Cuốn sách “Báo cáo Minh Huệ: Cuộc đàn áp 20 năm đối với Pháp Luân Công ở Trung Quốc” của nhà xuất bản Minh Huệ, đã giành được giải bạc năm 2021 của Giải thưởng Benjamin Franklin cho mục “Sách đầu tay hay nhất và Sách phi hư cấu”
Theo The Epoch Times đưa tin, vào ngày 14/5 vừa qua, cuốn sách “Báo cáo Minh Huệ: Cuộc đàn áp 20 năm đối với Pháp Luân Công ở Trung Quốc” của nhà xuất bản Minh Huệ, đã giành được giải bạc năm 2021 của Giải thưởng Benjamin Franklin cho mục “Sách đầu tay hay nhất và Sách phi hư cấu”. Được biết, giải thưởng này do Hiệp hội các nhà xuất bản sách độc lập (IBPA) trao tặng.
IBPA là hiệp hội lớn nhất Hoa Kỳ dành cho các nhà xuất bản, được thành lập vào năm 1983. Giải thưởng Benjamin Franklin của IBPA là một trong những danh hiệu quốc gia cao nhất dành cho các nhà xuất bản độc lập.
Ông Michael J. Carson – một nhà phê bình cấp cao của Midwest Book Review (MBR), đã đánh giá rằng cuốn sách của nhà xuất bản Minh Huệ có “nhiều thông tin ấn tượng, được tổ chức và trình bày đặc biệt tốt”. Theo ý kiến của ông Carson, cuốn sách này là một “nghiên cứu độc đáo, đặc biệt và toàn diện, nó nên được đặc biệt giới thiệu rộng rãi đến các cá nhân, cộng đồng, trường cao đẳng và đại học”.
Ông Peter Westmore – Cựu Chủ tịch Hội đồng Công dân Quốc gia (NCC) ở Úc, đã kiến nghị cuốn sách này cho các thư viện cũng như các quan chức chính phủ, trong một bài đánh giá sách trên tạp chí “News Weekly” vào ngày 8/8/2020.
Ông Westmore viết rằng:
“Đối với những người lo ngại về việc lạm dụng quyền lực của Trung Quốc trên khắp thế giới, cuốn sách này là một nguồn thông tin thiết yếu”.
“… [nó] xứng đáng được tìm thấy trong các thư viện trên khắp thế giới, và trong các văn phòng của các nghị sĩ, để sự thật có thể được [lên tiếng]”.
Ông Zhang Lin – một tác giả tiếng Trung và từng là nhà bất đồng chính kiến người Trung Quốc bị chính quyền này giam giữ, đã chúc mừng Nhà xuất bản Minh Huệ về giải thưởng trên. Ông Zhang nói rằng, giải thưởng này đánh dấu sự công nhận vững chắc đối với những nỗ lực chống bức hại của các học viên Pháp Luân Công ở trong và ngoài Trung Quốc Đại lục. Đồng thời, ông cũng nói thêm rằng giải thưởng sẽ giúp đưa sự thật về Pháp Luân Công rộng khắp ra toàn thế giới, và tố cáo bản chất tà ác của ĐCSTQ.
Ông Zhang nói:
“Cộng đồng các học viên Pháp Luân Công biết rõ nhất bản chất xấu xa của ĐCSTQ, [Đó là] những người đáng được tôn trọng”.
Tác giả Zhang nhớ lại khi bị giam giữ ở Trung Quốc, ông đã gặp gỡ nhiều người trong số các học viên Pháp Luân Công trong tù, và đã có một tình bạn khó quên với họ. Ông đã tận mắt chứng kiến các học viên Pháp Luân Công không sợ hãi khi đối mặt với sự tra tấn và ngược đãi trong tù.
Về phía nhà xuất bản Minh Huệ, ông David Li – đại diện cho Nhà xuất bản, đã cảm ơn Hiệp hội IBPA trong bài phát biểu nhận giải. Ông Li nói rằng, đây là một vinh dự của ông khi lên tiếng cho một cộng đồng những người tu luyện ôn hòa ở Trung Quốc – những người đã bị bức hại tàn bạo vì đức tin của họ.
Ông Li nói rằng:
“Các tình nguyện viên cho trang web Minghui.org là một đội ngũ tuyệt vời. Nếu không có họ, cuốn sách này sẽ không thể thực hiện được. Thật khó có thể diễn tả được họ đã can đảm như thế nào khi mạo hiểm sự an toàn của mình để thu thập được thông tin, trong lúc đang bị ĐCSTQ phong tỏa và giám sát gắt gao”.
Cuốn sách “Báo cáo Minh Huệ: Cuộc đàn áp 20 năm đối với Pháp Luân Công ở Trung Quốc” dày 450 trang, ghi lại dữ liệu trực tiếp chế độ cộng sản Trung Quốc và các nơi khác trên thế giới; cho người đọc thấy cách mà chế độ này áp đặt các cuộc đàn áp đối với các học viên Pháp Luân Công như thế nào, cách mà nó mở rộng cuộc đàn áp ra nước ngoài cũng như đe dọa các nhà lãnh đạo và doanh nhân nước ngoài.
Theo trang web Minghui.org, cuốn sách dựa trên thông tin trực tiếp mà Minh Huệ thu thập được, nhằm phơi bày “sự tàn khốc của cuộc bức hại ở Trung Quốc và ở nước ngoài”, vai trò của những thủ phạm chính và hệ thống phòng 610 trong cuộc bức hại, đồng thời chỉ ra “những quan niệm sai lầm của các chuyên gia và học giả Trung Quốc – những người đã bị lừa dối bởi câu chuyện do ĐCSTQ dựng nên”.
------------------------
Pháp Luân Công là môn công Pháp tu luyện cổ xưa theo trường phái Phật Gia dạy con người sống theo Chân - Thiện - Nhẫn. Những học viên Đại Pháp phải lấy nguyên lý này làm kim chỉ nam tu luyện. Then chốt là phải tu dưỡng tâm tính từ cốt lõi. Từ đó, mỗi học viên Pháp Luân Công đều trở thành người tốt, chân thành, thiện lương, nhẫn nhịn luôn biết nghĩ đến người khác.
Cho đến nay, Pháp Luân Công đã nhận được hơn 3600 bằng khen và công nhận của chính phủ các nước vì những lợi ích mà môn Pháp mang lại. Riêng Nhà sáng lập môn Pháp - Đại sư Lý Hồng Chí đã được đề cử 05 giải Nobel Hòa Bình. Trong "Danh sách 100 thiên tài đương đại" năm 2007, Ông được xếp hàng thứ 12, là người Hoa có ảnh hưởng lớn nhất đến thế giới đương thời. Ông còn được nghị viện Châu Âu đề cử giải thưởng tự do tư tưởng Sakharow 2001,... (Xem danh sách các giải thưởng của Pháp Luân Công tại đây)
Ngày 20/7/1999, cá nhân ông Giang Trạch Dân, khi đó là Tổng Bí Thư kiêm Chủ Tịch nước TQ đã phát động cuộc đàn áp vô lý và cực kỳ tàn ác lên những người tu luyện Đại Pháp vô tội. Nguyên nhân của sự đàn áp này xuất phát từ tâm ích kỷ, đố kỵ cá nhân, đồng thời lo sợ khi một cộng đồng tín ngưỡng (dù rất lương thiện) đông lên sẽ gây áp lực đến chủ nghĩa vô thần mà ĐCSTQ tôn sùng.
Các chiến lược chính của ông Giang trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công bao gồm “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính, hủy hoại thân thể.” Ông này đã lập tổ chức "phòng 610" với hơn 1000 phòng 610 khắp các tỉnh thành. Tổ chức này đứng trên pháp luật và có toàn quyền đối với việc bức hại Pháp Luân Công. Theo đó, ĐCSTQ tiêu hủy các cuốn sách của Pháp Luân Công, phong tỏa thông tin trên Internet, dàn dựng vụ tự thiêu trên quảng trường Thiên An Môn và bôi nhọ Pháp Luân Công trên các phương tiện truyền thông. Ông Giang cũng phạt nặng các học viên, tịch thu tài sản cá nhân của họ, đuổi việc và sách nhiễu việc làm ăn của họ.
Trong suốt thời gian cầm quyền, ĐCSTQ đã bắt cóc và giam giữ trái phép trong các nhà tù, các trại lao động cưỡng bức, những trung tâm tẩy não,... không chỉ học viên Pháp Luân Công mà còn những tín đồ các tôn giáo và cộng đồng người Ngô Duy Nhĩ. Việc giam giữ này không chỉ bức hại để họ từ bỏ niềm tin, tín ngưỡng mà còn là nơi cung cấp nguồn lao động dồi dào. Những tù nhân vô tội bị cưỡng ép lao động quá sức mà không trả lương. Vì sao hàng hóa TQ có giá rẻ mạt phần lớn cũng là vì thế. Kinh khủng hơn, các tù nhân lương tâm chính là nguồn cung cấp nội tạng cho ngành công nghiệp ghép tạng. Theo đó, các quan chức ĐCSTQ thu về ngân sách và túi riêng một lượng tiền khổng lồ.
Một báo cáo do nhà báo Ethan Gutmann (người được đề cử giải Nobel Hòa Bình) công bố năm 2016 - 2017, dựa trên số liệu công khai của 712 bệnh viện tại TQ cho thấy, có khoảng 60.000 - 100.000 ca ghép tạng mỗi năm. Con số này chênh lệch gấp 1-10 lần con số mà chính quyền TQ công bố.
Tâm Di
Theo NTDVN