Chính phủ Triều Tiên luôn tuyên bố rằng cho đến nay họ vẫn “không có ca nhiễm” nào trong nước, điều này khiến thế giới bên ngoài đều cảm thấy hoài nghi, bởi liên tục có những trường hợp tử vong sau khi ra khỏi khu cách ly.
Vào ngày 13/7, theo nguồn tin từ DailyNK có trụ sở tại Hàn Quốc, sau khi được điều trị tại cơ sở kiểm dịch COVID-19 ở tỉnh Nam Pyongan (Triều Tiên), khoảng 10% số người được thả ra khỏi khu cách ly đã chết.
Nguồn tin chỉ ra rằng đây là thông tin có được thông qua một cuộc điều tra bí mật. Do sự khác biệt về số lượng người trong diện cách ly ở các vùng khác nhau, nên sẽ có một khoảng cách lớn về tỷ lệ tử vong của những người đã được thả ra khỏi các khu cách ly.
Hiện tại, chính phủ Triều Tiên đã thiết lập các cơ sở cách ly cấp quốc gia để tiếp nhận những người bị nghi ngờ mắc bệnh COVID-19 ở những nơi như Pyongan Nam, Pyongan Bắc, Hamgyong Bắc, Hamgyong Nam, Ryanggang, Chagang, Gangwon và Hwanghae.
Theo quy định của Triều Tiên, “thủ đô cách mạng” Bình Nhưỡng là không cho phép thiết lập các cơ sở cách ly, do đó, Nampho, nơi tiếp giáp với Bình Nhưỡng và có khá nhiều hoạt động giao lưu với Trung Quốc, cũng đã thiết lập các cơ sở cách ly đặc biệt trong thành phố.
Có thông tin cho rằng, các cơ sở cách ly như vậy ở Triều Tiên được gọi là “cơ sở cách ly quốc gia dành cho các nghi phạm”. Mặc dù không thể biết chính xác số lượng người được cách ly, nhưng ít nhất hơn 50 người, thậm chí có thể lên tới hơn 1.000 người đã được cách ly.
Nhà chức trách Triều Tiên quy định, nếu thân nhiệt của một người từ 37,5 độ C trở lên thì phải cách ly tại nhà trong 15 ngày, nếu không hết sốt sẽ chuyển đến cơ sở kiểm dịch quốc gia để cách ly. Tuy nhiên, một số người đã tiến hành hối lộ để không phải vào cơ sở cách ly, vì vậy ước tính số bệnh nhân nghi nhiễm COVID-19 sẽ lớn hơn rất nhiều.
Vào ngày 13/7, theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, chính phủ Triều Tiên đã tiến hành kiểm tra COVID-19 trên 32.512 người kể từ ngày 1/7 và kết quả tất cả các xét nghiệm đều âm tính.
Tuy nhiên, theo nguồn tin từ một nhân sĩ ẩn danh, Chính phủ Triều Tiên quy định nếu có người tử vong trong quá trình cách ly, Cơ quan An ninh sẽ nhanh chóng cử người tiến hành các biện pháp phòng chống dịch triệt để và hỏa táng thi thể, thậm chí người nhà cũng không được tiếp cận hài cốt.
Thân nhân và hàng xóm của người chết tin rằng nguyên nhân gây ra cái chết có thể do COVID-19, nhưng chính quyền yêu cầu họ phải giữ mồm giữ miệng, không ai được nói lung tung.
Vị nhân sĩ tiết lộ, một khi người nghi nhiễm bệnh bước vào cơ sở cách ly, 50% số người sẽ chết bên trong và chỉ 50% được về nhà, nhưng tình trạng bệnh cũng không cải thiện nhiều sau khi rời khỏi khu cách ly. Bởi chỉ cần các triệu chứng thuyên giảm hoặc hối lộ thì người bệnh có thể ra ngoài, do đó vẫn phát sinh tình huống có người được thả ra khỏi khu cách ly liền tử vong.
Tim Peters, người đứng đầu tổ chức “Helping Hands Korea” của Seoul, tiết lộ với tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) rằng, Triều Tiên đã đưa bệnh nhân nhiễm COVID-19 vào các trại tị nạn gần biên giới Trung Quốc, nhưng chỉ cung cấp một lượng nhỏ thực phẩm và thuốc men.
Số phận của những bệnh nhân này điều đó phụ thuộc vào việc người nhà của họ có gửi thuốc đến trại tị nạn hay không. Peters nói rằng, tin tức mà ông nhận được cho thấy nhiều người chết không phải vì COVID-19, mà là vì chết đói.
Ngày 9/6/2020, các chuyên gia của Tổ chức Nhân quyền Liên hợp quốc đã cảnh báo rằng tình trạng thiếu lương thực và các vấn đề suy dinh dưỡng ở Triều Tiên đang diễn ra vô cùng nghiêm trọng. Để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 vào đầu năm 2020, Triều Tiên đã cho đóng cửa biên giới với Trung Quốc, điều này càng khiến vấn đề ngày càng trở nên tồi tệ, không ít người Triều Tiên đang bỏ mạng vì cái đói.
Triều Tiên cho đến nay vẫn khẳng định chưa có trường hợp nào nhiễm COVID-19 trong nước, nhưng các chuyên gia bên ngoài đã đặt ra những nghi vấn lớn về điều này. Bởi vì ngoại giới tin rằng, nếu một trận dịch quy mô lớn bùng phát ở Triều Tiên, nó có thể mang lại hậu quả khủng khiếp, bởi hệ thống y tế của Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng yếu kém, thậm chí thiếu nguồn cung cấp y tế trong thời gian dài.
Căn cứ theo Chỉ số An ninh Y tế Toàn cầu (Global Health Security Index) năm 2019 do Đại học Johns Hopkins (Hoa Kỳ) công bố, Triều Tiên xếp chót trong danh sách 195 quốc gia về khả năng ứng phó nhanh chóng và làm chậm sự lây lan của dịch bệnh; về vấn đề vệ sinh an toàn và năng lượng, Triều Tiên cũng nằm gần cuối bảng, xếp hạng thứ 193.
VIDEO - BÍ MẬT BÊN TRONG TRIỀU TIÊN
Theo Tinh Hoa