Thời cổ đại, các môn phái tu luyện đều tuyển chọn đồ đệ trước khi truyền dạy thuật pháp, bởi vì học Đạo thuật với hành vi bất chính sẽ rước họa vào thân, thậm chí nguy hiểm đến tính mệnh. Người cầu Đạo tâm tính khác nhau, nhiều pháp thuật bí truyền không thể tìm được đồ đệ nên dần dần thất truyền.
(Ảnh: Hội họa “Phong Thần Lôi Thần đồ bình phong”, thế kỷ 17, Nhật Bản)
Trong “Cô Thặng Tục Biên”, một văn nhân thời nhà Thanh là Nữu Tú đã ghi chép câu chuyện có thật kể về một người vì không học Đạo thuật chân chính mà mất đi sinh mệnh, lưu lại cho hậu thế bài học giáo huấn sâu sắc.
Hồi ấy, ở Thiên Tân có một người tên là Từ Vĩ Chân, vốn yêu thích nghiên cứu phương thuật lại thường hay uống rượu, cuộc sống vô cùng phóng đãng. Vào năm đầu Khang Hy, Từ Vĩ Chân đến vùng Giang Hoài du ngoạn, khi đi qua một tòa cổ miếu anh ta bỗng nghe thấy tiếng ai đó đang kêu cứu: “Từ Vĩ Chân, xin ngài hãy đến cứu tôi!”.
Vào năm đầu Khang Hy, Từ Vĩ Chân tình cờ đến Giang Hoài du ngoạn (Ảnh minh họa: Tác phẩm “Kị lư đồ” của Thiết Chu, đời Thanh)
Từ Vĩ Chân không chú ý, vẫn điềm nhiên cởi chiếc yên trên lưng lừa xuống, định bụng sẽ vào nghỉ trong miếu. Lúc này, lại nghe thấy tiếng kêu cứu y hệt như lúc trước. Anh ta hiếu kỳ liền đi quanh một vòng xem xét, không thấy bóng người mà chỉ thấy một chiếc chuông sắt lớn úp trên mặt đất, từ chiếc chuông phát ra tiếng kêu khẩn thiết.
Từ Vĩ Chân hỏi: “Ngươi là quái vật gì mà lại có thể nói tiếng người? Ngươi đang gọi tên ta, là muốn ta cứu ngươi phải không?”.
Trong chiếc chuông phát ra lời đáp: “Thời thượng cổ có ngài Viên Công, hẳn ngài cũng nghe nói Hoàng Thạch Lão Nhân đã theo ông ấy học kiếm thuật. Tôi chính là hậu duệ của Viên Công. Vì kiếm thuật kém cỏi nên tôi đã lỡ tay làm tổn thương người vô tội, bị Thiên Đế trừng phạt, phải chịu tù đày trong chiếc chuông sắt này hơn 100 năm rồi. Giờ đây kỳ hạn đã đến, phiền ngài hãy mở chuông giúp tôi!”.
Từ Vĩ Chân xem xét chiếc chuông sắt rồi nói: “Ta không có lực nghìn cân, sao có thể di chuyển chiếc chuông sắt to và nặng này được?”.
Trong chuông lại phát ra tiếng nói: “Không cần ngài phải nhọc công di chuyển, chỉ cần xóa bỏ 12 chữ phong ấn trên mặt chuông là được rồi”.
Từ Vĩ Chân nhìn kỹ, thấy trên mặt chuông có 12 chữ niêm phong bằng Triện văn, trên bề mặt chữ Triện lốm đốm vết sắt hoen rỉ. Anh ta bèn dùng đá sỏi chà xát lên bề mặt, một lát sau đã xóa sạch toàn bộ chữ niêm phong.
Người trong chuông nói: “Vậy là được rồi, giờ thì xin ngài hãy nhanh chóng lùi lại thật xa, nếu không, tôi khó có thể đảm bảo rằng sẽ không làm ngài bị thương”.
Từ Vĩ Chân vội vàng leo lên lưng lừa, nhanh chóng chạy ra xa hai, ba dặm. Khi quay đầu lại nhìn về phía cổ miếu, anh chỉ thấy gió giục mây vần, khắp nơi là sương mù bao phủ, sau đó trong cổ miếu vang lên tiếng nổ ầm ầm khiến núi rung đất chuyển. Từ xa, anh nhìn thấy một con khỉ trắng từ trên trời hạ xuống rồi bái lạy trước mặt mình, bái lạy xong liền biến mất. Từ Vĩ Chân lại tiếp tục du ngoạn về phương nam, nửa năm sau mới trở về quê nhà.
Vào một đêm trời trong mây lặng, trăng sáng vằng vặc, Từ Vĩ Chân nghe thấy ngoài sân có tiếng động lạ. Anh bèn trở dậy mở cửa phòng, thấy trước mặt một vị thư sinh độ tuổi thiếu niên, dung mạo tuấn mỹ, khí chất phi phàm không giống như người bình thường.
Vị thư sinh bái tạ ba lạy và nói: “Tôi chính là người bị giam dưới chiếc chuông lớn trong ngôi miếu cổ, may nhờ ân nhân cứu mạng, tôi mới thoát ra khỏi biển khổ! Thiên Đế đã tha tội cho tôi, nay tôi lại được trở về hàng Tiên gia nhưng vẫn không quên ơn đức sâu dày của ân nhân. Tôi biết ngài thích học thuật Đạo nên đã mạo muội trộm lấy ba cuốn Đạo thư trong Thiên phủ dâng lên ân nhân, hy vọng có thể báo đáp ân đức của ngài. Ngài hãy sao chép những cuốn sách này ngay trong đêm nay, không được chậm trễ!”.
Dứt lời, thư sinh liền đặt sách lên bàn rồi nói lời cáo biệt.
Từ Vĩ Chân mở cuốn sách thứ nhất, thấy nội dung bên trong không khác nhiều so với “Luận Ngữ” và “Hiếu Kinh” của Nho giáo. Anh ta nghĩ: “Cuốn Thiên thư này cũng bình thường không có gì kỳ lạ”. Sau đó anh ta mở cuốn thứ hai, thấy những gì ghi chép khá giống với “Âm Phù Kinh” và “Hồng Liệt”. Anh ta tự nhủ: “Những thứ này cũng không có gì đáng để học!”. Khi mở cuốn thứ ba, anh ta thấy bên trong đều là bí thuật, dạy cách luyện tập thổ hỏa (miệng phun ra lửa), thôn kiếm (nuốt kiếm), và thuật hô phong hoán vũ (gọi gió kêu mưa). Từ Vĩ Chân vô cùng vui mừng reo lên: “Thứ ta muốn học chính là những bí thuật này!”, sau đó liền sao chép cuốn Thiên Thư thứ ba.
Từ Vĩ Chân ngồi xuống mở cuốn thứ nhất, nội dung bên trong không khác so với “Luận Ngữ”, “Hiếu Kinh” của Nho gia (Ảnh: Một phần bức tranh thời Nam Tống)
Trời vừa rạng sáng đã thấy vị thiếu niên xuất hiện, cậu thấy Từ Vĩ Chân chỉ sao chép cuốn Thiên Thư thứ ba thì tỏ vẻ không vui. Vị thiếu niên thở dài nói: “Tôi báo đáp ngài là vì điều gì đây? Cuốn thứ nhất là sách làm Đế Vương, cuốn thứ hai là sách làm tướng, còn cuốn thứ ba thì chỉ là thuật số mà thôi. Nội dung trong cuốn sách thứ ba nếu dùng đúng chỗ thì có thể hỗ trợ ngài tu hành, còn nếu dùng không đúng thì sẽ tàn hại sinh linh, tổn hại bách tính, sau sẽ rước họa vào thân. Dù sao duyên phận cũng chỉ đến đây mà thôi, tôi thấy tiếc cho ngài nhưng cũng hết cách không biết làm thế nào!”. Dứt lời, cả vị thư sinh và ba cuốn Thiên Thư đều biến mất.
Kể từ sau khi sao chép được cuốn Thiên Thư thứ ba, Từ Vĩ Chân say mê thí nghiệm những gì mà anh ta học được. Có lúc Từ Vĩ Chân giấu mặt trăng vào trong lòng, có lúc đặt mặt trăng vào phòng tối, có lúc nắm sấm sét trong lòng bàn tay, có lúc lại phóng sấm sét vào bầu trời quang đãng. Anh ta khi thì dùng tiểu năng tiểu thuật làm trò tiêu khiển, khi lại dùng để lấy tiền tài làm của riêng, tuyệt nhiên không hề nghĩ đến việc dùng đạo thuật để hành thiện giúp đời.
Vào một ngày hè oi bức, Từ Vĩ Chân uống rượu say túy lúy và cởi trần ngồi trước cửa. Từ đâu một trận gió mát thổi tới, anh ta cao hứng liền vẽ một đạo bùa rồi ném lên không trung, hút trận gió mát kia vào trong tay áo và giữ chặt suốt một thời gian lâu mà không chịu buông ra.
Sự việc này khiến Thần gió Phong Bá nổi giận, Phong Bá liền thi triển thần uy, gầm lên một tiếng lớn rồi phá tay áo thả gió ra ngoài, sau đó lại liên tiếp giáng sấm sét xuống khiến Từ Vĩ Chân từ đầu đến chân đều cháy xém.
Câu chuyện trên được lưu truyền vào năm đầu Khang Hy, sau đó được biên soạn và sao lục trong các cuốn sách cuối thời Minh đầu thời Thanh. Trong “Cô Thặng Tục Biên”, tác giả Nữu Tú cũng bình luận rằng: Không chân tu mà chỉ dùng Pháp thuật để tư lợi chính là hành vi khinh nhờn Thượng Thiên, xúc phạm Thần, cuối cùng sẽ bị Trời khiển trách. Từ Vĩ Chân có được Thiên Thư nhưng lại không tu nhân tích đức, không nghĩ cho xã tắc giang sơn, cũng không có nguyện vọng giúp đời cứu người, chỉ muốn dùng sở trường của bản thân để mưu lợi cá nhân, cuối cùng chuốc lấy họa tai, lưu lại cho thế nhân bài giáo huấn tang thương.
Minh Hạnh
Theo Huệ Minh - Sound of Hope
Đăng theo NTDVN
Tư liệu tham khảo:
- “Cô Thặng Tục Biên”, quyền 3 của Nữu Tú, đời Thanh
- “Ngu Sơ Tân Chí”, quyền 17 của Trương Triều, đời Thanh