Thế gian mấy ai không coi trọng tiền tài? Biết bao người mơ về núi vàng biển bạc, cũng không ít người đi khắp trời nam bể bắc, mong tìm ra cách biến sắt thành vàng, làm chủ thuật giả kim. Ấy vậy mà có một người lại từ chối không muốn giữ bí thuật này, đó chính là Tô Đông Pha.
Tô Đông Pha được lão tăng truyền bí quyết luyện vàng. (Tranh Zhiqiang)
Cách chúng ta gần một ngàn năm, đại văn hào Tô Đông Pha từng nắm giữ bí mật thuật giả kim, hơn nữa có người làm theo công thức của ông đã thực sự luyện thành vàng. Vậy vì sao đến cuối đời Tô Đông Pha vẫn phải sống trong cảnh nghèo khó, để đến nỗi “Buông cày than thở chán sao, Bao giờ đụn lúa được cao hơn đầu?”.
Trong “Long Xuyên Lược Chí”, em trai của Tô Đông Pha là Tô Triệt đã kể lại đoạn giai thoại về ông như sau:
Thời còn trẻ, Tô Đông Pha rất yêu thích hội họa và thư pháp, khi nhậm chức ở Phù Phong (nay là Thiểm Tây), ông thường đến chùa Khai Nguyên để thưởng thức những bức cổ họa còn bảo tồn ở đây. Tô Đông Pha thích cưỡi ngựa đến thăm chùa và dành cả ngày dài nghiên cứu cổ họa. Một ngày, có hai vị lão tăng đến gặp ông và nói: “Tiểu viện ở gần đây, ngài có thể đến chỗ chúng tôi xem xem một chút được không?”. Tô Đông Pha vui vẻ gật đầu đồng ý.
“Được cho thì không muốn, muốn được lại không cho”
Một vị lão tăng nói: “Bần đạo bình sinh vốn yêu thích dược thuật, trong đó có một phương thuật có thể dùng chu sa luyện ra vàng ròng. Lão tăng muốn truyền dạy phương thuật này, nhưng lại không tìm được ai thích hợp. Lão thấy ngài đây là người xứng đáng được chân truyền, cho nên mới có ý mời đến đây gặp mặt”.
Tô Đông Pha chắp tay từ chối: “Tại hạ vốn không đam mê kim thuật, cho dù đắc được thì cũng sẽ không dùng tới”.
Ý nói rằng, cho dù ông có được phương thuật này thì cũng chẳng tác dụng gì! Nhưng chính điều này lại nói rõ rằng Tô Đông Pha không trọng tài phú, không lóa mắt trước tiền tài, do đó ông chính là người xứng đáng được biết bí thuật vô giá này.
Lão tăng nói: “Phương thuật này chỉ có thể biết, nhưng lại không thể dùng. Nếu ngài không dùng đến, vậy ngài chính là người có thể lãnh nhận trọng trách này”.
Lúc ấy có một vị quan ở Phù Phong tên là Trần Hy Lượng, làm quan đến chức Thái thường Thiếu khanh. Trần Khanh đam mê thuật luyện kim, ông đã nhiều tìm đến lão tăng xin được truyền thụ bí thuật này, nhưng lão tăng nhất quyết không truyền cho ông ta.
Tô Đông Pha hỏi: “Trần Khanh cầu mà ngài không đồng ý, còn tôi không cầu thì ngài lại cấp cho tôi, vậy là vì sao?”.
Lão tăng đáp: “Không phải là bần đạo không thích Trần Khanh, mà là lo lắng rằng khi có được phương thuật này, ông ta không giữ vững bản thân mà lạm dụng nó. Trước đây lão đã từng dạy phương thuật này cho người khác, kết quả có người phải bỏ mạng, có người gặp tang sự, lại có người mất chức vị… Do đó lão không còn tùy tiện truyền cấp cho người khác nữa”.
Nói xong, vị lão tăng lấy ra một quyển sách đưa cho Tô Đông Pha và nói: “Cuốn sách này ghi chép các phương thuật bí truyền, một trong số đó là ‘hóa kim phương’. Ngài nhất định phải nhớ: Không được tự ý sử dụng, cũng đừng dễ dãi truyền dạy cho người khác. Nhất là Trần Khanh, ngài nên cẩn thận, đừng để lộ cho ông ta hay”.
Tô Đông Pha trở về và mở sách ra xem, trong đó chỉ dẫn chi tiết cách dùng đan sa cùng với nhiều loại thuốc khác nhau để luyện ra vàng ròng.
Luyện được vàng kim, mất đi sinh mệnh
Một ngày, Tô Đông Pha tình cờ gặp Trần Hy Lượng, hai người ngồi xuống vui vẻ chuyện trò, trong cuộc đàm đạo đã nhắc đến vị lão tăng chùa Khai Nguyên. Vì quá cao hứng, Tô Đông Pha nhất thời không chú ý đã lỡ miệng tiết lộ về phương thuật luyện kim bí truyền ấy.
Trần Hy Lượng kinh ngạc hỏi: “Làm sao ngài có thể đắc được? Mong ngài rộng lòng lấy ra cho tôi xem thử một chút được không?”.
Tô Đông Pha biết rằng bản thân đã lỡ lời, ông đành giải thích rằng lão tăng đã dặn đi dặn lại là không được truyền cho người khác, và rằng ông không thể cho Trần Hy Lượng xem được. Nhưng Trần Hy Lượng khổ sở cầu xin, khẩn khoản van nài, lằng nhằng mãi không chịu buông tha, khiến Tô Đông Pha không còn cách nào, bất đắc dĩ phải truyền lại cho ông ta.
Trần Hy Lượng hí hửng trở về nhà làm thử, quả thực đã luyện ra được Xích túc Hoàng kim. Sau chuyện này, Tô Đông Pha vô cùng hối hận nói với Trần Hy Lượng: “Không phải tôi tiếc phương thuật này, mà là tiếc vì đã cô phụ sự phó thác của lão tăng. Sau này ngài cũng nên bảo trọng mới được”. Trần Hy Lượng thuận miệng gật đầu đáp ứng.
Chẳng bao lâu sau, Trần Hy Lượng vì việc vận chuyển rượu giữa châu và quận mà bị liên lụy, từ đó vận quan sa sút. Tô Đông Pha nghĩ rằng, rất có thể vì chuyện luyện vàng mà ông ta chiêu mời tai họa. Càng nghĩ ông lại càng hối hận, liên tục tự trách bản thân mình.
Sau này, Tô Đông Pha bị giáng chức đến Hoàng Châu, con trai thứ tư của Trần Hy Lượng là Trần Tháo cũng ở có mặt tại đây. Tô Đông Pha hỏi Trần Tháo: “Có phải trước đây Trần Khanh từng dùng đến thuật luyện kim phải không?”.
Trần Tháo kể lại: “Sau khi bị bãi quan, cha tôi đã đến Lạc Dương. Vì không có tiền mua nhà, ông đã ra sức dùng thuật luyện kim này”.
Cũng vì chuyện này mà Trần Hy Lượng mọc một cái ung nhọt lớn mưng mủ ở trên lưng, sau đó ông cũng chết vì bạo bệnh. Đến lúc này, hai anh em Tô Đông Pha và Tô Triệt mới biết lời căn dặn của lão tăng thực sự không phải là lời nói đùa.
10 năm sau khi Trần Hy Lượng qua đời, Tô Triệt cũng bị liên lụy bởi vụ án của Tô Đông Pha và bị giáng đến Quân Châu (nay là Tứ Xuyên). Đất Thục có vị hòa thượng Pháp danh là Nghi Giới, từng bái Khắc Văn thiền sư làm sư phụ. Sau khi Khắc Văn thiền sư đến đây, Nghi Giới đã chi tiêu rất nhiều tiền để tu tạo một gian phòng làm chỗ ở cho sư phụ. Không ai biết số tiền ấy đến từ đâu, Khắc Văn thiền sư cho rằng Nghi Giới có điều khuất tất, nhưng dù đã gặng hỏi thì Nghi Giới vẫn không nói nửa lời.
Nghi Giới hòa thượng có tình giao hảo sâu sắc với Tỉnh Thông thiền sư, ông từng tiết lộ với Tỉnh Thông thiền sư rằng, số tiền ấy đến từ thuật luyện kim, giống với bí thuật mà vị sư phụ ở chùa Khai Nguyên truyền thụ. Tuy nhiên, Nghi Giới không bao giờ dùng đến dẫu chỉ một đồng cho bản thân mình, vì không mưu cầu tư lợi cá nhân nên ông mới có được bí thuật này mà không lo hậu họa.
Những câu chuyện tương tự như trên không phải là điều hiếm thấy trong các cổ thư. Người ta vẫn thường nói: Không sợ tiền nhiều, chỉ sợ ít, tiền càng nhiều càng tốt! Kỳ thực, tài phú và phúc phận của mỗi cá nhân là khác nhau, điều này có quan hệ với phúc khí mà mỗi người tích lũy trong kiếp trước và đời này. Người đức lớn có nhiều tiền, người đức mỏng thì chỉ vừa đủ sống. Nếu như đức ít mà vơ vét tiền tài thì tai họa sẽ mau chóng ập đến, thậm chí còn khiến người ta mất đi tính mệnh.
Do đó, tham lam không phải là phúc mà là họa, tìm cầu vinh hoa cũng chỉ là ước vọng hão huyền. Bởi vì suy cho cùng: Tích nhiều đức còn quan trọng hơn kiếm tiền!
Xem thêm: Cao Tăng Miến Điện Có Con Mắt Thứ 3: Tiết Lộ Sự Thật Chấn Động Về Thế Giới Hiện Nay - Duyên Vạn Cổ
Minh Hạnh
Nguồn Trình Thư Ngữ - Sound of Hope
Đăng theo NTDVN