Trong “Hai phiên họp” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào năm nay, vấn đề người kế nhiệm ông Tập Cận Bình một lần nữa thu hút sự quan tâm của các giới. Hãng truyền thông CNN của Mỹ đưa tin, nếu không phát sinh sự cố ngoài ý muốn, người kế nhiệm Tập Cận Bình có thể chỉ có một người, và đó chính là bản thân ông Tập, theo Sound of Hope.
Khi mà đại dịch virus cúm Vũ Hán vẫn đang tiếp diễn ở Trung Quốc, Hai phiên họp (Lưỡng hội) quan trọng của ĐCSTQ vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch. Ông Tăng Duệ Sinh (Zeng Ruisheng), Giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Quốc SOAS, nói với CNN rằng ông Tập Cận Bình muốn chứng tỏ với đảng và các nhà phê bình rằng ngay cả dịch bệnh hoành hành cũng không ảnh hưởng đến ông. Ông Tập muốn củng cố vị trí lãnh đạo của mình trước thời điểm ĐCSTQ kỷ niệm 100 năm sinh nhật, và hy vọng bản thân sẽ được lưu danh sử sách ngang hàng với cựu lãnh đạo ĐCSTQ Mao Trạch Đông.
Với tư cách là Tổng Bí thư ĐCSTQ và Chủ tịch Quân ủy Trung ương, nhiệm kỳ thứ hai của ông Tập Cận Bình sẽ chính thức kết thúc vào cuối năm 2022 và với tư cách là Chủ tịch nước, nhiệm kỳ 5 năm thứ hai của ông Tập sẽ kết thúc vào mùa xuân năm 2023 .
Theo thông lệ của ĐCSTQ, vào đầu nhiệm kỳ thứ hai, người lãnh đạo của đảng này đều sẽ chỉ định người kế nhiệm của nhiệm kỳ tiếp theo, và sau 5 năm đào tạo, người đó sẽ tiếp quản sau khi nhiệm kỳ thứ hai của người lãnh đạo kết thúc.
Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Tập Cận Bình, người kế nhiệm như vậy đã không xuất hiện, tại Hai phiên họp năm 2018, ông Tập đã sửa đổi hiến pháp và bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với chủ tịch nước, ngoại giới nhìn nhận chung rằng ông Tập muốn nắm quyền trọn đời.
Báo cáo của CNN dẫn lời ông Tăng Duệ Sinh (Zeng Ruisheng), Giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Quốc SOAS, nói rằng trừ khi có tình huống bất ngờ xảy ra, chẳng hạn như một thảm họa lớn hoặc ông Tập Cận Bình qua đời, nếu không, người kế nhiệm có thể chỉ có một người duy nhất, và người đó chính là bản thân ông Tập Cận Bình.
Ngoài ra, một loạt động thái của ông Tập Cận Bình vào đầu năm nay cũng được cho là đang tạo thế cho tái đắc cử của ông.
Vào ngày 25/2, ĐCSTQ đã tổ chức “Hội nghị Tổng kết và Tuyên dương Xóa đói Giảm nghèo Toàn quốc” hôm 25/2. Tại hội nghị, ông Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng ĐCSTQ đã đạt được thắng lợi toàn diện trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và đã tạo ra cái gọi là “phép màu trên Trái Đất”.
Ông Lâm Hòa Lập (Lin Heli), giáo sư Khoa Lịch sử Đại học Trung văn Hồng Kông và là nhà bình luận các vấn đề thời sự, cho rằng động thái của ông Tập nhằm gây dựng “thành tích chính trị” trải thảm cho việc tái đắc cử sắp tới.
Vào ngày 20/2, lãnh đạo ĐCSTQ đã tổ chức lễ tưởng nhớ cố Chủ tịch nước ĐCSTQ Hoa Quốc Phong và học tập lịch sử đảng. Ông Tiết Trì (Xue Chi), học giả về các vấn đề Trung Quốc, về điều này đã phân tích rằng ông Tập Cận Bình muốn mượn điều này để trấn áp các cuộc đấu đá nội bộ của ĐCSTQ, muốn các phe phái trong ĐCSTQ ôn lại bài học từ ông Hoa Quốc Phong, từ đó an phận “làm người trung thực nói lời thật”.
Vào ngày 18/2, CCTV đã phát sóng một chương trình đặc biệt do Bộ Tuyên truyền Ủy ban Trung ương ĐCSTQ và Đài truyền hình Trung ương ĐCSTQ (CCTV) phối hợp sản xuất có tên “ Cận nhân bình “ngữ” —- Điển cố yêu thích của ông Tập Cận Bình” (Phần 2), chương trình này đã được kênh CCTV phát sóng trực tiếp trên các nền tảng xã hội cả trong và ngoài nước.
Ông Tiết Trì cho rằng việc ông Tập Cận Bình làm sùng bái nhân cách vào thời điểm này có nhân tố trục lợi cá nhân, ví như làm chuẩn bị cho Đại hội lần thứ 20 của ĐCSTQ vào năm tới, càng có nhân tố bảo vệ sự thống trị vốn đang lung lay sắp đổ của ĐCSTQ.
Vào tháng 1 năm nay, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, Ban Tổ chức và Ủy ban Giám sát Quốc gia ĐCSTQ đã cùng đưa ra thông báo 10 “lệnh cấm” gồm: Nghiêm cấm kết bè kết phái, nghiêm cấm mua quan bán chức, nghiêm cấm chạy chức chạy quyền, nghiêm cấm tự ý định đoạt, nghiêm cấm chào hỏi nói tốt về nhau, nghiêm cấm dùng người sai quy định, nghiêm cấm để lọt thông tin ra bên ngoài, nghiêm cấm giở trò lừa gạt, nghiêm cấm quấy nhiễu nhiệm kỳ mới. Đây cũng được coi là động thái trải thảm nắm đại quyền tại Đại hội 20 trong năm tới.
Văn Chiêu (Wen Zhao), nhà bình luận vấn đề thời sự, tin rằng việc chính quyền ông Tập thanh trừng Jack Ma và điều tra Quỹ tiền tệ Boyu Capital – một trong những cổ đông lớn của Tập đoàn Alibaba, cũng vì để dọn đường cho việc tái đắc cử tại “Đại hội 20” sắp tới mà chấn nhiếp phe cánh ông Giang Trạch Dân.
Tại Hai phiên họp của ĐCSTQ, báo chí nhà nước Trung Quốc tiết lộ rằng các quan chức cấp cao tham gia Hội nghị đã tranh nhau ca ngợi ông Tập, truyền thông nhà nước thậm chí còn tập trung những lời ca tụng ông Tập vào trong bài viết.
Bình luận viên Trịnh Trung Nguyên (Zheng Zhongyuan) đã phân tích và chỉ ra rằng phong trào ca ngợi ông Tập mới nhất ở Hai phiên họp thật sự rất hiếm thấy. Những lời bình luận tâng bốc ông Tập Cận Bình đã được Tân Hoa Xã tập trung đăng tải một cách cường điệu như vậy, hơn nữa còn đặc biệt nhấn mạnh xưng hiệu “người cầm lái” của ông Tập, điều này là học hỏi từ ông Mao Trạch Đông, thậm chí còn vượt trên cả ông Mao Trạch Đông, tin chắc rằng đây cũng là một phần tạo thế cho việc tái đắc cử tại Đại hội 20 của ông Tập.
Richard McGregor, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Lowy, một tổ chức tư vấn của Úc, đã phân tích với CNN rằng hành động “từ chối chỉ định người kế nhiệm” của ông Tập Cận Bình đã bóp chết tham vọng của bất kỳ người nào của ý định kế nhiệm. Thuận theo việc ông Tập có thể tái đắc cử, câu hỏi đang chuyển sang việc liệu ông Tập có chỉ định người kế nhiệm hay không.
Trước đó, đã có tin đồn rằng Phó Tổng lý Quốc vụ viện Trung Quốc Hồ Xuân Hoa (Hu Chunhua) và Tôn Chính Tài (Sun Zhengcai) sẽ là người kế vị tiếp theo của ĐCSTQ. Sau khi ông Tôn Chính Tài ngã ngựa, ông Hồ Xuân Hoa cũng chịu ảnh hưởng, trở nên rụt rè và thận trọng hơn.
Một ứng cử viên sáng giá khác được nhiều kênh truyền thông đưa tin gần đây là ông Trần Mẫn Nhĩ (Chen Min’er), Bí thư Thành ủy Trùng Khánh. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng với những nguy cơ lớn mà ĐCSTQ phải đối mặt cả ở trong và ngoài nước như hiện tay, người kế nhiệm của tổ chức này còn có cơ hội hay không vẫn là một câu hỏi lớn.
Theo ĐKN