Hồ Xuân Hoa, Phó Thủ tướng Trung Quốc, gần đây đã yêu cầu tỉnh trưởng các tỉnh ở Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về thực phẩm và đảm bảo rằng “lương thực chỉ tăng chứ không giảm”. Tin tức này khiến ngoại giới liên tưởng đến một cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ đang xảy ra ở Trung Quốc.
Vào ngày 27/7, trong một cuộc họp về an ninh lương thực của Trung Quốc, ông Hồ Xuân Hoa tuyên bố rằng ông sẽ “thúc đẩy toàn diện việc thực hiện hệ thống trách nhiệm của tỉnh trưởng về an ninh lương thực”.
Hồ Xuân Hoa yêu cầu các tỉnh trưởng đảm nhận trách nhiệm chính trong việc đảm bảo an ninh lương thực trong khu vực của họ. Cho dù đó là khu vực sản xuất ngũ cốc chính, khu vực cân bằng sản xuất và bán hàng hay khu vực bán hàng chính, đều cần phải đảm bảo rằng diện tích gieo hạt và sản lượng sẽ chỉ tăng và không giảm.
Trước đó một ngày, truyền thông chính thức của Trung Quốc cũng công bố một tài liệu nhấn mạnh rằng thu hoạch lương thực vụ hè thu năm nay là một vụ mùa bội thu. Sản lượng đạt 142,8 triệu tấn, tăng 1,21 triệu tấn, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước và đạt mức cao kỷ lục.
Báo cáo tuyên bố rằng “Nông nghiệp của Trung Quốc bội thu từ năm này qua năm khác, với trữ lượng ngũ cốc đầy đủ, nó hoàn toàn có khả năng đảm bảo việc cung cấp ngũ cốc và các sản phẩm nông nghiệp quan trọng, củng cố một tuyến phòng thủ an ninh lương thực quốc gia”.
Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc cũng đã ban hành một văn bản vào ngày 16/7, tuyên bố rằng “Trung Quốc đã có một vụ mùa bội thu, diện tích trồng các loại cây lương thực chính là ổn định, trữ lượng lúa và lúa mì tồn kho đầy đủ, về cơ bản là tương đương với mức tiêu thụ một năm của người dân cả nước”.
Tuy nhiên, tuyên bố chính thức của chính quyền lại khác xa so với thực tế. Khi đến đợt thu hoạch ngũ cốc vụ hè thu trong năm nay, Trung Quốc liên tục hứng chịu lũ lụt, hạn hán và sâu bệnh ở phía Bắc và phía Nam.
Kể từ tháng 6, các tỉnh miền nam Trung Quốc đã hứng chịu những trận mưa lớn và lũ lụt. Giang Tây, Hồ Nam, Hồ Bắc, Giang Tô, An Huy và các tỉnh khác trong 13 khu vực sản xuất ngũ cốc chính của Trung Quốc là những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của mưa lũ.
Trước đó, tỉnh An Huy vì muốn “đảm bảo an toàn cho Hà Nam ở phía trên, Giang Tô ở phía dưới” nên đã khởi động trữ lũ, dẫn đến lũ lụt tràn lan, cộng thêm nhiều ngày mưa bão, Sào Hồ ở An Huy và sông Trừ, một nhánh của sông Dương Tử, tiếp tục vượt mực nước cao nhất trong lịch sử. Việc xả lũ của đập sông Trừ đã làm ngập một lượng lớn đất nông nghiệp.
Một nông dân địa phương ở An Huy đã quay lại một đoạn video và nói rằng: “Tôi luôn ngại ngùng khi nói với những người dân làng của tôi, bởi vì cộng đồng mạng đang tuyên dương ca ngợi người dân An Huy, người An Huy hi sinh lợi ích nhỏ vì đại cuộc, nhưng đối với nông dân chúng tôi mà nói, việc trồng 300 mẫu đất này thực sự đã lấy đi tất cả những gì chúng tôi có, phí hợp đồng, phí hạt giống, phí thuốc trừ sâu, phí nhân công… tất cả đều bị ngập trong nước. Chúng tôi thực sự không biết phải đối mặt cuộc sống sau này như thế nào”.
Mặt khác, các tỉnh Sơn Đông, Hà Bắc, Hà Nam, Hắc Long Giang và các tỉnh khác lại đang hứng chịu hạn hán nghiêm trọng.
Theo dữ liệu của Chi cục Thủy lợi tỉnh Cát Lâm vào ngày 27/7 cho thấy, lượng mưa ở tỉnh Cát Lâm kể từ ngày 21/7 là rất ít ỏi, tình hình hạn hán ở tỉnh này đã trầm trọng hơn và ngày càng mở rộng. Lượng mưa từ ngày 21 đến 26/7 thấp hơn 98,3% so với cùng kỳ năm trước.
Một nông dân địa phương trồng ngô ở Thiết Lĩnh, tỉnh Cát Lâm, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) rằng, ngô xung quanh nhà cô không hề tốt như quảng cáo của chính quyền. Ngô mà cô trồng vừa cao tới thắt lưng đã chết vì hạn hán, không thể thu hoạch và phải vứt đi. “Năm nay có một đợt hạn hán nghiêm trọng ở Đông Bắc Trung Quốc, trời không mưa”, thân cây ngô không ra bắp bởi vì hạn hán.
Dưới tình hình lũ lụt nghiêm trọng ở nhiều tỉnh phía Nam, Tập Cận Bình đã đến thăm Hợp tác xã máy móc nông nghiệp Lô Vĩ ở huyện Lê Thụ, thành phố Tứ Bình, tỉnh Cát Lâm vào ngày 22/7. Đài Á Châu Tự Do phân tích rằng việc kiểm tra các khu vực sản xuất ngũ cốc của Tập Cận Bình đã cho thấy cuộc khủng hoảng tiềm tàng của ngũ cốc Trung Quốc.
Gia Hưng - Theo Tinh Hoa