Một trong những khoảnh khắc kinh hoàng và đau đớn nhất trong trận lũ lịch sử tại Trung Quốc trong tuần qua, có lẽ là giây phút mà những hành khách trên chuyến tàu điện ngầm thuộc tuyến số 5 ở Trịnh Châu đã trải qua - khi đối mặt với “sinh tử” và nỗi đau phải chia xa người thân.
Vào giờ cao điểm buổi tối hôm 20/7, hàng trăm người đi làm về trên chiếc tàu điện ngầm đã bị đã mắc kẹt trong làn nước đục ngầu, và từ từ dâng cao lên quá đỉnh đầu. Chiếc tàu bị nhấn chìm bởi những dòng nước xối xả tràn vào đường hầm, và thấm vào các toa tàu.
VIDEO - TRỊNH CHÂU TẬN THẾ (Điềm Báo Chập Điện- Chim Bay Đầy Trời - Siêu Lũ - Đại Hoạ Tận Thế ở Trịnh Châu Trung Quốc)
Một số hàng khách đã đăng video lên mạng và cầu xin sự giúp đỡ. Đoạn video đầy kịch tính quay cảnh “các hành khách phải bám vào tay cầm trên trần, để giữ cho đầu của mình ngoi lên khỏi mặt nước đang dâng cao” đã gây chấn động cả nước, và gây xôn xao dư luận khắp thế giới.
Trong một video khác, một số thi thể được nhìn thấy nằm bất động trên sân ga, trong khi các nhân viên cứu hộ đang thực hiện hồi sức khẩn cấp cho những người khác.
Nhà chức trách thành phố Trịnh Châu cho biết, hơn 500 hành khách đã được sơ tán khỏi đường tàu điện ngầm ngập nước. Ước tính ban đầu có 12 người thiệt mạng và 5 người khác bị thương trong tai nạn này.
Lời kể của những người trong cuộc
‘Con có lẽ không về được’
Trên mạng xã hội và trong các cuộc phỏng vấn với phương tiện truyền thông Trung Quốc, một số người sống sót đã kể lại giây phút đối diện với “tử thần” trên chuyến tàu “ngập nước” - mà mình đã trải qua.
Trong một bài đăng trên Weibo, một phụ nữ cho biết, nước bắt đầu thấm vào tàu điện ngầm ngay sau khi tàu dừng ở giữa hai ga. Nhân viên tàu điện ngầm đã hướng dẫn hành khách rời khỏi tàu và nhanh chóng di tản qua các đường hầm. Nhưng không lâu sau, họ đều phải quay trở lại con tàu vì nước lũ đã bít các lối ra.
Sau khi mọi người quay trở lại tàu và các cánh cửa đã đóng, thì nước bắt đầu len qua các khe hở giữa các cánh cửa. Rồi dần dần dâng lên đến thắt lưng, đến ngực, rồi ngập đến tận cổ.
“Chúng tôi cố gắng đứng lên cao nhất có thể, giẫm cả lên ghế. Dẫu vậy, nước vẫn ngập đến ngang ngực”, cô gái này viết.“Tôi thật sự sợ hãi. Nhưng điều đáng sợ nhất không phải là nước, mà là không khí trong toa tàu đang giảm dần - nhiều người bắt đầu có biểu hiện khó thở”.
Cô nghe thấy một người phụ nữ khác đang cung cấp cho gia đình thông tin chi tiết tài khoản ngân hàng của minh qua điện thoại, và tự hỏi liệu mình có nên làm vậy không.
Cô gửi tin nhắn cho mẹ, bảo rằng: "Con có lẽ không về được". Nhưng khi mẹ gọi lại, cô bỗng không thốt nên lời, chỉ có thể nói rằng mình vẫn đang chờ đội cứu hộ và lập tức gác máy… để rồi dành hai tiếng rưỡi sau đó "trong trạng thái suy sụp”.
Cuối cùng, cô ngất lịm đi vì bị thiếu oxy, nhưng sau đó được đánh thức bởi tiếng chuông điện thoại. Đó là một cuộc gọi từ mẹ cô, thông báo rằng đội cứu hộ đang trên đường đến.
Đúng lúc ấy, cô nghe thấy tiếng bước chân trên nóc toa tàu. Lính cứu hỏa bắt đầu đập cửa sổ để không khí lọt được vào. Rồi nhiều nhân viên cứu hộ đến và các hành khách lần lượt được đưa ra ngoài.
Tuy nhiên, bài đăng của cô gái này sau đó đã bị xóa nên không thể xác minh danh tính, theo CNN ghi nhận.
‘Tôi đã nói lời trân trối’
Một nạn nhân khác chia sẻ với tờ China Youth Daily rằng, cô đã không thể kiềm chế và đã bật khóc khi thấy nước tràn vào tàu. Xung quanh cô, một số người khác cũng khóc. Nhưng sau đó, mọi người tự an ủi nhau, và dần dần, hầu hết đều chọn cách im lặng để tiết kiệm năng lượng và dưỡng khí.
Một số cố gắng gọi đường dây khẩn cấp, hoặc nhờ gia đình và bạn bè giúp đỡ. Nhưng tất cả đều vô ích. Đến 9 giờ tối, nước bên trong tàu đã ngập đến ngang cổ. Có cả trẻ em, phụ nữ mang thai và người già trên chuyến tàu. Mọi người đều run rẩy vì lạnh và lo sợ. Họ cố hớp lấy không khí trong từng hơi thở.
“Khoảnh khắc ấy, tôi thật sự kinh hãi. Khi tôi nhìn thấy nước đã dâng cao qua khỏi đầu bên ngoài cửa sổ, tôi đã chuẩn bị tinh thần để chấp nhận rằng, tôi sẽ không qua được đại nạn này”, cô xúc động chia sẻ.
Khi chỉ còn 30% pin trên điện thoại, cô đã tắt hết tất cả các ứng dụng khác trên điện thoại và gửi tin nhắn cho người thân, bạn bè để nói lời dặn dò và từ biệt. Nhưng cô không dám nói với cha mẹ, vì sợ họ đau lòng.
Trước đó, cô liên tục gọi để nhờ mọi người liên hệ với lực lượng cứu hộ. Nhưng vào giây phút cận kề cái chết ấy, các tin nhắn của cô là những lời dặn dò, trăn trối và thu xếp mọi việc sau khi cô qua đời.
Trận lũ 'nghìn năm có một'
Tại buổi họp báo vào tối ngày 21/7, các quan chức của tỉnh Hà Nam cho biết đã có hơn 6.000 lính cứu hỏa và 2.000 thành viên của lực lượng quân đội và bán quân sự đã được triển khai đến các khu vực bị ảnh hưởng bởi thảm họa này.
Mặc dù lũ lụt trong những tháng mùa hè là hiện tượng xảy ra hàng năm tại các vùng của Trung Quốc, nhưng những trận mưa kỷ lục gần đây đã khiến các nhà khoa học và quan chức cảnh báo, đặt ra câu hỏi: Liệu nước này có sẵn sàng đối phó với thời tiết khắc nghiệt và khó lường hơn do biến đổi khí hậu gây ra hay không.
Ông Liu Junyan, Trưởng Dự án Năng lượng và Khí hậu của Tổ chức Hòa bình Xanh ở Bắc Kinh cho biết: “Các khu vực có quá trình đô thị hóa nhanh đang trải qua giai đoạn đỉnh điểm của nguy hiểm”, khi ông công bố báo cáo về “Nguy cơ gia tăng thời tiết khắc nghiệt tại các thành phố lớn của Trung Quốc”.
Nhà chức trách tỉnh Hà Nam cho biết, lượng mưa đổ xuống thành phố Trịnh Châu vào hôm 20/7 vừa qua đạt mức chưa từng có trước đây, chiếm 1/3 tổng lượng mưa trung bình năm của cả thành phố.
Trạm khí tượng của Trịnh Châu đã mô tả mức độ mưa là "nghìn năm có một”. Trong khi đó, Sở Tài nguyên nước của Hà Nam đã gọi mực nước mưa ở các vùng của tỉnh là “5.000 năm có một”.
Xem thêm:
VIDEO - ĐẠI ĐÀO THẢI TRONG KINH THÁNH ĐANG BẮT ĐẦU?
Hà Phương
Theo New India Life
Bài gốc NTDVN