Tâm sự đêm Giao Thừa giữa chú chuột vàng Canh Tý và trâu xanh Tân Sửu cùng bí quyết vượt qua thử thách
Trời tối như mực, gió bấc căm căm, mưa phùn bay lất phất.
Một đoàn binh mã nhà Trời cưỡi mây vượt gió bay lên không trung, dẫn đầu là một vị văn quan mặc áo thụng, đội mũ cánh chuồn. Đoàn binh tuy đông đảo nhưng hành không lặng lẽ, trên khuôn mặt ai nấy lộ vẻ mệt mỏi, tiều tụy. Chỉ trừ một chú chuột vàng vẫn giữ được sự linh hoạt nên có lúc lăng xăng vượt lên trước.
Họ bay đến một điểm hẹn nào đó trên bầu trời nước Việt. Xa xa đã thấy bóng dáng một đoàn binh mã cũng đông đúc không kém đang đứng đợi. Nhưng đoàn quân này tinh kỳ phấp phới, gươm giáo sáng choang, tinh thần quắc thước, điệu bộ phấn chấn. Đứng bên họ là một bác trâu đực màu xanh to lớn oai vệ miệng đang nhai bỏm bẻm và thật là đỏm dáng với cặp sừng thắt nơ hồng.
Hai đoàn binh mã tiến lại gần nhau và dừng lại. Hai vị văn quan đứng đầu của hai đoàn người bay đến tương kiến.
Lúc đó là 9h tối ngày 30 tháng Chạp năm Canh Tý.
Mỗi năm một lần, trước lúc Giao Thừa, hai vị quan Hành Khiển và tùy tùng của họ gặp nhau ở giữa không trung để bàn giao công việc nhân gian từ người cũ cho người mới. Vị quan Hành khiển của năm Canh Tý là Chu Vương Hành Khiển, quan Hành khiển của năm Tân Sửu là Triệu Vương Hành Khiển.
Nhân lúc Chu Vương bàn giao công việc cho đồng sự họ Triệu, chuột vàng tiến đến anh bạn trâu xanh như những người bạn cố tri, đã quen thân nhau từ muôn niên kỷ.
- “Chào bác Tân Sửu, sáu mươi năm rồi mới gặp lại, nom bác còn trẻ trung hơn xưa”. Chuột vàng đon đả, rồi nháy mắt tinh nghịch. “Đừng bảo em là bác “cưa sừng làm nghé” nhá”.
Trâu xanh Tân Sửu “cười như nghé”:
- Chào chú Canh Tý. Tôi bì sao được chú, như “chuột sa chĩnh gạo”. Năm qua chắc là chú no đủ sung sướng lắm.
- Bác cứ khéo đùa. Có mà “chuột chạy cùng sào”, cả một năm toàn những tai với họa. Ngay tối ba mươi Tết đi nhận bàn giao công việc từ bác lợn Kỷ Hợi thì gặp mưa rào mưa đá, “ướt như chuột lột”, đá ném tím người. Rõ là điềm báo cả một năm đen đủi.
- “Vậy à?” Tân Sửu ngạc nhiên nhìn Canh Tý thông cảm.
- Vâng. Ngay đầu năm đã gặp con virus COVID, từ Vũ Hán Trung Quốc lan khắp Âu, Á, Mỹ, Phi. Cả thế giới náo loạn. Sinh hoạt đảo lộn, kinh tế đảo lộn, người giàu cũng khóc, kẻ nghèo thành cùng quẫn. Đâu đâu cũng có người chết, ai không chết cũng đi tù.
- Sao lại đi tù?
- Thì nhiều nơi buộc phải cách ly, ai ở yên trong nhà người ấy, khác gì đi tù. Lắm địa phương ở Trung Quốc họ còn nhốt người bệnh không cho ra ngoài đến chết thối ở trong nhà. Ghê rợn lắm bác ơi. Nhưng qua vụ này, nhiều kẻ đã lộ mặt.
Tân Sửu cứ há hốc mồm vì câu chuyện ngày càng ly kỳ rùng rợn của anh bạn Canh Tý:
- Là những kẻ nào chú? Lộ thế nào?
- Lộ kẻ chế tạo virus là chính quyền Trung Quốc. Lộ kẻ đồng mưu che giấu cho chúng là tổng giám đốc WHO, lúc nào cũng len lét dấm dúi “thì thụt như chuột ngày”. Lộ cả những kẻ trước nay vẫn đạo mạo quyền uy, những “tinh hoa” của nhân loại vốn được lắm người ngưỡng mộ nhưng hóa ra chỉ là “chuột đội vỏ trứng”. Chúng vẫn giấu mặt để thao túng nhân loại, mượn tay con virus để kiếm lợi kếch xù, đổ trách nhiệm cho thất bại lãnh đạo quốc gia, hay thậm chí là những âm mưu mà người thường không tưởng tượng ra nổi. Chúng vẫn chụp mũ cho người vạch mặt chúng là tuyên truyền “thuyết âm mưu” đấy bác ạ.
- “Đúng là “cháy nhà mới ra mặt chuột” chú nhỉ”, Tân Sửu buột miệng. Nói xong bác ta mới chột dạ, liếc mắt nhìn Canh Tý vì nhớ ra mình đã lỡ lời. Canh Tý không nói gì vì đang gặm lấy gặm để một khúc ngô luộc. Vả lại, chính Canh Tý nãy giờ cũng chẳng hề nương nhẹ cho họ nhà chuột đấy thôi.
Tân Sửu tò mò nhìn Canh Tý:
- Chú chưa ăn tối à? Trông chú ăn ngon miệng nhỉ. Chắc là đói lắm.
- Em đói cả năm nay bác ạ. Vì kinh tế vốn đã bết bát do COVID, lại thêm mất mùa vì thiên tai. Nơi thì hạn hán cháy rừng, nơi thì lũ lụt chưa từng thấy. Có những đàn châu chấu lớn như những đám mây che rợp cả mặt trời bay qua cả mấy châu lục. Chúng ăn sạch mọi lương thực trên đường di chuyển. Đặc biệt, Trung Quốc bị nặng nhất.
- Nặng thế nào hả chú?
- Thì vùng phía nam trồng lúa nước bị châu chấu tàn phá nặng nề, chính quyền phải đi vơ vét lương thực từ ngoại quốc, mặt khác ra chỉ thị cho nhiều địa phương phá hết các loại cây trồng khác để trồng lúa, mặc kệ dân sắp khai thác đến nơi. Đúng là “sai con toán, bán con trâu”. Chưa hết, vùng phía nam sông Trường Giang năm nay lũ lụt khủng khiếp, nhà đổ người chết, bao nhiêu gia đình “tan đàn xẻ nghé”, thiệt hại không biết đâu mà kể. Dân đói thì Canh Tý em làm sao mà no được. Nên ngô biến đổi gen của Monsanto mà em cũng đành phải gặm đây này.
Tân Sửu vội gọi người mang ra chút gạo nếp cái hoa vàng canh tác theo kiểu nông nghiệp tự nhiên để Canh Tý dùng thay cho bắp ngô biến đổi gen tiềm ẩn nhiều nguy hại. Rồi bác sốt sắng hỏi tiếp:
- Vậy chứ Việt Nam mình có bị ảnh hưởng gì không chú?
- Nhờ Giời thương nên vụ COVID mình chỉ bị ảnh hưởng nhẹ. Nhưng lũ lụt miền Trung năm nay nặng quá bác ạ. Chưa bao giờ bị nặng như thế. Đúng là ứng vào cái điềm xấu tối 30 Tết trời mưa to, sấm chớp ầm ầm, lại có mưa đá và em thì bị “ướt như chuột lột”.
- Khổ, làm sao mà đến nỗi thế?
- Thì mình làm mình chịu thôi bác. Chặt phá rừng, làm thủy điện tràn lan nên không điều hòa được lũ. Tạo nghiệp nhiều lại phải nhận quả đắng thôi. Báo chí cũng phản ánh mãi rồi đấy, cũng chỉ như “đàn gảy tai trâu”.
Ngừng lời giây lát, Canh Tý thở dài:
- Thế cũng chưa hết, đến cuối năm trời đổ rét hại, nhất là ở vùng cao. Người dân đã đói, nay lại thêm rét, cơ cực quá. Còn họ trâu nhà bác cũng chết rét la liệt. Người nông dân Việt mình bao đời nay vẫn coi “con trâu là đầu cơ nghiệp”. Vậy mà...
Lặng im. Vì Tân Sửu nghe dồn dập những chuyện đau lòng, đôi mắt to tròn cay cay, chớp chớp, rơm rớm. Cái đầu bác cúi xuống tư lự.
Lúc ấy trên không trung, trời tối mịt mùng, gió bấc thổi hun hút, mưa bụi quất mặt, khí lạnh căm căm, ai nghe chuyện của Canh Tý mà chẳng xót xa trong dạ.
Nhưng ánh mắt thông minh của Canh Tý bỗng lóe lên như có điều gì phấn khởi:
- Nhưng qua trận lũ, vẫn thấy người Việt mình còn hy vọng, vì tình người chưa mất hẳn bác ạ. Người Việt vẫn còn lòng trắc ẩn. Có những người bỏ hết việc riêng để vào tận miền Trung làm việc cứu hộ. Một cô ca sĩ nổi tiếng thay mặt nhiều “Mạnh Thường Quân” trên cả nước góp được đến hơn trăm tỷ đồng, liều mình nơi rốn lũ để chia sẻ vật chất và tinh thần, cũng cứu giúp được bao nhiêu người. Cô được bà con trìu mến gọi là “cô Tiên”. Ở khắp nơi người ta quyên góp, gửi tiền, gửi quần áo, đồ ăn cho người dân vùng lũ. Cảm động lắm bác ạ. Tuy vậy, cũng không thiếu kẻ cơ hội “làm dơi làm chuột” hoặc “tát nước theo mưa”. Có kẻ mượn danh làm từ thiện để chiếm đoạt tiền của, phá hủy lòng tin, lại đố kỵ với người thực tâm làm việc thiện theo kiểu “trâu buộc ghét trâu ăn”.
- Ừ, nhưng cái chất của người Việt mình rốt lại vẫn là xem trọng đạo nghĩa và tình cảm chân chất theo kiểu “bầu ơi thương lấy bí cùng”, như con trâu cần cù, chịu thương chịu khó, dãi nắng dầm mưa.
- “Ái chà chà, bác tranh thủ tán dương họ nhà trâu nhé”. Chuột vàng Canh Tý cười khanh khách trêu chọc Tân Sửu. “Nhưng đúng đấy bác ạ. Nhiều người Việt mình giỏi chịu đựng, nhẫn nhịn không nói chẳng phải vì tán đồng cái xấu, cái bất công đâu bác. Chẳng qua họ chưa “chọn được mặt” để “gửi vàng” đấy thôi. “Vàng” ý là lòng tin, vì “uy tín quý hơn vàng”. Nhưng năm Canh Tý này đã xuất hiện một người.
- Là ai thế?
- Chính là “Tổng thống dân cử” của nước Mỹ - Donald Trump.
Tân Sửu gục gặc cái đầu đồ sộ, hơi có chút bối rối:
- Sao tôi nghe nói ông ấy đã thất cử trong kỳ bầu cử vừa rồi?
- Đúng, nhưng ông ấy lại được lòng dân, trong đó có rất nhiều người Việt đấy bác. Họ chiếm đa số.
- Nhưng đó là chuyện ở bên Mỹ, có liên quan gì đến Việt Nam ta đâu? “Trâu ta ăn cỏ đồng ta”.
- Trời ơi, bác Tân Sửu ơi. Bác là Tân Sửu 2021 hay Tân Sửu 1901 đấy? Tình hình thế giới nay khác lắm rồi, không thể tư duy như xưa được đâu bác. Vận mệnh của toàn nhân loại là một rồi bác. Bác không thấy, hồi ông Trump còn làm Tổng thống, thì thế giới an toàn hơn sao. Còn bây giờ, với riêng Việt Nam mình, Biển Đông lại dậy sóng rồi. Sắp tới còn không biết chuyện gì nữa đây.
- Thế sao người Việt chọn mặt ông Trump để gửi niềm tin hả chú? Chắc không chỉ vì chuyện Biển Đông và Trung Quốc phải không?
- Vâng. Vì họ thấy ông ấy yêu nước, thương dân, đã hứa là làm và làm tốt, chứ không “đầu voi đuôi chuột” như người ta. Họ mong đợi từ lâu một người chính nghĩa như thế để giúp cứu vãn nước Mỹ và nhân loại. Họ không có tổ chức, không mong báo đáp và chỉ là những người vô danh nhưng đã để lòng mình xúc động vì những nghĩa cử cao đẹp vì đất nước và nhân dân của vị Tổng thống này. Bởi thế họ ủng hộ ông ấy. Tình cảm chân chất giống họ trâu nhà bác đấy.
Chuột vàng Canh Tý nhe răng cười khoái trá trong khi trâu xanh Tân Sửu cứ cười khùng khục vì anh bạn tinh ranh khéo léo.
Nhưng trâu xanh to xác mà không hề ngờ nghệch:
- Chú cứ khéo nói. Con trâu hiền lành chân chất, nhẫn nại chịu khó là bạn của nhà nông Việt. Còn cao hơn thế, trong văn hóa thần truyền, con trâu cũng đóng một vai trò rất lớn. Con trâu xanh là vật cưỡi của thánh nhân Đạo giáo là đức Lão Tử; con trâu đại diện cho cái tâm người cần được chăn dắt thuần phục trong văn hóa Phật giáo; con trâu của những hiền nhân năm cũ như Sào Phủ, Ninh Thích; con trâu ở chòm sao sáng nhất là Ngưu, Đẩu tượng trưng cho trí tuệ trác việt… nhưng con trâu cũng có mặt ở địa ngục tăm tối, đại diện cho lũ sai nha “đầu trâu mặt ngựa”, hay những kẻ vô đạo đức, lũ bạo quyền.
Canh Tý phục lắm, bác trâu xanh Tân Sửu thật là tự biết mình:
- Vâng, bác làm em nhớ tới con yêu Độc Giác Tỷ ở núi Kim Đâu trong truyện Tây Du Ký. Nó vốn là con trâu xanh, vật cưỡi của Thái Thượng Lão Quân, nhân lúc không có người chăn dắt bèn lẻn trốn xuống trần gieo tai họa, gây bao khó khăn cho đoàn người lấy kinh. Cũng là một con trâu ấy thôi mà lúc thì là vật cưỡi hiền lành ngoan ngoãn hữu ích, lúc lại thành yêu quái gây vạ bất trị...
Trâu Tân Sửu ve vẩy đôi tai, gật gù:
- Đúng vậy, tôi cũng không bao giờ dám quên câu chuyện ấy. Nhưng Giao Thừa sắp tới rồi. Các vị quan Hành Khiển dường như đã bàn giao xong. Anh em mình sắp phải chia tay, 60 năm nữa mới gặp lại. Giờ phút này, tôi chuẩn bị gánh vác trách nhiệm năm mới, chú có nhắn nhủ gì cho tôi không?
Chuột vàng Canh Tý trầm ngâm giây lát, rồi từ tốn cất lời:
- Năm Tân Sửu này có lẽ sẽ không giống bất cứ một năm Tân Sửu nào trong quá khứ. Sẽ là một năm vô cùng thách thức. Theo thiển ý của Canh Tý em, nhân loại sẽ tồn tại vĩnh viễn nhưng mỗi cá nhân lại đứng trước một lựa chọn đi tiếp hay dừng lại. Vậy nên chỉ mong sao mỗi người hãy chọn đúng. Hãy chọn thiện lương chính trực thay vì tiền tài; hãy chọn chân thật thay vì vinh hoa hư ảo; hãy chọn nhẫn nại bao dung thay cho cường bạo tranh đấu. Và hãy chăn dắt cái tâm của mình như Phật tử chăn trâu, đừng để tâm mình như con trâu xanh vắng chủ của Thái Thượng Lão Quân, hóa ra con yêu quái gây họa cõi trần. Vẫn chỉ là một chữ “Tâm” có phải không bác?
Tân Sửu cảm động gật đầu: “Tôi hiểu rồi. “Người chết để tiếng, trâu chết để da”. Đa tạ chú Canh Tý đã ban lời vàng ngọc. Tân Sửu tôi xin ghi lòng tạc dạ. Chúc chú thượng lộ bình an!”
Canh Tý gật đầu chia tay Tân Sửu về thượng giới. Người về kẻ ở thật là bịn rịn lưu luyến.
Bỗng có ánh sáng lóe lên giữa không gian, theo sau là tiếng nổ đì đùng, từng chùm pháo hoa muôn hồng nghìn tía sáng rực trời đêm như hy vọng vào một năm mới bình an. Phố xá lung linh ánh đèn, người người nô nức trẩy hội đón xuân. Trên những mảnh sân dưới hiên từng nhà là những mâm cỗ thịnh soạn nghi ngút hương khói của lễ Trừ Tịch.
Vị Triệu Vương Hành Khiển khẽ ngâm nga:
“Tháng lụn năm cùng, sự chẳng cùng
Nửa đêm xuân, lại nửa đêm đông
Chi lan tiệc cũ hương man mác
Đào lý vườn xưa tuyết lạnh lùng
Đất có bâng khuâng chờ hội ngộ
Trời như thao thức đợi tao phùng
Gà kêu, pháo nổ, năm canh trót
Mừng cội mai già gặp chúa Đông” (*)
Tân Sửu đã tới muôn nhà.
Nguyên Phong
Theo NTDVN
Chú thích:
- Tra cứu thành ngữ về trâu tại đây
- Tra cứu thành ngữ về chuột tại đây
(*): thi phẩm “Trừ Tịch” của Đặng Đức Siêu - Đông Hồ. Trong từ “chúa Đông” thì Đông là phương đông chứ không phải mùa đông, phương đông tượng trưng cho mùa xuân.