Nếu Đại Việt dưới thời nhà Trần có 3 lần đánh Nguyên toàn thắng gây tiếng vang khắp thế giới, thì Đại Nam dưới thời nhà Nguyễn cũng có 3 lần đánh bại Xiêm La (Thái Lan), khiến Cao Miên (Campuchia) và Ai Lao (Lào) phải thần phục, lãnh thổ rộng lớn gấp đôi ngày nay.
Xiêm La xuất quân đánh Việt Nam lần thứ nhất
Vào đầu thế kỷ 19, Cao Miên nằm giữa hai quốc gia hùng mạnh là Xiêm La và Việt Nam, vua Nặc Chăn (Ang Chan) phải thực hiện chính sách “chư hầu kép” tức thần phục cả Xiêm La lẫn Việt Nam.
Năm 1807, vua Nặc Chăn quyết định ngả hẳn về phía Việt Nam bằng cách xin vua Gia Long cho được thụ phong và cống nạp, điều này khiến ảnh hưởng của Xiêm La đối với Cao Miên sút giảm đáng kể.
Năm 1833, Lê Văn Khôi khởi binh chống lại Triều đình ở Gia Định, nhưng rồi bị vây trong thành Gia Định và phải cho người đưa thư cầu cứu Xiêm La. Không bỏ lỡ cơ hội, vua Xiêm là Rama III sai tướng Phi Nhã Chất Tri chia quân làm 5 đạo tiến đánh Việt Nam:
Đạo thứ nhất do Phi Nhã Chất Tri chỉ huy 4 vạn bộ binh tiến chiếm kinh đô Nam Vang (Phnôm Pênh ngày nay) của Cao Miên, theo sông Mê Kông đánh chiếm Châu Đốc (thuộc tỉnh An Giang) của Việt Nam rồi đến Gia Định.
- Đạo thứ hai với 1 vạn quân do Phi Nhã Phật Lăng chỉ huy theo đường thủy qua Vịnh Thái Lan tiến đánh Hà Tiên.
- Đạo thứ ba theo đường bộ đánh lấy Cam Lộ (Quảng Trị).
- Đạo thứ tư theo đường bộ đánh lấy Nghệ An.
- Đạo thứ năm theo đường bộ đánh lấy Trấn Ninh.
Trong đó đạo quân thứ nhất và thứ hai là quan trọng nhất nhằm đánh chiếm Cao Miên và vùng Nam bộ của Việt Nam, ba đạo quân còn lại chủ yếu là nghi binh nhằm phân tán lực lượng quân Việt.
Vua Minh Mạng nhận tin dữ lập tức sai các tướng trấn giữ phòng thủ các nơi.
Khi đạo quân thứ nhất của Phi Nhã Chất Tri tiến sang Cao Miên thì quân Việt Nam đã rút về để đánh quân phản loạn Lê Văn Khôi. Quân Xiêm La chỉ gặp sự kháng cự của quân Cao Miên nên dễ dàng chiến thắng. Vua AngChan II phải rời bỏ kinh đô Nam Vang chạy đến ẩn náu ở dinh Long Hồ (thuộc Vĩnh Long). Sau khi chiếm được Nam Vang, Phi Nhã Chất Tri tiếp tục cho quân tiến sang Châu Đốc của Việt Nam theo đúng kế hoạch.
Đạo quân thứ hai của Xiêm La tiến đánh Hà Tiên, quân nhà Nguyễn hạ được 3 tàu chiến của Xiêm, nhưng được ít ngày thì thành Hà Tiên thất thủ. Quân Xiêm cho một ít quân ở lại giữ Hà Tiên còn lại theo kênh Vĩnh Tế tiến đánh Châu Đốc, hội với đạo quân thứ nhất từ Nam Vang sang.
Bị hai đạo quân chủ lực của Xiêm La tiến đánh, An Giang thất thủ. Quân Xiêm cho dựng nhiều đồn ở hai bên bờ sông Vàm Nao sẵn sàng chống trả nếu quân Việt tiến đánh.
Vua Minh Mạng hay tin vội cho quân tiến xuống phía nam. Cuối tháng 12/1833, quân Việt do Bình khấu Tướng quân Trần Văn Năng, Trương Minh Giảng và Nguyễn Xuân chỉ huy tới An Giang.
Hai bên giao tranh ác liệt trên sông Vàm Nao (tức sông Thuận Cảng), quân Việt phải lùi về sông Cổ Hỗ để ngăn quân Xiêm.
Bản đồ vị trí sông Thuận Cảng (Vàm Nao) và đồn Cổ Hỗ (nay là chợ Thủ, xã Long Điền A, huyện Chợ Mới). (Ảnh từ Bùi Thụy Đào Nguyên – wikipedia.org)
Lúc này quân Xiêm huy động thêm 1 vạn quân từ Vạn Tượng tiến đánh vào vùng Quảng Trị, vua Minh Mạng cho rằng quân Xiêm chỉ phô tương thanh thế nên chỉ đưa quân ra phòng giữ (Quốc sử quán triều Nguyễn).
Vài ngày sau, quân Xiêm lại đánh vào Trấn Ninh (Nghệ An), quân Việt rút về Giăng Màn. Quân Xiêm cho quân tràn vào Hà Tĩnh, quân Việt mang quân ra giữ thì quân Xiêm cũng không tiến nữa.
Vua Xiêm là Rama III cũng cho quân Xiêm và Lào quấy rối vùng biên giới ở Nghệ An và Hà Tĩnh, bắt người dân mang đi nhằm phân tán quân nhà Nguyễn.
Đến tháng 1/1834, thủy quân Xiêm từ sông Nàm Vao tiến đánh quân Việt ở rạch Củ Hủ (nay thuộc xã Long Điền A và Long Điền B, huyện Chợ Mới, An Giang). Nếu quân nhà Nguyễn thất bại trận này, quân Xiêm sẽ tràn vào Sa Đéc, Mỹ Tho, vùng Nam bộ có thể bị mất về quân Xiêm, vì thế trận đánh này hết sức then chốt và quan trọng.
Trận Nàm Vao – Củ Hủ
Sông Nàm Vao có chiều dài 6 km nối sông Tiền và sông Hậu, nơi đây có nước xoáy tròn rất hung hiểm. Bình Khấu tướng quân Trần Văn Năng cùng các tham tán Trương Minh Giảng, Nguyễn Xuân, Hồ Văn Khuê ra kế sách đánh Xiêm tại Củ Hủ và Nàm Vao.
Đoán quân Xiên sẽ dùng hỏa công, thả bè lửa đế tấn công, nên quân Việt thu hết các chiến thuyền về đậu ở hai bên bờ sông.
Theo ghi chép từ lịch sử thì quân Xiêm tấn công, lợi dụng dòng nước thả nhiều bè lửa. Thế nhưng quân Việt nhờ cho các tàu tập trung ở hai bên bờ sông, bè lửa giữa sông xuôi theo dòng không thể lan sang hai bên bờ. Khi bè lửa trôi qua quân Việt mới tấn công cả thủy lẫn bộ.
Quân Xiêm thua to, tử trận rất nhiều, nhà văn Sơn Nam mô tả lại rằng:
“Trận thủy chiến trên Vàm Nao là trận ác chiến, mang tầm chiến lược quan trọng. Quân Xiêm dùng hỏa công, thả bè lửa, theo nước ròng (thủy triều rút ra biển) chảy xiết để đốt chiến thuyền quân Việt. Trận chiến kéo dài từ khoảng 3 giờ khuya đến 10 giờ trưa mới dứt. Nếu quân Việt không ngăn được, quân Xiêm sẽ xuống Sa Đéc rồi Rạch Gầm, Mỹ Tho…”
Sách “Minh Mệnh chính yếu” thì mô tả rằng:
“Giặc Xiêm dẫn binh thuyền hơn trăm chiếc, từ Thuận Cảng xuôi xuống, bày ngang giữa dòng sông để chống lại thuyền của quân ta, lại đánh đồn của ta đóng bên tả ngạn. Quản vệ giữ đồn là Phạm Hữu Tâm chống đánh, chém kẻ cầm đầu của giặc là Phi Nhã Khổ Lặc. Giặc dựng trại ngang đồn, ngày đêm dùng đại bác bắn phá. Ta chờ quân chi viện, nhưng giặc ở phía thượng nguồn bèn nhân đêm tối, thừa lúc nước ròng, noi theo hai bên tả hữu bờ sông, phóng lửa đốt thuyền quân ta, rồi giặc đem quân đến đồn phía tả ngạn mà đánh từ giờ Dần đến giờ Tỵ, quân giặc chết nhiều, thây chồng lên nhau. Giặc liền lui…”
Cuốn “Đại Nam thực lục” ghi:
“Trước kia bọn Giảng từ Thuận Cảng lui đóng ở sông Cổ Hỗ, đặt đồn ở hai bên bờ làm thế ỷ giốc. Sau đó vài ngày, Tướng quân Tống Phước Lương lại đến. Giặc Xiêm dẫn hơn 100 binh thuyền từ Thuận Cảng xuống, dàn ngang giữa dòng sông, cầm cự chu sư của ta, lại vây đánh đồn ở bờ bên tả. Quản vệ giữ đồn là Phạm Hữu Tâm cự chiến, chém được tên đại đầu mục giặc là Phi Nhã Khổ Lạc và hơn 20 đầu giặc. Giặc dựng trại đối diện với lũy ta, ngày đêm bắn đại bác. Quân ta có người bị thương và chết. Bọn Giảng cho rằng thế giặc đương dữ tợn hung hăng, bèn phi tư cho quân thứ Gia Định phái thêm binh thuyền đến tiếp ứng. Bấy giờ vừa gặp Tham tán Hồ Văn Khuê đến quân thứ. Trần Văn Năng liền bàn, uỷ [Văn Khuê] đi giúp việc quân. Lại phái Phó vệ úy vệ Hậu thủy Nguyễn Tiến Khoan đem hơn 300 binh dõng và 7 chiếc thuyền, đồng thời cùng tiến. Rồi đem việc tâu lên”.
Thua trận, quân Xiêm từ sông Nàm Vao rút về Châu Đốc, quân Việt đuổi theo, đến sông Châu Đốc, quân Xiêm đóng ở các đồn trên bờ dồn hỏa lực bắn vào các tàu chiến quân Việt khiến nhiều người bị thương. Quân Việt phải ngưng đuổi theo mà bày trận cả trên bờ lẫn dưới sông.
Quân Việt đuổi Xiêm La, đánh chiếm lại Cao Miên
Các tướng Xiêm La lúc này họp bàn về việc tiến đánh Gia Định theo kế hoạch từ trước. Phi Nhã Phật Lăng cho rằng khả năng chiến thắng là thấp vì quân lính đã mất tinh thần, lương thực và đạn cũng cạn, nên ông đề nghị bí mật rút quân trở về. Tuy nhiên Phi Nhã Chất Tri không đồng ý kế hoạch này.
Phi Nhã Phật Lăng bí mật cho đội thủy quân rút lui, khiến số quân Xiêm còn lại chỉ còn 1 vạn. Tình thế khiến Phi Nhã Chất Tri buộc phải rút lui luôn số quân còn lại theo đường bộ.
Quân Việt liền lấy lại Châu Đốc và Hà Tiên, phối hợp cùng quân Cao Miên tiến đánh quân Xiêm trên đất Cao Miên. Quân Việt liên tục giành chiến thắng, tiến quân đến tận kinh thành Nam Vang. Không ngừng lại, quân Việt tiếp tục truy kích quân Xiêm đến tận biên giới, đồng thời đưa Ang Chan II trở lại ngôi Vua.
Trong khi đó ở Quảng Trị, Vệ úy Lê Văn Thụy ra quân đánh quân Xiêm và liên tục giành chiến thắng. Quân Xiêm tập trung thêm quân tiến đánh nhưng lần lượt đều bị đẩy lui.
Tại Nghệ An, tháng 2/1834, quân Việt và Quân Xiêm đụng độ ở Giăng Màn, quân Việt bị bại trận phải rút lui. Vua Minh Mạng cử Nguyễn Văn Xuân tăng viện cho Nghệ An đánh lui quân Xiêm.
Đại Nam hùng mạnh
Các chiến thắng trên giúp Việt Nam được quyền bảo hộ Cao Miên. Năm 1834, vua Ang Chan II mất mà không có con trai nối dõi, quyền trị vì Cao Miên thuộc về Trà Long (Chakrey Long) và La Kiên, đây là người Cao Miên nhưng nhận chức quan của nhà Nguyễn.
Năm 1835, Trương Minh Giảng xin Vua cho lập Ang Mey (Ngọc Vân) làm Quận Chúa và được chấp nhận.
Năm 1836, vua Minh Mạng cho sáp nhập Cao Miên vào Việt Nam, đặt tên là Trấn Tây Thành.
Bản đồ Việt Nam năm 1835 sau khi sáp nhập các vùng đất của Lào và Campuchia. (Ảnh từ lichsunuocvietnam.com)
Lúc này Việt Nam rất lớn mạnh, khiến các nước lân bang đều nể sợ và thần phục, nhiều xứ ở Ai Lao (Lào ngày nay) như Sầm Nứa, Trấn Ninh, Cam Môn và Savannakhet giáp với Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị đều xin trở thành nội thuộc. Nhà Nguyễn cho sáp nhập vùng này vào lãnh thổ, phân thành các châu, phủ thuộc Việt Nam.
Năm 1835, diện tích Việt Nam vô cùng rộng lớn, bao gồm vùng đất Ai Lao (tức Lào ngày nay), hầu hết phần đất của Campuchia, diện tích rộng 575.000 km2 gấp 1,7 lần so với Việt Nam ngày nay.
Trước sự lớn mạnh của đất nước, năm 1839 vua Minh Mạng cho đổi tên nước từ Việt Nam thành Đại Nam, tức quốc gia rộng lớn hùng mạnh phương nam.
(Còn nữa)
Trần Hưng - Theo Tri Thức VN