Sau khi làn sóng thứ hai của lực lượng châu chấu sa mạc hoành hành trên nhiều quốc gia châu Phi, chúng đã tiến về phía đông và nhanh chóng lan sang Trung Đông và Nam Á.
Hiện tại, làn sóng châu chấu lớn đã tiếp cận thủ đô của Ấn Độ, New Delhi và Nepal, một phần Tây Tạng cũng bị châu chấu xâm lấn. Ấn Độ và Nepal có chung biên giới với Trung Quốc, vì vậy liệu đàn châu chấu này có tiếp tục đi về phía đông và “xâm nhập”Trung Quốc hay không đang là câu hỏi khiến nhiều người chú ý, khi Trung Quốc đang phải đối mặt với bùng phát dịch bệnh và ngập lụt tràn lan.
Đàn châu chấu có chiều dài 7km xâp nhập Ấn Độ
Khán Trung Quốc (Secretchina) tổng hợp tin tức cho thấy Ấn Độ đang trải qua thảm họa châu chấu tồi tệ nhất trong gần 30 năm qua. Bầy châu chấu này có chiều dài tới 7 km từ Pakistan tiến vào Rajasthan ở phía tây Ấn Độ từ đầu tháng 5, sau đó lan sang ít nhất 5 bang ở Ấn Độ để kiếm ăn.
Đàn châu chấu khổng lồ đã xuất hiện trên bầu trời Gurgaon, cách thủ đô New Delhi của Ấn Độ 30 km vào ngày 27/6, theo BBC. Đây là lần đầu tiên khu vực bị châu chấu xâm chiếm. Chính quyền Gurgaon yêu cầu mọi người đóng cửa ra vào và cửa sổ nhà, đồng thời kêu gọi mọi người xua đuổi châu chấu bằng cách đốt pháo, gõ trống hoặc chơi nhạc có âm lượng lớn để tạo ra âm thanh có decibel cao.
New Delhi đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp ngay trong ngày, yêu cầu tất cả những người đứng đầu khu vực trong phạm vi quyền hạn phải duy trì sự cảnh giác cao độ. Ngoài ra, chính quyền cũng yêu cầu phi công bay tại sân bay quốc tế New Delhi phải đặc biệt chú ý.
Châu chấu sa mạc đã vào miền nam Nepal
Theo báo cáo của truyền thông Nepal như Thời báo Himalaya, Bộ Nông nghiệp và Phát triển chăn nuôi Nepal đã xác nhận vào ngày 27 rằng một số lượng lớn châu chấu sa mạc đã được phát hiện lan từ Uttar Pradesh vào miền nam Nepal trong tối ngày 25/6.
Kari Bahadur KC, phát ngôn viên của Bộ, cho biết Sindhuli, Bara, Parsa, Sarlahi và Rupandehi – các khu vực ở miền nam Nepal đã tìm thấy dấu vết của đàn châu chấu. Ông cũng đề cập rằng chúng đã vào Nepal từ Ấn Độ, có lẽ là do hướng gió và nhấn mạnh rằng họ đã chuẩn bị đủ các hóa chất để ứng phó.
Chính quyền Nepal cho biết vào ngày 28 rằng đàn châu chấu vừa mới vào Nepal đã không gây thiệt hại đáng kể cho vụ mùa do mưa nhiều. Chính quyền cũng nói rằng Nepal sẽ không bị ảnh hưởng trừ khi Ấn Độ kiềm chế sự di chuyển của bầy châu chấu.
Ngoài ra, theo Madhukar Upadhya của tờ Kathmandupost, một chuyên gia về lưu vực sông và biến đổi khí hậu, cho biết châu chấu có thể đã vào Nepal để sinh sản. “Đây có thể là dấu hiệu cho cuộc xâm lấn lớn sắp diễn ra vào mùa tới và đất nước vẫn chưa chuẩn bị đầy đủ cho việc này. Điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực quốc gia”, ông cho biết.
Được biết, nạn châu chấu không phổ biến ở quốc gia này do vị trí địa lý tương đối đặc biệt và điều kiện khí hậu. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển chăn nuôi của nước này, Nepal đã có một đại dịch châu chấu vào năm 1962, và nạn châu chấu nghiêm trọng nhất xảy ra vào năm 1996, khi chúng phá hủy 80% các loại cây trồng ở vùng Chitwan và ba nơi khác.
Đồng bằng Terai ở miền nam Nepal là khu vực sản xuất cây trồng chính. Nếu đàn châu chấu lan rộng ở đây, đất nước sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực. Ngoài ra, khi dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán tiếp tục lan rộng ở nước này, sự xuất hiện của làn sóng châu chấu có thể gây ra một cú đánh đúp cho Nepal. Cho đến nay, hơn 12.700 trường hợp nhiễm virus Vũ Hán đã được xác nhận ở Nepal, trong đó có 28 trường hợp tử vong.
Liệu châu chấu có đe dọa hàng xóm Trung Quốc?
Mặc dù các quan chức Trung Quốc tuyên bố rằng đại dịch châu chấu không gây ra mối đe dọa cho Trung Quốc, nhưng nhà nghiên cứu Trương Trạch Hoa tại Viện Bảo vệ Thực vật của Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc cho rằng làn sóng châu chấu này có khả năng tràn vào Trung Quốc từ hai con đường.
Chuyên gia Trương Trạch Hoa chỉ ra rằng một tuyến đường là từ vùng Sừng châu Phi (bán đảo thuộc Đông Phi lấn ra biển Ả Rập) qua mũi phía nam của bán đảo Ấn Độ, theo gió mùa tây nam của Ấn Độ Dương để xâm chiếm Vân Nam, Quảng Tây và thậm chí miền nam Quảng Đông. Một tuyến đường khác là từ biên giới Ấn Độ-Pakistan sang tới Myanmar ngay trong tháng 6, và cũng nhờ hướng gió mà có thể tới cao nguyên phía nam Tây Tạng và vào Trung Quốc.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) chỉ ra rằng châu chấu sa mạc có sức tàn phá chưa từng thấy, bởi vì tốc độ bay, di cư và sinh sản của chúng thuộc hàng cao nhất trong số tất cả các loài châu chấu. Người ta nói rằng châu chấu trưởng thành có thể bay 150 km mỗi ngày và ăn thức ăn nặng tới 2 gram. Nếu không được kiểm soát, nó có thể đe dọa nguồn cung cấp thực phẩm của con người và gây ra nạn đói.
Theo Nhạc Kiếm Thanh, Secretchina
Phụng Minh biên dịch