Với số người mắc vượt 300.000 ca một ngày, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu cho biết, tình hình rất nghiêm trọng, giống như “cơn đại hồng thủy”, “chưa bao giờ cảm thấy lằn ranh giữa cái chết và sự sống lại mỏng manh đến thế”.
Chỉ còn trông cậy vào sức đề kháng và sự may rủi của số phận
Trên báo Dân Trí, Đại sứ Phạm Sanh Châu đã có những chia sẻ về tình hình dịch Covid-19 đang rất căng thẳng tại Ấn Độ trên mạng xã hội Facebook, thu hút sự quan tâm của đông đảo người theo dõi.
“Giờ đây nếu ai mắc Covid 19 ở đây thì chỉ còn trông cậy vào sức đề kháng của bản thân và sự may rủi của số phận vì gọi điện đến bệnh viện nào thì cũng được cho biết là giường bệnh không còn, máy thở ôxy đã hết và ôxy cũng hết luôn”, ông viết.
Nhà ngoại giao Việt Nam chia sẻ rằng ông “chưa bao giờ cảm thấy lằn ranh giữa cái chết và sự sống lại mỏng manh đến thế”.
Làn sóng Covid-19 đang bùng phát mạnh mẽ ở Ấn Độ. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận gần 315.000 ca nhiễm mới – con số phá kỷ lục thế giới về số ca bệnh xác nhận mắc trong 1 ngày.
Ấn Độ hiện là vùng dịch lớn thứ 2 thế giới với 15,9 triệu ca bệnh và hơn 184.000 người chết, chỉ xếp sau Mỹ. Theo Đại sứ Phạm Sanh Châu, ở quốc gia tỷ dân, một thống kê cho thấy cứ 40 giây lại có một người thiệt mạng vì Covid-19.
Không muốn khóc mà nước mắt cứ trào ra
Trong những giờ phút đầy khó khăn, Đại sứ Phạm Sanh Châu chia sẻ rằng nhờ có sự giúp đỡ của Lãnh đạo Bộ Ngoại giao Ấn Độ và các vụ chức năng mà Đại sứ quán Việt Nam đã có thể “dành” được một giường chữa bệnh cho một kỹ sư Việt Nam đang làm việc ở Ấn Độ.
“Đau đớn biết rằng để có được “giường bệnh” này có thể phải đánh đổi bằng sinh mạng của người khác. Có được giường mừng rơi nước mắt vì vừa tủi vừa thương, Đại sứ xúc động viết.
“Cứ tưởng Ấn Độ đã vượt qua thời kỳ nguy hiểm nhất, cán bộ và nhân viên trong Đại sứ quán sẽ bình an vì đã từng nhiễm bệnh. Nhưng không ! Điều tồi tệ nhất đang chờ ở phía trước. Ngay cả những ai đã tiêm 2 liều vắc-xin vẫn có thể nhiễm như cựu Thủ tướng Momanhant Singh. Nhiễm rồi vẫn có thể bị tái nhiễm.
Không muốn khóc mà nước mắt cứ trào ra. Nhìn ra đường chỉ nhìn toàn thấy xe cứu thương chạy ngược xuôi. Đến lò thiêu xác cũng quá tải đành mang xác ra vườn lấy cành khô trên cây mà đốt. Thương Ấn Độ quá Ấn Độ ơi, sao chỉ sau mấy ngày mà để “vỡ trận” rơi vào “cơn đại hồng thủy” như vậy ? Chẳng lẽ là nước sản xuất 60% vắc-xin trên thế giới mà phải thua trận chiến này sao ?”- Đại sứ Phạm Sanh Châu chia sẻ, theo Người lao Động.
Việt Nam và Ấn Độ là hai nước có mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, các hoạt động giao lưu giữa nhân dân hai nước diễn ra thường xuyên. Từ khi đại dịch bùng phát, thực hiện sứ mệnh bảo hộ công dân, cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã nỗ lực tổ chức 4 chiến dịch với 6 chuyến bay đưa hàng trăm người Việt gặp khó khăn về nước. Trong đó có trẻ em dưới 18 tuổi, người cao tuổi, người ốm đau, phụ nữ có thai, du học sinh không có nơi lưu trú do trường học và ký túc xá đóng cửa, nhiều tăng ni, Phật tử tham gia khóa tu ở các viện Phật giáo tại Ấn Độ, người đi du lịch bị kẹt lại, người lao động hết hạn thị thực và hợp đồng lao động.
Công tác bảo hộ công dân càng gặp khó khăn khi người Việt Nam tại Ấn Độ ở rải rác 20 tiểu bang khác nhau. Khi Ấn Độ phong toả, không có chuyến bay nội địa, việc tập kết đủ người cho một chuyến bay không phải dễ dàng khi các địa bàn cách xa nhau, có nơi phải đi đường bộ 3 ngày 3 đêm… Trong khi căng mình hỗ trợ bà con có hoàn cảnh khó khăn bị mắc kẹt trong vùng dịch về nước, vào cuối năm 2020, đã có tới 80% cán bộ của Đại sứ quán mắc Covid-19 (22 người trong tổng số 26 cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và 18 người thân). May mắn, với tinh thần quyết chiến và quyết thắng, các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán đã đoàn kết cùng bước qua bệnh dịch.
Xem thêm:
Theo ĐKN