Mưa lớn ở miền Nam Trung Quốc, lũ lụt tràn lan ở lưu vực sông Trường Giang, mối lo vỡ đập Tam Hiệp đang trở thành chủ đề bàn tán khắp nơi. Ông Vương Duy Lạc – chuyên gia về đập Tam Hiệp nói rằng, nguy cơ vỡ đập Tam Hiệp vẫn luôn tồn tại và 500 triệu người sẽ không có nơi để trốn thoát, giải pháp duy nhất là phá bỏ con đập.
Tính từ đầu tháng 6, miền Nam Trung Quốc liên tục hứng chịu những trận mưa lớn, gây ra tai họa lớn cho 8,52 triệu dân tại 24 tỉnh Trung Quốc. Mấy ngày trước, Bộ Thủy lợi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tổ chức một cuộc họp báo và đưa ra lời cảnh báo, năm nay Trung Quốc có nguy cơ phải đối mặt với “ba rủi ro lớn” là lũ lụt vượt mức, rủi ro đập chứa nước và lũ quét.
Theo Bộ Thủy lợi, tính đến ngày 11/06, 148 con sông đã có mực nước vượt quá mức cảnh báo, một số con sông xuất hiện lũ lụt vượt mức kỷ lục trong lịch sử. Thông báo nói rằng: “Tình hình phòng chống lũ đang rất cam go”. Các công trình phòng chống lũ mà có khả năng chống cự với những trận lũ lụt lớn nhất kể từ năm 1949, cũng khó có thể đối phó với những trận lũ lụt vượt mức, khả năng đây có thể trở thành một sự kiện “thiên nga đen”.
Thông báo trên có thể được hiểu là năm nay có thể sẽ xuất hiện trận lũ lụt với quy mô lớn nhất kể từ khi ĐCSTQ thành lập đến nay.
Nhà kinh tế học với tài khoản Twitter @caijinglengyan đã đăng lên một video và nói rằng, Vũ Hán cũng đang mưa lớn ở mức báo động đỏ. Vào trung tuần tháng 6, mưa dai dẳng ở trung và hạ lưu sông Trường Giang, mưa lớn ở Vũ Hán đã đạt tới đỉnh điểm. Việc đập Tam Hiệp xả lũ và lũ lụt ở hạ lưu sẽ gây ra lũ lụt trên toàn lưu vực, đập Tam Hiệp đang phải đối mặt với nguy cơ rất lớn.
Vào sáng sớm ngày 17/6, trạm phát điện ở huyện Đan Ba, Cam Tư, tỉnh Tứ Xuyên ở thượng nguồn đập Tam Hiệp bị vỡ, dẫn đến sạt lở đất nghiêm trọng. Qua video có thể thấy, trận lũ lớn đã đổ từ thượng nguồn xuống, những nơi nó đi qua, một vài ngôi làng đã bị cuốn trôi, đất đá sạt lở từ đỉnh núi đã trực tiếp nhấn chìm và chôn vùi nhiều ngôi làng.
@caijinglengyan cũng nói trên Twitter rằng, vùng thượng lưu Tam Hiệp thuộc vùng Tứ Xuyên – Trùng Khánh đang bị ngập lụt, các hồ chứa nhỏ bị vỡ và đập Tam Hiệp đang gặp nguy hiểm!
Ông Hoàng Tiểu Khôn, giảng viên hướng dẫn luận án tiến sĩ của Học viện nghiên cứu khoa học kiến trúc Trung Quốc, cũng đưa ra một cảnh báo với bạn bè trên WeChat rằng: “Phía dưới Nghi Xương hãy mau chạy đi, nói một lần cuối cùng!”
Tiến sĩ Vương Duy Lạc, chuyên gia nổi tiếng về vấn đề đập Tam Hiệp, hiện sinh sống ở Đức nói rằng, đập Tam Hiệp luôn tiềm tại mối nguy hiểm lớn và có thể vỡ bất cứ lúc nào. Người dân sống ở khu vực dưới của Nghi Xương cho đến thành phố Thượng Hải đều phải chạy đi, nhưng biết chạy đi đâu? Hiện tại, dù họ có visa và hộ chiếu nước ngoài cũng không thể xuất ngoại. Giờ có thể chạy đi đâu để lánh nạn?
Ông Vương Duy Lạc cho biết: “Ít nhất 40% trong số 100 nghìn hồ chứa ở Trung Quốc không đảm bảo an toàn. Việc xả lũ và vỡ hồ chứa sẽ gây ra hệ lụy vỡ đập Tam Hiệp. Nhìn xem, giờ có thể đến đâu lánh nạn đây? Cùng đường rồi!”.
Các quan chức của Bộ Thủy lợi ĐCSTQ trong một cuộc họp báo vào ngày 11/6 đã thừa nhận rằng, trong số 98.000 hồ chứa của Trung Quốc, một số hồ chứa đang trong tình trạng báo động với mức độ khác nhau. Tình hình kiểm soát lũ năm nay rất cam go, toàn dân phải chuẩn bị thật tốt cho một trận lũ lụt lớn.
Ông Vương Duy Lạc cho rằng, người dân Trung Quốc vốn dĩ đã không hề có an toàn, chính phủ cũng sẽ không quan tâm đến sự an toàn của người dân. Mà ngay cả “đội quân 50 xu” (dư luận viên) đang sống dưới Nghi Xương, liệu họ có thể thoát nạn?
Ông Vương Duy Lạc nói: “Năm đó, ai đã ủng hộ nghị quyết của Đảng để xây dựng đập Tam Hiệp và giờ thì sẽ phải nhận hậu quả tương ứng, phải đương đầu với điều khủng khiếp này. Chỉ còn cách phá bỏ đập Tam Hiệp mới đảm bảo được an toàn. Nếu không thì chẳng còn cách nào khác. Các người nói Đảng sẽ có biện pháp ư? Nhưng giờ Đảng cũng hết cách rồi. Chạy đâu mới thoát nạn này đây? Hết đường thoát rồi!”
Ông cũng đề cập rằng, vào sáng sớm ngày 17, sạt lở đất đã chặn đứng dòng chảy của sông Tiểu Kim Xuyên tạo thành một đập nước ở Mai Long Câu, thị trấn Bán Phiến môn, huyện Đan Ba, Cam Tư, Tứ Xuyên, thượng nguồn của đập Tam Hiệp.
Ông Vương cho biết, các tảng đá lớn và đất đá sạt lở từ trên núi đổ xuống, tạo thành một đập chứa nước tạm thời ngăn chặn dòng chảy của trận lũ lụt. Khi nước trong đập dâng cao, sẽ bắt đầu xuất hiện hiện tượng rò rỉ, rò rỉ một khi lớn lên thì hồ chứa nước tạm thời sẽ bị phá vỡ, tạo thành một trận lũ quét kinh hoàng.
Ông cho hay, sức tàn phá của lũ lụt do vỡ đập mạnh gấp hàng chục lần lũ lụt tự nhiên. Nó tiến về phía trước như một cơn sóng thần. Vì vậy bất cứ nơi nào nó đi qua, nhà cửa hai bên ngay lập tức bị cuốn trôi và chìm trong biển nước. Ngoài ra, cây cầu đang xây trị giá hơn 140 triệu Nhân dân tệ ở Tứ Xuyên cũng không thoát khỏi số phận bị cuốn trôi. Đó là do bộ phận xây dựng cầu đã không tính toán hợp lý các biện pháp để phòng chống lũ lụt.
Ông cũng nói rằng, những ngôi nhà bị lũ cuốn trôi đều được dựng trên bãi sông, đó là địa phận của nước. Đó là nơi con người và nước tranh giành đất với nhau. Nước rất hiền hòa, nhưng cũng ẩn chứa sức mạnh khủng khiếp. Nếu bạn “đùa” với nước, nó có thể cướp đi sinh mệnh của bạn. Trong 70 năm, kể từ khi ĐCSTQ lên nắm quyền, Đảng đã có thể kiểm soát mọi thứ rất nghiêm ngặt, nhưng lại không thể kiểm soát được nước. Cách trị thủy của Đảng chỉ là một đống đổ nát. Điều này chính là do chính sách của Đảng gây nên.
Ông Vương tiết lộ, thượng nguồn của đập Tam Hiệp nguy hiểm hơn ở hạ lưu. Chính quyền ĐCSTQ tuyên bố rằng đã hoàn thành công tác tái định cư ở thượng nguồn, nhưng khu dân cư mà Đảng xây cho dân phải được xây lại, vì tất cả chúng đều không đảm bảo an toàn. Trong trường hợp lũ lụt xảy ra, cả khu vực đó hoàn toàn sẽ bị nước lũ nuốt chửng.
Ông cũng liệt kê các khu di cư mới được xây dựng trên khu vực sạt lở của đập Tam Hiệp, như ở huyện Vu Sơn, huyện Tỷ Quy, huyện Ba Đông, huyện Phượng Tiết, huyện Khai Châu v.v. và các khu vực dân cư khác. Các khu đều được xây ở vị trí có mực nước thấp hơn mực nước của đập Tam Hiệp. Khi lũ lụt xảy ra, người dân sống bên dưới sẽ rơi vào hoàn cảnh cực kỳ nguy hiểm.
Ông Vương nhấn mạnh: “Đây không phải chuyện giật gân! Chúng ta phải tìm biện pháp giải quyết con đập, chứ không phải tìm cách tháo chạy. Mọi người lánh nạn, nhưng có thể chạy đi đâu đây? Hơn bốn năm trăm triệu người đang sống ở trung và hạ lưu sông Trường Giang cùng đi lánh nạn, thì căn bản là không có chỗ chứa. Đi lánh nạn không bằng phá bỏ toàn bộ con đập, mỗi người cùng góp công góp sức phá bỏ nó, thì sẽ không còn con đập nữa, cũng không còn những lo sợ và nguy hiểm rình rập nữa”.
Hồi đầu khi khởi công dự án đập Tam Hiệp, trong một bài báo, ông Tiền Vĩ Trường – giáo sư vật lý học của Trung Quốc đã sớm cảnh báo, nguy cơ vỡ đập Tam Hiệp sẽ khiến sáu tỉnh và thành phố ở hạ lưu sông Trường Giang chìm trong biển nước và hàng trăm triệu người sẽ rơi vào tuyệt vọng. Ông cho rằng, đập Tam Hiệp cũng sẽ là mục tiêu uy hiếp của kẻ thù bên ngoài. Đối mặt với công nghệ tên lửa hiện nay, đập Tam Hiệp hoàn toàn không có khả năng phòng ngự.
Khi bắt đầu xây dựng đập Tam Hiệp, ông Hoàng Vạn Lý – chuyên gia công trình thủy lợi Trung Quốc, giáo sư ngành thủy lợi học của Đại học Thanh Hoa đã nói rằng, Dự án đập Tam Hiệp sẽ gây ra nhiều mối nguy hiểm về địa chất, môi trường, sinh thái, quân sự v.v.
Ông cũng dự báo rằng, đập Tam Hiệp sau khi được xây dựng sẽ làm đá cuội ứ tắc ở Trùng Khánh và Tứ Xuyên gây ra lũ lụt, chi phí khổng lồ cho việc tái định cư sẽ gây ra thảm họa. Ông cũng dự đoán rằng đập Tam Hiệp cuối cùng sẽ bị cho nổ tung.
Minh Huy (Theo NTDTV)
Đăng theo Tinh Hoa