Cố vấn ĐCSTQ vạch ra kế hoạch kiểm soát Biển Đông, thách thức ảnh hưởng của Hoa Kỳ

Cố vấn ĐCSTQ vạch ra kế hoạch kiểm soát Biển Đông, thách thức ảnh hưởng của Hoa Kỳ

Cố vấn ĐCSTQ vạch ra kế hoạch kiểm soát Biển Đông, thách thức ảnh hưởng của Hoa Kỳ

Cố vấn ĐCSTQ vạch ra kế hoạch kiểm soát Biển Đông, thách thức ảnh hưởng của Hoa Kỳ

Cố vấn ĐCSTQ vạch ra kế hoạch kiểm soát Biển Đông, thách thức ảnh hưởng của Hoa Kỳ
Cố vấn ĐCSTQ vạch ra kế hoạch kiểm soát Biển Đông, thách thức ảnh hưởng của Hoa Kỳ
Thứ hai, 06-01-2025 15:47, (GMT+07:00)
Cố vấn ĐCSTQ vạch ra kế hoạch kiểm soát Biển Đông, thách thức ảnh hưởng của Hoa Kỳ
07-04-2021 16:23

Các kế hoạch được trình bày bởi vị giáo sư kiêm cố vấn cho Đảng Cộng sản Trung Quốc này hoàn toàn trái ngược với những tuyên bố công khai của ĐCSTQ về cách hành xử của họ trên các tuyến hàng hải.

Chính quyền Trung Quốc tiếp tục đưa ra các tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết khu vực Biển Đông, bất chấp phán quyết của tòa án quốc tế năm 2016 đã bác bỏ yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh. Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam đều có tuyên bố chủ quyền đối với các rạn san hô, cụm đảo và bãi đá ngầm trên tuyến hàng hải chiến lược, vốn là một trong những tuyến đường vận chuyển sầm uất nhất của thế giới.

Chế độ ĐCSTQ luôn thể hiện mình là kẻ không gây hấn trong việc tranh chấp lãnh thổ. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã tuyên bố hồi tháng 9 rằng; chế độ này “thực thi chính sách hướng đến tình thân ái và hữu nghị với các nước láng giềng” có liên quan đến Biển Đông.

Tuy nhiên trên thực tế, ĐCSTQ đang áp dụng chiến thuật len lỏi nhằm nắm quyền kiểm soát toàn bộ tuyến đường thủy này. Một khi đạt được điều này, nó có thể thách thức sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Ấn Độ Dương và xâm lược Đài Loan. Một bài báo gần đây của The Epoch Times cho biết giáo sư Kim Xán Vinh và cũng là phó hiệu trưởng của Khoa Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc đã tiết lộ mưu đồ này trong một bài phát biểu hồi tháng 7/2016. Giáo sư Kim đồng thời cũng là một cố vấn danh giá của ĐCSTQ.

 Chiến thuật của ĐCSTQ

Ông Kim khoe khoang về thành tích của ĐCSTQ trong việc giành quyền kiểm soát Đá Vành Khăn và Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham từ Philippines vào các năm 1995 và 2012.

Ông cho biết; “Sau khi chiếm [Đá Vành Khăn], chúng ta đã xua đuổi các ngư dân Philippines. Do đó, người  Philippines đã rất khó chịu. Ngư dân của họ đã đánh cá tại đó hàng ngàn năm nay”.

Vào năm 1995, Bắc Kinh bắt đầu đánh chiếm Đá Vành Khăn, khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng 200 hải lý của Philippines. Họ chiếm đóng bằng cách xây dựng các chòi tạm và tuyên bố rằng đây là nơi trú ẩn cho ngư dân Trung Quốc. Nỗ lực xây dựng này đã khiến Manila tức giận, tuy nhiên Washington không đứng về phía nào tại thời điểm xảy ra sự việc.

“[Hoa Kỳ] không đưa ra quan điểm nào về giá trị pháp lý của những tuyên bố chủ quyền của các bên đối với các chuỗi đảo, rạn san hô, quần đảo san hô và các vùng vịnh tại Biển Đông,” Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố vào năm 1995.

Chế độ ĐCSTQ từ đó đã  xây dựng một hòn đảo nhân tạo lớn trên rạn san hô. Vào tháng 2, công ty công nghệ Simularity có trụ sở tại Hoa Kỳ đã công bố các hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang tiếp tục tiến hành các hoạt động xây dựng mới trên đảo nhân tạo này.

Vào tháng 4/2012, việc phát hiện tám tàu cá Trung Quốc neo đậu tại Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham, một bãi đá ngầm cách đảo Luzon của Philippines 120 hải lý đã gây ra một cuộc tranh chấp giữa hải quân Philippines và Trung Quốc. Hoa Kỳ đã đứng ra dàn xếp một thỏa thuận nhằm xoa dịu căng thẳng, tuy nhiên Bắc Kinh sau đó đã từ chối thỏa thuận này và đã ngăn chặn ngư dân Philippines đánh bắt cá trong khu vực.

Giáo sư Kim nhấn mạnh tính hiệu quả của việc sử dụng tàu đánh cá Trung Quốc để thúc đẩy tham vọng của ĐCSTQ trong khu vực. Ông ta cho biết, ngay cả khi Philippines quyết định chuyển giao cho Hoa Kỳ toàn bộ vùng lãnh hải của họ tại Biển Đông, thì hải quân Hoa Kỳ cũng không thể bảo vệ họ trước Trung Quốc. Philippines hiện sở hữu ít nhất tám bãi đá ngầm, bãi cạn và cụm đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

“Nếu Hoa Kỳ đặt một tàu sân bay tại đó, Trung Quốc chỉ cần điều 2.000 tàu đánh cá đến bao vây nó. Tàu sân bay không có quyền tấn công các tàu đánh cá,” ông Kim cho hay.

Theo một tin tức gần đây trên tạp chí Military Review - một ấn phẩm của Quân đội Hoa Kỳ, bài báo cho biết một số ngư dân Trung Quốc được cho là tham gia cùng với hải quân Trung Quốc hoặc lực lượng bảo vệ bờ biển trong “các chiến thuật vùng xám”. Chiến tranh “Vùng xám” đề cập đến việc sử dụng các chiến thuật và tác nhân phi quân sự nhằm đạt được các mục tiêu của chiến tranh, nhưng lại không gây ra xung đột vũ trang. Nếu bị buộc tội hỗ trợ quân đội Trung Quốc, lực lượng ngư dân này có thể từ chối khi dùng lý do chính đáng với “danh tính kép là một quân nhân và thủy thủ dân sự”.

Bài báo chỉ ra rằng bế tắc tranh chấp tại Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham là một trong nhiều sự cố khi Trung Quốc sử dụng lực lượng dân quân để khẳng định các yêu sách hàng hải tại Biển Đông. Trong một vụ việc xảy ra vào năm 2009, các tàu Trung Quốc bao gồm tàu ​​đánh cá đã quấy rối tàu hải giám USNS Impeccable của Hoa Kỳ trên Biển Đông.

Vào tuần trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ - Ned Price đã đăng bài trên Twitter chỉ trích Trung Quốc sau khi hơn 200 tàu cá nước này được cho là thuộc lực lượng dân quân biển đã neo đậu tại Đá Ba Đầu, một khu vực nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế của Manila.

Ông Price viết rằng: “Chúng tôi kêu gọi Bắc Kinh ngừng sử dụng lực lượng dân quân biển của mình trong việc đe dọa và khiêu khích các nước, điều này làm suy yếu hòa bình và an ninh trong khu vực”.

Vào ngày 4/4, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines - ông Delfin Lorenzana cho biết; sự hiện diện liên tục của các tàu Trung Quốc cho thấy ý định của Bắc Kinh muốn đánh chiếm các khu vực xa hơn của Biển Đông.

Chuỗi ngọc trai

Ông Kim cho biết, việc đánh chiếm Biển Đông cũng rất quan trọng đối với sách lược của ĐCSTQ nhằm thách thức ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Ông cho rằng “Nếu Hoa Kỳ đánh mất quyền kiểm soát Ấn Độ Dương, họ cũng sẽ mất đi sức ảnh hưởng tại Trung Đông. Khi đó, Hoa Kỳ sẽ mất vị trí số một thế giới”.

“Chúng ta đang thực hiện chiến lược “Chuỗi ngọc trai” tại phía bắc Ấn Độ Dương với các căn cứ trải dài từ Thái Lan qua Miến Điện, Bangladesh, Sri Lanka và Pakistan. Nếu chúng ta hoàn thành chiến lược này và sở hữu Biển Đông, chúng ta có thể quét sạch căn cứ hải quân Hoa Kỳ tại rạn san hô Diego Garcia chỉ trong vài phút ”.

“Chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc là khái niệm được đưa ra lần đầu trong một báo cáo của Lầu Năm Góc năm 2005, nó được sử dụng để mô tả cách thức Trung Quốc lên kế hoạch gây ảnh hưởng tại Ấn Độ Dương thông qua việc tận dụng mạng lưới quân sự và khu vực thương mại của Trung Quốc tại các nước Nam Á. Tuy các quan chức ĐCSTQ công khai phủ nhận việc Bắc Kinh theo đuổi chiến lược này tại Ấn Độ Dương, nhưng trong nhiều năm qua, chính quyền Trung Quốc đã nắm quyền kiểm soát một số cảng biển tại Ấn Độ Dương dưới hình thức đi thuê.

Theo báo cáo năm 2018 của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) có trụ sở tại Thụy Điển, các cảng này bao gồm: cảng Gwadar của Pakistan với hợp đồng thuê 40 năm từ năm 2015; Cảng Kyaukpyu của Miến Điện với hợp đồng thuê 50 năm từ năm 2015; Cảng Djibouti’s Obock với hợp đồng thuê 10 năm bắt đầu từ năm 2016; Cảng Feydhoo Finolhu của Maldives với hợp đồng thuê 50 năm từ năm 2017; và Cảng Hambantota của Sri Lanka là 99 năm theo như hợp đồng thuê kể từ năm 2017. 

Quân đội Hoa Kỳ hiện có một căn cứ hỗ trợ hải quân tại rạn san hô Diego Garcia, một hòn đảo thuộc Quần đảo Chagos trong Lãnh thổ Ấn Độ Dương thuộc Vương quốc Anh (BIOT). Căn cứ hải quân này đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc chiến của Hoa Kỳ tại Iraq và Afghanistan, cũng như trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ I.

Hiện tại, một thuộc địa cũ của Anh là Mauritius và chính phủ Anh đang vướng vào một vụ tranh chấp Lãnh thổ Ấn Độ Dương thuộc Vương quốc Anh - BIOT. Vào tháng 6 năm ngoái, chính trị gia người Anh - Daniel Kawczynski đã có một bài báo trên tờ Daily Express, ông cảnh báo rằng nếu Vương quốc Anh để mất BIOT, đó sẽ là “một cuộc đảo chính nghiêm trọng cho Bắc Kinh”.

Ông Kawczynski viết rằng: “Nếu BIOT được chuyển giao cho Mauritius, tôi không còn nghi ngờ gì về việc các căn cứ hải quân tại rạn san hô Diego Garcia sẽ nhanh chóng gia nhập vào‘ chuỗi ngọc trai ’của Tập Cận Bình và trở thành mỏ neo cho một trật tự thế giới mới”.

Đánh chiếm Đài Loan

Theo ông Kim, việc toàn quyền kiểm soát Biển Đông sẽ chỉ là bước đầu tiên. Ông  cho biết, việc Mỹ bị loại ra khỏi khu vực, thì mục tiêu tiếp theo của ĐCSTQ sẽ là Đài Loan.

Đồng thời, ông Kim cũng cho rằng sự hiện diện quân sự quy mô của Trung Quốc trong khu vực có thể buộc Đài Loan đầu hàng mà không cần đổ máu.

“Nếu Đài Loan đầu hàng, Hoa Kỳ không có bất kỳ lý do gì để can thiệp,” ông Kim giải thích.

ĐCSTQ coi Đài Loan là một tỉnh ly khai cần phải thống nhất với Trung Quốc đại lục, mặc dù chế độ Bắc Kinh chưa bao giờ cai trị hòn đảo này. Trung Hoa Dân Quốc là tên gọi chính thức của Đài Loan. Trên thực tế đây là một thực thể độc lập, bao gồm giới chức lãnh đạo được bầu cử dân chủ, quân đội, hiến pháp và đơn vị tiền tệ riêng. 

Hoa Kỳ coi Đài Loan là đồng minh quan trọng tại Ấn Độ - Thái Bình Dương và cũng là nhà cung cấp vũ khí chính thức cho đảo quốc này. Tháng trước, người chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ - Đô đốc Philip Davidson đã cảnh báo trong một phiên điều trần tại Thượng viện rằng; chế độ Trung Quốc có thể xâm lược Đài Loan trong “sáu năm tới”.

Với việc Trung Quốc sở hữu Biển Đông và Đài Loan, ông Kim cho rằng Washington sẽ xem Bắc Kinh như một “đối tác bình đẳng”.

“Là những đối tác bình đẳng, Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ có thể hợp tác trong nhiều vấn đề… điều này sẽ tốt cho toàn thế giới”, ông Kim cho biết thêm. 

Phần lớn người dân Đài Loan đã khước từ việc thống nhất với Trung Quốc đại lục.

Theo một cuộc thăm dò qua điện thoại vào tháng 3 trên 1.078 người dân địa phương, cuộc khảo sát được thực hiện bởi Hội đồng Các vấn đề về Đại lục của Đài Loan, một cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm về các vấn đề của hai bờ eo biển, thì chỉ có 2,3% số người được khảo sát cho rằng họ mong muốn thống nhất với đại lục càng sớm càng tốt, và 5,3% nói rằng họ muốn duy trì hiện trạng và thống nhất với đại lục trong một ngày không xa.

Trong khi đó, khoảng 6,5% mong muốn Đài Loan chính thức tuyên bố độc lập càng sớm càng tốt; khoảng 25,1% mong rằng Đài Loan sẽ duy trì hiện trạng và sau này sẽ trở thành một quốc gia độc lập; và 27,3% muốn Đài Loan duy trì hiện trạng mãi mãi.

 Hơn 28% nói rằng họ muốn giữ nguyên hiện trạng và sau đó sẽ đưa ra quyết định về việc thống nhất hay độc lập sau đó, trong khi 5,4% còn lại không đưa ra ý kiến.

Khải Anh
Theo The Epoch Times

Đăng theo NTDVN

 

Các bài khác
Bài Xem Nhiều Nhất
BÍ ẨN
SỰ THẬT
CỬU TỰ CHÂN NGÔN
VIDEO
ẢNH ĐẸP