Bắc Kinh bưng bít toàn cảnh hệ thống ngân hàng Trung Quốc phá sản, sáp nhập, các vụ vỡ nợ ngày càng tăng tại các công ty ủy thác; mối đe dọa rút tiền gửi ồ ạt dẫn đến một làn sóng phá sản mới; mức nợ tiêu dùng tăng cao; còn các quỹ tài chính địa phương là tảng băng chìm khổng lồ; từ trung ương và địa phương giằng co, đùn đẩy không có giải pháp...
Bắc Kinh bưng bít toàn cảnh khủng hoảng hệ thống ngân hàng Trung Quốc... từ trung ương và địa phương giằng co, đùn đẩy không có giải pháp... (Ảnh: Feng Li/Getty Images)
Thất bại của ngân hàng Baoshang vào tháng 8/2020 đánh dấu sự sụp đổ đầu tiên của một ngân hàng Trung Quốc sau 22 năm. Các công ty ủy thác và nhiều ngân hàng cho vay sẽ bị sáp nhập, các chuyên gia đang đặt câu hỏi: cuộc khủng hoảng tài chính của Trung Quốc sẽ còn tồi tệ đến mức độ nào?
Sự sụp đổ của Baoshang là ‘bất thường’
Người ta chú ý đến sự thất bại của ngân hàng Baoshang. Quyết định của Bắc Kinh để cho ngân hàng thương mại khu vực Nội Mông này nộp đơn phá sản vào đầu tháng 8/2020 đã đánh dấu vụ vỡ nợ đầu tiên của ngân hàng Trung Quốc kể từ năm 1998.
Sự sụp đổ của Baoshang là “bất thường” ở nhiều cấp độ. Nó thuộc sở hữu của một tập đoàn tư nhân có tên là Tomorrow Group - sở hữu 89% - bản thân điều này là “không bình thường”, vì hầu hết mọi ngân hàng Trung Quốc đều do nhà nước điều hành. Người sáng lập của Tomorrow, Xiao Jianhua đã không xuất hiện trước công chúng kể từ khi ông "biến mất" khỏi khách sạn Four Seasons sang trọng ở Hong Kong vào năm 2017, ngay sau đêm giao thừa Tết Nguyên đán.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bác bỏ tuyên bố rằng chính quyền này đã bắt cóc Xiao, một công dân Canada từng được cho là trị giá 6 tỷ USD. Tuy nhiên, sau đó Xiao đã phải trình diện tại một tòa án đại lục, bị buộc tội sử dụng Baoshang như một quỹ rửa tiền để thu lợi cho hoạt động kinh doanh của mình.
Các cơ quan quản lý phát hiện ra rằng từ năm 2005 đến 2019, Baoshang đã cho Tomorrow vay tới 156 tỷ Rmb (22,5 tỷ USD), dưới dạng 347 khoản vay không khai báo, và sử dụng 209 công ty thành viên.
Không dừng lại ở đó, các nhà quản lý đã tìm thấy một lỗ đen tài chính trị giá 90 tỷ Rmb và bằng chứng cho thấy các quản lý cũ của Baoshang đã biển thủ 50 tỷ Rmb khác. Quản trị rủi ro và quản trị doanh nghiệp tại ngân hàng đã sụp đổ. Vào tháng 12/2019, Xiao bị kết án tù chung thân.
Rất nhiều vụ sáp nhập đang diễn ra nhưng không được đưa tin
Đây là lần thứ hai trong vòng 12 tháng, một ngân hàng liên kết với Xiao bị ĐCSTQ tịch thu. Vào tháng 8 năm 2019, Central Huijin, một bộ phận của Tập đoàn Đầu tư Trung Quốc, một quỹ đầu tư quốc gia, đã rót tiền vào Ngân hàng HengFeng có trụ sở tại Sơn Đông để tăng tỷ lệ an toàn vốn của mình. Vào tháng 12, HengFeng đã huy động được 14 tỷ USD vốn mới, bán 60 tỷ cổ phiếu mới cho Huijin và 1,86 tỷ cho United Overseas Bank.
Vào ngày 13/8, truyền thông Trung Quốc thông báo về “câu chuyện hợp nhất” các ngân hàng nhà nước khác: Jincheng Bank, Changzhi Bank, Yangchuan City Commercial Bank và Jinzhong Bank. Những khó khăn tài chính tại 5 ngân hàng dường như có liên quan đến vụ bê bối tham nhũng tại một công đoàn tín dụng nông thôn ở Sơn Tây và các hoạt động của Tian Wenjun, tỷ phú chủ sở hữu của một tập đoàn tư nhân khác có tên Longyue Industry Group.
Longyue được tái cơ cấu sau khi các khoản nợ 36 tỷ Rmb được tìm thấy trên sổ sách và cả 5 ngân hàng được cho là nằm trong số các chủ nợ của nó. Vào tháng 9/2019, ngân hàng Yangquan cho biết tỷ lệ nợ xấu (NPL) của họ là 25%, so với mức trung bình của các ngân hàng thương mại thành phố là 4,22% vào cuối tháng 3/2020.
Những ngân hàng Trung Quốc tồn tại chỉ để phục vụ ĐCSTQ
Cả hai vụ gian lận khổng lồ này đều không thể đổ lỗi cho dịch viêm phổi Vũ Hán. Cả hai đều diễn ra trước đại dịch và xuất phát từ các quyết định được thực hiện trong một khoảng thời gian nhiều năm. Nhưng cũng không ngạc nhiên khi hiện nay chúng đang nổi lên với số lượng lớn hơn bao giờ hết.
Covid-19 đã tấn công tất cả mọi người, nhưng các vấn đề của Trung Quốc có đặc thù của riêng nó.
Minxin Pei, giáo sư chính phủ tại Đại học Claremont McKenna College ở California và là chuyên gia về quản trị Trung Quốc, cho biết vấn đề lâu năm đối với những tổ chức tín dụng của Trung Quốc nằm ở chỗ họ “không phải là ngân hàng theo nghĩa truyền thống. Họ tồn tại để phục vụ giới cầm quyền - các quan chức địa phương và ĐCSTQ".
Các ngân hàng này cho vay nhiều đối với các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có khả năng trả nợ thấp hơn nhiều so với khu vực tư nhân, trong cả thời điểm tốt và xấu.
Con số các ngân hàng thất bại đang tăng lên
Vào tháng 11 năm 2019, trong Báo cáo ổn định tài chính hàng năm của Trung Quốc, ngân hàng trung ương cho biết họ xem 586 trong số 4.379 tổ chức cho vay chính thức của nước này (hay hơn 13% trong tổng số) là "rủi ro cao".
Đáng lo ngại nhất là về cuộc kiểm tra rủi ro mà ngân hàng trung ương thực hiện trên 30 ngân hàng quy mô vừa và lớn. Khi giả định tăng trưởng kinh tế là 5,3% vào năm 2020 (giảm nhẹ từ 6,1% vào năm 2019), thì 9 trong số 30 ngân hàng đã thất bại. Khi kiểm tra tình huống xấu nhất là tăng trưởng 4,15%; con số thất bại của ngân hàng đã tăng lên 17.
Năm nay, IMF gợi ý nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 1%, tốc độ chậm nhất kể từ năm 1976.
Vậy thực hư vấn đề ở Trung Quốc như thế nào? Liệu sẽ có những báo động thực sự - hay các cơ quan quản lý sẽ tìm cách lách qua, loại bỏ các khoản nợ xấu bằng cách phân loại lại, hoặc chuyển chúng vào các công ty quản lý tài sản?
Trong một báo cáo được công bố vào tháng 6 năm 2020, Rhodium Group, một công ty nghiên cứu có trụ sở tại New York, đã cảnh báo về “những dấu hiệu căng thẳng mới và quan trọng” đang hình thành trong hệ thống tài chính của Trung Quốc.
Điều này chỉ ra sự đổ vỡ trên diện rộng trong niềm tin của công chúng đối với các sản phẩm đầu tư, và thậm chí là mất tín nhiệm vào nhà nước (với tư cách là hậu thuẫn cuối cùng). Khi điều đó bị xói mòn, và các điều kiện đã "chín muồi", thì "một cuộc khủng hoảng ngân hàng Trung Quốc sẽ nhanh chóng diễn ra”, ông Rhodium nói.
Các báo cáo truyền thông khác xác định có bốn ngân hàng bị rút tiền ồ ạt ở đại lục kể từ đầu năm. Các công ty tín thác - các tổ chức phi ngân hàng cho vay với lãi suất cao hơn - đang phải đối mặt với thời điểm khủng hoảng của chính họ.
Vào cuối tháng 3 năm 2020, Trung Quốc có 68 công ty ủy thác với tổng tài sản là 21,3 nghìn tỷ Rmb. Trong nửa đầu năm, đã xuất hiện dấu hiệu chắc chắn cho thấy các khoản lỗ gia tăng, rủi ro vỡ nợ lan rộng, ông Rhodium cho biết.
Vào tháng 4, các văn phòng tại Thượng Hải của Anxin Trust, từng được coi là công ty ủy thác sinh lời cao nhất Trung Quốc, đã khiến các nhà đầu tư tức giận vì quỹ này tìm cách trì hoãn ngày trả nợ cho một sản phẩm quản lý tài sản trong một năm liên tiếp.
ĐCSTQ đối mặt với ‘rủi ro hệ thống’ không thể kiểm soát
Sự lo lắng bắt đầu lan tỏa kể từ khi công ty Anxin niêm yết tại Thượng Hải thừa nhận vào tháng 9/2019 rằng tỷ lệ nợ xấu của họ đã tăng từ 9% lên 83% trong một năm. Nó thuộc sở hữu của một công ty đầu tư có tên là Shanghai Gorgeous, người sáng lập là doanh nhân Gao Tianguo đã bị giam giữ vào tháng 5/2020 trong một cuộc điều tra về tội cho vay bất hợp pháp.
Những người biểu tình cũng đã tụ tập bên ngoài trụ sở của công ty Tín thác Sichuan Trust, phía tây nam Thành Đô vào tháng 6/2020 để đòi lại tiền của họ. Công ty nợ các nhà đầu tư 20 tỷ Rmb, và đang cố gắng huy động vốn bằng cách bán văn phòng và cổ phần của nó trong CTCK Hongxin Securities.
Truyền thông địa phương cho biết các nhà đầu tư đã viết thư ngỏ cho Guo Shuqing, chủ tịch CBIRC, cơ quan quản lý ngân hàng của Trung Quốc. Bức thư viết rằng: "Đừng buộc hàng ngàn người trong chúng tôi phải kiến nghị ở Bắc Kinh, điều đó sẽ gây thêm rắc rối cho ban lãnh đạo trung ương và tác động tiêu cực đến lòng tin và sự biến động trong thị trường tài chính của đất nước".
Cơn ác mộng tồi tệ nhất của ĐCSTQ
Những người dân thường bị lừa hết tiền và đổ xuống thủ đô để biểu tình là cơn ác mộng tồi tệ nhất của ĐCSTQ.
Vậy liệu sự đan xen giữa căng thẳng tài chính mới và những rủi ro tích lũy từ lâu nay, trong bối cảnh nền kinh tế yếu kém, có thể hiện một rủi ro hệ thống mà nhà nước không thể quản lý?
Logan Wright, Giám đốc nghiên cứu thị trường Trung Quốc của Rhodium, cho biết điều đó sẽ xảy ra nếu mọi người thực sự tin rằng sự đảm bảo của nhà nước đang suy yếu.
Bắc Kinh đã khởi động một chương trình kích thích 500 tỷ USD vào tháng 5/2020. Các điều kiện tiền tệ và tín dụng đang được nới lỏng. Các cơ quan quản lý đã yêu cầu ngân hàng gia hạn các khoản nợ xấu mới và cho phép người vay quá hạn, cho đến khi điều tồi tệ nhất của đại dịch qua đi.
Andrew Collier, nhà phân tích Trung Quốc tại công ty nghiên cứu Global Source Partners và một chuyên gia về ngân hàng cho biết: “Các ngân hàng lớn sẽ vẫn được bảo vệ, nhưng sẽ có nhiều ngân hàng nhỏ hơn thất bại".
Xiang Songzuo, cựu nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc và là cựu phó giám đốc của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, cho biết: "Chúng ta sẽ thấy nhiều trường hợp ngân hàng được tái cơ cấu, sáp nhập, kiểm soát lại bởi ngân hàng trung ương. Các ngân hàng nhỏ hơn, các hợp tác xã nông thôn, sẽ ngày càng phải đối mặt với nhiều vụ vỡ nợ hơn".
Vấn đề là cần tăng vốn, nhưng tiền sẽ đến từ đâu?
“Tôi nghĩ đó là một cuộc khủng hoảng. Hãy nhìn áp lực nợ xấu mà các ngân hàng nhỏ, ngân hàng khu vực phải đối mặt. Họ đang chịu rất nhiều áp lực để tăng cơ sở vốn, nhưng tiền sẽ đến từ đâu?”, Andrew Collier thuộc Global Source cho biết.
Hệ thống kinh tế của Trung Quốc được thiết lập để chuyển tiền mặt từ các ngân hàng nhà nước đến các doanh nghiệp tư nhân. Khi các khoản vay trở nên khó khăn, nhiều khoản được bán cho các công ty quản lý tài sản (AMC).
Vào tháng 3 năm 2020, Bắc Kinh đã thành lập AMC cấp quốc gia thứ năm, cùng với bốn AMC được thành lập vào năm 1999 để cứu trợ các ngân hàng nhà nước lớn của mình. 60 AMC địa phương khác đã được mở từ năm 2015 đến năm 2017 để xử lý nợ xấu cấp tỉnh.
Các công ty nước ngoài thậm chí đã được mời trở lại, một dấu hiệu cho thấy sự khát vốn của Trung Quốc. Vào tháng 2/2020, Oaktree Capital Management có trụ sở tại Los Angeles đã mua khoản nợ địa phương trị giá 6,5 tỷ USD.
Theo tính toán, bộ tứ AMC, bao gồm Cinda và Huarong, đã mua 100 tỷ USD các khoản nợ xấu mới mỗi năm. Bên bán bao gồm các tổ chức cho vay lớn như ICBC, cũng như 10 công ty cho vay cổ phần và 130 ngân hàng thương mại thành phố.
Nhưng mỗi năm lượng nợ xấu lại tăng, và trong một năm khủng hoảng như thế này, áp lực tài chính càng tăng lên, buộc “cỗ máy mua nợ khó đòi” phải hoạt động quá mức.
May Yan, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vốn chủ sở hữu tài chính lớn của Trung Quốc tại UBS, cho rằng hệ thống ngân hàng sẽ “bị ảnh hưởng bởi một cú sốc lớn lên tới 6 nghìn tỷ Rmb đối với các khoản nợ xấu mới do hậu quả trực tiếp của đại dịch. Hầu hết sẽ không được công nhận trong một vài năm do chính sách xử lý nợ dẫn cách”.
Vào tháng 8/2020, giám đốc CBIRC Guo cho biết lượng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng sẽ tăng 3,4 nghìn tỷ Rmb trong năm nay; tăng từ 3,3 nghìn tỷ Rmb vào năm 2019. Ông cảnh báo rằng con số này sẽ còn tăng nhanh hơn vào năm 2021.
Vào tháng 2/2020, S&P Global Ratings cho biết tỷ lệ các khoản cho vay mà họ cho là "có vấn đề" sẽ tăng từ 6,5% vào đầu năm lên tới 11,5% sau đại dịch.
Ngay cả khi muốn, Bắc Kinh không thể “hút” tất cả các khoản nợ xấu hiện có ra khỏi hệ thống và gửi chúng vào các AMC mới hoặc hiện có. Khối lượng các khoản nợ xấu quá lớn và ĐCSTQ đơn giản là không có khả năng chi trả.
Chuyên gia kinh tế Garcia-Herrero nói: “Ngày nay, nền kinh tế Trung Quốc không có tiền của chính phủ. Có một lựa chọn rẻ hơn là xoay vòng nợ xấu từ địa điểm này sang địa điểm khác. Họ hy vọng bằng cách pha loãng chúng, chúng sẽ biến mất. Nhưng chúng sẽ không”.
Kết quả là một bãi rác thải tài chính khổng lồ bỗng xuất hiện, và dù ĐCSTQ vội vã đưa ra các quyết định nhanh chóng với mong muốn khắc phục, mọi thứ dường như chỉ đơn giản là… vô vọng.
Không có giải pháp cho vấn đề, chỉ có nợ 'đảo qua đảo lại'
Một trong những mục tiêu lớn của ông Tập trong năm 2020 là khẳng định quyền kiểm soát đối với tất cả các tổ chức cho vay chính thức, bao gồm cả các ngân hàng thành phố.
Ông Tập nói: “Không ngại các khoản nợ xấu được tạo ra - điều đó không sao miễn là không có bất ngờ lớn nào”.
Hai chuyên gia về Trung Quốc bày tỏ điều khiến họ lo lắng nhất về nền kinh tế lớn nhất châu Á lúc này, theo cách hoàn toàn khác nhau.
Đối với Yi Xiong, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Deutsche Bank, đó là chính quyền địa phương (LGFV). “LGFV là phần tôi lo lắng. Các chính quyền địa phương đã vay nặng lãi trong một thập kỷ hoặc lâu hơn. Để giải quyết vấn đề, cần phải cải cách cơ bản vai trò của chính quyền địa phương trong nền kinh tế Trung Quốc”.
Ông nói: “Các LGFV đã được tái cấu trúc và cứu trợ. Các LGFV nhỏ hơn đang hợp nhất với các LGFV lớn hơn. Câu hỏi đặt ra là - điều gì sẽ xảy ra nếu những cái lớn hơn gặp rắc rối? Bạn có thể sẽ thấy nhiều LGFV hơn được cứu trợ hoặc được tái cấu trúc trong 5 năm tới".
Chuyên gia Wright của Rhodium Group chỉ ra ba mối quan tâm: các vụ vỡ nợ ngày càng tăng tại các công ty ủy thác; mối đe dọa từ việc người dân rút tiền khỏi ngân hàng sẽ dẫn đến một làn sóng phá sản mới; và mức nợ tiêu dùng tăng cao.
Dữ liệu do Trường Quản lý Quảng Hoa ở Bắc Kinh tổng hợp cho thấy tất cả các khoản vay tiêu dùng vào cuối năm 2019 là 8 nghìn tỷ Rmb, tăng gấp 400 lần chỉ trong 5 năm.
UBS cho biết rất nhiều khoản nợ mới là khoản vay tiêu dùng từ người có thu nhập thấp và công việc không ổn định, họ “vay với lãi suất cao hơn, thông thường từ 24% đến 36%, để cải thiện lối sống của họ”.
Nhưng tất cả những điều này đều nhạt nhòa so với căng thẳng mà các ngân hàng của Trung Quốc phải đối mặt, chắc chắn sẽ có nhiều sự cố xảy ra. Một chu kỳ hình thành nợ xấu khác mới chỉ bắt đầu.
Sẽ có nhiều công ty ủy thác thất bại hơn và nhiều hơn - có thể nhiều hơn nữa - các vụ sáp nhập ngân hàng. “Không có giải pháp nào cho vấn đề này. Chỉ có đảo qua đảo lại", chuyên gia Xiang nói.
Trong nhiều năm qua, Bắc Kinh đã kêu gọi người dân chi tiêu nhiều hơn để tạo ra một nền kinh tế khép kín và hướng tới tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, hãy cẩn thận về những gì mà ĐCSTQ mong muốn.
Tác giả: Elliot Wilson là Biên tập viên Greater China và là chuyên gia về Ngân hàng Tư nhân và Quản lý Tài sản
Đức Duy - Theo NTDVN