“Lưỡng hội” năm nay, trong bản báo cáo công tác chính phủ liên quan đến Đài Loan của ông Lý Khắc Cường hiếm thấy đề cập đến những từ như “hòa bình” hay “Đồng thuận năm 1992″, theo NTD.
Đồng thời, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tự ý tự quyết, thông qua “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông”, hạ độc thủ đối với Hồng Kông, làm dấy lên những đồn đoán từ bên ngoài về hướng đi trong mối quan hệ giữa hai bờ eo biển trong tương lai. Một cựu sĩ quan ĐCSTQ tiết lộ rằng tình hình hiện tại ở Trung Nam Hải rất hỗn loạn với các vấn đề nghiêm trọng trong quân đội. Quân đội “không một lòng” với Tập Cận Bình, căn bản là không có lực lượng để tấn công Đài Loan.
ĐCSTQ hạ độc thủ với Hồng Kông, xã hội quốc tế đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ Đài-Trung
Trong hai năm qua, Hồng Kông và Đài Loan ngày càng tách xa khỏi ĐCSTQ. Ngày 28/5, bất chấp phản đối mạnh mẽ từ phía người dân Hồng Kông và cộng đồng quốc tế, ĐCSTQ đã tự ý thông qua dự thảo “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” trong nỗ lực biến Hồng Kông thành “một quốc gia, một chế độ”. Trong khi thế giới bên ngoài lo lắng về tình hình ở Hồng Kông, đồng thời cũng lo ngại về những hành động bước tiếp theo của ĐCSTQ đối với Đài Loan.
Ngoại giới đã chú ý đến việc ông Lý Khắc Cường không đề cập đến “Đồng thuận năm 1992” trong bản báo cáo công tác chính phủ lần này. Đây vốn là phát biểu không thể thiếu trong các báo cáo công tác chính phủ tại các phiên họp của ĐCSTQ kể từ năm 2012 đến nay. Còn về hai chữ “hòa bình”, mặc dù ĐCSTQ đã sử dụng nó trong nhiều năm, nhưng trước nay cũng chưa bao giờ từ bỏ việc “thống nhất bằng vũ lực”.
Uông Dương – Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, cũng không nhắc đến mấy chữ “Đồng thuận năm 1992” và “Hòa bình” khi báo cáo công tác tại Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân. Mặc dù cả hai đều nhắc lại những tuyên bố liên quan sau đó, nhưng người ta nhìn nhận là có thể do chịu áp lực từ dư luận, nên bất đắc dĩ phải nói thế.
Trước đó, ĐCSTQ đã từng cố gắng áp đặt “một quốc gia, hai chế độ” của Hồng Kông lên người dân Đài Loan. Tuy nhiên, trong một loạt các phong trào phản đối “Luật dẫn độ”, người dân Hồng Kông đã đánh thức người Đài Loan bằng máu và mạng sống của mình. Tẩy chay ĐCSTQ và “một quốc gia, hai chế độ” giờ đã trở thành nhận thức chung của đại đa số người dân Đài Loan. Điều này cũng có nghĩa là đối với Đài Loan, ngoài việc thống nhất bằng vũ lực ra, ĐCSTQ không còn cách nào khác.
Tuy nhiên, đối với ĐCSTQ, thách thức phía trước không phải là thách thức trong mối quan hệ giữa hai bờ eo biển, mà là một cuộc đối đầu với Hoa Kỳ. Trước mắt, Hoa Kỳ ngày càng ủng hộ Đài Loan. Ngoài việc bán vũ khí, trước ngày bà Thái Anh Văn tuyên thệ nhậm chức Tổng thống, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã trực tiếp gửi tin nhắn chúc mừng và gọi bà là Tổng thống Đài Loan. Hành động công khai ủng hộ chính phủ Đài Loan như vậy, có thể nói đây là lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ.
Bà Thái Anh Văn cũng khẳng định một cách cứng rắn rằng bà sẽ không chấp nhận bất kỳ động thái “hạ thấp” Đài Loan nào của ĐCSTQ.
Đài Loan ủng hộ mạnh mẽ Hồng Kông chống lại ĐCSTQ
Sau khi thông tin ĐCSTQ áp đặt “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” được truyền ra, Bà Thái Anh Văn đã thẳng thắn công khai bày tỏ rằng bà đứng cùng với người dân Hồng Kông. Vào ngày 28/5, Tổng thống Thái lại đăng bài viết trên Facebook rằng ĐCSTQ tự ý thông qua “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông”, điều này làm giảm đáng kể quyền tự do ngôn luận và độc lập tư pháp của Hồng Kông.
Bà nói rằng Viện hành chính của Đài Loan đã khởi động “Chuyên án hành động chăm sóc và viện trợ nhân đạo cho Hồng Kông” để tiếp tục đưa ra phương án cho các biện pháp hỗ trợ người dân Hồng Kông.
Tổng thống Thái nhấn mạnh rằng khi ĐCSTQ phá vỡ cam kết “một quốc gia, hai chế độ” và “50 năm không thể thay đổi” với Hồng Kông, tình hình Hồng Kông chuyển biến xấu cũng ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định khu vực. Đài Loan có trách nhiệm chung tay hợp tác với Liên minh dân chủ quốc tế, tiếp sức cho Hồng Kông và người dân Hồng Kông. Đài Loan sẽ không ngồi nhìn dân chủ, tự do và nhân quyền của Hồng Kông bị thoái lùi.
Bà cũng đặc biệt đưa ra khẩu hiệu: “Đài Loan tự do tiếp sức cho tự do của Hồng Kông”.
Tình hình ở Trung Nam Hải hỗn loạn, tướng lĩnh trong quân đội đều đang theo dõi tình hình
Hiện tại, tình hình giữa Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan đang ngày càng trở nên căng thẳng. Xã hội quốc tế lo ngại về tình hình Hồng Kông đang chuyển biến xấu, đồng thời cũng lo ngại về hướng đi tương lai trong mối quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan – Trung Quốc. Thậm chí còn có quan điểm cho rằng, không loại trừ khả năng ĐCSTQ sẽ tấn công Đài Loan.
Tuy nhiên, ông Diêu Thành, cựu trung tá của Bộ Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, hiện đang cư trú tại Mỹ, tiết lộ với phóng viên của đài VOA rằng, hiện tại đấu đá quyền lực cấp cao nội bộ ĐCSTQ càng thêm ác liệt, các sĩ quan cao cấp trong quân đội của ĐCSTQ kỳ thực đều “không một lòng” với ông Tập Cận Bình.
Đêm trước “Lưỡng hội”, phía quân đội liên tiếp có những biến động bất thường. Chỉ huy quân đồn trú Bắc Kinh, cũng phụ trách an toàn của Trung Nam Hải, Vương Xuân Ninh (Wang Chunning) đã nhanh chóng bị miễn chức. Theo thông báo chính thức, Vương Xuân Ninh, vừa mới làm chỉ huy quân đồn trú Bắc Kinh, thành viên của Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Bắc Kinh trong 4 tháng, đã bị bãi chức vào ngày 11/5 và vị trí này được thay thế bởi Trương Phàm Địch (Zhang Fandi), Chính trị viên Quân đồn trú Bắc Kinh.
Ông Trần Phá Không, chuyên gia về các vấn đề thời sự chính trị của Trung Quốc, cho biết trong một tiết mục từ truyền thông vào ngày 13/5 rằng, khu cảnh vệ thủ đô Bắc Kinh dường như đã xảy ra chuyện. Vương Xuân Ninh, vừa mới làm chỉ huy Quân đồn trú Bắc Kinh, Ủy viên Thường vụ Thành ủy Bắc Kinh được 4 tháng, đã bị bãi chức Thường Ủy viên. Cảnh vệ khu Bắc Kinh trấn giữ thủ đô có hai sư đoàn và một trung đoàn với khoảng 30.000 người. Lực lượng quân sự của nó lớn hơn cả Cục An ninh Trung ương.
Ông Trần Phá Không cho rằng ông Vương Xuân Ninh đột nhiên bị loại khỏi Thường vụ Thành ủy Bắc Kinh ngay trước khi “Lưỡng hội” khai mạc, rõ ràng là ông Tập Cận Bình đã có sự nghi ngờ đối với Vương. Là chỉ huy của Quân đồn trú Bắc Kinh, nắm trong tay quyền lực quân sự then chốt như vậy, liệu Vương Xuân Ninh có tham gia vào cuộc đảo chính không? Vấn đề này rất đáng được quan tâm.
Sau ‘sự bất thường’ của Vương Xuân Ninh, ngày 12/5, ông Hồ Vấn Minh (Hu Wenming), nguyên Bí thư, Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp nặng – Đóng tàu Trung Quốc (The China Shipbuilding Industry Corporation, CSIC), một doanh nghiệp siêu lớn đặt dưới sự quản lý của Quốc Vụ viện Trung Quốc, đã bị ngã ngựa.
Ông Hồ Vấn Minh là đồng hương Dương Châu của ông Giang Trạch Dân – cựu lãnh đạo của ĐCSTQ, quan lộ thăng tiến lên trong thời gian ông Giang nắm quyền. Thời mà ông Quách Bá Hùng – thân tín của ông Giang Trạch Dân, đảm nhận chức Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, ông Hồ Vấn Minh tiếp quản Tổng cục Vũ trang và lần lượt nắm trong tay bốn doanh nghiệp công trình quân sự lớn của ĐCSTQ, là Tổng chỉ huy nghiên cứu chế tạo tàu chiến và máy bay tiêm kích đa nhiệm vụ J-10 của tỉnh Liêu Ninh.
Ông Diêu nói rằng sau khi lãnh đạo mới của ĐCSTQ lên nắm quyền, họ đều thanh trừng thân tín trong quân đội của người lãnh đạo trước đó, ví như Đặng Tiểu Bình đã thanh trừng bè lũ tay chân của Mao Trạch Đông. Sau khi Giang Trạch Dân lên nắm quyền đã thanh trừng thân tín của Đặng Tiểu Bình. Sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, ông Tập bắt đầu thanh trừ thân tín trong quân đội của ông Giang Trạch Dân, bắt giữ hàng trăm tướng lĩnh, gồm hai cựu Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương là Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu; Ủy viên Quân ủy Trung ương Trương Dương, Phòng Phong Huy; Chính ủy Không quân Điền Tu Tư, Tư lệnh Lực lượng Cảnh sát Vũ trang Vương Kiến Bình, Hiệu trưởng Đại học Quốc phòng Trung Quốc Vương Hỷ Bân, …
Tuy nhiên, hầu hết các sĩ quan cao cấp trong quân đội đều được mua bằng tiền. Có ai là không liên quan đến Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng? Quân đội vốn “không một lòng” với Tập Cận Bình, vậy nên với ai không nghe lời thì Tập sẽ bắt giữ kẻ đó.
Gần đây, ông Trương Hựu Hiệp – Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương; nguyên Chủ nhiệm Bộ Phát triển Trang bị Quân ủy Trung ương Trung Quốc, thân tín trong quân đội của ông Tập Cận Bình, nhấn mạnh thanh trừng “u nhọt trong quân đội”. Tình hình đấu đá Trung Nam Hải ngày càng quyết liệt, giới quan sát bên ngoài đoán rằng phải chăng lại tiến hành một vòng chỉnh đốn mới trong quân đội.
Thực tế, đã có những thay đổi khác lạ trong quân đội. Theo thông tin chính thức, trong quân đội có 5 người đã bị cách chức khỏi chức vụ đại biểu của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, trong đó có 4 tướng lĩnh, bao gồm Diệp Thanh – nguyên cựu Ủy viên chính trị quân khu tỉnh Hải Nam, Mạnh Trung Khang – nguyên cựu Ủy viên chính trị quân khu tỉnh Giang Tô, Nhiêu Khai Huân (Rao Kaixun) – cựu phó chỉ huy trưởng kiêm tham mưu trưởng của Lực lượng chi viện chiến lược, Từ Hướng Hoa (Xu Xianghua) – cựu phó chỉ huy lục quân của chiến khu Tây bộ. Cả bốn người này đều đã ngã ngựa.
Ông Diêu Thành nói, hiện giờ tình hình chính trị ở Trung Nam Hải rất quái dị, nội bộ quân đội tồn tại các vấn đề nghiêm trọng, các sĩ quan cao cấp của ĐCSTQ đều đang đứng ngồi không yên, tất cả đều đang dõi theo tình hình, căn bản không có năng lực tấn công Đài Loan.
Cũng có phân tích cho rằng, Bắc Kinh trấn áp Hồng Kông càng nghiêm trọng, đối với Đài Loan thì lại càng trở nên bất lực hơn. Điều này hiển nhiên là có quan hệ trọng đại với tình cảnh Bắc Kinh đang bị cả thế giới cô lập. Trước mắt, cộng đồng quốc tế có được lập trường nhất trí hơn bao giờ hết về việc truy cứu trách nhiệm dịch bệnh và vấn đề Hồng Kông đối với ĐCSTQ.
Sau khi “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” được thông qua, Hoa Kỳ, Canada, Anh và Úc đã ra tuyên bố chung vào ngày 28/5, lên án ĐCSTQ vi phạm “Tuyên bố chung Trung-Anh” và chính sách “một quốc gia, hai chế độ”, phá hủy sự thịnh vượng và tự do của Hồng Kông. Chính phủ Nhật Bản cũng tuyên bố rằng chính sách “một quốc gia, hai chế độ” có ý nghĩa rất quan trọng đối với tự do của Hồng Kông, hành động này của ĐCSTQ có thể sẽ có tác động đến chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Nhật Bản trong thời gian tới.
Theo Wen Hui, NTDTV.com
Vũ Dương dịch và biên tập
Đăng theo dkn.tv