tình thế khó khăn hơn bao giờ hết, cùng với món nợ đã quá lớn với người dân Trung Quốc, tích tồn trong suốt nhiều chục năm ĐCSTQ cầm quyền, thì có thể thấy rằng câu hỏi của cư dân mạng đặt ra ở trên không phải là ngẫu nhiên. Liệu đây có phải là điềm báo cho sự suy tàn tất yếu của một thể chế nghịch thiên phản địa?
Theo ĐKN