Ngày 11/9 đã trở thành dấu mốc đầy ám ảnh và đau thương đối với người Mỹ về sự mất mát nhân mạng thảm khốc. Nhưng thân nhân và những nạn nhân tử nạn trong vụ khủng bố gây sập hai Tòa Tháp đôi ấy hẳn được an ủi phần nào, khi một nhóm kỹ sư khoa học đã vinh danh họ trong một dự án trên Sao Hỏa.
Cuộc tấn công khủng bố ngày hôm ấy đã khiến nhóm kỹ sư chế tạo Công cụ Mài mòn Đá cho Dự án Xe vận hành thăm dò Sao Hỏa Spirits và Opportunity nghĩ phải làm một điều gì đó để vinh danh các nạn nhân theo cách riêng của họ. (Tổng hợp)
Vào lúc 8h46, một cuộc tấn công khủng bố chưa từng có đã làm rung chuyển thành phố New York khi tòa Tháp 1 bị máy bay đâm trúng ở mặt phía bắc. 17 phút sau, vào lúc 9h03, tòa Tháp thứ hai lại bị tấn công. Chỉ vài phút trước khi cuộc khủng bố xảy ra, cuộc sống ở New York vẫn diễn ra như thường lệ. Manhattan – trung tâm kinh tế và văn hóa của thế giới bận rộn hơn bao giờ hết.
Trong số rất nhiều công ty đặt trụ sở tại khu vực sầm uất xung quanh hai tòa Tháp đôi ấy, có một công ty đang thực hiện một dự án vô cùng quan trọng. Các kỹ sư của Công ty Công nghệ Tàu vũ trụ và Robot Honeybee Robotics đang thực hiện một dự án của NASA, chế tạo ra một công cụ mài mòn đá, được “đính kèm” vào tàu thăm dò Sao Hỏa với nhiệm vụ nghiền, đánh bóng các mẫu đá thu thập được từ bề mặt Sao Hỏa.
Vào đúng cái ngày tang thương đó, các kỹ sư của Tập đoàn Honeybee đang triển khai công việc ở những khâu cuối cùng, kiểm tra lại những thiết bị tinh vi của họ để chuẩn bị cho một trong những sứ mệnh quan trọng nhất kể từ khi Con người đặt chân lên Mặt Trăng.
Đột nhiên một tiếng nổ lớn vang lên khắp thành phố. Cách Tòa Tháp đôi khoảng 1 km, trụ sở của tập đoàn Honeybee rung chuyển. Cuộc tấn công khủng bố đã làm gián đoạn công việc của nhóm kỹ sư khi tình trạng khẩn cấp được ban bố ra toàn thành phố.
Trên mọi ngả đường New York, các nhân viên cứu hỏa và các đội cứu hộ đang chạy đua với thời gian để cứu sống được nhiều người nhất có thế ngay sau khi thảm họa xảy ra. Dù khá sốc, nhưng các kỹ sư của Honeybee vẫn phải nhanh chóng tiếp tục công việc với lịch trình đã được ấn định chặt chẽ theo yêu cầu của dự án.
Tuy nhiên, cuộc tấn công khủng bố ngày hôm ấy đã khiến nhóm kỹ sư chế tạo Công cụ Mài mòn Đá cho Dự án Xe vận hành thăm dò Sao Hỏa Spirits và Opportunity nghĩ phải làm một điều gì đó để vinh danh các nạn nhân theo cách riêng của họ.
Họ đã mua lại những mảnh nhôm thu hồi từ đống đổ nát từng thuộc về Tòa Tháp đôi, và quyết định tích hợp chúng vào các công cụ của tàu thăm dò. Quyết định này đến từ Steve Kondos, một kỹ sư thuộc Phòng thí nghiệm Jet Propulsion của NASA đang hợp tác chặt chẽ với Tập đoàn Honeybee trong dự án chế tạo Công cụ Mài mòn Đá.
Với sự giúp đỡ của Thị trưởng New York Rudy Giuliani khi ấy, các kỹ sư Honeybee đã có trong tay một vài mảnh nhôm cháy xém và hơi bị xoắn do sức nóng chảy từ vụ nổ sập tòa nhà gây ra, cùng dòng chú thích: “Đây là mảnh vụn từ Tòa Tháp 1 và Tháp 2”.
Điều họ cần phải thực hiện là làm thế nào để đưa mảnh kim loại gồ ghề này vào công cụ hết sức hiện đại và tinh vi của họ. Cuối họ quyết định rằng, cách tốt nhất để sử dụng các mảnh nhôm này là sẽ chế tạo nó làm lá chắn cứng cáp nhằm bảo vệ các công cụ mài mòn đá.
Sau khi hoàn thành bản thiết kế lá chắn, họ đã gửi những mảnh nhôm tới công ty chế tạo máy ở Texas. Bề mặt các tấm khiên che chắn sau đó có in dập hình quốc kỳ Mỹ. Đó là dấu ấn cuối cùng cho sự tôn vinh và tưởng niệm các nạn nhân trong ngày 11/9 ở bên ngoài không gian Trái Đất.
Tàu thăm dò Sao Hỏa đầu tiên mang tên Spirits được phóng vào ngày 10/6/2003, tiếp theo sau Opportunity được phóng lên vào ngày 7/7/2003. Ngày 3/1/2004, sau khi vượt qua hơn 55 triệu dặm đường, Spirits đã hạ cánh thành công trên bề mặt Sao Hỏa tại hố Gusev và 3 tuần sau đó, đến lượt người anh em song sinh Opportunity cũng hạ cánh thành công.
Cho đến thời điểm ấy, công chúng Mỹ vẫn hoàn toàn không hề biết công trình tưởng niệm 11/9 cho đến khi bộ đôi robot này bắt đầu có những bước di chuyển đầu tiên trên Sao Hỏa.
Chủ tịch tập đoàn Honeybee Robotics là Stephen Gorevan trả lời phỏng vấn tờ New York Times rằng, tấm lá chắn gắn trên hai robot vận hành làm bằng nhôm được thu hồi từ tàn tích của Trung tâm Thương mại Thế giới, “là một cách tưởng nhớ lặng lẽ đối với gần 3.000 người tử nạn trong vụ khủng bố và là sự vinh danh những con người đã khuất ấy trên Sao Hỏa”.
Thông cáo báo chí chính thức của NASA kết luận: “Thật vinh hạnh khi biết rằng một phần của Trung tâm Thương mại Thế giới đã ở đó, trên Sao Hỏa. Tấm khiên chắn bằng nhôm trên Sao Hỏa ấy – trái ngược với sự tàn bạo và phá hoại của những kẻ tấn công khủng bố – đã thể hiện Năng lực và niềm Hy vọng của người Mỹ”.
Kể từ khi hạ cánh xuống Sao Hỏa, bộ đôi robot này làm được những kỳ tích vượt quá sự kỳ vọng của các nhà khoa học. Theo kế hoạch ban đầu, Spirits và Opportunity chỉ thám hiểm sao Hỏa trong vòng 90 ngày, tiến hành lùng sục bề mặt hành tinh theo hai hướng khác nhau nhằm tìm kiếm chứng cứ cho thấy từng có hoạt động nước tại đây.
Cả hai thiết bị tự hành đã phát hiện nhiều dấu vết chứng tỏ có sự hiện diện của nước trên sao Hỏa cách đây hàng tỉ năm, đã khám phá ra những dấu vết của môi trường ẩm ướt đã từng có khả năng duy trì sự sống của vi sinh vật. Bộ đôi robot này đã chứng tỏ khả năng hoạt động bền bỉ vượt xa mong đợi của các chuyên gia NASA.
Những con robot 6 bánh này đã đưa về Trái Đất một kho tư liệu quý giá về Sao Hoả với hơn cả triệu bức ảnh. Nhờ có bộ đôi này, Sao Hoả không còn là thế giới xa xôi, lạ lẫm nữa, mà dường như trở nên thân thuộc như vùng lân cận quanh ta.
Mãi tới năm 2010, Spirits mới kết thúc sứ mệnh sau khi mất liên lạc với Trái Đất. Có lẽ nó đã mắc kẹt ở đâu đó trên sa mạc của Sao Hỏa, trường tồn theo thời gian và mang theo bên mình mảnh nhôm lấy từ tòa Tháp đôi có hình quốc kỳ Mỹ.
Người anh em đồng hành của nó, Opportunity vẫn bền bỉ hoạt động cho đến ngày 13/2/2019, sau 15 năm cặm cụi thu thập và phân tích nhiều mẫu vật quan trọng gửi về Trái Đất. Đây quả là một trong những kỳ tích kỹ thuật nổi bật nhất của NASA, với thời gian dài hơn 55 lần tuổi thọ so với thiết kế của dòng robot này.
Hơn thế nữa, Opportunity còn lập kỷ lục là tàu thăm dò đi xa hơn mọi thiết bị tự vận hành có bánh lái khác trên một hành tinh ngoài Trái Đất, với quãng đường di chuyển là 45,16km trên bề mặt lồi lõm của Sao Hỏa. Nên nhớ rằng, “Opportunity chỉ được thiết kế với mục đích di chuyển khoảng 1 km và chưa bao giờ được nâng cấp để tự hành quãng đường dài”, John Callas, Giám đốc dự án Opportunity của NASA cho biết.
Nhiệm vụ nổi bật của Opportunity bao gồm: Khám phá sao Hỏa ban đầu trong 90 ngày Mặt Trời, tìm thiên thạch ngoài Sao Hỏa như Heat Shield Rock, và hơn hai năm nghiên cứu miệng núi lửa Victoria.
Opportunity đã phải đối mặt với hai cơn bão bụi nghiêm trọng đe dọa nhiệm vụ khám phá sao Hỏa của nó, do bụi có thể ngăn ánh sáng Mặt Trời tiếp xúc với các tấm pin năng lượng Mặt Trời.
Robot thăm dò này đã may mắn sống sót sau cơn bão bụi năm 2007 bằng cách giảm thiểu các hoạt động, và duy trì đủ năng lượng để phục hồi khi trời quang đãng trở lại. Thật không may, cơn bão bụi vào tháng 6/2018 đã che chắn quá nhiều ánh sáng Mặt Trời, và khiến cho bầu trời bên trên Opportunity tối đen trong khoảng một tháng.
Sau khi gửi hơn 835 lệnh khôi phục đến Opportunity, bao gồm cả chương trình cuối cùng để khởi động lại hoàn toàn Opportunity, hi vọng đã giảm dần trong sự nuối tiếc của đội ngũ các chuyên gia NASA. Cuối cùng NASA phải chấp nhận sự thật rằng, sứ mệnh của Opportunity đã kết thúc.
Trong thời gian hoạt động, Spirit và Opportunity đã gửi về Trái Đất hơn 342.000 hình ảnh thô về bề mặt Hành tinh Đỏ. Hai robot thăm dò này đã cùng tạo ra 31 bức ảnh màu toàn cảnh 360 độ tuyệt đẹp về Sao Hỏa để con người chiêm ngưỡng.
Cũng giống như người “anh em” Spirits, Opportunity giờ đã “yên vị” tại một nơi nào đó vắng lặng trên Sao Hỏa xa xôi. Nhưng cả hai đã được đặt định vị trí của mình trên Sao Hỏa như là một chứng tích tưởng niệm các nạn nhân trong sự kiện 11/9 trong nhiều nhiều năm nữa ở ngoài không gian.
Xuân Trường